Sau hơn 1 năm đầu tư nuôi bò lai giống BBB, Angus, gia đình anh Trần Văn Huỳnh (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã bước đầu thu được thành công. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình anh thu lãi hơn 20 triệu đồng từ việc bán bò thịt.
Nuôi bò lai tại huyện Ia Grai cho thu nhập khá
Đến thăm trang trại bò của gia đình anh Huỳnh, chúng tôi khá thích thú khi lần đầu tiên được tận mắt thấy những con bò lai có hình dáng cao to vượt trội so với bò địa phương. Anh Huỳnh cho biết, anh đã nhen nhóm ý định lập trang trại nuôi bò lai chất lượng cao từ lâu. Ban đầu, anh chủ yếu nuôi bò lai Sind để tích lũy kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị vốn trước khi chuyển đổi sang nuôi bò lai BBB, Angus. Đây là các giống bò có ưu điểm nổi trội như giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, trọng lượng tăng nhanh… Sau thời gian tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng cùng với việc trực tiếp đến tham quan, học hỏi cách chăm sóc bò từ các trang trại lớn ở tỉnh Hòa Bình, Bến Tre, tháng 6-2018, anh quyết định mua 30 con bò lai BBB tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre về nuôi. Mỗi con bò có độ tuổi 4-5 tháng, trọng lượng 130-150 kg, giá dao động 20-25 triệu đồng. “Bò đưa về mới tách sữa mẹ, còn khá yếu nên trước khi vận chuyển phải tiêm thuốc bổ cho chúng để tăng sức đề kháng. Thời gian đầu, tôi phải cho bò ăn cháo, tăng cường bổ sung vitamin. Mỗi con bò tôi nuôi cố định trong một khung sắt để thuận lợi cho việc chăm sóc, tránh tình trạng va chạm với nhau”-anh Huỳnh nói.
Hiện tại, trên diện tích chuồng trại rộng hơn 600 m2, gia đình anh Huỳnh đang nuôi 80 con bò, trong đó có 60 con lai giống BBB, 8 con lai giống Angus, còn lại là bò lai Sind. Đàn bò đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau hơn 1 năm nuôi, mỗi con bò đạt trọng lượng 300-400 kg, có thể xuất bán với giá 30-40 triệu đồng. Anh Huỳnh cho hay: “Tôi không lo lắng về đầu ra vì giống bò chất lượng cao này được các thương lái rất ưa chuộng. Họ đặt hàng từ trước và tự tìm đến khi tôi có bò xuất bán. Hiện các thương lái đến trang trại của tôi để mua bò thịt với giá 80-90 ngàn đồng/kg hơi”.
Theo anh Huỳnh, bò lai chất lượng cao được nhiều người gọi là “cỗ máy sản xuất thịt” bởi mỗi ngày 1 con bò có thể tăng trọng lượng thêm 1 kg. Thức ăn của giống bò này chủ yếu là cỏ. Mỗi con bò ăn khoảng 20-25 kg cỏ/ngày. Để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho đàn bò, anh Huỳnh trồng 4 ha cỏ sả lá lớn và cỏ voi Đài Loan ngay tại trang trại. Đây là những loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, anh còn cung cấp thêm cám, bã đậu nành, bã bia để vỗ béo đàn bò. Tùy theo điều kiện kinh tế và thời điểm xuất bán mà anh vỗ béo bò vì giống bò này cho ăn càng nhiều thì trọng lượng càng tăng.
Để đàn bò phát triển ổn định, ngoài việc chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở uy tín, anh Huỳnh còn chú trọng tiêm phòng vắc xin và tụ huyết trùng định kỳ cho bò. Anh cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo luôn sạch sẽ, thoáng đãng vào mùa hè và đủ ấm vào mùa đông để bò phát triển tốt. “Hiện tại, tôi đang tiến hành phối tinh nhân tạo giữa bò lai Sind với bò lai BBB, bò lai Angus để tìm xem con giống nào tốt hơn. Trong thời gian đến, tôi sẽ tập trung phát triển giống bò lai BBB vì đây là giống được đánh giá tốt nhất hiện nay về hiệu quả kinh tế. Tôi cũng muốn mở rộng thêm quy mô chăn nuôi giống bò lai chất lượng cao để người dân địa phương có thể biết đến loại bò này nhiều hơn”-anh Huỳnh chia sẻ dự định.
Theo Baogialai.com.vn
Kông Chro: Nhộn nhịp Chợ phiên nông sản an toàn
Sau 2 ngày diễn ra, Chợ phiên nông sản an toàn huyện Kông Chro, Gia Lai lần thứ 2 đã thu hút hơn 1.000 lượt khách tham quan, mua sắm; tổng doanh thu từ các gian hàng đạt trên 200 triệu đồng.
