Những năm gần đây, mô hình trồng sầu riêng và bơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân ở Gia Lai trở thành triệu phú, tỷ phú.
Bài viếtNỔI BẬT
Gia đình ông Cao Văn Nguyên, làng Grang 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bắt đầu trồng bơ vào vườn cà phê cách đây 12 năm. Thời điểm này, ông chủ yếu trồng bơ ở quanh hàng rào dùng để chắn gió.
Sau khoảng 5 – 6 năm, cây bơ cho thu nhập khá cao do đó, ông đẩy mạnh trồng xen vào trong vườn. Quá trình trồng xen, ông Nguyên tuyển chọn giống khá kỹ nên bơ cho chất lượng rất cao, trọng lượng bình quân trên 0,6 kg/1 quả, có quả đạt tới gần 1,5kg. Trong khi giá bơ ở thị trường chỉ khoảng 10.000 – 30.000 đồng/kg thì bơ của ông Nguyên được trả đến 40.000 – 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Trong vườn, có những cây bơ cho sản lượng đến 4-5 tạ và cho thu nhập đến 20-30 triệu đồng. Nhờ đó, 5 ha cà phê trồng xen bơ mang lại khoản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng với cây bơ, thời gian gần đây ông Nguyên trồng thêm cây sầu riêng vào vườn cà phê và bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi cây sầu riêng đã cho thu nhập đến hơn 10 triệu đồng và hứa hẹn sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Trồng xen bơ, sầu riêng vào vườn cà phê hay hồ tiêu thời gian gần đây đã trở thành phong trào tại nhiều xã của huyện biên giới Chư Prông. Như gia đình ông Nguyễn Hô, làng Grang 2, xã Ia Phìn trồng xen cây sầu riêng vườn cà phê cách đây 8 năm, giờ cây xen canh lại là cây mang lại thu nhập chính trên mảnh rẫy 1 ha của gia đình, với khoản lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Ngô Anh Tuấn, cán bộ nông nghiệp xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, cho biết, với điều kiện thuận lợi là diện tích rộng, đất đai màu mỡ, cùng với việc chú tâm vào giống, kỹ thuật, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình trồng xen cây bơ, cây sầu riêng vào vườn cà phê hay hồ tiêu đã nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn. Nhiều gia đình trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng xen canh.
Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu trồng theo mô hình trồng xen canh, chính quyền huyện Chư Prông cũng đã có nhiều chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết, để giúp nông dân có nguồn vốn đầu tư, các tổ chức đoàn thể của huyện đứng ra tín chấp, hỗ trợ nông dân vay vốn. Đồng thời, bằng nguồn ngân sách, chính quyền huyện cấp miễn phí, hỗ trợ giống bơ, sầu riêng chất lượng cao để người dân, nhất là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tiến hành trồng xen canh. Những sự hỗ trợ này đã góp phần tăng nhanh diện tích trồng xen canh trên địa bàn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Mạnh dạn chuyển đổi và có những cách làm hay đang giúp huyện Chư Prông thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao với các mô hình trồng xen bơ, sầu riêng vào vườn cà phê, hồ tiêu. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nông dân trên địa bàn hướng đến sản xuất nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.
loading…
Theo Doanhnghiepvn.vn
Homestay giữa đại ngàn
Sớm mai thức giấc, tôi đứng trên nhà rông đưa mắt nhìn ra bốn bề là rừng núi bao quanh. Sương sớm mỏng manh, bảng lảng xen lẫn những sợi khói bay lên từ những nóc nhà sàn của Nhàng. Khí trời ẩm ướt, se lạnh bởi cơn mưa rừng dầm dề từ chiều hôm trước. Sau một đêm ngon giấc nơi đại ngàn, tôi lại được thưởng thức cảnh trí yên bình như thế ở một homestay giữa rừng Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai).
Thức dậy giữa núi rừng
Chiều hôm trước, tôi cùng bạn đồng hành chạy xe trên con đường xuyên rừng núi trong màn mưa mù mịt mà lòng thấp thỏm lo lắng. Trời càng lúc càng tối mà chưa thấy một nóc nhà nào chứ đừng nói đến homestay-nơi chúng tôi được giới thiệu trước đó. Thế rồi, khi chỉ cách Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng chừng 1 km, chúng tôi khấp khởi khi thấy thấp thoáng 4 nóc nhà mái ngói ẩn hiện. Gõ cửa một ngôi nhà, chúng tôi gặp Nhàng-chủ nhân của homestay này. Cô con gái vừa tròn tuổi rưỡi được Nhàng địu vắt vẻo trên lưng. Ngập ngừng đón những vị khách không báo trước, Nhàng nói: “Các chị thích ở nhà nào cũng được. Trong nhà có mền, chiếu, ti vi đầy đủ nhưng nhà vệ sinh thì chưa hoàn thiện, phải đi hơi xa. Nhà rông cũng có thể ngủ được, lại có nhà tắm, nhà vệ sinh”. Chúng tôi chọn lưu trú ở nhà rông dù nó khá to so với nhu cầu sử dụng.
![]() |
Ngôi nhà rông được đầu tư bài bản có thể làm nơi lưu trú cho những đoàn khách đông người. |
Vì không hẹn trước nên Nhàng không chuẩn bị sẵn thực phẩm. Sau một hồi thống nhất, chúng tôi nhờ Nhàng làm thịt một con gà, mua vài gói mì tôm, vài quả trứng, một ít gạo, mượn thêm chiếc xoong và gia vị để tự nấu nướng. Một bếp lửa dã chiến xuất hiện dưới gầm nhà rông. Trời vẫn mưa rả rích. Nồi cháo sôi sùng sục trên bếp khiến dạ dày ai cũng réo inh ỏi. Xì xụp bên bếp lửa ấm sực trong khi bên ngoài mưa vẫn rơi, rừng núi dần chìm vào màn đêm, chúng tôi thấy lòng bình yên một cách lạ thường.
Nhàng cho biết mình từng là nhân viên của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, công việc chính là bảo vệ rừng, dẫn các đoàn khách đi tham quan. Nhưng mức lương chưa đến 3 triệu đồng không đủ để níu Nhàng gắn bó lâu hơn với công việc. Được chính quyền xã hướng dẫn, Nhàng bàn với mẹ và chồng mua lại mảnh vườn gần Khu Bảo tồn để đầu tư làm homestay. “Sau khi mua đất, em cùng với mẹ dồn tiền làm 4 ngôi nhà sàn nhỏ, mỗi nhà đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Dù chưa hoàn thiện nhưng tụi em cũng đã đón khách rồi. Đợt đông nhất có đến gần 80 người, chỗ ngủ không đủ phải mắc thêm võng ở gốc cây. Ngoài ăn uống được phục vụ theo yêu cầu thì mọi người còn xuống suối bắt cá, bắt ốc, thấy ai cũng vui”-Nhàng hồ hởi kể lại.
Còn nhiều khó khăn
Để xây dựng homestay, góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, chính quyền xã đã hỗ trợ gia đình Nhàng 60 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng thanh niên, dân làng, Công an cũng giúp san ủi mặt bằng, dựng nhà. Trên mảnh đất rộng, xã cho xây dựng 1 ngôi nhà rông trị giá 600 triệu đồng và giao cho mẹ con Nhàng trông coi. Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, những ngôi nhà vẫn còn thơm mùi gỗ mới, chăn mền cũng còn tinh tươm. Lối dẫn vào từng nhà lát gạch xinh xắn, trước hiên treo vài chậu cây trang trí. Nhìn sơ qua cũng biết chủ nhân của chúng đã biết cách chăm chút dù vẫn còn đôi chút bỡ ngỡ. Sao không bỡ ngỡ cho được khi Nhàng là người tiên phong thử nghiệm hình thức lưu trú này ở nơi cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số, lại nằm giữa bốn bề núi rừng. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng-đánh giá: “Khi đề án phát triển du lịch của Khu Bảo tồn được tỉnh phê duyệt thì nơi này ắt có đông du khách ghé thăm. Đó là điều kiện giúp bà con sống tại vùng đệm của Khu Bảo tồn có thêm sinh kế từ kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ lưu trú homestay”.
Dù vậy, homestay giữa đại ngàn này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là kinh phí. Dù được hỗ trợ nhưng số tiền để đầu tư cho các ngôi nhà là không hề ít. Ngoài khoản thu nhập từ nông sản, Nhàng đều phải đi vay mượn. Trong khi chờ đợi homestay cho thu nhập ổn định, Nhàng vẫn ngày ngày đau đầu với các khoản chi phí. Ngoài ra, kỹ năng cũng như kinh nghiệm phục vụ lưu trú, dịch vụ ở nơi này vẫn chưa đủ tiêu chuẩn. “Vì thế, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn tận tình của ngành Du lịch gắn với đẩy mạnh tuyên truyền để ngày càng nhiều người biết đến, thu hút du khách tìm về nơi này trải nghiệm”-Giám đốc Khu Bảo tồn đề xuất.
Theo Baogialai.com.vn
Nỗi buồn làng Klá
Chỉ sau một đêm, hàng chục thanh niên trai tráng của làng đã rơi vào vòng lao lý, để lại những mảnh đời hẩm hiu, côi cút dưới những mái nhà sàn ngả màu mưa nắng.
Đó là làng Klá (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), nơi có 17 thanh niên phải vào tù vì liên quan đến một vụ án mạng xảy ra vào ngày 22-10-2018 khiến 1 người ở làng Đrơn (xã Pờ Tó) tử vong.
Bữa tiệc bi kịch

Từ chỗ là ngày vui của đôi lứa trong làng, bỗng chốc hôm ấy biến thành một ngày đầy ám ảnh. Đó là ngày anh Đinh Tót (SN 1998) tổ chức buổi lễ bỏ củi-tức lễ ăn hỏi. Lũ làng kéo nhau đến chúc tụng chàng trai siêng năng, vạm vỡ của làng sắp lấy được cô vợ như ý. Trong ngày vui ấy có cả những thanh niên ở các làng lân cận. Bữa rượu kéo dài từ chiều đến tối, ai nấy đều chếnh choáng hơi men.
Rượu vào, lời ra, những cái đầu bắt đầu nóng lên. Đinh Uac (SN 1998) bỗng nhớ lại câu chuyện bị Đinh A Lĩu (SN 2001, trú tại làng Đrơn, xã Pờ Tó) cùng một số thanh niên làng Đrơn đánh trong một lần Uac đến làng này chơi. Bởi vậy, khi nhìn thấy Lĩu cùng đám thanh niên làng Đrơn trong lễ bỏ củi, Uac đã cùng đám thanh niên làng Klá cầm cây định đánh. Nhóm Lĩu thấy vậy cũng cầm cây, đá ném lại rồi cố tình rồ ga, nẹt pô để thách thức, khiêu khích. Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đấy và sẽ không có bi kịch nào xảy ra nếu không có sự tiếp tay của “ma men”.
Nghĩ rằng nhóm trai làng Đrơn sẽ tìm người quay trở lại đánh mình, những thanh niên làng Klá bắt đầu hô hào khắp làng rằng có người chuẩn bị đến làng quậy phá, đánh nhau. Thế rồi, chẳng mấy chốc, 27 thanh niên làng Klá đã tay dao, tay gậy, tay đá tập trung sẵn sàng để “bảo vệ” làng. Lũ trai làng chia nhau mỗi nhóm một khu vực, chực chờ nhóm thanh niên làng Đrơn quay lại, không khí như đánh trận. “Mình không biết nhóm làng Đrơn, mình chỉ nghe rằng có người sắp đến đánh người làng mình, thanh niên làng ai cũng ra cả nên mình cũng cầm gậy và đá theo để cùng anh em trong làng chống lại người ta thôi”-Đinh Thi (SN 1997) hồn nhiên nói. Có những thanh niên vốn chỉ quen cầm cái cuốc, cái liềm ra ruộng rẫy cũng nghe theo lời hô hào bâng quơ ấy để rồi cầm hung khí ra nghênh chiến.
Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 22-10-2018, khi nhóm của Lĩu lái xe quay trở lại ngang qua làng Klá đã bị hàng chục thanh niên cầm đá, cầm cây ném. Riêng Đinh Thuôr (SN 1994), Đinh Phi (SN 1993) được xác định đã dùng dao ném thẳng vào trước ngực của Lĩu khiến nạn nhân tử vong. Với tội danh “Giết người”, 2 đối tượng này đã lãnh mức án 16 năm tù, nhóm trai làng còn lại lãnh án 12-36 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Nỗi lòng người mẹ

Làng Klá bây giờ bao trùm sự ảm đạm. Dưới mái nhà có những đứa con tù tội, những người mẹ đã khóc khô nước mắt. Bà Đinh Que-người có đến 3 đứa con phải vào tù trong vụ án này đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Đêm hôm ấy, khi nghe tin đứa con trai cả Đinh Thuôr và các em Đinh Uac, Đinh Đế (SN 2000) trong nhóm đánh chết người đang bị Công an truy bắt, bà lục đục đánh thức chồng dậy rồi cùng lũ làng kéo lên trụ sở UBND xã Pờ Tó hỏi thăm tình hình. Cả đêm không ngủ, 2 vợ chồng bà lo âu chờ tin với hy vọng nhỏ nhoi rằng những đứa con mình không phải là người gây nên tội. Nhưng rồi, lần lượt 3 đứa bị bắt khi đang lẩn trốn ở chòi rẫy trong rừng. Tim bà thắt lại khi thấy chúng bị còng tay đưa đi, gương mặt hốc hác, phờ phạc, ánh mắt van lơn ân hận nhìn mẹ.
Hơn 50 tuổi, “gia sản” của bà chỉ là 5 cậu con trai. Từ nhỏ, lũ trẻ nhà bà ham chăn trâu, cắt cỏ chứ không cắp sách đến trường. Là hộ nghèo trong làng nên ông bà cũng muốn có thêm người lao động, cũng bởi khuyên con đi học nhưng không đứa nào chịu đi cả. Thế nên, cả 5 đứa đều không đến trường, có chăng cũng dang dở chuyện học hành từ rất sớm. Cưới vợ cho 3 cậu con trai, trong đó có Thuôr, Uac, ông bà tưởng chừng đã có thể mãn nguyện, có cháu bồng, cháu bế. Nhưng giờ đây, ngôi nhà sàn đặc quánh không khí buồn bã khi Thuôr đang ở trong tù; Uac và Đế chuẩn bị thi hành án.
Từ ngày Thuôr bị bắt, bà Que mới chỉ gặp được con đúng 2 lần khi đến thăm nuôi ở trại tạm giam. Ngày xảy ra án mạng, vợ Thuôr đang mang thai đứa con đầu được vài tháng. Bởi thế, Thuôr cũng chỉ biết mặt con qua những lần thăm nuôi hiếm hoi mà chưa một lần được ẵm bế giọt máu của mình. Bà Que nghẹn ngào: “Tôi với vợ nó bế con lên, nhưng nó ngồi cách một bức tường nên không bế con được lần nào. Cả nhà cứ thế nhìn nhau khóc. Nó ở trong tù mười mấy năm, rồi không biết vợ con nó sẽ phải sống ra sao…”. Sau một hồi im lặng, bà Que buồn bã chia sẻ, vì có đến 3 đứa con liên quan trong vụ án, gia cảnh khó khăn nên ông bà phải bán đi 1 con trâu và 1 con bò để đền cho gia đình Lĩu. Tất cả thu nhập của 2 vợ chồng già bây giờ chỉ trông vào 1 ha mì đang trong mùa khô hạn, vậy nên dù đã lớn tuổi ông bà vẫn phải đi làm thuê kiếm sống.
Bà Đinh Uên cũng ngày ngày lầm lũi mang theo nỗi buồn vời vợi khi có 2 cậu con trai là Đinh Phi và Đinh Thi liên quan đến vụ án mạng. Phi hiện đã phải chấp hành án, còn Thi cũng đang chờ ngày triệu tập đến trại giam. Chồng mất đã lâu, bà ở vậy nuôi 7 đứa con khôn lớn. Bao khổ cực, lam lũ bà đều cam chịu được, nhưng chứng kiến cảnh 2 con trai phải đi tù, bà gần như gục ngã. Năm nay đã qua hơn 60 mùa rẫy, bà không biết mình có đợi được đến ngày con ra tù không, hay sẽ qua thế giới bên kia mà không một lần được ôm con vào lòng như thuở ấu thơ. Nhìn bà, tôi chợt nghĩ, nay mai, khi Thi tiếp tục đi tù, không biết nỗi trống vắng sẽ còn hành hạ bà thế nào.
