Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại thực phẩm được sản xuất tại Gia Lai “made in Gia Lai” từ nông sản chủ lực đã cho thấy các cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đang rất chú trọng vào lĩnh vực chế biến sâu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của địa phương.
Xây dựng sản phẩm nông nghiệp “made in Gia Lai”
Nâng cao giá trị qua chế biến
Cách đây 2 năm, khi phong trào khởi nghiệp lan rộng trên cả nước thì cũng là lúc nhiều cá nhân, DN ở tỉnh ta bắt đầu cuộc hành trình mới với những sản phẩm của riêng mình. Trong đó, phong trào khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là một hướng đi đầy tiềm năng nhằm khai thác thế mạnh của địa phương. Ông Trần Văn Trong-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai-cho hay: “Nếu trước đây, sản phẩm nông nghiệp được chế biến sâu ở Gia Lai chỉ có hồ tiêu, cà phê bột thì nay có thêm sự góp mặt của những sản phẩm khác như hạt điều, sachi, mắc ca, nước ép trái cây, tinh dầu sả, tinh dầu bơ, tinh bột nghệ, bột trà xanh… Đây là những sản phẩm của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ và đều nhận được phản hồi rất tốt từ phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, không ít sản phẩm có đầu ra chưa thật sự ổn định, chưa kết nối tiêu thụ được với các tỉnh, thành khác”.
Theo ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai, chế biến sâu không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm mà còn là giải pháp giúp gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Vì vậy, thay vì xuất bán sản phẩm dưới dạng thô, nhiều DN, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Có thể thấy, sản phẩm nông nghiệp được chế biến sâu trên địa bàn đã ngày càng đa dạng từ cà phê bột, hạt tiêu, các loại hạt dinh dưỡng, tinh dầu… Hiện nay, khá nhiều DN khởi nghiệp, hợp tác xã đang hướng đến việc sản xuất nước ép trái cây và trái cây sấy khô khi mà trên địa bàn tỉnh, chỉ tính riêng diện tích cây ăn quả lâu năm như sầu riêng, bơ, mít, xoài, ổi, chôm chôm, chuối… trồng xen với cà phê đã lên tới khoảng 2.500 ha, tập trung nhiều ở các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ… Chính từ những vùng nguyên liệu sẵn có mà các DN trong tỉnh đã mạnh dạn tìm hướng đi mới thông qua việc chế biến nhằm góp phần tạo ra chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Là người luôn đeo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp sạch, chị Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) hiểu rằng, muốn gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững chỉ có cách là đi vào lĩnh vực chế biến sâu. Chị Thơm chia sẻ: “Không chỉ xuất khẩu chanh dây, chúng tôi đang tiến hành xây dựng chuỗi giá trị cho mặt hàng này qua việc chế biến tinh cốt chanh dây cô đặc, chế biến dịch chanh dây đông lạnh, sấy mứt từ vỏ chanh dây. Hợp tác xã đã liên kết với các hộ nông dân trồng chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 30 ha”. Về định hướng phát triển, chị Thơm cho biết, HTX đang thử nghiệm chiết xuất tinh dầu từ hạt chanh dây, làm trà túi lọc từ lá và thân chanh dây để khai thác tối đa nguồn dinh dưỡng quý có trong loại cây này. Ngoài chanh dây, HTX còn liên kết với các hộ trồng ổi để sắp tới chế biến sản phẩm ổi sấy dẻo và nước ép ổi.
Cũng với mong muốn tạo ra giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, chị Lê Thị Cẩm Như-chủ cơ sở sản xuất mắc ca Minh Quang (thị trấn Kbang) cũng đang trên đường xây dựng thương hiệu mắc ca Gia Lai. Chị Như cho hay, thổ nhưỡng vùng Kbang phù hợp với cây mắc ca nên người dân đã đổ xô trồng, diện tích tăng nhanh chóng. Nếu biết khai thác tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương thì sản phẩm mắc ca của Gia Lai hoàn toàn có chỗ đứng trên thị trường. Người tiêu dùng đang dịch chuyển hướng chọn lựa sản phẩm mắc ca sản xuất trong nước bởi chất lượng được đánh giá cao thay vì những sản phẩm nhập từ Úc hoặc Trung Quốc. “Hiện sản phẩm của cơ sở Minh Quang không chỉ tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà đã vào được hệ thống siêu thị ở Vũng Tàu, các cửa hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội với sản lượng khoảng 12 tấn/năm. Đây là những bước đi khởi đầu làm động lực cho cơ sở phát triển”-chị Như nói.
