Mặc dù chưa đạt tiến độ đề ra do nguồn vốn phân bổ chậm nhưng dự án đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 666 vẫn đang dần khai thông tuyến huyết mạch nối trung tâm huyện Mang Yang tới 5 xã vùng căn cứ cách mạng phía Nam sông Ayun.
Nâng cấp tỉnh lộ 666: Tạo động lực phát triển 5 xã phía Nam sông Ayun
Khó khăn từ nguồn vốn
Tỉnh lộ 666 có chiều dài 60,5 km, điểm đầu giao với Km 139 quốc lộ 19 (đoạn qua xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) và điểm cuối giao với Km 378+350 đường Trường Sơn Đông (đoạn qua xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Trước khi được nâng cấp, hiện trạng tuyến đường chỉ có 32,27 km được thảm nhựa hoặc bê tông, còn lại là đường đất.
Ngày 27-10-2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1562/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 666 (Km 0-Km 60+500). Nhưng phải đến giữa năm 2016, qua một lần điều chỉnh, dự án mới bố trí được vốn. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan, trước mắt dự án mới chỉ được bố trí 231 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương (thay vì 452 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA theo kế hoạch ban đầu).
Trước áp lực nguồn vốn bị thu hẹp lại, dự án chỉ tập trung triển khai thực hiện 3 gói thầu xây lắp: gói thầu số 1 (Km 33-Km 42), đơn vị thi công là liên danh 3 nhà thầu: Công ty cổ phần Trường Sơn 145, Công ty cổ phần Xây dựng-Thương mại Hoàng Đức Sang và Công ty cổ phần Phát triển Đại Việt; gói thầu số 2 (Km 42-Km 60+500) do Công ty cổ phần Thành Đạt thi công; gói thầu số 3 do liên danh Công ty TNHH Trung Kiên và Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai thực hiện thi công xây dựng 3 cây cầu trên tuyến, thuộc địa bàn các xã Lơ Pang, Kon Thụp và Kon Chiêng. Tuyến đường thi công có kết cấu gồm đường bê tông nhựa và bê tông xi măng, chiều rộng mặt đường 5,5 m, chiều rộng nền đường 7,5 m, tốc độ khai thác trung bình 40 km/h, tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh; thời gian thi công và hoàn thành từ năm 2016 đến năm 2020.
Nói về tiến độ thi công dự án, ông Nguyễn Hữu Sơn-Trưởng phòng Quản lý dự án (Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh), Giám đốc Dự án nâng cấp tỉnh lộ 666-cho biết: Đến nay, đối với các gói thầu xây lắp số 1 và 2, đơn vị thi công đã hoàn thành thảm bê tông nhựa từ Km 33 đến Km 38 và đang tiếp tục đổ bê tông mặt đường. Ở gói thầu xây lắp số 3, đến nay đã có 1 cây cầu hoàn thành (cầu Đê Gơ tại vị trí Km 6+641 thuộc địa bàn xã Lơ Pang); đơn vị thi công cũng đã hoàn thiện 2 cây cầu còn lại tại vị trí Km 18+641 (xã Kon Thụp) và Km 27+715 (xã Kon Chiêng), hiện đang triển khai thi công đường 2 đầu cầu.
Như vậy có thể thấy, sau hơn 3 năm triển khai, dự án vẫn chưa đạt tiến độ đề ra do công tác bố trí vốn chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, theo kế hoạch giải ngân nguồn vốn, từ năm 2016 đến 2019, dự án sẽ được bố trí 125,5 tỷ đồng để triển khai (thực tế đến ngày 30-6 mới được phân bổ về 106,5 tỷ đồng), trong đó, năm 2019 được phân bổ 35 tỷ đồng. Đến năm 2020 (năm kết thúc dự án), nguồn vốn được bố trí tới 105,5 tỷ đồng (chiếm hơn 45% tổng vốn đầu tư dự án). Nguồn vốn hạn hẹp trong những năm vừa qua chính là nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Động lực phát triển cho vùng căn cứ cách mạng
Là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện Mang Yang với 5 xã vùng căn cứ cách mạng phía Nam sông Ayun gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng, tỉnh lộ 666 có ý nghĩa quan trọng trong việc giao thương, đi lại của người dân cũng như tạo động lực cho kinh tế-xã hội các địa phương phát triển. Vì vậy, khi đi vào triển khai, dự án đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ người dân. “Ngoài góp phần cải thiện tình trạng giao thông, việc nâng cấp tuyến đường còn được kỳ vọng trở thành nguồn động lực quan trọng giúp các xã phía Nam sông Ayun cất cánh. Điều này có ý nghĩa hơn khi các xã này đều thuộc vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trong thời kỳ chiến tranh”-ông Phan Lê Nguyên-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang-đánh giá.
![]() |
Dự án nâng cấp tỉnh lộ 666 khi hoàn thành sẽ giúp việc đi lại của người dân thuận tiện, an toàn hơn. |
Đối với đoạn Km 0-Km 33, tỉnh đã trích kinh phí 9,1 tỷ đồng từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, giao Sở Giao thông-Vận tải thực hiện vá các điểm hư hỏng, cạp lề mở rộng một số đoạn mặt đường hẹp… để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. |
Cách trung tâm huyện 40 km, Kon Chiêng là xã đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 1.407 hộ với 6.183 khẩu sinh sống tại 8 làng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 37,63%. Đời sống của người dân dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh lộ 666 có 14 km chạy qua 4 làng: Đak Ó, Git, Klah, Ktu là tuyến đường huyết mạch kết nối Kon Chiêng với các xã lân cận, trung tâm huyện và các huyện: Ia Pa, Kông Chro… Ông Võ Đình Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-chia sẻ: “Đường được xây dựng từ lâu, có đoạn còn là đường đất khiến việc giao thương, đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Việc nâng cấp và đầu tư làm mới tuyến đường sẽ góp phần quan trọng giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn; đồng thời tránh được cảnh thương lái ép giá nông sản của bà con, gia tăng tính kết nối của địa phương với các xã, huyện lân cận; học sinh đến trường thuận lợi, an toàn hơn hay người bệnh cần cấp cứu sẽ kịp thời hơn…”. Cũng theo ông Huy, hiện nay, việc thi công tuyến đường đoạn qua địa bàn xã đã hoàn thành khoảng 70%. “Chúng tôi rất mong dự án đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm được hưởng lợi”-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng bày tỏ.