Giọt nước mắt muộn màng

Trong những ngày chờ tiếp tục thi hành án, Uac vẫn tất tả đi làm thuê để trả nợ. Vợ chồng Uac có một bé gái 19 tháng tuổi, nhưng vì đau ốm thường xuyên và ăn uống đói kém nên cháu chỉ nặng hơn 7 kg. Mỗi lần con ốm đau, Uac lại phải chạy vạy vay mượn để có tiền điều trị, chăm sóc. Tiền đã mượn rồi nên bây giờ mỗi khi có việc người ta lại gọi Uac đi làm, mỗi buổi chỉ tính tiền công khoảng 20.000-50.000 đồng tùy công việc rồi trừ vào tiền nợ. Uac cứ thế nai lưng đi làm để trả nợ rồi lại vay vay, trả trả. Ngày chưa vướng vào vòng lao lý, vợ chồng Uac đi làm cũng chỉ đủ ăn. Rồi Uac đi tù 8 tháng, cuộc sống càng trở nên khó khăn khi một mình chị Đinh HRach-vợ Uac phải lo cho đứa con gái bé bỏng. Gửi con cho ông bà nội, chị H’Rach lặn lội đi làm thuê, làm mướn khắp vùng, từ làm cỏ mì, bốc rơm, gặt lúa đến cả những công việc nặng nhọc như bốc vác.
Anh Hoàng Tuấn Linh-Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn Ia Pa: “Huyện Đoàn vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đối tượng hướng đến chính là thanh niên. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã tổ chức các phiên tòa giả định về một số vụ án điểm, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên địa phương. Riêng ở làng Klá, sau khi vụ án xảy ra, Huyện Đoàn cùng chính quyền địa phương đã tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các gia đình có con em liên quan, thông qua đó lồng ghép tuyên truyền, lấy đó làm bài học cho thanh niên làng Klá nói riêng và thanh niên trên địa bàn huyện nói chung”.
Uac kể, những ngày bị tạm giam là khoảng thời gian dằn vặt nhất đời mình. Giữa 4 bức tường lạnh lẽo của trại giam, Uac nghĩ về vợ con, cha mẹ, anh em mình mà lòng như thắt lại. Uac nhớ gia đình, nhớ mùi hương lúa thơm ngào ngạt ở cánh đồng, nhớ khói lam chiều quẩn quanh bên những mái nhà trong làng Klá mà nước mắt cứ trào ra.
Những ngày này, Thi cũng quyến luyến cậu con trai kháu khỉnh hơn 2 tuổi của mình. Cậu bé có đôi mắt trong veo ấy mỗi lần thấy bố là mè nheo đòi bế. Sáng dậy, mỗi lần không thấy bố đâu, cậu bé lại khóc vang nằng nặc đòi mẹ bế đi tìm. Nhưng đứa trẻ ấy đâu biết rằng, người bố đang chuẩn bị phải xa gia đình để chấp hành mức án 2 năm tù. Bế chặt đứa con trong tay, Thi rơm rớm nghĩ về cái ngày sẽ phải rời xa con. Thi âu sầu: “Đã lỡ lầm rồi, mình không biết có chịu đựng nổi khi xa mọi người không nhưng cũng phải cố gắng thôi để sớm về với vợ con, với mẹ. Sau khi ra tù còn phải trả nợ vì phải vay mượn để đền bù cho người nhà Lĩu nữa”.