Theo ông Phan Thanh Thiên, các DN khởi nghiệp rất tâm huyết với lĩnh vực chế biến nông nghiệp sạch. Bằng chứng là trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều DN khởi nghiệp thành công với các sản phẩm chế biến từ những mặt hàng nông sản của Gia Lai. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của những bạn trẻ khởi nghiệp chính là nguồn vốn cũng như công tác xây dựng thương hiệu, tiếp cận mở rộng thị trường. Tuy nhiên, với những chính sách khuyến khích DN phát triển và sự vào cuộc của tỉnh trong thời gian qua, DN sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 765/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023 với mục tiêu thúc đẩy phát triển DN cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu hàng năm có khoảng 48 DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ; đến năm 2023 có khoảng 240 DN được hỗ trợ, phát triển. Theo đề án, tỉnh sẽ hỗ trợ đối với DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các lĩnh vực cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm từ gỗ, rau củ quả, các sản phẩm từ thịt bò. Các DN sẽ được hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng, xúc tiến thương mại, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường… Đây có thể coi là tín hiệu tốt để những DN khởi nghiệp ở Gia Lai xây dựng chiến lược phát triển, gia nhập thị trường trong tương lai.
Theo Baogialai.com.vn
Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, số lượng hợp đồng, giao dịch, chủ yếu là thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… liên quan đến đất đai và các tài sản khác của người dân trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng nhiều. Các tổ chức hành nghề công chứng cũng theo đó xuất hiện nhiều hơn.
Tình trạng giả mạo diễn biến phức tạp
Toàn tỉnh hiện có 15 tổ chức hành nghề công chứng gồm 3 phòng công chứng và 12 văn phòng công chứng với 33 công chứng viên. Từ năm 2016 đến 2018, các tổ chức này đã thực hiện công chứng hơn 226.000 hợp đồng, giao dịch, trong đó có nhiều hợp đồng, giao dịch đa dạng, phức tạp. Trên thực tế, do quá trình di biến động, một số chủ thể có nhiều địa chỉ và giấy tờ tùy thân cấp đã lâu nên xuất hiện tình trạng giả mạo, mạo danh chủ thể trong hoạt động công chứng. Đặc biệt, tình trạng này có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp. Đơn cử, ngày 23-4-2018, Phòng công chứng số 1 (Sở Tư pháp) thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp tài sản giữa bên thế chấp là bà Rah Mah D. và bên nhận thế chấp là 1 ngân hàng thương mại. Sau khi kiểm tra, đối chiếu, công chứng viên nhận thấy có nhiều điểm nghi vấn như ảnh trong chứng minh nhân dân không có dấu giáp lai nổi lên và không được dán khớp với ô vuông. Qua đối chiếu dấu vân tay trên hợp đồng thế chấp và trên chứng minh nhân dân của bà Rah Mah D, công chứng viên thấy không trùng khớp. Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng vẫn khẳng định mình tên là Rah Mah D. rồi… bỏ về. Sau đó, công chứng viên gửi các giấy tờ của bà Rah Mah D. sang Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) để yêu cầu giám định. Hôm sau, chủ thể thật là bà Rah Mah D. mới lên Phòng công chứng thừa nhận mình nhờ người cùng làng giả đi công chứng để vay tiền vì… không biết chữ và ngại ra đường. Sở Tư pháp đã xử phạt hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với bà Rah Mah D. về hành vi làm giả giấy tờ hoặc mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng giao dịch.
![]() |
Người dân đến giao dịch tại Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp). |
Tại vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, kẻ xấu thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của bà con để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng đã thông đồng, móc nối, cho tiền một số người có uy tín của địa phương để làm chứng việc sai sự thật. Đa số người làm chứng và người yêu cầu công chứng đều không biết chữ, đối tượng lừa đảo dẫn họ lên văn phòng công chứng để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại nói dối là làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Hậu quả của việc này là nhiều người bỗng dưng bị mất đất mà không hiểu lý do vì sao. Đơn cử như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đất đai của nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê mà Công an tỉnh đang điều tra. Trong vụ này, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Chư Sê cùng 3 cán bộ khác đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã “tiếp sức” cho tội phạm lừa đảo.
