Bài viếtNỔI BẬT
Bệnh dịch tả heo châu Phi đang lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trong tỉnh Gia Lai. Phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh công tác phòng-chống dịch bệnh và hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại.
Tập trung ngăn chặn dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Gia Lai
* P.V: Ông có thể cho biết về tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?
– Ông DƯƠNG NGỌC THANH: Hiện nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 11/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tổng cộng có 1.162 hộ chăn nuôi thuộc 182 thôn, làng của 46 xã, phường, thị trấn ở 11 địa phương có heo bị bệnh, chết và phải tiêu hủy. Sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch, đến nay đã có 11 xã tại 3 huyện: Chư Prông (3 xã), Chư Pưh (5 xã) và Đức Cơ (3 xã) công bố hết dịch. Riêng 2 huyện Chư Prông và Chư Pưh hiện nay không còn dịch tại các xã, thị trấn. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, bệnh dịch tả heo châu Phi trong cả nước đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dịch đã xảy ra ở 62/63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

* P.V: Đâu là nguyên nhân dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh, thưa ông?
– Ông DƯƠNG NGỌC THANH:Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Trong đó, do vận chuyển, buôn bán, giết mổ heo bệnh, heo chết chiếm đến 36%; do con người và các phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo yêu cầu sát trùng chiếm 25%; sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi chưa qua xử lý nhiệt, nấu chín chiếm 39%. Mặc dù các địa phương và ngành chức năng đã thực hiện rất nhiều biện pháp phòng-chống dịch như tiêu độc khử trùng, tiêu hủy heo mắc bệnh, kiểm soát việc vận chuyển heo và các sản phẩm của heo nhưng bệnh vẫn lây lan vì tính chất của bệnh là do vi rút gây ra; khí hậu ở một số khu vực của tỉnh hiện nóng ẩm là điều kiện rất thuận lợi cho vi rút tồn tại và phát triển. Đặc biệt, hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị.
* P.V: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã triển khai giải pháp gì để khống chế, thưa ông?
– Ông DƯƠNG NGỌC THANH:Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy heo chết, heo mắc bệnh; tổ chức tiêu độc khử trùng thường xuyên tại ổ dịch và những khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn, bổ sung một số biện pháp phòng-chống dịch tả heo châu Phi. Từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Chi cục cũng đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT cấp cho các địa phương 6.460 lít hóa chất Benkocid để chủ động triển khai phòng-chống dịch xâm nhiễm vào địa bàn; tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương cấp thêm 20.000 lít hóa chất Benkocid để phục vụ công tác phòng-chống dịch trong thời gian tới.
* P.V: Hiện nay, các địa phương đã chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại đến đâu, thưa ông?
– Ông DƯƠNG NGỌC THANH:Tính đến ngày 6-8, chưa có địa phương nào xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ người chăn nuôi có heo mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy. Hiện tại, chỉ mới có 2 huyện Đức Cơ và Chư Prông ra quyết định xuất ngân sách hỗ trợ cho người chăn nuôi heo. Theo đó, UBND huyện Đức Cơ đã có Công văn số 1422/UBND-KT về việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi heo bị dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy. Trong đó, huyện xuất 3% ngân sách dự phòng của địa phương với số tiền hơn 549 triệu đồng cấp cho các xã xảy ra dịch để hỗ trợ cho hộ chăn nuôi. Hiện các xã đang làm thủ tục hỗ trợ cho người dân. Còn UBND huyện Chư Prông cũng đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-UBND bổ sung trợ cấp có mục tiêu năm 2019 cho 3 xã Ia Mơr, Ia Piơr và Bình Giáo với kinh phí hơn 234 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh, tiêu hủy. Các xã này đang làm thủ tục để hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có hộ chăn nuôi nào trên địa bàn tỉnh nhận được kinh phí hỗ trợ theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HỒNG (thực hiện)Theo Baogialai.com.vn
Ia Pa: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Từ đầu năm đến nay, huyện Ia Pa, Gia Lai ghi nhận 249 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 108 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện SXH đã bùng phát thành dịch và đang diễn biến rất phức tạp.
Tại khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Ia Pa), các phòng đều chật kín bệnh nhân mắc SXH. Anh Siu Khen (làng Marin 2, xã Ia Ma Rơn) cho hay: “Tôi bị sốt cao, đau đầu, khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán bị SXH. Tôi nằm điều trị ở bệnh viện 5 ngày rồi, giờ cả vợ tôi cũng bị. Con nhỏ phải mang lên bệnh viện chứ ở nhà không có ai trông”.
Hiện trung bình mỗi ngày, Khoa Nội-Nhi-Nhiễm tiếp nhận 15-20 bệnh nhân mắc SXH, cao điểm có ngày gần 30 ca, trong đó có những ca nhập viện trong tình trạng cảnh báo, sốc, huyết áp giảm. Bác sĩ Ksor Nhớt cho biết: “Trong tháng 7 và tuần đầu của tháng 8, lượng bệnh nhân nhập viện ồ ạt khiến các y-bác sĩ rất vất vả. Có những lúc quá tải chúng tôi phải huy động các khoa khác hỗ trợ để thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do SXH”.
![]() |
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm y tế huyện Ia Pa. |
Theo báo báo của Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 249 ca SXH tại 27 ổ dịch, tăng 70% số ca mắc bệnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các xã có số lượng bệnh nhân mắc nhiều nhất là: Ia Ma Rơn (151 ca), Ia Trok (40 ca), Kim Tân (21 ca)… Nguyên nhân dẫn đến bệnh lây lan nhanh là do điều kiện thời tiết thời điểm này thuận lợi cho các loại muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển. Bên cạnh đó, ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân sống trong vùng SXH lưu hành còn hạn chế, hầu như người dân không quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng bệnh.
Nói về biện pháp phòng-chống SXH, ông Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa-chia sẻ: “Trước mắt, ngành Y tế huyện sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các xã tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tích cực tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường. Đồng thời tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch nóng, xử lý dứt điểm ổ dịch cũ để tránh lây lan trên diện rộng”.
Trước tình hình dịch bệnh SXH bùng phát và diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo phòng-chống SXH của huyện đã khẩn trương triển khai các phương án phòng-chống. Đồng hành cùng với huyện, trong 5 ngày (từ ngày 5 đến 9-8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã trực tiếp xuống hướng dẫn địa phương công tác dập dịch. Ông Rmah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-nhận định: “Hiện tại, huyện Ia Pa có số lượng bệnh nhân mắc SXH cao, đứng thứ 6 toàn tỉnh và đang ở mức báo động. Nếu không thực hiện tốt công tác phòng dịch thì bệnh sẽ diễn biến rất phức tạp trong những tháng tới. Chính vì vậy, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác phối hợp cùng với chính quyền địa phương trực tiếp xuống từng hộ hướng dẫn bà con diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường. Đồng thời tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền bà con cùng vào cuộc để phòng-chống SXH hiệu quả”.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM :