Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay. Đến nay, nhiều cây cầu được xây dựng tại Gia Lai từ nguồn vốn này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp kết nối giao thương, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng được đầu tư xây dựng.
Nhịp cầu kết nối dân sinh
Chưa bao giờ người dân làng Đê Klanh (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, Gia Lai) lại vui mừng đến thế khi cây cầu Đê Klanh hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Đã qua rồi cảnh người dân muốn đến trung tâm xã phải đi đường vòng 3 km, học sinh đến trường cũng không phải lặn lội quãng đường 6 km. “Làng Đê Klanh có gần 300 hộ dân. Khi chưa được đầu tư xây dựng cầu, người dân rất khó khăn trong việc đi lại. Vào mùa mưa bão, nước ở suối Đê Klanh chảy xiết, không ai dám đi, đành phải đi đường vòng. Làng có khoảng 300 em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT. Muốn đến trường, các em phải đi vòng qua làng Đê Hoch với chiều dài khoảng 3 km đường đất rồi đi thêm khoảng 3 km nữa. Từ khi có cầu, các em chỉ phải đi khoảng 2 km. Bà con ai cũng vui mừng”-ông Hà Văn Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong-cho biết.
Cũng chung niềm vui đó, từ tháng 5-2019, người dân buôn Ơi Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cũng đã không còn phải chịu cảnh vượt lũ vào mùa mưa bão. Việc học hành, giao thương, đi lại… từ làng ra trung tâm xã Ia Rsai thuận lợi hơn rất nhiều khi 2 cây cầu Ơi Kia 1 và Ơi Kia 2 chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Anh Rơ Ô Tuân (buôn Chư Jú) không giấu được niềm vui: “Từ giờ việc đi lại ra trung tâm xã thuận lợi rồi, học sinh đi học cũng dễ dàng hơn. Bà con trong buôn ai cũng vui mừng”. Anh Nguyễn Hữu Bá-Tổ trưởng Tổ quản lý Dự án LRAMP tại Krông Pa-cho biết: “Krông Pa có 5 dự án gồm 3 cầu dân sinh tại xã Ia Rsai, 1 cống tại xã Ia Mlah và cầu Ia Rmok. Các công trình đều nằm tại những địa bàn khó khăn, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn. Hiện có 3 công trình đã hoàn thành, chỉ còn cầu Chư Tê ở xã Ia Rsai tiến độ đạt 80% và cầu Ia Rmok cũng đã đạt gần 90% khối lượng”.
Theo ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh, những vị trí được chọn để xây dựng cầu là các thôn, làng đặc biệt khó khăn; các xã vùng dân tộc thiểu số; vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao, những nơi có kết nối với các công trình phúc lợi của địa phương như trường học, trạm y tế… Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có khoảng 65 cây cầu dân sinh được xây dựng và hoàn thành. Vào đầu quý I-2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp tục phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công để tiến hành thi công thêm 25 cầu dân sinh nữa tại địa bàn các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Chư Pah, Ia Grai và thị xã An Khê.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình cầu dân sinh, những cây cầu thuộc Dự án LRAMP không chỉ góp phần vào việc phát triển hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh vốn xuống cấp, hư hỏng nặng mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
LRAMP là dự án ODA do WB tài trợ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo đó, sẽ có 2.174 cầu dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh, thành trên cả nước với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng (gồm vốn vay của WB trên 5.525 tỷ đồng, ngân sách trung ương gần 273 tỷ đồng). Về phần đối ứng của địa phương, các tỉnh có dự án đã cam kết tự huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ (chi phí này không tính trong tổng mức đầu tư dự án). Riêng tại Gia Lai, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có 90 cầu dân sinh được xây mới với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng. |
Theo Baogialai.com.vn
Những “hiệp sĩ tí hon” liều mình cứu bạn
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi về xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ, Gia Lai) để tìm gặp 3 em học sinh được người dân xem như những “hiệp sĩ tí hon” vì đã dũng cảm cứu 1 em nhỏ khỏi đuối nước.
…Một chiều giữa tháng 7-2019, Rơ Mah Thứ và cô bạn Kpuih Túy (học sinh lớp 5 tại điểm trường làng Lang thuộc Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh) cùng Rơ Lan Khang (lớp 4, cùng trường, làng Dơk Ngol) đang chăn bò bên bãi cỏ gần hồ nước làng Dơk Ngol. Lúc này, cậu bé Rơ Mah Hân (SN 2015, làng Dơk Ngol) đang cùng người chú đi câu cá ven hồ. Thấy các anh chị nô đùa vui vẻ dưới nước, Hân cũng tinh nghịch lội xuống. Khi Thứ, Khang, Túy đang bơi qua bên kia bờ hồ thì Hân do không biết bơi nên ngụp lặn vùng vẫy rồi chìm xuống lúc nào không hay.
