Hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vừa được chỉ ra liên quan đến đấu thầu gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước… vậy trách nhiệm của ông Phạm Bá Mỹ – Giám đốc bệnh viện ra sao?
Sai phạm ở Bệnh viện ĐK Gia Lai: Giám đốc nhận tội gì mới xứng đáng?
Mới đây, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã ban hành kết luận số 9 chỉ rõ sai phạm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai . Cụ thể, dù là đơn vị được giao làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc tập trung của tỉnh, được phê duyệt dự toán mua sắm vật tư y tế, hóa chất giá trị lớn, tuy nhiên, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu thuốc gây thiệt hại nguồn ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Kết luận nêu rõ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã chia nhỏ các gói thầu, ban hành 1.165 quyết định chỉ định thầu mua vật tư, hóa chất cho từng đợt mua sắm với giá dưới 100 triệu đồng (tổng giá trị các mặt hàng hơn 95 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đơn vị có 361 mặt hàng không tổ chức đấu thầu (Theo Điều 22, Luật đấu thầu 2013 thì việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất của bệnh viện không thuộc trường hợp chỉ định thầu; Điều 89, Luật đấu thầu cũng nghiêm cấm việc chia dự án thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích chỉ định thầu). Việc bệnh viện chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu cũng như không tổ chức đấu thầu với 361 mặt hàng là trái quy định của pháp luật. Dẫn đến, BVĐK Gia Lai đã làm thiệt hại ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện số tiền 1,987 tỷ đồng.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo ông Phạm Bá Mỹ – Giám đốc BVĐK Gia Lai tổ chức kiểm điểm trách nhiệm về hạn chế, thiếu sót trong công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối và kiến nghị xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với sai phạm liên quan đến công tác mua sắm vật tư, hóa chất.
Dư luận đặt ra câu hỏi, để xảy ra những sai phạm trên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức , luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo nội dung kết luận, thì cơ quan thanh tra xác định sai phạm chỉ đến mức kỷ luật, không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
“Nếu cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc qua đơn thư tố cáo, tố giác, qua phản ánh của báo chí… mà có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra mới khởi tố. Việc những vi phạm trên có dấu hiệu tội phạm hay không, có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ có liên quan đến tội phạm về chức vụ hay không thì phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do cơ quan chức năng thu thập”, luật sư Cường cho hay.
“Theo kết luận của cơ quan thanh tra thì bệnh viện này đã vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm quy định về quản lý kinh tế và gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho Nhà nước. Bởi vậy cơ quan thanh tra sẽ phải làm rõ những vi phạm này đã đến mức nghiêm trọng, đến mức nguy hiểm cho xã hội hay chưa? Hành vi vi phạm có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm về một trong các tội danh về chức vụ, quản lý kinh tế hay chưa? Có đề nghị xem xét xử lý hình sự hay không hay chỉ xử lý kỷ luật”, Luật sư cường nêu ý kiến.
Ngoài ra, luật sư nói thêm: “Nếu hành vi sai phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm mà cơ quan thanh tra không kiến nghị với cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì cơ quan thanh tra cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.”
Đồng thời, theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hoặc cơ quan điều tra có tin báo từ các nguồn thông tin khác mà đủ căn cứ xử lý về tội cố ý làm trái thì sẽ xem xét xử lý theo Điều 165 BLHS Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định của pháp luật, tội cố ý làm trái được quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, đến Bộ luật hình sự năm 2015 thì tội này được thay thế thành 9 tội danh: Vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217); Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224)…
Bởi vậy nếu hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế có liên quan đến việc lĩnh vực đấu thầu xảy ra trong giai đoạn bộ luật hình sự năm 1999 có hiệu lực nhưng nay mới phát hiện ra thì sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 222 bộ Luật hình sự năm 2015.
Theo Kiến Thức
Bộ Quốc phòng dự kiến giao lại 50.000 ha đất cho các tỉnh Tây Nguyên
Dự kiến diện tích đất sẽ chuyển dần cho các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước khoảng 50.000ha.
Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, chiều 15/9, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác của Trung ương có buổi làm việc với các đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng tại Tây Nguyên về tình hình cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.
Khu vực Tây Nguyên hiện có 3 đơn vị quân đội làm kinh tế bao gồm: Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15), Binh đoàn 16 (Công ty 16) và Công ty cà phê 15. Tổng diện tích vườn cây của các đơn vị là khoảng 52.000 ha, chủ yếu nằm trên biên giới và cây chủ lực là cao su và cà phê. Các đơn vị hiện có quân số và lao động gần 22.000 người.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020.
Theo dự thảo đề án này, các đơn vị quân đội làm kinh tế tại Tây Nguyên sẽ chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp sang Đoàn kinh tế Quốc phòng. Diện tích đất sẽ chuyển dần cho các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước khoảng 50.000 ha. Các đơn vị chỉ giữ khoảng 4.400 quân số và lao động.
Theo Bộ Quốc phòng, khi thực hiện đề án sẽ gặp nhiều khó khăn, cả về phương án tài chính, kinh doanh, quản lý, sử dụng đất, bố trí, sắp xếp nhân sự, giải quyết chế độ chính sách cho 17.500 người dôi dư, cũng như duy trì ổn định kinh tế, xã hội trên biên giới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương các đơn vị kinh tế-quốc phòng tại Tây Nguyên trong nhiều năm qua đã tổ chức tốt công tác sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân biên giới. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hoàn thiện đề án cơ cấu, đổi mới các đơn vị kinh tế quốc phòng phải thận trọng, tính toán lộ trình, đảm bảo tính pháp lý, đồng thời duy trì ổn định trên biên giới. Bộ Quốc phòng nên thành lập tổ công tác mời đại diện các bộ ngành, địa phương từ đầu để thực hiện tái cơ cấu.
Đối với một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình cơ cấu lại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc trước mắt cần cấp vốn điều lệ bổ sung theo các trình tự thủ tục và điều kiện cần thiết. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng trong phạm vi chức năng quyền hạn vận dụng tối đa tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn để giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất cho các đơn vị.
Rút kinh nghiệm từ việc cơ cấu lại các viện nghiên cứu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng phải tiếp tục rà soát xây dựng mô hình đơn vị kinh tế – quốc phòng hoạt động hiệu quả nhất.
“Mô hình hiện nay phía trên là công ty mẹ, dưới có các Đoàn Kinh tế Quốc phòng, mà Đoàn Kinh tế Quốc phòng lại là một đơn vị quân đội. Giống như Nghị định 19, có những viện nghiên cứu chuyển cho doanh nghiệp, đến khi cấp bằng Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ lại đóng dấu giám đốc doanh nghiệp. Trong Nghị quyết 19 của Trung ương đã đề nghị ngược lại cho phép thành lập các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, các trường Đại học để làm chức năng về kinh doanh. Bộ Quốc phòng cần rà soát lại Công ty có Đoàn Kinh tế quốc phòng hay trong Đoàn Kinh tế quốc phòng có công ty”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Bộ Quốc phòng cũng như các Binh đoàn, Công ty quân đội làm kinh tế thực hiện tốt việc tái cơ cấu. Qua đó, hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ chiến lược là đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân sản xuất, xứng đáng truyền thống Bộ đội cụ Hồ, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là giữ vững quốc phòng – an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên./.
Theo Vov.vn
XEM THÊM : CÔNG AN THANH HÓA BẮT, TRIỆU TẬP 30 NGƯỜI TRONG ĐƯỜNG DÂY TRỘM HÀNG TRĂM TẤN CHÓ
Công an Thanh Hóa bắt, triệu tập 30 người trong đường dây trộm hàng trăm tấn chó