Trẻ bị ho là tình trạng thường gặp mỗi khi nhiễm lạnh hay thay đổi thời tiết. Nhiều trẻ bị ho kéo dài, ho về đêm hoặc ho kèm theo sổ mũi, nôn trớ khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Vậy khi trẻ ho nhiều phải làm sao, cha mẹ cần làm gì?
Trẻ ho nhiều phải làm sao? Cách chữa trị
1.Tại sao trẻ bị ho?
Ho là một trong những biểu hiện của cơ thể nhằm phản ứng lại các tác động từ bên ngoài lên cơ thể của trẻ. Ho cũng là cách cơ thể hạn chế sự xâm nhập của dị vật hoặc đơn giản là để đào thải dịch tiết ra khỏi cơ thể. Trẻ bị ho thường là do những nguyên nhân sau:
Trẻ bị ho – cha mẹ cần bình tĩnh tìm nguyên nhân
1.1. Do đường hô hấp trên
Mũi, họng, amidan, xoang,… là những cơ quan thuộc hệ hô hấp trên. Đây là những bộ phận gần như tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, chính vì thế chúng rất dễ bị ảnh hưởng.
Những cơn ho xuất phát từ đường hô hấp trên thường là do cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm amidan,… Các bệnh lý này không hiếm gặp và thường không gây nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm.
1.2. Do đường hô hấp dưới
Những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới thường nghiêm trọng hơn. Cơn ho xuất phát từ đường hô hấp dưới thường là do viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen,… Những bệnh lý này nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
1.3. Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị ho đó là trào ngược dạ dày thực quản, ho do tác nhân vật lý, sặc nước, sữa, ho do dị ứng hoặc do hút thuốc lá thụ động,…
2.Tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân trẻ bị ho
Các cơn ho phần nào nói lên được tình trạng sức khỏe của trẻ. Những cơn ho có đờm sẽ khác cơn ho khan. Dưới đây là những triệu chứng ho thường gặp ở trẻ mà cha mẹ cần lưu tâm.
Chú ý đến các cơn ho của trẻ để có cách điều trị phù hợp
2.1. Ho khan
Ho khan thường là biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đó là những bệnh như cảm lạnh, cảm cúm do nhiễm trùng vùng mũi, họng gây ra. Đôi khi ho khan cũng là biểu hiện của viêm phế quản hay viêm phổi, các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới. Ngoài ra, việc hút thuốc lá thụ động cũng khiến trẻ bị ho khan.
2.2. Ho có đờm
Đờm là chất dịch nhầy tiết ra từ đường hô hấp dưới. Khi trẻ bị ho có đờm, nguyên nhân thường là do viêm phế quản, hen suyễn hay viêm tiểu phế quản và các bệnh liên quan đến đường hô hấp dưới. Cơn ho có đờm thực chất là để cơ thể loại bỏ lượng dịch nhầy ra khỏi cơ thể.
2.3. Ho gà
Khi trẻ bị ho gà, âm thanh phát ra nghe giống như tiếng rít. Triệu chứng của ho gà cũng giống như bị cảm lạnh nhưng cơn ho gà sẽ càng lúc càng nặng hơn và có thể khiến trẻ bị thiếu oxy, khó thở và tím tái. Cha mẹ cần hết sức lưu tâm trường hợp này.
CÁCH GIÚP TRẺ GIẢM HO, DỄ CHỊU HƠN?
Dù có lệnh cấm dùng thuốc trị ho cho trẻ dưới 4 tuổi và đa số thuốc ho trên thị trường đều không có tác dụng nhưng không có nghĩa là mỗi lần con ho chúng ta chỉ có thể để kệ con vì nếu ho nhiều, ho dữ dội trẻ sẽ nôn ói, không ngủ được, khó chịu…. Có nhiều cách để giảm cơn ho tạm thời cho trẻ an toàn mà bố mẹ có thể sử dụng như mật ong. Một nghiên cứu gần đây nhất được thực hiện ở Irasel cho thấy uống các loại mật ong trước khi đi ngủ giúp cải thiện đáng kể độ nặng của cơn ho, tần số của cơn ho cũng như giúp trẻ và bố mẹ ngủ tốt hơn.