![]() |
Từ phải sang: các em Rơ Mah Thứ, Kpuih Túy và Rơ Lan Khang. |
Ngoái đầu lại, không nhìn thấy Hân đâu, Khang liền quay lại mò mẫm đi tìm. Em lặn sâu xuống khoảng 2 m rồi quơ tay tìm kiếm thì phát hiện Hân đang chìm dần xuống đáy hồ. Khang gồng mình kéo Hân lên nhưng sức vóc của cậu bé 9 tuổi không đủ giúp em đẩy Hân lên khỏi mặt nước. Cậu bé liền ngoi lên hét toáng để gọi Thứ và Túy trợ giúp. Cả 3 cùng lặn xuống túm chặt quần áo của Hân kéo lên và đưa vào bờ, sau đó hô hoán để người lớn biết tin. Lúc này, Hân nằm sóng soài trên bãi cỏ, người nhợt nhạt bất động khiến cả 3 lo lắng. Người chú của Hân liền chạy tới, dùng tay ấn vào vùng bụng cháu để đẩy nước ra. Một lát sau, Hân cựa mình khiến ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Cậu bé sau đó được đưa đến Trạm Y tế xã sơ cứu. Sau buổi chiều đầy biến cố ấy, cả 3 trở nên “nổi tiếng” khắp làng Lang và làng Dơk Ngol. Đi tới đâu, ai cũng dành những lời ngợi khen xen lẫn trầm trồ, thán phục. Nhiều người hỏi: “Sao các cháu liều thế, không sợ nó kéo chìm xuống luôn à?” thì cả 3 chỉ cười: “Chúng cháu biết bơi từ nhỏ nên không sợ đâu”.
Những ngày này, dù chưa đến năm học mới nhưng Thứ đã rất vui mừng khi được cha mua cho bộ quần xanh áo trắng để chuẩn bị đến trường. Đã lâu rồi Thứ mới được mặc một bộ quần áo mới như vậy. Ông Kpuih Mlấp-cha Thứ-kể rằng Thứ hay nhìn lũ bạn mặc quần xanh áo trắng một cách đầy ao ước. Nhưng gia cảnh khó khăn, nhà có 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vợ chồng ông phải chạy ăn từng bữa nên việc sắm quần áo mới cho con trở thành điều xa xỉ. Vậy nhưng, sau hành động dũng cảm cứu cứu người của Thứ, ông bà đã quyết định tặng cậu con trai món quà đầy ý nghĩa trong những ngày đầu năm học mới. Còn ông Rơ Mah Kep-cha Khang thì chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhắc cháu phải cẩn thận khi xuống hồ nước chơi. Chiều hôm ấy, cháu về có kể tôi nghe việc cứu sống cháu Hân. Ban đầu, tôi cũng lo lắm, vì nếu không biết cách cứu đuối có thể sẽ bị kéo theo. Nhưng sau đó tôi cũng khen ngợi con vì đã có hành động mưu trí, dũng cảm cứu được 1 mạng người, như thế là quý lắm”.
Đối diện nhà Thứ là căn nhà tuềnh toàng của gia đình Túy nằm lọt thỏm trong vườn điều. Với vai trò chị cả, dù mới 10 tuổi nhưng Túy đã quán xuyến mọi việc từ nấu cơm đến giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa để cha mẹ yên tâm lên rẫy. Chiều đến, Túy lại cùng Thứ, Khang rong ruổi, nghêu ngao với lũ bò trên đồng cỏ. Và chiều ấy, Túy thêm một lần nữa khẳng định sự tháo vát của mình khi nhanh chóng hỗ trợ bạn cứu đuối.
Tạm biệt 3 “hiệp sĩ tí hon” ở xã Ia Dơk, điều đọng lại trong chúng tôi chính là đôi mắt trong veo của lũ trẻ. Những đôi mắt ấy không hề chất chứa cái gọi là sợ hãi dù phải trải qua khoảnh khắc sinh tử để cứu người. Với chúng, dường như đó chỉ là điều bình thường như bao câu chuyện khác mà chúng trải qua mỗi ngày, đâu biết rằng mình và các bạn đã giúp cậu bé ấy như được sinh ra lần nữa.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : GIA LAI: BAN HÀNH BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH , HÒN NGỌC XANH GIỮA TÂY NGUYÊN
Gia Lai: Ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh , Hòn ngọc xanh giữa Tây Nguyên