Nhóm cán bộ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai làm giả giấy tờ để trục lợi hơn nửa tỷ đồng, chia nhau tiêu xài nhưng đến nay mới chỉ bị kỷ luật.
Nhóm cán bộ ở Gia Lai rút ruột ngân sách 500 triệu: Kỷ luật là xong?
Liên quan vụ việc nhóm cán bộ làm giả giấy tờ để trục lợi hơn nửa tỷ đồng ở Gia Lai, trao đổi với Báo Giao thông sáng 23/8, một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, các cá nhân liên quan đã bị kỷ luật về mặt đảng và chính quyền.
Khi được hỏi hồ sơ vụ việc có được chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ hay không, vị này cho biết: “Về thông tin chuyển sang cơ quan điều tra hay chưa thì đến giờ này là chưa”.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã làm rõ sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng số tiền 524 triệu đồng ngân sách ở huyện Đức Cơ (để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực GPMB xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sĩ huyện).
Qua thanh tra, đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện quyết định số 42 của UBND huyện Đức Cơ ban hành ngày 9/1/2012 là giả mạo, trong đó có nội dung đề xuất ứng ngân sách huyện cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện để chi trả thanh lý cây cao su; giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực GPMB.
Thời điểm năm 2012, ông Nguyễn Hồng Lam (hiện là chủ tịch UBND huyện Đức Cơ) là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã ký lệnh chi số tiền trên để yêu cầu Kho bạc Nhà nước huyện thực hiện. Ông Nguyễn Đông Dương, thủ quỹ Phòng là người rút tiền mặt tại ngân hàng về giao cho ông Nguyễn Xuân Tứ, Phó trưởng phòng (nay là Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện) chiếm dụng và chi tiêu cá nhân.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, quyết định 42 là quyết định giả mạo, ghép chữ ký của lãnh đạo huyện, sử dụng con dấu không đúng thời điểm. Chính ông Nguyễn Xuân Tứ cũng thừa nhận là người làm giả quyết định trên và lấy chữ ký của lãnh đạo huyện thời điểm năm 2012 để dán lên, in ra rồi đóng dấu đỏ của UBND huyện vào.
Trong vụ việc này, ông Nguyễn Hồng Lam được xác định đã cố ý làm trái quy định, ký lệnh chi tiền và giấy lĩnh tiền mặt sai quy định. Ông Lam được xác định là người chịu trách nhiệm chính.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Nguyễn Hồng Lam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ và ông Nguyễn Xuân Tứ , Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Cơ; Khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đức Cơ và ông Nguyễn Đông Dương, chuyên viên phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Đức Cơ.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hồng Lam, tương ứng với kỷ luật Đảng.
Điều dư luận quan tâm là dù vụ việc nghiêm trọng, song không hiểu sao hồ sơ vẫn chưa được chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ. Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Đắk Lắk nhận định, đây là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, nếu không chuyển sang cơ quan điều tra thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. “Ở đây dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước, dấu hiệu tội tham ô là khá rõ ràng”, luật sư nêu quan điểm.
Tạ Vĩnh Yên
Theo Baogiaothong.vn
Gia Lai: Một xã để mất hàng trăm héc ta rừng
Thanh tra H.Chư Pah (Gia Lai) ngày 22.8 cho biết qua thanh tra, đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; quản lý và sử dụng nguồn kinh phí chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại UBND xã Hà Tây, H.Chư Pah.
Nhiều diện tích rừng và đất rừng ở xã Hà Tây (H.Chư Pah) bị chiếm để trồng cà phê
Theo đó, tổng diện tích rừng xã này được giao quản lý gần 3.700 ha, tuy nhiên có 850 ha trong số diện tích này đã không còn rừng. Diện tích đất rừng này bị lấn chiếm để trồng mì, lúa, bời lời. Thời điểm diện tích rừng bị chặt phá được xác định trong khoảng thời gian từ 2016 – 2019.
Tuy nhiên, chính quyền không báo cáo lên cấp trên cũng như không có hành động quyết liệt nào để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, với số gỗ khai thác trái phép vắng chủ, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, ông Thaoh đã thuê xe, chỉ đạo cán bộ, công chức xã tham gia đưa gỗ lên xe nhưng không chở về trụ sở UBND xã mà đưa đi nơi khác cưa xẻ làm mặt bàn, ghế cho gia đình.
Qua thanh tra còn phát hiện có 2 nhóm hộ đã bỏ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng do xã này quản lý từ tháng 4.2018 đến tháng 7.2019, nhưng kế toán UBND xã Hà Tây vẫn lập danh sách, giả chữ ký của người dân, lập khống 6 chứng từ để chiếm đoạt 271 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người dân nhận khoán bảo vệ rừng cũng bị “cắt cò” tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, 3 cộng đồng làng Kon Chang, Kon Sơ Lăl, Kon Hơ Nglẽh phải trích lại 10% kinh phí được thụ hưởng, nhận khoán bảo vệ rừng với số tiền gần 256 triệu đồng. 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng khác phải trích lại 40% kinh phí hơn 368 triệu đồng. Tổng số tiền mà UBND xã “trích” lại sai quy định của 3 làng và 2 nhóm hộ là hơn 624 triệu đồng.
Trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng, UBND xã Hà Tây còn tùy tiện lập khống chứng từ, hợp thức hóa chứng từ, trích lại tiền phần trăm với tổng số tiền sai phạm phải thu hồi là 917 triệu đồng.
Liên quan đến sai phạm của xã Hà Tây trong việc sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng, ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Gia Lai, khẳng định: “Lãnh đạo xã Hà Tây đã cố tình làm sai. Mặc dù theo quy định, UBND xã được trích 10% tổng số tiền chi cho dân để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, lãnh đạo xã lại thỏa thuận ngầm với đại diện cộng đồng làng, trưởng nhóm hộ nhận khoán để tiếp tục nhận thêm 10% kinh phí chi trả của 3 cộng đồng làng và 40% của 2 nhóm hộ”.
Về xử lý những sai phạm trên, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND H.Chư Pah, nói: “Huyện đã gửi hồ sơ sai phạm sang Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Pah và sau khi có các căn cứ vào mức độ sai phạm, huyện sẽ có hình thức xử lý. Đặc biệt là xác minh, ghi nhận ý kiến của người dân đối với việc làm giả chứng cứ, chiếm đoạt tiền dịch vụ môi trường rừng; yêu cầu những người sai phạm nộp lại số tiền do lập khống chứng từ, chi sai mục đích và tiền trích phần trăm dịch vụ môi trường rừng không đúng quy định”.
Theo Thanhnien.vn