Học ngành sư phạm nhưng không xin được việc, chị Mlê cùng chồng thay phiên nhau dạy Toán, Văn miễn phí cho trẻ em dân tộc Ba Na suốt 3 năm qua.
Bài viếtNỔI BẬT
12h30, một vài đứa trẻ cầm trên tay cuốn sách và ngòi bút, hướng về cuối làng Wâu. Chúng rẽ vào căn nhà cấp bốn của gia đình chị Mlê (27 tuổi, xã Chư Á, TP Pleiku) bật tivi xem. Số khác đến góc phòng lấy vài quyển sách trên giá, lẩm nhẩm đọc.
Gian phòng rộng khoảng 30 m2 có sẵn bàn ghế nhựa, đủ chỗ cho gần 50 em ngồi học. Chủ nhà còn gắn tivi trên tường để cho lũ trẻ xem ngoài giờ dạy. Dù đang bị cảm, chiều 15/9, cô Mlê vẫn không chịu nghỉ buổi dạy. Đúng 13h, chị Mlê bước ra ngồi cạnh học trò của mình, say sưa dạy.
Năm 2015, cô gái người Ba Na đang học ở trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai có quen với nam sinh người Xê Đăng – A Trăng (27 tuổi), học cùng trường. Một năm sau, A Trăng cưới Mlê và mở lớp dạy học miễn phí tại nhà ở làng Wâu.
Ban đầu chỉ dạy cho các em trong nhà, nhưng thấy nhiều đứa trẻ trong xóm muốn học, nên họ mở rộng gian phòng, mua thêm bàn ghế. Lịch học buổi sáng từ 7h đến 9h, buổi chiều từ 1h đến 3h, áp dụng cho tất cả ngày trong tuần. Vào hè, học sinh đến học nhiều nhất khoảng 50 em, cả tiểu học và trung học.

Ba năm trước, sau giờ học chính khóa, những đứa trẻ trong làng về nhà ném cặp sách vào xó, tụ tập nhau chơi đùa dưới nắng hoặc theo bố mẹ lên rẫy. Ngày hôm sau đến lớp, hầu như không còn ai nhớ mặt chữ. “Có nhiều em lớp 4 vẫn chưa biết đọc, viết”, cô Mlê nhớ lại.Nhưng từ có lớp dạy miễn phí, nhiều học sinh ở làng Wâu đã không còn ham chơi, chăm chỉ học tập, đọc viết thành thạo. Em H’hạ, học sinh lớp 6 rụt rè nói, sau giờ học ở trường, cái gì không hiểu em thường đến nhờ cô Mlê giảng lại. Không có bút, vở… cô đều cho.
Phụ huynh đã biết chở con đến nhà cô Mlê nhờ dạy giúp thay vì đưa con lên nương. Thỉnh thoảng họ trả ơn cô giáo bằng bó rau hoặc nhổ cỏ giúp gia đình.

Theo anh Trăng, sau khi ra trường, hai vợ chồng đều không xin được việc nên đành ở nhà, trồng rau và thay nhau dạy học cho những đứa trẻ trong làng. Điều kiện và khả năng tiếp thu kiến thức của các em không bằng những đứa trẻ khác, nên việc mở lớp dạy miễn phí là rất cần thiết.
“Những lúc vợ có việc bận, tôi phải dạy thay, chủ yếu môn Toán, Văn“, anh Trăng nói và cho biết, anh đang chăm vườn rau rộng 7 sào (3.000 m2) kiếm thêm thu nhập. Vụ vừa rồi gia đình anh bán được 8 triệu đồng nên mua thêm quạt, sách… nhằm phục vụ việc giảng dạy.
“Không xin được việc, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng em không thấy hối hận khi chọn nghề giáo viên”, anh Trăng nói.
Ông Trương Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Chư Á, đánh giá việc vợ chồng anh Trăng mở lớp dạy miễn phí rất có ý nghĩa, giúp các cháu nhỏ dân tộc Ba Na nghèo tiếp thu bài học nhanh hơn. “Vợ chồng giáo viên này cũng là lao động giỏi, năng nổ ở địa phương”, ông Minh cho biết.
Theo Vnexpress.net
Gia Lai: Bắt hai thanh niên mang bình xịt hơi cay đi trộm chó
Hai thanh niên mang bình xịt hơi cay đi trộm chó thì bị công an bắt quả tang. Công an thu giữ 2 con chó cùng nhiều tang vật liên quan.
Ngày 16/10, Công an TP Pleiku (Gia Lai) đang tạm giữ Tạ Văn Thiết (32 tuổi) và Tạ Văn Hùng (23 tuổi, cùng quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản.
