Bài viếtNỔI BẬT
Bị cáo Nhung đã bị tuyên phạt 13 năm tù giam.
Lừa đảo hơn 1 tỷ đồng tiền hụi, lãnh án 13 năm tù
Sau khi lừa nhiều người tham gia vào những đường dây hụi “ảo” với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1986, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) tuyên bố vỡ nợ và chiếm đoạt số tiền trên.
Ngày 9-7, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thị Tuyết Nhung 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ, đầu năm 2016, Nhung bắt đầu lập ra các dây hụi và huy động nhiều người trên địa bàn thị xã Ayun Pa tham gia. Hình thức tổ chức các dây hụi là mỗi dây có đủ 12 chân hụi, một người có thể tham gia nhiều chân trong cùng 1 dây hụi. Có 3 loại hụi: 1 tháng/kỳ, 15 ngày/kỳ và 10 ngày/kỳ. Khi có người tham gia vào dây hụi, Nhung phát cho mỗi người 1 cuốn sổ tay, đến kỳ đóng tiền hụi thì Nhung trực tiếp đi thu tiền, Nhung tự ghi số tiền, số kỳ đóng, ngày đóng hụi vào cuốn sổ này rồi giao cho các con hụi giữ. Trong khoảng thời gian đầu, Nhung tổ chức chơi đúng hình thức và bản chất của việc chơi hụi, thanh toán đầy đủ, sòng phẳng tiền hụi nên đã tạo được sự tin tưởng của người chơi. Mỗi kỳ, nếu người chơi có nhu cầu nhận tiền hụi 1 lần (hốt hụi) thì thông báo trước cho Nhung và tham gia bỏ giá hụi. Người hốt hụi xong thì vẫn phải tiếp tục đóng hụi mỗi kỳ còn lại cho Nhung cho đến khi kết thúc dây hụi là 12 kỳ. Khi hốt hụi, người chơi phải trả cho Nhung 20% số tiền mệnh giá của từng dây hụi. Đây được coi là số tiền hoa hồng mà Nhung được hưởng và có trách nhiệm thu phần hụi và chung tiền cho các con hụi.
Khoảng từ tháng 10-2016 đến tháng 9-2017, Nhung đã huy động, rủ rê nhiều người cùng tham gia các dây hụi do Nhung làm chủ. Nhung đưa ra thông tin gian dối là các dây hụi đều có đủ 12 chân hụi tham gia. Do tin tưởng nên nhiều người đã tham gia mà không hề hay biết thông tin mà Nhung đưa ra là sai sự thật. Thực chất, đây là các dây hụi khống vì chỉ có duy nhất chính người đó tham gia chơi chứ không phải 12 con hụi như Nhung nói. Trong đó, chỉ có 1 dây hụi với 2 người tham gia. Vì vậy, khi người chơi có nhu cầu hốt hụi thì Nhung thường kiếm cớ để trì hoãn, sau đó để các con hụi đóng hụi đến kỳ cuối rồi tuyên bố vỡ hụi. Theo đó, Nhung đã chiếm đoạt tiền của 12 cá nhân trên địa bàn thị xã Ayun Pa với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cụ thể, khoảng tháng 5-2017, bị cáo Nhung đã rủ chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1977, trú tại 74 Lê Hồng Phong, thị xã Ayun Pa) tham gia chơi 5 dây hụi và giao cho chị Nhung 1 quyển sổ để ghi chép. Tin bị cáo làm ăn sòng phẳng, chị Nhung đã tham gia vào 5 dây hụi này với các mức đóng hụi 5 triệu đồng/10 ngày và 2 triệu đồng/10 ngày. Kết quả điều tra xác định, các dây hụi này chỉ có 1 mình chị Nhung là người chơi hụi với bị cáo. Tổng số tiền mà chị Nhung đã đóng vào 5 dây hụi này là hơn 360 triệu đồng. Đến kỳ hốt hụi, bị cáo nhiều lần trì hoãn đối với chị Nhung, sau đó tuyên bố vỡ hụi. Vì vậy, chị Nhung đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Trước đó, khoảng tháng 1-2017, bị cáo Nhung cũng rủ chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1973, trú tại tổ 2, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) chơi 7 dây hụi do Nhung làm chủ và chị Thủy đã đồng ý. Chị Thủy đã đứng nhiều chân trong các dây hụi ở các mức đóng 5 triệu đồng/30 ngày, 5 triệu đồng/10 ngày, 3 triệu đồng/10 ngày. Tổng số tiền mà chị Thủy đã đóng cho Nhung là hơn 286 triệu đồng. Đến tháng 9-2017, chị Thủy yêu cầu được hốt hụi thì Nhung tuyên bố vỡ hụi và không trả số tiền trên cho chị này. Ngoài ra, với thủ đoạn tương tự, Nhung đã lừa đảo 10 người khác đóng tiền hụi cho mình rồi chiếm đoạt.
Theo Baogialai.com.vn
Tranh luận nảy lửa việc xử phạt sai phạm Nhà máy đường An Khê
Tranh luận trong việc xử phạt Nhà máy đường An Khê vi phạm trong thi công xây dựng, đảm bảo môi trường không đi đến thống nhất
Khác biệt lớn trong đề xuất xử phạt và thực tế xử phạt Nhà máy đường An Khê, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi vì các sai phạm trong thi công xây dựng, đảm bảo môi trường… là vấn đề nóng trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra sáng nay (10/7).

