Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định truy tố 13 bị can thuộc Công ty TNHH một thành viên Nhất Tín Phát Gia Lai về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
“Tín dụng đen” tại Gia Lai núp bóng doanh nghiệp
Các bị can bị truy tố gồm: Đặng Thế Biên (SN 1976, trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, tạm trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku), Vương Quốc Tuấn (SN 1986, trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội), Trần Quốc Điệp (SN 1981, trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội), Nguyễn Thanh Hải (SN 1992, trú tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tạm trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), Nguyễn Minh Vương (SN 1984, trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), Vũ Xuân Toàn (SN 1998, trú tại phường Đống Đa, TP. Pleiku), Nguyễn Bá Duy (SN 1998, trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah), Lê Văn Thạch (SN 1985, trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), Lê Bình Minh (SN 1993, trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), Đặng Bá Tùng (SN 1993, trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), Nguyễn Đức Quân (SN 1993, trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội), Đặng Minh Hiếu (SN 1996, trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah), Nguyễn Phú Quốc (SN 2001, trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah).
Kết quả điều tra xác định, Đặng Thế Biên là đối tượng chủ mưu của vụ án trên. Cuối năm 2017, Biên vào Gia Lai thuê nhà ở với mục đích thành lập công ty để hoạt động “tín dụng đen”. Do không có hộ khẩu tại Gia Lai nên Biên đã nhờ Lê Văn Phú (SN 1978, trú tại phường Đống Đa, TP. Pleiku) đứng tên thành lập Công ty TNHH một thành viên Nhất Tín Phát Gia Lai (gọi tắt là Công ty Nhất Tín Phát) có địa chỉ cơ sở chính tại số 95 đường Lê Duẩn, phường Phù Đổng, TP. Pleiku. Công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 14-12-2017 với ngành nghề kinh doanh chính là bán xe mô tô, xe máy. Ngoài ra, Công ty còn đăng ký các ngành nghề: buôn bán xe ô tô, xe có động cơ khác; cho thuê xe ô tô, xe máy; buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng.
Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, Phú đã làm ủy quyền cho Biên là người điều hành Công ty và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đến ngày 13-6-2018, Biên đăng ký mở thêm địa điểm kinh doanh tại số 368A đường Phạm Văn Đồng (phường Đống Đa, TP. Pleiku) nhưng thực tế địa điểm này đã hoạt động từ ngày 5-4-2018. Ngày 10-7-2018, Biên đăng ký mở thêm địa điểm kinh doanh ở số 863A đường Hùng Vương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), thực tế cơ sở này cũng hoạt động từ ngày 6-7-2018.
Tại 3 địa điểm nói trên, Công ty Nhất Tín Phát đã không thực hiện kinh doanh các ngành nghề như đã đăng ký mà chỉ cho vay tiền với các mức lãi suất: 108%/năm, 126%/năm và 144%/năm. Khi có nhu cầu vay tiền, người vay phải trực tiếp mang xe máy hoặc ô tô đến địa điểm kinh doanh của Công ty và cung cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu gia đình, giấy đăng ký khai sinh và giấy đăng ký phương tiện để nhân viên Công ty kiểm tra, xác minh. Sau đó, nhân viên sẽ đưa bản hợp đồng bán xe theo mẫu đã in sẵn để người vay điền thông tin và số tiền cần vay. Nhân viên tiếp tục cho người vay ký hợp đồng thuê lại chính chiếc xe đó theo mẫu đã in sẵn. Người vay nhận số tiền vay khi đã trừ đi phần tiền đóng lãi trước 1 kỳ là 10 ngày. Đến thời hạn 10 ngày, người vay phải đóng lãi 10 ngày tiếp theo hoặc thanh lý hợp đồng. Khi thanh lý hợp đồng, các nhân viên của Công ty Nhất Tín Phát xé bỏ hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê xe đã ký trước đó.
Ngoài ra, Công ty Nhất Tín Phát còn có hình thức cho vay “nóng” theo kiểu trả góp với mức lãi suất bình quân là 3.333 đồng/triệu đồng/ngày, người vay trả góp hàng ngày hoặc 5 ngày, 10 ngày/lần. Qua điều tra xác định, trong thời gian từ ngày 1-1-2018 đến 13-12-2018, cả 3 cơ sở của Công ty Nhất Tín Phát đã thực hiện cho vay thế chấp tổng cộng 1.476 lần và cho vay trả góp tổng cộng 244 lần. Tổng số tiền thu lợi bất chính của công ty này là hơn 1,2 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ngoài Biên thì 12 bị can còn lại đều là các nhân viên có vai trò đồng phạm, giúp sức để Biên thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 13-12-2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đồng thời bắt quả tang, khám xét tại 3 cơ sở của Công ty Nhất Tín Phát và đã thu giữ hơn 277 triệu đồng tiền mặt, 374 bộ hồ sơ cho vay cùng nhiều tài liệu, sổ sách, dữ liệu điện tử… ghi nhận hoạt động cho vay tiền của các đối tượng. Đây được xem là vụ án lớn nhất về hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến thời điểm này.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Đường nhựa hóa… đường đất vì doanh nghiệp khai thác cát
Tuyến đường dân sinh đi qua các xã Dun, Kông Htok, AYun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang từ đường nhựa bỗng chốc có những đoạn biến dạng thành đường đất; hoặc chi chít ‘ổ voi’, ‘ổ trâu’… bởi những xe chở cát quá tải liên tục cày phá hoạt động.

Để đi được vào xã A Yun, từ Thị trấn Chư Sê, phải đi qua các xã Dun, Kông Htok. Trên cả đoạn đường, hàng trăm, hàng ngàn “ổ voi, ổ gà” nối nhau dày đặc. Cùng với đó, các xe tải loại nặng chở cát với khối lượng lớn vượt thùng gầm gừ trên đường.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ayun, cho biết: Đoạn đường từ UBND xã AYun đi ra ngã ba Kông Htok do Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (trụ sở đường Trường Chinh, Pleiku) sửa chữa, còn từ UBND xã đi vào điểm khai thác cát là do Công ty TNHH MTV Trang Đức (trụ sở đóng tại Lê Hồng Phong, Pleiku) có trách nhiệm sửa.
Theo thỏa thuận, khi con đường này hư hỏng thì hai DN trên phải có trách nhiệm sửa đường, hoàn trả hiện trạng phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, do khối lượng cát được vận chuyển nhiều nên đoạn đường từ UBND xã Ayun tới Trường Tiểu học Lê Lợi hư hỏng nặng, nên đã được Công ty Trang Đức đổ đất lên trước Tết Nguyên đán tới giờ.
Theo quan sát của PV, tình trạng xe “vượt thùng” chở một khối lượng lớn cát thường xuyên xuất hiện nhưng không thấy lực lượng chức năng xuất hiện xử lý. Ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết: “Đoạn từ mỏ cát về thị trấn rất nhiều xe quá tải. Tổ tự quản và CSGT huyện đã làm việc rất nhiều nhưng có lúc bắt được, có lúc không”.
Từ một con đường nhựa được Nhà nước xây dựng để phục vụ dân sinh, nhưng từ khi có hai mỏ cát được cấp phép thì những con đường này bị xuống cấp nghiêm trọng, biến dạng. Đoạn đường được Công ty Trang Đức đổ đất kể từ trước Tết Nguyên Đán đến nay vẫn giữ nguyên trạng, ảnh hưởng đến sự an toàn của người qua lại.
Chủ tịch xã cho biết: “Rất nhiều lần dân có ý kiến lên xã, xã có làm việc với công ty, họ kêu là sẽ làm lại, nhưng do kinh phí hạn hẹp. Sau nhiều lần ý kiến, UBND huyện có văn bản đề nghị sửa thì công ty mới chỉ tiến hành đổ đất nền rồi để đấy”.
Nói về lý do tại sao con đường này liên tục xuống cấp dù thỉnh thoảng vẫn được sửa chữa thì ông Thanh cho biết: “Trước đây, con đường thiết kế với tải trọng nhỏ, chủ yếu phục vụ dân sinh. Thế nhưng xe chở cát thường là xe tải trọng lớn nên nhanh chóng “băm” nát con đường này. Vào mùa nắng, có ngày lên tới 15 chiếc qua lại. Tiếp xúc cử tri, dân phản ánh nhiều. Tại cuộc họp sơ kết, tổng kết của UBND huyện cũng đã có chỉ đạo giao cho Công an huyện xử lý xe quá tải chạy trên đường”.
Chủ tịch huyện Nguyễn Hồng Linh cho biết: “Từ Kông Htok vào AYun, hai DN khai thác cát cam kết hư đến đâu sẽ sửa đến đó… Tôi sẽ cử người xuống kiểm tra dưới đó”.
Theo Baophapluat.vn