Vui mừng nhất khi dự án nâng cấp tỉnh lộ 666 được triển khai có lẽ là người dân xã Đak Trôi. Anh Duân-Trưởng thôn Đak HRe-phấn khởi nói: “Trước đây, người dân Đak Trôi đi về trung tâm huyện mà không muốn vượt đường đất theo lối tỉnh lộ 666 thì phải chạy vòng qua xã Đê Ar. Vì vậy, người dân rất vui mừng khi tuyến đường được đầu tư nâng cấp, khi hoàn thiện sẽ giúp bà con đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Đặc biệt, dự án có xây dựng các cây cầu vượt suối nên người dân bớt nỗi lo nước lũ dâng cao, bị tắc lại ở 2 đầu cầu mỗi khi mưa lớn”.
Theo Baogialai.com.vn
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào dạy nghề tại Gia Lai
Với mong muốn đưa phương pháp mới, hiện đại, sát với thực tế vào công tác đào tạo nghề, nhóm tác giả Nguyễn Văn Toàn và Ngô Thị Ánh Tuyết (giảng viên Khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai) đã nghiên cứu thành công mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” và được sinh viên, học viên đón nhận tích cực.
Mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” đạt giải nhất ở lĩnh vực điện-điện tử tại hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2019” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức. Hiện nay, bên cạnh việc đưa thiết bị vào giảng dạy cho sinh viên, học viên cuối khóa, nhóm tác giả đang gấp rút hoàn thiện mô hình này để tham dự hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia năm 2019” được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vào tháng 9 tới. Trao đổi về những tiến bộ trong phương pháp giảng dạy bằng mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp”, anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Trên thực tế, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, quá trình tự động hóa và điều khiển lập trình tổng hợp được ứng dụng ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực như: phân loại sản phẩm, đèn giao thông, điều khiển mực nước… Mục tiêu của mô hình này là giúp sinh viên, học viên tiếp cận những kiến thức, cách làm sát với thực tế tại các nhà máy, công xưởng để trong quá trình thao tác các em không bị bỡ ngỡ, doanh nghiệp cũng không phải hướng dẫn lại các em cách vận hành những thiết bị hiện đại”.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Toàn đang tiếp tục hoàn thiện mô hình để tham dự hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia. |
Nghiên cứu lĩnh vực tự động hóa trong điều khiển hệ thống đèn giao thông, băng chuyền phân loại và dán mác sản phẩm, điều khiển mực nước…, nhóm tác giả đã sử dụng giao diện người máy hoặc màn hình cảm ứng HMI để giám sát quá trình hoạt động của mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp”. Các hệ thống đều được giám sát từ xa thông qua đường truyền Internet. Đây là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất, giảm thiểu sức lao động của con người. Thông qua mô hình này, người học tiếp cận và thực hành bài học sát với thực tế, sẵn sàng vận hành các thiết bị hiện đại ngay sau khi ra trường. Em Bùi Minh Nguyên (học viên năm cuối Khoa Điện-Điện tử) nói: “Trước đây, chúng em chỉ được tìm hiểu các bảng điều khiển lập trình tổng hợp thông qua bài học lý thuyết nên rất khó nắm bắt. Từ khi mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” của thầy Toàn và cô Tuyết được đưa vào giảng dạy, chúng em tiếp thu và vận dụng thuận lợi, nhất là với những học viên cuối khóa. Đến nay, em đã sẵn sàng đầu quân cho các doanh nghiệp có ứng dụng các thiết bị hiện đại vào sản xuất mà không cần thêm khóa học việc tại doanh nghiệp”.
Với thiết kế nhỏ gọn, dễ bảo quản, mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” còn tiết kiệm chi phí đáng kể khi phát triển thêm nhiều chức năng trong dây chuyền sản xuất do được thiết kế theo từng mô đun riêng biệt. Thầy Huỳnh Ngọc Thuận-Trưởng khoa Điện-Điện tử-cho biết: “Trong năm học 2019-2020, chúng tôi sẽ đưa mô hình này vào giảng dạy cho cả hệ trung cấp và cao đẳng. Từ mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp”, những giờ thực hành sẽ trở nên sinh động vì nó không khác mấy so với hệ thống máy móc hiện đại mà các doanh nghiệp, phân xưởng đang sử dụng”.
Cũng theo thầy Thuận, mô hình “Điều khiển lập trình tổng hợp” đã nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của học sinh, phụ huynh trong “Ngày hội tuyển sinh năm 2019” do Tỉnh Đoàn tổ chức hồi cuối tháng 3. Với việc ứng dụng thành công công nghệ 4.0 thay thế phương pháp dạy nghề truyền thống không còn phù hợp, trước mắt, Khoa Điện-Điện tử Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai sẽ đào tạo khoảng 300 lao động có tay nghề cao, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo Baogialai.com.vn