Sau ca phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (TP.HCM), nữ bệnh nhân 59 tuổi có biểu hiện khó thở và tử vong sau khi được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trao đổi với Zing.vn sáng 15/10, đại diện Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (phường 9, quận 3, TP.HCM) xác nhận người phụ nữ 59 tuổi ngụ tại TP.HCM, là khách hàng thực hiện phẫu thuật căng da mặt, đã tử vong tối 14/10, sau khi được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
![]() |
Nạn nhân gặp sự cố và tử vong sau khi phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam, TP.HCM. Ảnh: Trương Khởi. |
Theo báo cáo của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam gửi Sở Y tế TP.HCM, sáng 11/10, bệnh nhân đến bệnh viện này với mong muốn căng da mặt. Kết quả khám lâm sàng ban đầu cho thấy bệnh nhân khỏe mạnh, từng bơm silicone hai bên má (không rõ thời gian thực hiện).
Chiều cùng ngày, bệnh viện tiến hành căng da mặt cho khách hàng. Sau ca phẫu thuật, tình hình bệnh nhân ổn định. Đến 21h, bệnh nhân khó thở, tím tái.
Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam gọi Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ và chuyển người phụ nữ này sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Đến tối 14/10, bệnh nhân tử vong.
Sau sự cố, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam vẫn hoạt động bình thường. Bác sĩ phụ trách ca phẫu thuật căng da mặt cho nạn nhân tạm nghỉ, phối hợp điều tra.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cũng xác nhận ngày 12/10 các bác sĩ tại đây tiếp nhận bệnh nhân từ Trung tâm cấp cứu 115 chuyển qua. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, ngưng tim ngoại viện và tử vong sau 3 ngày điều trị. Theo nhận định ban đầu của các bác sĩ, bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết bà đã nắm được thông tin vụ việc, đang yêu cầu bệnh viện báo cáo. Thanh tra của Sở Y tế đang tiến hành xác minh, có thể phối hợp Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập hội đồng chuyên môn để tìm ra nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong.
Theo Zing
Gia Lai: Vì sao cử 4 điều tra viên làm việc với Chánh văn phòng huyện?

Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Gia Lai vừa có quyết định cử 4 điều tra viên làm việc với Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện Đức Cơ.
Ngày 14/10, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định phân công điều tra viên, cán bộ điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm liên quan đến vụ cán bộ huyện Đức Cơ chiếm đoạt 524 triệu đồng ngân sách.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện ông Nguyễn Xuân Tứ, Chánh văn phòng HĐND – UBND huyện Đức Cơ chiếm đoạt tiền ngân sách chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ năm 2012 với số tiền 524 triệu đồng.
Thanh tra tỉnh đã chuyển vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý ông Tứ về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền ngân sách.
Quyết định của Đại tá Phan Thanh Tám, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai ban hành phân công 4 điều tra viên làm việc với ông Tứ để làm rõ dấu hiệu phạm tội và kiến nghị khởi tố.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai tiến hành thanh tra và kết luận việc sử dụng ngân sách trong hạng mục thanh lý cây cao su và giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ.
Thanh tra phát hiện ngày 11/1/2012, ông Nguyễn Hồng Lam, khi đó là Trưởng phòng tài chính – Kế hoạch huyện đã ký lệnh chi số tiền 524 triệu đồng để Kho bạc Nhà nước huyện giải ngân.
Ông Nguyễn Đông Dương (Thủ quỹ của Phòng) là người rút tiền mặt về giao cho ông Nguyễn Xuân Tứ, khi đó là Phó phòng Tài chính-Kế hoạch huyện (hiện là Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện). Ông Tứ chiếm dụng, chi tiêu cá nhân. Số tiền 524 triệu đồng được rút từ năm 2012 đến năm 2017 đều được UBND huyện Đức Cơ chuyển nguồn kinh phí tạm ứng ngân sách huyện của năm trước sang năm sau.
Năm 2018, ông Lam lên giữ chức vụ Chủ tịch huyện Đức Cơ đã ký quyết định xuất ngân sách cấp bổ sung cho Phòng LĐ-TB-XH số tiền trên để hoàn ứng.
Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng phát hiện ông Nguyễn Hồng Lam, khi làm Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã cố ý làm trái quy định, ký lệnh chi tiền và giấy lĩnh tiền mặt sai quy định để cấp dưới lợi dụng lấy tiền ngân sách sử dụng mục đích cá nhân. Khi lấy tiền về không nhập quỹ nhưng ông Lam vẫn không có ý kiến chỉ đạo mà để nhân viên chiếm dụng.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Đức Cơ đã nộp lại 524 triệu đồng sau khi bị Thanh tra tỉnh Gia Lai ban hành kết luận vụ việc tại tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước tỉnh Gia Lai.
Tạ Vĩnh Yên
Theo Baogiaothong.vn
Ayun Pa: Tin đồn dùng súng bắt cóc trẻ em là giả
Sáng 15-10, theo nguồn tin của Báo Gia Lai, Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã mời chị N. (trú tại thị xã Ayun Pa) để làm rõ việc chị này tung tin đồn về việc bắt cóc trẻ em lên mạng xã hội facebook.
Trước đó, ngày 13-10, chị N. đã dùng tài khoản facebook cá nhân đăng bản tin với nội dung: “Tin khẩn cấp, vừa có vụ bắt cóc trẻ em ở Krông Pa, cách đây 3 ngày, người đàn ông mang theo súng để khống chế người dân đi rẫy. Hiện công an địa phương đang truy tìm, mong các mẹ có con đi học, đi chơi phải có sự giám sát của phụ huynh đi theo, chứ không mất con như chơi”. Ngay lập tức, dòng tin này đã nhận được lượng chia sẻ rộng rãi. Đa phần đều tỏ ra hoang mang lo sợ từ thông tin này.
![]() |
Thông tin chị N. đăng tải đã gây hoang mang dư luận. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của P.V, Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai xác nhận trên địa bàn thời gian qua không hề có vụ việc bắt cóc trẻ em nào. Đơn vị này cũng không tiếp nhận thông tin nào về sự việc xảy ra như chị N. đăng trên facebook. Qua xác minh, Công an huyện Krông Pa xác định tài khoản facebook đăng nội dung trên là của chị N. nên đã phối hợp với Công an thị xã Ayun Pa có biện pháp xử lý.
Tại cơ quan Công an, chị N. cho hay đã nghe thông tin trên từ một người khác nhưng chưa kiểm chứng thực hư. Chị đăng lại trên facebook với mục đích muốn cảnh báo các phụ huynh cần chăm sóc con cẩn thận hơn. Được biết, hiện chị N. đã xóa thông tin trên đồng thời đăng tin cải chính và xin lỗi mọi người vì đã tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận.
Theo Baogialai.com.vn
Đak Đoa: Nông dân thu nhập ổn định nhờ xen canh
Những năm gần đây, người dân huyện Đak Đoa, Gia Lai đã chú trọng phát triển mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê. Với việc đa canh, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định, hạn chế được rủi ro khi giá cả thị trường biến động.
Gia đình ông Phạm Văn Cang (làng Kốp, xã Kon Gang) có 3 ha đất sản xuất. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và một số loại cây ngắn ngày khác. Do cây hồ tiêu bị sâu bệnh chết, giá cà phê giảm mạnh nên thu nhập hàng năm bấp bênh. Năm 2016, ông đã chuyển đổi đất hồ tiêu chết sang trồng 5 sào cam. Đến nay, vườn cam đã cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/vụ. Cuối năm 2017, từ dự án hỗ trợ của huyện, ông tiếp tục chuyển đổi thêm 5 sào nữa để trồng cam Vinh, quýt đường, bưởi da xanh. Hiện các loại cây này đã bắt đầu cho thu bói. Ông Cang cho biết: “Tôi không chuyển đổi hết diện tích mà vẫn giữ lại 1,5 ha cà phê. Với việc giá cả nông sản thường xuyên biến động, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh sẽ tránh được rủi ro vì khi cây này xuống giá thì còn cây kia bù lại. Ngoài ra, thời vụ của mỗi loại cây trồng khác nhau nên có thu nhập quanh năm”.
