Khi rơi vào những tình huống sau đây, có thể nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm:
- Người vừa mới ăn xong và khởi phát bệnh ngay sau đó.
- Có từ hai người trở lên có biểu hiện triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh.
- Các dấu hiệu gợi ý ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
- Quan sát thực phẩm thấy có biểu hiện nghi ngờ, như ôi thiu, có mùi lạ, xuất hiện giun sán.
1. Nhận biết triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:
- Nếu nguyên nhân do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra): Người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (như đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi).
- Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất, không có chất độc tự nhiên: Bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).
- Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố: Bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà trong tự nhiên được biết là có thể có chứa độc tố: ví dụ như sắn, măng, cá nóc, cóc,…
Ngộ độc thực phẩm sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hoá hoặc bị mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng:
- Rối loạn thần kinh: Đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, giọng nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt.
- Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
- Có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng).
- Sức đề kháng của cơ thể kém: Nhất là ở các đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, người đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch (thường dùng trong bệnh về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.
Thông thường, ngộ độc thực phẩm triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc trong vòng 1 – 2 ngày sau khi nhiễm độc từ thức ăn. Ngộ độc thực phẩm dạng nặng có thể dẫn đến tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi, suy kiệt cả về thể chất và tinh thần cho người mắc bệnh. Vì vậy, tự bảo vệ bản thân là biện pháp cần thiết đầu tiên phải nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức quan trọng về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm vô cùng cần thiết.
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm là do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn, virus. Các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc vài tuần sau khi ăn.
Buồn nôn: Triệu chứng này thường xuất hiện vài tiếng sau khi ăn, nhưng cũng có thể biểu hiện ngay khi ăn phải thức ăn nhiễm độc. Uống nước hoặc trà có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn. Sau vài tiếng, bạn có thể ăn thức ăn nhạt như bánh mì trắng để ổn định dạ dày.
Tiêu chảy: Giống như nôn mửa, tiêu chảy cũng là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố đào thải chất độc ra ngoài. Bởi vậy, thay vì cố gắng dừng triệu chứng này bằng các loại thuốc, bạn nên để quá trình này diễn ra tự nhiên. Vì vậy, bạn cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi trong quá trình đào thải độc.
Đau bụng: Đau bụng là do sự co thắt các cơ dạ dày. Cơn đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc thỉnh thoảng nhói lên. Trong hầu hết các ca ngộ độc thực phẩm, cơn đau bụng sẽ kéo dài trong vài giờ, cùng lúc với các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy.
Chán ăn: Chán ăn là một phản ứng tự nhiên khi bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc, cơ thể sẽ từ chối tiếp nhận những thức ăn tương tự trong một thời gian. Tuy nhiên, cơ thể vẫn cần ăn để có năng lượng chống lại vi khuẩn, vì vậy, bạn nên ăn những món dễ tiêu hóa như canh xương nhạt và bánh mì nhạt.
Suy nhược cơ thể: Ngộ độc có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc duy trì các sinh hoạt hằng ngày. Triệu chứng này thường kéo dài vài ngày, tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc. Triệu chứng này thường là do mất nước vì nôn mửa và tiêu chảy, hoặc do hạ đường huyết vì chán ăn. Bạn cần bổ sung thật nhiều nước.
Mệt mỏi: Người bị ngộ độc thường cảm thấy mệt mỏi vì cơ thể phải dùng hết năng lượng để chống lại vi khuẩn, hoặc vì mất nhiều nước. Bạn nên nghỉ ngơi, vì khi bạn ngủ, cơ thể có thể tập trung toàn bộ năng lượng để đào thải độc tố.
Sốt: Khi ăn phải thức ăn nhiễm độc, cơ thể lập tức chuyển sang chế độ chống khuẩn. Bên cạnh đào thải độc tố qua nôn mửa và đi ngoài, cơ thể còn tăng nhiệt độ bên trong để tiêu diệt vi khuẩn. Bạn nên nghỉ ngơi và bù nước trong giai đoạn này.
Đổ mồ hôi và ớn lạnh: Một phản ứng khác của cơ thể đối với ngộ độc là đổ mồ hôi và ớn lạnh. Tăng nhiệt độ bên trong có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn, nhưng cũng có thể gây khó chịu và thay đổi nhiệt độ cơ thể thất thường. Bạn cần bù nước khi có triệu chứng đổ mồ hôi.
Các triệu chứng nặng hơn: Nếu triệu chứng ngộ độc kéo dài, bạn cần được chăm sóc y tế. Các triệu chứng nặng hơn bao gồm máu xuất hiện trong dịch nôn mửa hoặc trong phân, sốt cao, nôn mửa quá độ đến mức không thể bù nước, hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày./.
Theo Facty