2 lô hàng nông sản đầu tiên của Gia Lai là cà phê và chanh dây đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Sự kiện này mở ra cơ hội lớn, tạo sự gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu đối với ngành hàng nông sản của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng.
Thực hiện Hiệp định EVFTA, ngày 16-9, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức lễ xuất khẩu cà phê đi châu Âu do Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thực hiện và lễ xuất khẩu chanh dây đi châu Âu do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) thực hiện. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, đại diện đại sứ quán một số nước thành viên EU tại Việt Nam và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Xóa bỏ thuế xuất khẩu sang châu Âu
EVFTA là 1 trong 14 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực trên thực tế. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm).Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị, chất lượng cao; đồng thời mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng.
 |
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát lệnh xuất phát xe chở hàng xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy |
Theo thống kê sơ bộ, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, với sự tích cực, chủ động của các ngành, sự hợp tác chặt chẽ của đối tác quốc tế và các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết ủng hộ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
“Cú hích” để tiến vào thị trường khó tính
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Hàng năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu từ 50 ngàn đến 70 ngàn tấn cà phê các loại ra thị trường thế giới, trong đó, 60% xuất sang thị trường châu Âu, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD.
“Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đầu tiên của Việt Nam có được vinh dự này khi xuất khẩu những lô hàng cà phê sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Hôm nay, chúng tôi đã ký xuất 14 container với 296 tấn cà phê sang Đức và Bỉ. Chúng tôi tự tin tạo ra cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; tự tin đủ năng lực để đáp ứng mọi nhu cầu và tiêu chuẩn phù hợp theo Hiệp định EVFTA”-ông Thái Như Hiệp chia sẻ.
 |
Lễ cắt băng công bố xuất khẩu lô hàng chanh dây sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Vũ Thảo |
Còn ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thì cho hay: “Từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Công ty khi xuất sang EU đã được hưởng mức ưu đãi thuế quan rất thấp. Cụ thể như mặt hàng chanh dây cô đặc xuất sang Hà Lan, đối tác của chúng tôi sẽ được cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 7,5% về 0%. Chúng tôi cho rằng, đây vừa là cơ hội để Công ty đẩy mạnh xuất khẩu, vừa là động lực để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các mặt hàng của đơn vị. Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện cho DOVECO cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước có cùng vị trí địa lý như các nước Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines, Malaysia và các nước có cùng điều kiện khí hậu ở Nam Mỹ như: Peru, Ecuador, Costa Rica…”.
Mặc dù mở ra cơ hội mới nhưng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Hiệp định EVFTA cũng sẽ đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho ngành nông sản nói chung. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực với những cam kết sâu rộng và toàn diện.
“Để ngành nông sản ngày một mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, tôi đề nghị các doanh nghiệp và địa phương, trong đó có Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm được chứng nhận theo yêu cầu của EU; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, tuân thủ các quy định của pháp luật về giống, vật tư nông nghiệp và sở hữu trí tuệ để các sản phẩm nông sản được phát triển bền vững, hiệu quả tại địa phương mình”-Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai: “Tay ngang” làm du lịch
Cụm từ “Trải nghiệm và chia sẻ” đã trở thành slogan được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá của du lịch Gia Lai. Và, những bạn trẻ như Nguyễn Quang Tưởng-quản trị viên của trang Gia Lai Discovery đang góp phần giúp hành trình trải nghiệm và chia sẻ được lan tỏa sâu rộng hơn.
1. Tôi biết Nguyễn Quang Tưởng trong một vài chuyến leo núi. Gia Lai có những ngọn núi rất lạ, rất đẹp. Hàng năm, chúng tôi thường có vài lần leo lên đó ngắm cảnh vào những thời điểm thiên nhiên đang độ kỳ thú nhất.
Tưởng rất am hiểu địa hình. Người gầy nhẳng, đen nhẻm nhưng khó ai vượt qua cậu ta về độ lì và nhanh nhẹn trên những cung đường núi. Từ thuở chưa nhiều người biết đến đỉnh núi Chư Nâm (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), Tưởng đã xung phong dẫn chúng tôi chinh phục đỉnh núi cao nhất ở phía Tây này. Đó là một ngày mùa khô, khi những bông hoa dã quỳ vừa chớm nở và cỏ đuôi chồn rung rinh những sóng cỏ bất tận bao bọc dãy núi cao tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa nên thơ, vừa choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi có dịp ngắm toàn cảnh núi lửa Chư Đang Ya từ độ cao như vậy với ấn tượng khó phai.
Nhà ở thị trấn Đak Đoa nhưng Tưởng am hiểu núi rừng các địa phương trong tỉnh như lòng bàn tay, từ thác 50 nằm giữa rừng già Kon Chư Răng (huyện Kbang) cho đến những ngọn thác nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên này như: Kon Bông, Kon Lôk… hay thác K’ty và một số thác không tên ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (thuộc địa bàn 3 huyện: Mang Yang, Kbang, Đak Đoa). Tất cả đều được Tưởng check-in trong những chuyến “xê dịch” của mình.
Có thời kỳ, người ta thấy cậu đi rừng, đi núi không khác gì… hành xác. Chuyến đi này về chưa kịp hồi sức đã thấy Tưởng đang giữa lưng chừng trời ở một ngọn núi nào đó, y như “trêu ngươi” những người thích xê dịch, mạo hiểm, khám phá. Trong khi phải sắp xếp công việc để mỗi năm có được vài chuyến leo núi thì những chuyến đi dày đặc của Tưởng khiến chúng tôi không khỏi ghen tỵ.