![]() |
Mô hình trồng xen cây bơ, sầu riêng và cà phê tại trang trại của ông Nguyễn Văn Chương (thôn Tam Điệp, xã hneng). |
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chương (thôn Tam Điệp, xã Hneng) cũng đã bắt đầu chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng bơ, sầu riêng, chanh dây, trồng cỏ nuôi bò và đào ao vừa nuôi cá vừa lấy nước tưới cho các loại cây trồng. Ông Chương cho biết, gia đình ông có gần 60 ha cà phê trồng từ năm 1999. Hầu hết diện tích cà phê này đã già cỗi, năng suất thấp. Ngoài tái canh một phần diện tích cà phê, năm 2016, gia đình ông dành đất trồng 4.000 cây bơ hass, bơ booth và bơ 034. Năm 2019, gia đình ông trồng thêm 1.000 cây sầu riêng giống Musang King. “Hiện nay, Tây Nguyên đang phát triển rất mạnh về cây ăn quả nên tôi cũng phải tìm hướng đi mới để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất. Ngoài ra, tôi còn quy hoạch và đầu tư xây dựng mô hình trang trại trái cây Lệ Cần kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch để du khách có thể thưởng thức những sản phẩm sạch được trồng ngay tại đây”-ông Chương cho hay.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, trên địa bàn huyện có 477 ha cây ăn quả (hơn 268 ha trồng xen) gồm: 102 ha sầu riêng, 118,5 ha bơ, 55 ha mít, 120 ha chuối, 34 ha cam, quýt… Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Huyện Đak Đoa xác định cây trồng chủ lực vẫn là cà phê và hồ tiêu. Tuy nhiên, do địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị như: sầu riêng, bơ, mít, chuối… nên người dân đã chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả. Cây ăn quả được người dân trồng xen trong vườn cà phê tái canh để vừa làm cây che bóng, chắn gió, vừa tăng thêm thu nhập, hạn chế rủi ro khi thị trường nông sản biến động về giá cả. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 560 ha cây ăn quả, năm 2025 khoảng 800 ha và đến năm 2030 có khoảng 960 ha.
Cũng theo ông Hùng, để trồng cây ăn quả trên diện tích đất hồ tiêu chết, người dân cần xử lý đất kỹ càng nhằm tránh tồn dư mầm bệnh gây hại cho vườn cây. Huyện cũng sẽ vận động người dân thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, người dân cần lựa chọn những loại cây có giá trị cao, có khả năng liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Theo Baogialai.com.vn
Khơi nguồn nước sạch cho vùng khó
Niềm ao ước bấy lâu nay của người dân làng Đak Trang (xã Kon Thụp) và làng Đak Hlah Tơ Drah (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) cuối cùng cũng trở thành hiện thực khi công trình nước sạch do Công ty cổ phần Tập đoàn TMS (TP. Hà Nội) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Mang Yang xây dựng vừa hoàn thành.
Ông Bôi-Trưởng thôn Đak Hlah Tơ Drah-trải lòng: “Làng tôi có 190 hộ dân, giờ không phải lo thiếu nước mỗi khi vào mùa khô nữa rồi. Trước đây, không có nước sinh hoạt, các gia đình phải dùng chai, lọ đi lấy nước cách nhà rất xa. Có hộ sử dụng cả nguồn nước ở mương, suối, không đảm bảo vệ sinh dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe”.
![]() |
Cắt băng khánh thành và bàn giao giếng nước sạch. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Hồng Tú-đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn TMS-cho biết: Thông qua sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ huyện Mang Yang, biết bà con ở đây bao năm qua phải sống, sinh hoạt với nguồn nước không đảm bảo nên Tập đoàn đã quyết định hỗ trợ 2 công trình giếng nước sạch, mỗi công trình trị giá 115 triệu đồng gồm: giếng khoan, bồn chứa nước 5.000 lít, hệ thống lọc thô hiện đại, máy bơm chế độ phao tự động, sân, khuôn viên, bồn hoa có diện tích 100 m2 và các công trình phụ trợ khác. “Mong rằng, có nguồn nước sạch, sức khỏe của bà con sẽ được đảm bảo hơn”-bà Tú nói.
Không giấu được niềm phấn khởi, ông Brin-Bí thư chi bộ làng Đak Trang-chia sẻ: “Làng có 202 hộ với 816 khẩu, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn nên chưa có điều kiện để làm giếng nước sinh hoạt. Nay có công trình nước sạch rồi, bà con không phải vất vả đi xa lấy nước nữa, dân làng chúng tôi rất vui”. Đang gùi nước về nấu bữa tối, bà Pyenh (làng Đak Trang) cho hay: “Trước kia, vào mùa khô, chúng tôi rất vất vả, phải đi 3-4 km mới lấy được nước. Giờ có nước sạch rồi, tôi không phải lo chuyện nước sinh hoạt nữa”. Còn ông Pik (cùng làng) nói: “Nhà có 2 vợ chồng già, có nguồn nước sạch ngay tại làng như thế này, vợ tôi không phải đi xa cõng nước nữa. Chúng tôi mừng lắm”.