Chiều ngày 16/10, Thiết và Hùng điều khiển xe máy mang theo 12 cục bả chó, thức ăn, bình xịt hơi cay và một cây gậy sắt 3 khúc. Hai thanh niên đi dạo trên các tuyến đường tại TP Pleiku với mục đích dùng bả bắt trộm chó.
Khi cả hai đến bãi đất trống trước quán cà phê tại hẻm 338 đường Trường Chinh, phường Trà Bá thì phát hiện 2 con chó của người dân đang thả rông. Hùng dùng 3 cục bả chó trộn với thức ăn ném vào chỗ 2 con chó.
Khoảng 10 phút sau, 2 thanh niên này ra bắt chó đã trúng bả thì bị Công an phường Trà Bá bắt quả tang.
Công an thu giữ 2 con chó (tổng trọng lượng 17,5 kg, trị giá khoảng 600.000 đồng) và 11 cục bả chó cùng nhiều tang vật khác.

Theo News.zing.vn
Nghẹn lòng 3 đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ sau tai nạn giao thông
Hai vợ chồng bị tai nạn tử vong giữa đường đèo hiểm trở để lại 3 đứa con thơ dại. Tang thương bỗng ập xuống ngôi nhà nhỏ vốn đang đầy ắp niềm hy vọng.
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 phút khuya ngày 17-10 tại Km 63+750 trên quốc lộ 24, thuộc thôn Ba Lăng, xã Ba Ngạt, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời điểm trên, xe tải chở gỗ mang BKS 81C-092.03 do anh Nguyễn Sỹ (SN 1971, trú tại thôn Tân Lạc, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) điều khiển, trên cabin còn có vợ anh Sỹ-chị Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1981) lưu thông trên quốc lộ 24 theo hướng tỉnh Kon Tum về tỉnh Quảng Ngãi. Trong lúc ôm cua đổ đèo Violắc thì bất ngờ mất phanh, tông vào hành lang an toàn và xe lật úp. Vụ tai nạn khiến vợ chồng anh Sỹ tử vong tại chỗ, mắc kẹt trong cabin. Người dân địa phương phải dùng cây gỗ, xà beng phá cabin xe tải mới có thể đưa thi thể hai vợ chồng nạn nhân ra ngoài.
![]() |
Hiện trường chiếc xe tải bị lật khiến vợ chồng anh Sỹ tử vong. |
Vụ tai nạn thương tâm khiến gia đình anh Sỹ bị sốc thực sự. Cả gia đình bàng hoàng bởi tai họa giáng xuống bất ngờ. Ông Nguyễn Lưu-anh ruột của anh Sỹ bồi hồi nhớ lại cuộc điện thoại định mệnh lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 17-10. Khi vợ chồng ông đang ngủ thì tiếng chuông điện thoại bỗng reo vang suốt một hồi dài. Những cuộc gọi giữa đêm luôn là nỗi ám ảnh, lo lắng. Và đúng như những gì ông Lưu sợ hãi, ở đầu dây bên kia, cán bộ Công an huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, thông báo rằng hai vợ chồng đi trên chiếc xe tải BKS 81C-092.03 đã tử vong tại đèo Viôlắc.
Chết lặng khi nghe tin, ông Lưu đánh thức cả gia đình rồi anh em họ hàng bật dậy giữa đêm để cùng mình đi đến khu vực các em bị nạn. Khi đến nơi là đã 7 giờ sáng, trời trút cơn mưa tầm tã. Những giọt nước mắt hòa vào màn mưa lạnh giá khi cảnh tượng thảm khốc hiện ra. Chiếc xe tải chở hơn 8 tấn gỗ thông ba lá bị lật úp ở đoạn cua giữa đèo, thi thể hai vợ chồng anh Sỹ vẫn nằm nguyên trong cabin. Thế rồi thi thể vợ chồng anh Sỹ được cứu hộ đưa ra xe để chở về nhà trong sự tiễn đưa của rất đông anh em tài xế trong hội lái xe Gia Lai.
