Bài viếtNỔI BẬT
Sáng 12-8, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do ông Nguyễn Tường Văn-Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về Đề án Đề nghị công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cùng lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo chủ chốt TP. Pleiku.
Xem xét Đề án công nhận TP.Pleiku là đô thị loại I
Việc nâng loại đô thị Pleiku đã được Văn phòng Chính phủ phê duyệt trong trong chương trình Phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020 do Bộ Xây dựng đề xuất. 10 năm sau khi được công nhận là đô thị loại II, đến nay, về cơ bản TP. Pleiku đã hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Việc nâng cấp lên đô thị loại I là cơ hội, tiền đề tốt để TP. Pleiku tiếp tục phát huy tiềm năng, phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tương xứng vị trí trung tâm tỉnh lỵ, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai và là đầu mối giao thương trong vùng tam giác phát triển Lào-Campuchia-Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, đánh giá cụ thể từng tiêu chí phân loại mà TP. Pleiku đã và chưa đạt hiện nay. Cụ thể, đối chiếu với 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tổng cộng TP. Pleiku đạt 83,19 điểm. Trong đó, có 24 tiêu chuẩn đạt và vượt mức tối đa của tiêu chuẩn quy định, 29 tiêu chuẩn chưa đạt được điểm tối đa và 6 tiêu chuẩn chưa đạt (thu nhập bình quân đầu người, mật độ dân số trung bình toàn đô thị, mật độ đường giao thông, nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị).
Trên cơ sở đánh giá tại Đề án, các đại biểu đã đề ra giải pháp khắc phục đối với các nhóm tiêu chuẩn chưa đạt và chưa đạt điểm tối đa. Theo đó, trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tập trung triển khai các hoạt động, giải pháp như: tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch để góp phần tăng dân số cơ học, tạo điều kiện phát triển đô thị. Xây dựng các chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đầu tư nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Đặc biệt, thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập và phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn chỉ rõ: Nâng cấp trở thành đô thị loại I là một việc làm hết sức quan trọng, đòi hỏi dựa trên những cơ sở pháp lý, lý do và sự cần thiết cũng như tổng hợp các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về các mặt chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội. “Hiện nay, cả nước mới chỉ có 20/830 đô thị loại I. Do đó, việc xem xét, đánh giá tất cả các tiêu chuẩn phải thật sự chính xác, xứng đáng để việc nâng cấp phản ánh đúng tầm vóc, thực trạng đô thị; trong đó, trung tâm vấn đề luôn là chất lượng cuộc sống người dân”-ông Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Theo Baogialai.com.vn
Sơ Pai xây dựng thương hiệu sâm đương quy
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai) là đơn vị tiên phong trồng sâm đương quy ở huyện Kbang và bước đầu đã thu được thành công. Hiện HTX này đang nỗ lực để xây dựng sâm đương quy thành sản phẩm OCOP của xã Sơ Pai.
![]() |
Anh Hậu (bìa phải) giới thiệu vườn ương cây dược liệu đương quy. |
Năm 2017, HTX Nông nghiệp Dược liệu Quang Vinh đưa vào trồng thử nghiệm 1,7 ha sâm đương quy. Nhận thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, năm 2019, HTX đã mở rộng diện tích trồng thêm 8 ha và làm vườn ươm cây giống rộng 2,5 ha. Anh Phạm Văn Hậu-Giám đốc HTX-cho biết: Đến nay có thể khẳng định, cây đương quy rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Kbang. Đầu tháng 3 vừa qua, tôi đưa sản phẩm sâm đương quy đi kiểm tra tại Viện Dược liệu Trung ương. Kết quả cho thấy, sâm đương quy trồng ở Kbang có hàm lượng tinh dầu cao hơn nơi khác. “Hiện nay, chúng tôi đã sản xuất những sản phẩm gồm: sâm đương quy ngâm rượu, sâm đương quy ngâm mật ong, sâm đương quy sấy khô và trà thảo mộc đương quy. Những sản phẩm này đã được giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ nông sản an toàn huyện Kbang, Ngày hội Du lịch Kbang và đang được bày bán tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thêm nhà máy chế biến và đăng ký bản quyền thương hiệu sâm đương quy Quang Vinh. Sản phẩm này cũng được HTX đăng ký trở thành sản phẩm OCOP của xã Sơ Pai”-anh Hậu nói.
Cũng theo anh Hậu, Kbang có khí hậu nhiệt đới ẩm, đất có độ mùn cao, tơi xốp rất phù hợp với các loại cây dược liệu nói chung và cây đương quy nói riêng. Ngoài ra, cây đương quy còn phù hợp với khí hậu ẩm mát, có cây che bóng. Do đó, với 8 ha đương quy vừa trồng, HTX đã cho trồng xen các loại cây ăn quả để vừa làm cây che bóng, vừa tăng thêm thu nhập. Để có đầu ra ổn định, HTX đang ký kết với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh thu mua sản phẩm cho bà con với giá 25.000 đồng/kg. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, mỗi héc ta đương quy sẽ cho thu hoạch 20-25 tấn sản phẩm, sau khi trừ chi phí người dân có thể thu lãi 150-200 triệu đồng. “Chi phí đầu tư trồng đương quy khoảng 350-400 triệu đồng/ha. Việc trồng loại cây này cũng đòi hỏi kỹ thuật rất kỹ từ khâu xử lý đất, làm đất đến khâu chăm sóc để phòng ngừa bệnh và đảm bảo năng suất. Nếu xử lý đất không tốt sẽ làm cho cây dễ bị bệnh thối nhũn, nhiễm khuẩn làm giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Do đó, cây được trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học”-anh Hậu chia sẻ.
![]() |
Vườn sâm đương quy của HTX Nông nghiệp Dược liệu Quang Vinh phát triển rất tốt. |
Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Năm 2019, huyện Kbang được UBND tỉnh phân bổ hơn 3,4 tỷ đồng để triển khai chương trình OCOP. Trước mắt, huyện tập trung đầu tư khoảng 3 tỷ đồng vào việc phát triển những sản phẩm sẵn có của địa phương là cây dược liệu gồm mật nhân, đương quy, sâm đá; đồng thời hỗ trợ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm về việc quảng bá sản phẩm và tiến hành chứng nhận quy trình sản xuất an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc.
|
Ông Nguyễn Mạnh Tuyển-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-cho biết: Nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, xã đã đăng ký xây dựng sản phẩm sâm đương quy thành sản phẩm OCOP năm 2019 và giao cho HTX Nông nghiệp Dược liệu Quang Vinh triển khai. Thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của huyện hỗ trợ HTX trong việc xây dựng, triển khai phương án kinh doanh và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ về mặt quản lý, xác định nguồn gốc và thương mại hóa sản phẩm thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm, thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ do huyện, tỉnh tổ chức…
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM :
Khởi tố thanh niên đá chết người, Phát hiện tài xế taxi Mai Linh dương tính ma túy