Bài viếtNỔI BẬT
Xe thu mua gỗ keo tại xã Song An (thị xã An Khê)
Trồng keo lá tràm tại An Khê thu nhập khá
Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, giá gỗ keo lá tràm tăng cao giúp nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn thị xã An Khê có nguồn thu nhập ổn định.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, hiện nay, toàn thị xã có hơn 3.315 ha rừng trồng trong quy hoạch (hơn 3.133 ha là rừng trồng sản xuất), chưa kể diện tích rừng do người dân trồng ngoài quy hoạch và đất trống. Diện tích rừng trồng chủ yếu là keo lá tràm và bạch đàn. Đây là 2 loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vốn đầu tư thấp và chỉ sau 3-4 năm trồng có thể thu hoạch bán cho các nhà máy dăm gỗ. Đặc biệt, trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, giá gỗ keo tăng lên 1,3 triệu đồng/tấn giúp nhiều hộ có thu nhập khá. Thậm chí, một số hộ có diện tích trồng keo lớn đã thu tiền tỷ từ việc bán gỗ nguyên liệu.
Ông Đinh Ngọc Lăng (thôn An Điền Nam, xã Cửu An) cho biết, gia đình ông có 3 ha keo lá tràm đang chuẩn bị thu hoạch. Hiện nay, dù giá đã giảm từ 1,3 triệu đồng xuống còn khoảng 1 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu nhưng với diện tích này, ước tính gia đình ông Lăng cũng thu được khoảng 250-300 triệu đồng. “Trồng rừng vẫn cho lợi nhuận cao hơn so với mía. Ngoài ra, trồng rừng cần ít vốn đầu tư và chỉ vất vả trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (làm cỏ khoảng 1-2 đợt/năm) nên tôi có thời gian làm việc khác”-ông Lăng chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Lăng, nhiều hộ dân ở xã Cửu An cũng đã có nguồn thu nhập khá từ trồng rừng. Theo thống kê sơ bộ, xã Cửu An có khoảng 294 ha rừng trồng và rừng sản xuất. Nhiều hộ gia đình nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Trước đây, thôn An Điền Bắc là một trong những thôn nghèo khó nhất xã. Nhờ trồng keo lá tràm, hiện nay, nhiều người dân có nguồn thu nhập khá. An Điền Bắc theo đó đã trở thành một trong những thôn giàu nhất xã.
Cùng niềm vui khi cây keo được giá, ông Phan Minh Đức (thôn Thượng An 1, xã Song An) cho hay: Gia đình ông có 10 ha keo lá tràm. Vừa rồi, ông khai thác bán khoảng 6 ha, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Theo ông Đức: “Chi phí đầu tư trồng keo lá tràm khoảng 40 triệu đồng/ha. Năng suất trung bình 1 ha trồng 7 năm có thể đạt 120 tấn. Hiện nay, người dân trồng khoảng 3-4 năm là có thể thu hoạch. Nếu giá giảm có thể để lại chăm sóc thêm”.
Thấy gỗ keo được giá nên nhiều hộ ở thị xã An Khê đã liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cùng trồng rừng để hưởng lợi. Bà Nguyễn Thị Long (thôn Thượng An 1, xã Song An) cho hay: “Do không có đất sản xuất nên gia đình tôi liên kết trồng keo với các hộ đồng bào Bahnar tại làng Pok đã được 2 năm. Hiện nay, vườn cây đang phát triển tốt, mật độ đảm bảo. Các hộ có đất, mình có vốn đầu tư, chăm sóc, sau này thu hoạch thì cùng chia lợi nhuận”.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Diện tích rừng trồng chủ yếu tập trung tại 2 xã Song An và Cửu An. Thời gian qua, giá gỗ nguyên liệu rừng sản xuất tăng đã góp phần giúp người dân các xã có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân đang tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng sản xuất để nâng cao thu nhập trong những năm tới.
Theo Baogialai.com.vn
Mùa sa nhân tím
Sa nhân tím là loại cây dược liệu chủ yếu mọc hoang dưới tán rừng. Trước đây, vào khoảng tháng 6-7 hàng năm, người dân lại nô nức vào rừng hái sa nhân về bán để kiếm thêm thu nhập.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ chuyến công tác dài ngày ở xã Sơn Lang vào năm 1979. Một sáng mùa hè, khi sương mù còn giăng trên cánh rừng như rải bột, tôi theo người chị kết nghĩa tên HVen ở làng Hà Nừng (xã Sơn Lang, huyện Kbang) vào rừng hái sa nhân. Men theo con đường quanh co luồn lách trong những tán rừng rậm, bước xuống một triền núi là gặp “vườn” sa nhân tím của gia đình chị. Tôi nhanh miệng hỏi: “Sa nhân do chị trồng à?”. Chị cười: “Yă Bok (ông bà) xí của rừng từ xưa, nay mình cứ chăm sóc là lấy quả thôi”.
![]() |
Một hộ trồng sa nhân tím ở Kbang đang thu hoạch quả. Ảnh: internet |
Đó là những lùm cây cao chưa quá đầu người, thuộc họ gừng, đoạn thân gần rễ phình to, đẻ nhiều nhánh bò trên mặt đất. Lá 2 mặt nhẵn, màu xanh lục, hình lưỡi mác bằng 2 ngón tay đầu vót nhọn. Hoa xòe loa kèn nhỏ màu trắng nhạt, có đốm vàng. Những chùm quả đeo từ thân gần rễ có hình bầu dục, to bằng ngón tay cái chen chúc nhau, quả non màu xám trắng, quả già màu tím thẫm, có nhô 3 cạnh, xung quanh quả có gai mềm, đa phần khuất trong lá cây.