Càng xảo quyệt hơn, các đối tượng giả mạo thường xuất hiện vào lúc các tổ chức hành nghề công chứng đông khách hay gần trưa, xế chiều để có thể lợi dụng việc công chứng viên vì bận rộn hoặc nôn nao việc nhà mà không kiểm tra kỹ càng hồ sơ hòng qua mặt. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo trong hoạt động công chứng để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo quy định, công chứng viên chỉ được công chứng ngoài trụ sở trong một số trường hợp như đối với “người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. Tuy nhiên, “lý do chính đáng” ở đây là gì thì luật không quy định cụ thể rõ ràng nên trên thực tế việc công chứng ngoài trụ sở hiện nay khá phổ biến. Thậm chí, có tổ chức hành nghề công chứng còn quảng cáo phục vụ mọi lúc, mọi nơi, sẵn sàng cho nhân viên của mình đi lấy chữ ký ngoài trụ sở. Đây là điều rất đáng lo ngại vì việc xác định nhân thân của người yêu cầu công chứng, nhận dạng người thật và người trên giấy tờ tùy thân, lăn tay điểm chỉ, so sánh dấu vân tay để xác định đúng chủ thể là rất khó. Chưa hết, theo quy định, công chứng viên là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng sau khi kiểm tra đầy đủ giấy tờ. Tuy nhiên, trên thực tế, người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng lại là chuyên viên, nhân viên hợp đồng. Sau khi hoàn tất hồ sơ, chuyên viên mới mang vào phòng cho công chứng viên ký. Nếu số lượng hồ sơ và khách hàng nhiều, không phải lúc nào công chứng viên cũng kiểm tra kỹ càng.
Cần giải pháp ngăn chặn hiệu quả
Từ thực trạng trên, để hạn chế các rủi ro, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho người dân, tổ chức hiểu các quy định pháp luật cũng như mức xử lý về hành vi giả mạo giấy tờ, chủ thể; thông tin về các thủ đoạn giả mạo, mạo danh nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần phát giác và tố giác vi phạm trong nhân dân. Tiếp đó là đẩy nhanh tốc độ và đưa ra cách thức, giải pháp xây dựng quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, cung cấp và cập nhật dữ liệu thông tin công chứng được kịp thời. Một khi đã phát hiện được chủ thể giả mạo thì đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu để các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương biết được đối tượng nhằm ngăn chặn, tránh tình trạng đối tượng không giả mạo chủ thể được ở tổ chức hành nghề công chứng này thì đi đến tổ chức khác để tiếp tục hành vi sai trái. Điều cần thiết nữa là phải xây dựng, thực hiện thường xuyên quy chế phối hợp trong việc đấu tranh với hành vi giả mạo chủ thể giữa cơ quan Công an và tổ chức hành nghề công chứng. Cuối cùng là công chứng viên phải thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng phân biệt thật-giả.
“Trong thời gian tới, theo chỉ đạo tại Công văn số 1041/UBND-NC ngày 17-5-2019 của UBND tỉnh, Hội Công chứng viên tỉnh sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng về các lĩnh vực trên địa bàn để cung cấp thông tin chính xác về tài sản, ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo, mạo danh chủ thể để thực hiện các giao dịch. Có như vậy, các hợp đồng, giao dịch sẽ được bảo đảm an toàn, bảo vệ lợi ích chính đáng cho các bên, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương”-một cán bộ Phòng công chứng số 1 cho hay.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : U16 LÀO TẬP HUẤN TẠI CÂU LẠC BỘ HA.GL, ĐỘI TUYỂN U16 LÀO SANG VIỆT NAM TẬP HUẤN TẠI GIA LAI
U16 Lào tập huấn tại Câu lạc bộ HA.GL, Đội tuyển U16 Lào sang Việt Nam tập huấn tại Gia Lai