Là đơn vị phối hợp giám sát thi công công trình, ông Ngô Gia Lĩnh-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mang Yang-chia sẻ: Mới đầu, đội thi công gặp khá nhiều khó khăn do đặc thù địa chất vùng này nhiều đá. Vì vậy, giếng ở làng Đak Trang phải khoan sâu 95 m, còn giếng ở làng Đak Hlah Tơ Drah thì phải khoan đến 115 m mới tìm thấy mạch nước ngầm. Sau gần 1 tháng nỗ lực, công trình đã hoàn tất, giúp người dân vùng khó có nguồn nước sạch đảm bảo nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Ngoài việc hỗ trợ 2 công trình nước sạch, Công ty còn phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 195 hộ nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật với tổng trị giá trên 100 triệu đồng; đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách vệ sinh, chăm sóc sức khỏe để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi ốm đau, bệnh tật.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Mô tô va chạm ô tô đầu kéo, 2 người thương vong
Khoảng 1 giờ 40 phút ngày 13-10, trên quốc lộ 25 thuộc địa phận xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa, Gia Lai) xảy ra vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết và 1 người bị thương.
Tại thời điểm trên, xe mô tô BKS 81N1-237.94 (chưa xác định người điều khiển), trên xe gồm có anh Rơ Ô Ba (SN 1999) và anh Đào Minh Đoan (SN 1994, cùng trú tại buôn Toát, xã Ia Rsươm) lưu thông từ hướng xã Ia Rsươm đi xã Chư Rcăm. Đến vị trí trên, xe mô tô tông vào phía sau đuôi xe ô tô đầu kéo BKS 77C-087.52 do anh Đỗ Văn Liêm (SN 1985, trú huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển lưu thông cùng chiều. Hậu quả, anh Ba tử vong tại chỗ, anh Đoan bị thương. Nguyên nhân do người điều khiển xe mô tô không chú ý quan sát.
Theo Baogialai.com.vn
Ayun Pa: Thành lập tổ Cảnh sát Phản ứng nhanh 113
Sáng 15-10, Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai tổ chức lễ ra mắt Tổ Cảnh sát Phản ứng nhanh 113. Tổ được thành lập với 35 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đội: Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Điều tra và Thi hành án Hình sự-Hỗ tự tư pháp.
![]() |
Người dân có thể gọi điện cho tổ Cảnh sát 113 qua số điện thoại 0949.733113 |
Các cán bộ, chiến sĩ của tổ có nhiệm vụ ứng trực 24/24 giờ, tiếp nhận và xử lý thông tin, những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn thị xã mà nhân dân gọi đến qua số điện thoại 0949.733113. Đồng thời, Tổ Cảnh sát Phản ứng nhanh 113 cùng phối hợp với các lực lượng khác của Công an thị xã thực hiện phương án đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn.
Theo Baogialai.com.vn
Khởi tố 2 đối tượng cho vay nặng lãi
Ngày 15-10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đào Văn Tuấn (SN 1981) và Nguyễn Văn Thìn (SN 1974) cùng trú tại làng Tào Roòng, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
![]() |
Tuấn và Thìn (từ trái qua) tại cơ quan Công an. |
Kết quả điều tra ban đầu xác định, đầu năm 2018, Tuấn và Thìn đã rủ nhau góp tiền cho người dân vay lấy lãi suất cao. Các đối tượng đã in tờ rơi với nội dung “Hỗ trợ vay vốn trả góp, thủ tục nhanh gọn, chỉ cần chứng minh nhân dân và hộ khẩu kèm theo” đồng thời in trên tờ rơi 2 số điện thoại để cho người dân có nhu cầu vay liên lạc. Tuấn đã tự xưng tên là Hoàng còn Thìn tự xưng là Bình.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2-2018 đến ngày 24-8-2018, 2 đối tượng này đã cho 24 người trên địa bàn huyện Phú Thiện, 13 người trên địa bàn huyện Chư Sê, 5 người trên địa bàn huyện Chư Pưh vay với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Người dân vay tiền của Tuấn và Thìn đã phải trả lãi suất 20%/tháng. Tổng số tiền lãi mà các đối tượng đã thu lợi bất chính gần 80 triệu đồng.
Theo Baogialai.com.vn