Hoàng hôn đổ bóng xuống bãi cỏ trước sân nhà rông. Trước kia, mỗi buổi chiều tà, lũ trai làng Klá lại tụ tập về đây đánh bóng chuyền, đá bóng rồi ca hát chờ trăng lên. Nhưng bây giờ, bãi cỏ ấy trống huơ, trống hoác trong cơn gió cuối thu. Trên sân, chỉ lác đác vài bóng trẻ con đang chơi trò đuổi bắt…
Theo Baogialai.com.vn
Ia Grai: Tái canh gần 620 ha cà phê
Từ đầu năm đến nay, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã xuất hơn 749 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ 187.300 cây cà phê giống TRS1 cho người dân tái canh.
![]() |
Những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng sẽ được huyện tập trung tái canh. |
Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xét duyệt cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng theo chương trình tái canh cà phê. Qua đó, các ngân hàng đã giải ngân cho vay tái canh cà phê được 3,291 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp 3,232 tỷ đồng, người dân hơn 59 triệu đồng.
Đến nay, tổng diện tích cà phê tái canh trên địa bàn huyện là gần 620 ha, đạt gần 128% kế hoạch tỉnh giao; trong đó, người dân tái canh được 381 ha, các doanh nghiệp tái canh được hơn 238 ha. Qua theo dõi, giống cà phê hỗ trợ cho người dân tái canh có tỷ lệ sống cao, hầu hết đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Tăng cường hỗ trợ người nghèo
An Giang: Tích cực vận động Quỹ ‘Vì người nghèo’ năm 2019
Quảng Bình: Tín dụng chính sách giúp người dân thoát nghèo
Quảng Trị: Cấp gần 31.000 thẻ Bảo hiểm Y tế cho người dân tại huyện nghèo 30a
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, kiêm Phó Trưởng ban vận động Quỹ “Vì người nghèo tỉnh” cho biết: Quỹ được hình thành ở 4 cấp là trung ương, tỉnh, huyện và xã. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã triển khai các hình thức tuyên truyền thiết thực kêu gọi hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” cũng như tổ chức gặp gỡ vận động trực tiếp tại một số đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ.

Cũng theo bà Lan, từ ngày 17/10/2018 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh đã thu được gần 9,8 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chuyển về 260 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 300 triệu đồng, cấp tỉnh vận động được 1,5 tỷ đồng, cấp huyện vận động được gần 5,9 tỷ đồng, cấp xã vận động được 1,9 tỷ đồng.
Từ nguồn trên, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã giải ngân xây mới gần 190 căn nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa gần 50 căn nhà; trao tặng 100 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học trong tỉnh nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020; giúp phát triển sản xuất, khám-chữa bệnh, cùng một số nội dung hỗ trợ khác với tổng số tiền gần 10,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán 2019, cùng với kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tỉnh bạn hỗ trợ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức vận động quyên góp tặng 28.610 suất quà cho các đối tượng chính sách và người nghèo với giá trị gần 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo cũng có nhiều hoạt động quan tâm giúp đỡ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Những địa phương xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” đạt kết quả khá cao như TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa và An Khê, huyện Đắk Đoa, Ia Grai, Phú Thiện…
Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc các địa phương đã phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Các tổ chức chính trị, xã hội các cấp quan tâm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên về mục đích và ý nghĩa của Quỹ, triển khai xây dựng nhà ở cho đoàn viên, hội viên, thiết thực giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các đơn vị khối doanh nghiệp nhiều năm qua cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động vì người nghèo và an sinh xã hội.
Ông Hồ Văn Điềm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, kiêm Trưởng ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh nhấn mạnh: “Để góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình an sinh xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Mặt trận tổ quốc và Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, gắn với đa dạng hình thức và nguồn lực hỗ trợ người nghèo. Tăng cường giám sát, kiểm tra công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng Quỹ ở các cấp để tránh sai sót. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp có những đóng góp tích cực trong tham gia xây dựng Quỹ và hoạt động vì người nghèo ở các cấp”.
Theo baodansinh
XEM THÊM : Báo mới Gia Lai cập nhật ngày 12/10. Gia Lai: Đua nhau trồng cây sachi, “vỡ mộng” vì cây “tiền tỷ”
Báo mới Gia Lai cập nhật ngày 12/10. Gia Lai: Đua nhau trồng cây sachi, “vỡ mộng” vì cây “tiền tỷ”