Quảng bá nông sản an toàn
Năm nay, Chợ phiên nông sản an toàn được tổ chức tại thị trấn Kông Chro. Tại đây, 20 gian hàng được bố trí dọc tuyến đường nhựa, sạch sẽ thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tham quan, mua sắm. Các gian hàng thuộc các hộ kinh doanh, hội, đoàn thể và 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã trưng bày, giới thiệu các mặt hàng như: đậu, măng khô, chanh dây, bơ, chuối, ổi, quýt, dừa… Ngoài ra còn có các sản phẩm đặc trưng của đồng bào bản địa như: gà, gạo lúa rẫy, hạt bo bo, heo đen… Những sản phẩm này được kiểm tra nguồn gốc, được cơ quan quản lý chứng nhận sản phẩm an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay tham gia chuỗi giá trị thực phẩm an toàn.
Anh Trần Văn Luyện (thôn 1, xã Chư Krêy) cho hay: Năm 2012, gia đình anh trồng hơn 1 ha cây mắc ca, đến nay đã cho thu hoạch. Vợ chồng anh tự rang sấy, mua máy về tách vỏ, máy hút chân không đóng bao bì, nhãn mác, xuất bán trên phạm vi toàn quốc. Tham gia chợ phiên năm nay, gia đình anh tiếp tục đăng ký bán sản phẩm hạt và giống cây mắc ca. “Chợ phiên năm trước, tôi có mang mấy ký hạt mắc ca bán thử. Sau khi mua ăn và tìm hiểu về nguồn gốc, nhiều khách hàng còn đặt mua cây giống. Từ cuối năm 2018 đến nay, gia đình tôi đã bán được hơn 1.500 cây giống mắc ca cho người dân trên địa bàn huyện. Chợ phiên năm nay, gia đình tôi bán được trên 10 kg hạt và một vài khách hàng cũng đã đặt mua cây giống”-anh Luyện vui vẻ chia sẻ.

Tương tự, chị Đinh Thị Dêh (làng Mèo, xã Đak Pling) phấn khởi nói: “Gian hàng của xã chúng tôi bày bán các sản phẩm do bà con trồng, thu hái được như: rau dớn, củ mì, gạo lúa rẫy, đọt mây, chuối mốc… Đây cũng là những sản phẩm năm ngoái chúng tôi bày bán. Do đã biết những sản phẩm này tươi ngon, chất lượng, an toàn nên khách hàng tìm mua rất đông. Các sản phẩm mang tới chợ phiên đều đã được bán hết”.
Thu hút trên 1.000 lượt người tham quan, mua sắm
Nằm ở vị trí gần cổng chợ, gian hàng của xã Đak Pling thu hút rất đông khách. Bốc nắm gạo lên xem, chị Đinh Thị Ben (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) quyết định mua 10 kg. “Đây là gạo lúa rẫy, trồng 6 tháng mới cho thu hoạch. Tôi rất thích loại gạo còn nguyên phần vỏ lụa như thế này, giúp giữ được hương thơm đặc trưng của gạo. Khi nấu cơm, nấu rượu, nổ bỏng… đều rất ngon. 10 kg gạo có giá 150 ngàn đồng là không đắt. Tôi sẽ mua thêm đọt mây để ủng hộ bà con”-chị Ben hồ hởi.
Nhà gần khu vực chợ phiên nên từ sáng sớm chị Phạm Thị Nhâm (tổ 7, thị trấn Kông Chro) đã rủ mấy chị em trong xóm đến tham quan và mua hàng. Chị Nhâm bộc bạch: Chợ phiên năm nay tổ chức quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, mua sắm. Nhất là tối 27-9, từng dòng người tấp nập tới vui chơi, dự lễ khai mạc. Không khí nhộn nhịp, các mặt hàng đa dạng, phong phú hơn năm trước. Chị Nhâm chia sẻ: “Tôi mua được mấy quả bầu, bí non và mấy ký cam, nhãn. Qua chợ phiên, tôi phát hiện ra trên địa bàn huyện bà con ta trồng được nhiều loại trái cây ngon, chất lượng; mỗi xã đều có sản phẩm đặc trưng riêng”.
Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Huyện tổ chức chợ phiên nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn, đạt chứng nhận VietGAP có cơ hội quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Chợ phiên năm nay, huyện đã hỗ trợ chi phí tiền điện, tiền sạp hàng, tiền vệ sinh môi trường… Diện tích các sạp hàng cũng được mở rộng hơn năm ngoái, giúp người dân bố trí, trưng bày được nhiều sản phẩm hơn. Ngoài ra, huyện đã cử lực lượng Công an trực, bảo vệ an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra chợ phiên. “Sau 2 ngày diễn ra, chợ phiên đã thu hút trên 1.000 lượt người tới tham quan, mua sắm. Tổng doanh thu của 20 sạp hàng được hơn 200 triệu đồng”-ông Hưng thông tin thêm.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Ngày hội Hoa muồng vàng: Hứa hẹn nhiều chương trình