XEM THÊM : Gia Lai: Nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy không có bằng cấp ba
Nhưng nhờ có Tưởng, những người yêu thiên nhiên lại biết thêm vô số cảnh đẹp ở vùng đất mình sinh sống. Có người bạn đã đùa rằng, trekking hết cảnh đẹp của Gia Lai thì không cần phải đi đâu thêm nữa.
Tôi cũng là kẻ mơ mộng, hay đi nhưng so với Nguyễn Quang Tưởng chỉ xếp vào hàng… tôm tép. Tưởng kể có lần bị lạc khi tìm đường lên đỉnh Chư Jú-ngọn núi cao nhất trong dãy núi cùng tên nối liền huyện Krông Pa và tỉnh Phú Yên.
Lần khác, cũng vì mê mải cảnh rừng hoang dã mà cậu bị lạc trong một cánh rừng già Krông Pa. Để rồi, bù đắp cho sự khó nhọc này, Tưởng và bạn đồng hành thích thú phát hiện ra dòng thác đẹp như cổ tích giữa rừng. Nếu trước đó lạc đường là nỗi sợ hãi lớn nhất trong mỗi chuyến khám phá vùng đất mới thì với Tưởng giờ là chuyện cơm bữa.
Và sau những lần như vậy, kinh nghiệm xử lý sự cố của Tưởng ngày càng dày thêm. “Lạc đường nhiều khi lại mang đến những trải nghiệm đáng giá, những khám phá mới lạ mà nhiều khi đi đúng đường lại không có cơ hội để thưởng thức”-Tưởng đúc kết.
 |
Nguyễn Quang Tưởng trong một chuyến xê dịch, khám phá các thắng cảnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu |
Đôi lần, cậu còn thử làm một du khách bình thường trên chính những nơi đã từng qua bằng cách bỏ tiền túi mua tour trải nghiệm của cư dân bản địa. Tưởng thích thú nhận ra những điều mới lạ và kết luận, có những vùng đất đi mãi không thấy chán, bởi thế giới tự nhiên thay đổi không ngừng. Đi nhiều, dịch chuyển nhiều để thấy cuộc sống thật thú vị, nhưng khi dừng lại mới thấy mọi sự chuyển động rõ ràng hơn. Đó là cảm xúc mà Tưởng cảm nhận từ mỗi chuyến đi.
“Có những chuyến đi tới những vùng khó khăn về giao thông lẫn kinh tế, tôi gặp những người dân bản địa rất thân thiện và thật thà. Thu nhập của họ chỉ dựa vào việc đi rừng bắt được vài tổ ong hoặc hái nấm vào mùa mưa. Họ thuộc đường rừng như lòng bàn tay. Cũng có vài lần nhờ sự giúp đỡ của họ mà tôi mới ra được khỏi rừng. Càng đi tôi càng thấy Gia Lai có quá nhiều điều để khám phá, từ cảnh đẹp tự nhiên đến văn hóa, lối sống của con người”-Tưởng chia sẻ.
2. Rồi một ngày đẹp trời, Nguyễn Quang Tưởng tuyên bố làm… du lịch. Không cần giới thiệu cũng biết đó là những tour trekking, hiking trải nghiệm, khám phá thắng cảnh Gia Lai. Cùng với đó, Tưởng lập nên trang Gia Lai Discovery giới thiệu sự kỳ thú của thiên nhiên trên quê hương mình. Quyết định này của Tưởng không gây ngạc nhiên, nhất là với những người từng đồng hành trong những chuyến “xê dịch” rừng núi cùng anh.
 |
Gia Lai có nhiều địa điểm trekking tuyệt đẹp cần được quảng bá để thu hút du khách. Ảnh: Minh Châu |
Nhưng Tưởng không làm du lịch vì tiền. Anh có một trang trại làm không hết việc. Anh còn có một xưởng rang xay cà phê với nhãn hiệu LeCafe. Nhà có 2 anh em trai, nhưng cả gia đình anh đã xuất gia, chỉ còn một mình Tưởng quản lý ruộng vườn. Anh không thiếu thốn để phải bươn chải làm thêm kiếm sống, trong khi đó du lịch là nghề “làm dâu trăm họ” với rất nhiều áp lực.
Lý do của Tưởng rất đơn giản: “Tôi thích việc mình làm, muốn quảng bá thắng cảnh Gia Lai vì có nhiều nơi, nhiều thắng cảnh tự nhiên cần khám phá mà nhiều người chưa biết đến. Hơn nữa, đã đến lúc mọi người cần hợp sức lại để thu hút du khách, phát triển du lịch ở địa phương hơn là chú trọng đưa khách trong tỉnh đi du lịch ở các địa phương khác”.
Đó cũng là lý do Tưởng kết hợp thêm với bạn trẻ Phùng Thị Thảo Nhung-một blogger trẻ đình đám trong giới du lịch phượt Việt Nam-khám phá thác 50 và văn hóa đặc sắc vùng Bắc Tây Nguyên trong những hành trình sắp tới. Thảo Nhung cũng là người con sinh ra ở Pleiku. Cô gái 9X này đã có hơn 60 chuyến đi qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện trang Phuotvivu.com của Nhung rất thu hút các bạn trẻ đam mê du lịch với những thông tin cực kỳ hữu ích.
Theo Tưởng, từ những bạn trẻ có tầm ảnh hưởng trên diễn đàn du lịch, hiểu về quê hương và giới thiệu vẻ đẹp đó bằng những chuyến trải nghiệm thực tế như Thảo Nhung, chắc chắn thắng cảnh Gia Lai sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, tiếp cận được nhiều du khách hơn.
Nguồn: Baogialai.com.vn