Tuy nhiên mật ong có nguy cơ nhiễm bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum có thể làm ngộ độc, liệt cơ, gây tử vong nên không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi, bố mẹ có thể thay bằng đường phèn. Bố mẹ có thể ngâm mật ong với chanh đào, húng chanh, quất, hoa hồng bạch…, chỉ cần chú ý chọn nguyên liệu đầu vào an toàn từ những nguồn tin tưởng, uy tín, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất… Ngoài ra, có một số loại siro ghi là trị ho nhưng không phải là thuốc trị ho bị cấm sử dụng cho trẻ trong danh sách trên mà chủ yếu làm từ thảo dược như mật ong, chanh… có thể sử dụng cho trẻ.
XEM THÊM : 20 Thực phẩm giúp tăng sức đề kháng phòng dịch bệnh do Virus Corona
Khi có gió nhiều, nhiệt độ thay đổi đột ngột, độ ẩm trong không khí thay đổi nhanh… có thể khiến trẻ ho nhiều thêm nhưng chỉ là tạm thời và không ảnh hưởng đến bản chất, nguyên nhân cũng như diễn tiến ho của trẻ, có nghĩa là tạm thời khiến trẻ ho nhiều hơn nhưng không làm trẻ nhanh khỏi hay lâu khỏi ho hơn vì nguyên nhân ho (là virus hay vi khuẩn) vẫn không hề bị tác động. Vì vậy, việc tránh gió, tránh lạnh, mặc ấm, tránh máy lạnh, tắm biển, chơi ngoài trời… không có nhiều ý nghĩa trong việc phòng tránh, điều trị nguyên nhân ho, chỉ giúp bé đỡ ho hơn mà thôi.
Bên cạnh đó, để giúp trẻ bị ho dễ chịu hơn, bố mẹ có thể dùng cách cách sau:
- Cho bé uống nhiều nước, nước ấm hoặc nước táo (nhất là cho trẻ từ 3 tháng – 1 tuổi chưa dùng được mật ong)
- Massage ngực và bụng cho trẻ để giữ ấm, giúp trẻ dễ chịu
- Tắm nước ấm, tăng cường độ ẩm để giúp trẻ dễ chịu hơn
- Cho trẻ ăn súp gà (trẻ trên 6 tháng)
- Nâng cao đầu bé khi ngủ: bạn nên nâng đệm hoặc nâng giường lên sẽ an toàn hơn là dùng gối vì dùng gối tăng nguy cơ tử vong đột ngột khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Bạn có thể đặt 2 khối gỗ ở dưới giường hoặc đệm để nâng lên, chú ý đảm bảo chắc chắn cho giường và cũi.
- Súc miệng nước muối (với bé trên 4 tuổi hoặc bé biết nhổ thành thạo)
- Nếu bé bị ho và sổ mũi bạn có thể kết hợp rửa mũi, nhỏ mũi
KHI NÀO TRẺ HO NÊN ĐI KHÁM?
- Ho kéo dài hơn 2 tuần: trẻ có thể bị ho dai dẳng do 2 đợt bệnh liền nhau đều lành tính nhưng vẫn cần bác sĩ thăm khám và chẩn đoán
- Có dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, co lõm ngực bụng, cánh mũi phập phồng
- Có tiếng rít hoặc tiếng bất thường khi hít thở
- Lừ đừ, mệt, tái xanh
- Nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước (môi khô, khóc không ra nước mắt…)
- Sốt cao
- Trẻ dưới 6 tháng hoặc khi bố mẹ cảm thấy lo lắng
Nguồn Tổng Hợp
Discussion about this post