Chị HVen vừa dọn gốc cắt bỏ những cành lá khô vừa hái những quả sa nhân chín bỏ vào gùi. Tôi hăm hở vặt cả những quả còn non. Chị phẩy tay bảo: “Không hái quả đó, để chờ lớn tháng sau mới hái được”. Tôi lăng xăng chạy qua ranh giới 2 vạt rừng kế đó tiếp tục hái, chị lại cản: “Không hái ở đó, của người ta xí rồi, qua đây”. Tôi quay trở lại dùng tay vạch mớ lá để tìm quả. Chị lại la lớn: “Bih, bih kắp”. Tôi hoảng hồn tự nhủ: “Mình hái giúp chị, có ăn cắp đâu sao chị nói vậy?”. Thấy tôi lơ ngơ không hiểu, chị nói lại tiếng Kinh: “Coi chừng con rắn cắn, nó nằm dưới lá ủ chờ sóc, chuột tới ăn quả để bắt đấy”.
Rồi vừa làm, chị HVen vừa kể chuyện: Những năm chiến tranh, giặc càn khiến người dân phải chạy bỏ làng, bỏ rẫy, cuộc sống đói khó. Tới mùa, thanh niên trai gái từng đoàn gùi sa nhân khô về đồng bằng để đổi lương thực, thực phẩm. Một gùi sa nhân đổi được 3 gùi hàng gồm gạo, bột ngọt, sữa, đường về cứu đói cho cả làng. Những khi chiến tranh ác liệt, bom thả xuống khoét sâu nhiều hố giữa rừng sa nhân, vậy nhưng sau đó cây vẫn lên xanh tốt phủ quanh hố bom. “Bây giờ hòa bình rồi, không phải gùi đi xa nữa, có cửa hàng tại xã, đến đó đổi gì cũng có hoặc lấy tiền để dành mua tôn về làm nhà, mua dây thép gai rào rẫy, mua quần áo cho con hoặc ra chợ An Khê mua nhiều thứ cần thiết”-chị HVen nói.
Đang hái giữa chừng, tôi bị đau bụng quằn quại nên vào bóng cây ngồi chờ. Chị đến bên cạnh hỏi han: “Đau nhiều hả? Có ba gan (thuốc) đây”. Tôi liếc mắt thấy chị hốt ra từ gùi mấy hạt sa nhân và bảo tôi bóc vỏ, lấy hạt nhai rồi uống nước vào. Tôi cắn những hạt màu đen hơi cứng, chỉ nhỏ bằng nửa hạt gạo, thấy có vị cay the dậy mùi thơm thảo dược. Mới nhai thì có vị đắng, nhưng khi uống xong hớp nước tôi lại cảm nhận trong miệng lưu lại vị ngọt nồng. Chỉ trong vòng mươi phút, tôi thấy bụng êm lại. Chị nói thêm: “Ngày xưa, khi thuốc men còn khan hiếm, dân làng dùng sa nhân để chữa đầy bụng, buồn nôn, đi tả, đi ngoài ra máu hoặc ăn uống không tiêu… Thai động xuất huyết dùng sa nhân cũng khỏi đấy! Nên nhà nào cũng phơi khô để dành phòng khi đau ốm thì nấu nước uống”.
Lúc này trời cũng đã gần chiều, đàn chim quần đảo quanh rẫy và sà xuống đám sa nhân. Chị HVen bước lại mé rừng kéo mấy sợi dây cột những thanh tre chẻ 2 dựng ở mé rừng. Nghe tiếng tre đập vào nhau, lũ chim sợ hãi bay lên. Chị còn nán lại thêm chút nữa lặp lại động tác trên cho đến khi chim bay hết thì mới ra về.
Xong đợt công tác, khi chuẩn bị về nhà, tôi ngỏ ý xin chị một ít sa nhân. Chị đổ khoảng gần 1 kg vào tay áo cũ, cột 2 đầu đưa cho tôi về làm quà. Ba lô trên lưng, tay chống gậy, tôi lội bộ trở về An Khê. Đến trạm gác cửa rừng của một lâm trường, anh nhân viên gác cổng phất tay ra hiệu tôi dừng lại. Vừa bước lại gần tôi, anh vừa bóp nắn ba lô hỏi: “Mang gì? Có phải sa nhân không?”. Tôi gật đầu. Anh yêu cầu tôi vào trạm và nói: “Hàng này là lâm sản cấm nên chúng tôi phải tịch thu”. Tôi biết dù có phân bua, xin xỏ cũng không qua khỏi đành bỏ lại tay áo đựng sa nhân rồi đi tiếp. Về đến An Khê hỏi các tiệm thuốc Bắc thì họ bảo: “Quý như sa nhân thì làm gì có đến cả ký mà hỏi!”. Nếu có, giá mỗi ký sa nhân lên đến 70-80 đồng (hồi đó lương của tôi là 42 đồng/tháng).
Khi tôi trở lại Kbang sau 40 năm, chị HVen đã về với ông bà. Cánh rừng xưa đã thay thế bởi các loại cây hoa màu, cây lâm nghiệp. Cây sa nhân tím giờ cũng được người dân trồng nhiều trên những vạt rừng năm xưa, mang lại giá trị kinh tế cao. Vậy mà tôi cứ mãi luyến nhớ một thời rừng còn nguyên sinh, nhớ tiếng chuông gió, tiếng thanh tre đuổi chim, nhớ mùi hoa sa nhân trắng tinh khôi thơm ngát hương rừng.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Gia Lai: Kẻ nhậu say đâm chết người yêu em gái ra đầu thú, Nhóm đối tượng lừa đảo liên tỉnh xộ khám