Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hủ, ché hoặc bình không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng cần làm bằng lồ ô hay trúc đục thông lỗ để uống rượu. Rượu cần quý vì nhiều lẽ, người dân Tây Nguyên cho rằng rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, mỗi khi cúng giàng hay tế thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm. Hơn nữa rượu cần còn được làm khá công phu từ lương thực hàng ngày của đời sống con người – quý cũng vì lẽ đó.
Phương pháp làm rượu
Phương pháp làm rượu cũng khá đơn giản. Làm bằng ngô, củ sắn, bo bo, hạt kê hoặc gạo tẻ. Gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng rồi phơi. Men rượu được người dân tộc chế từ vỏ cây… lấy trong rừng trộn với bột ớt, bột gừng, riềng, bột gạo… 1 số thứ lá và rễ cây khác, trộn với nước và cắt thành từng bánh nhỏ phơi khô, để 10 đến 15 ngày giả nhỏ rắc lên nia cơm, trộn thêm 1 lần trấu rồi đổ vào ché rồi ủ từ 1 đến 2 ngày, lấy lá chuối khô ủ kín. Sau 1 tháng đem dùng, khi uống lót lá chuối tươi ở trên, đổ nước đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ché, uống cạn tới đâu chế thêm nước tới đó. Cái độc đáo của rượu cần là càng để lâu rượu cần càng ngọt nồng nàn chứ không bị đắng. Mỗi loại nguyên liệu sẽ cho ra một loại rượu có hương vị khác nhau, trong số đó rượu kê là loại được ưa chuộng nhất.
Văn hóa uống rượu
Văn hóa uống rượu cần lại có cái hay đặc trưng của nó. Uống rượu, không phải uống sao cũng được, vấn đề uống là cả 1 nghi thức linh thiêng. Chủ nhà mang ché rượu bày ra giữa nhà, mở miệng ché rồi cắm cây cần vào. Múc nước lã đổ vào đấy tràn, uống một hớp tỏ lòng chân thành và tạo lòng tin cho khách. Sau đó thay mặt gia đình chúc khách rồi đến mời khách đỡ lấy cần bằng hai tay, tay trái đặt lên đầu cần, tay phải cầm phần thân cần sát miệng ché, vuốt dọc lên rồi uống. Cần để uống rượu của người Tây Nguyên thường là một đoạn giang, trúc, dút… nhỏ bằng ngón tay, dài từ 0,5 mét đến trên dưới 1 mét. Phong tục uống của mỗi dân tộc lại khác nhau. Người Ê Đê và M’nông chỉ dùng một chiếc cần duy nhất để uống và cần không bao giờ rời khỏi tay người uống. Còn người Mường sử dụng nhiều cần rượu, mỗi người một cần để nhiều người có thể cùng uống.