Nhà máy đường An Khê nằm cạnh sông Ba và liên tục xả thải, gây ô nhiễm dòng sông này.
Theo đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai tổ đại biểu Thị xã An Khê, quá trình hoạt động của Nhà máy đường An Khê, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi từ năm 2000 đến nay liên tục xảy ra sai phạm, nhất là gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. Đặc biệt, vào tháng 1 năm 2019, sau khi phát hiện hành vi xả thải, kiểm nghiệm mức ô nhiễm, chính quyền, ngành chức năng thị xã An Khê đã đề xuất xử phạt Nhà máy này hơn 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, Sở TN-MT chỉ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 468 triệu đồng. Chênh lệch lớn mức xử phạt trở thành đề tài tranh luận nóng giữa Thị xã An Khê và Sở TN-MT tại phiên chất vấn.

Người dân thị xã An Khê từng nhiều lần ghi nhận Nhà máy đường An Khê xả thải trực tiếp nước ô nhiễm ra sông Ba .
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê nêu căn cứ đề nghị mức xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng đối với Nhà máy đường An Khê: “Căn cứ của Thị xã An Khê đề xuất UBND tỉnh xử phạt là trên cơ sở các mẫu đã được gửi đi kiểm nghiệm, đối chiếu với các điều khoản quy định về xử phạt hành chính vi phạm về môi trường. Trong đó, có 2 căn cứ, thứ nhất là kết quả xét nghiệm các mẫu, có các chỉ số vượt, thứ hai là dựa vào công suất xả thải và đăng ký xả thải của Nhà máy đường.”
Tranh luận trở lại, ông Phạm Huy Du, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai cho rằng: “Thị xã An Khê đề nghị mức phạt là 1,5 tỷ đồng nhưng khi kiểm tra lại hành vi, căn cứ các quy định thì trình UBND tỉnh để có quyết định xử phạt là 468 triệu đồng tại Quyết định 525.”
Tranh luận giữa Thị xã An Khê và Sở Tài Nguyên- Môi trường trong việc xử phạt Nhà máy đường An Khê không đi đến thống nhất và được chủ tọa kỳ họp yêu cầu sẽ tổ chức họp bàn, đánh giá trở lại để đảm bảo việc xử phạt đúng các quy định pháp luật.

Nhà máy tinh luyện đường 1.500 tỷ tái diễn thi công khi đang bị đình chỉ.
Cũng liên quan đến vấn đề Nhà máy đường An Khê gây ô nhiễm trong thời gian dài, Đại biểu Thị xã An Khê cũng bày tỏ nghi ngại khi hệ thống xả thải của Nhà máy này được xây dựng từ năm 2000, với công suất đầu tiên chỉ là 2.000tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay Nhà máy có 3 hạng mục, công suất tăng gấp 10 lần, đều xả thải vào hệ thống cũ.
Đối với Nhà máy tinh luyện đường RE, công trình này có quy mô vốn 1.500 tỷ đồng nhưng tiến hành thi công khi chưa có giấy phép và xảy ra tai nạn chết người. Khi đang bị đình chỉ thi công, chính quyền, ngành chức năng thị xã An Khê lại phát hiện và lập biên bản Nhà máy này tiếp tục tổ chức thi công vào ngày 3/7. Ngay ngày hôm sau, tức ngày 4/7, công trình này được cấp phép xây dựng. Việc thi công không giấy phép đã bị xử phạt 40 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tái diễn thi công khi đang bị đình chỉ đến nay vẫn chưa thống nhất hướng xử lý./.
Theo Vov.vn
XEM THÊM : Gấp rút hoàn thành dự án chống sạt lở đèo Tô Na, Chư Pưh: Thêm 2 xã không còn dịch tả heo châu Phi