Ông Lưu kể rằng, vợ chồng anh Sỹ tần tảo, vất vả bao năm qua với nghề thợ mộc và hơn 1,5 ha cao su. Nghề thợ mộc thất bát, cao su rớt giá thê thảm, vợ chồng anh Sỹ phải quay quắt trong cuộc sống mưu sinh để nuôi 3 con ăn học. Cháu gái lớn nhất của anh chị đã sớm có chồng ở tuổi 17, chồng đi nghĩa vụ quân sự nên cháu về ở cùng với gia đình bên ngoại để nuôi nấng con nhỏ. Hai con nhỏ một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 2 còn đang tuổi ăn, tuổi học. Hoàn cảnh khó khăn, làm ăn bết bát, đầu năm 2018 anh chị phải vay mượn ngân hàng 700 triệu đồng để mua chiếc xe tải loại 7 tấn chở hàng. Hàng ngày, anh đi nhận mối hàng để chở đi các nơi, còn chị ở nhà cạo mủ cao su rồi chăm sóc các con. Nhưng tiền công chở hàng cũng chỉ bù đắp được khoản tiền lãi hàng tháng nên gần đây, anh chị quyết định bán 1,5 ha rẫy cao su với giá 600 triệu đồng trả lại ngân hàng để giảm bớt lãi.
![]() |
Hai vợ chồng anh Sỹ ra đi để lại 3 con nhỏ mồ côi. |
Không còn cao su, chị Dung phải đi theo chồng trên những chuyến xe đường dài phụ việc. Tiền lãi đã còn không đáng kể, anh chị chú tâm vào chiếc xe là toàn bộ cơ nghiệp của gia đình. Tia sáng về cuộc sống ấm no hơn đã hé mở, tương lai của lũ con thơ cũng đang trở nên tươi sáng nếu không có chuyến xe định mệnh hôm ấy. “Chiều đó, vợ chồng nó chở củi từ Gia Lai đi huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thường thì xong mỗi chuyến lại chở hàng đi, hàng về rồi lo cho lũ nhỏ. Nhưng xong chuyến, có người gọi chở gỗ từ huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chở đi TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) với giá cao nên vợ chồng nó mới đánh xe lên đó để chở. Tụi nó thường đi ban đêm thôi, vì để thời gian ban ngày về với các con ở nhà, cháu lớn có chồng có con rồi mà còn dại lắm”-ông Lưu buồn bã.
Quỳ trước hai chiếc quan tài của cha mẹ mình, 2 cháu lớn của gia đình anh chị đã khóc khô nước mắt, khuôn mặt hốc hác chỉ sau 1 đêm thức trắng. Cháu nhỏ 8 tuổi vẫn mang ánh mắt ngây thơ, dáo dác nhìn dòng người đổ về thắp nén nhang phúng viếng cặp vợ chồng xấu số. Thi thoảng, cháu vẫn ngơ ngác hỏi bà nội rằng: “mẹ cháu sao ngủ lâu thế, bao lâu nữa thì mẹ cháu sẽ tỉnh dậy còn đưa cháu đi chơi”… Trong bầu không khí tang tóc ấy, ít người cầm được lòng mình khi nhìn những đứa trẻ mồ côi bỗng mất đi bậc sinh thành chỉ trong một khoảnh khắc tai ương. Rồi một mai, chúng sẽ nương tựa vào nhau thế nào để vượt qua tháng ngày gian khó, để trưởng thành với một cuộc sống vắng bóng cha mẹ…
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Phụ huynh phản ứng với các khoản thu đầu năm học
Sau cuộc họp đầu năm, nhiều phụ huynh có con em học tại Trường Mầm non Đak Krong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã phản ứng với các khoản tiền mà nhà trường dự kiến sẽ thu trong năm học 2018 – 2019.
Theo đó, tổng kinh phí mà họ phải đóng khoảng 2 triệu đồng/em, gồm các khoản như 200.000 đồng xã hội hóa, 300.000 đồng đồ dùng bếp phục vụ bán trú, 143.000 đồng đồ dùng phục vụ bán trú, 100.000 đồng đồ dùng đi thi…
Một phụ huynh có con đang học tại trường (xin được giấu tên) cho biết: “Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu trực tiếp thông báo các khoản tiền phải đóng, nhiều phụ huynh bức xúc nhưng sợ nói ra thì ảnh hưởng đến con mình. Chưa kể các khoản khác, trung bình một phụ huỵnh phải đóng khoảng 600.000 đồng tiền xã hội hóa/em để đổ bê tông sân trường, xây vườn hoa, mua đồ dùng nhà bếp. Số tiền cũng nhiều nên tôi mới đóng được một ít, chứ nhiều vậy thì sao đóng hết được…”.

Liên quan đến sự việc trên, cô Phạm Thị Ngự – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đăk Krong cho biết, kế hoạch xã hội hóa của trường đã được sự đồng ý của UBND xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Còn theo bà Lô Thị Nguyên – Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Mầm non Đak Krong, vì năm nay đón trường chuẩn quốc gia và tổ chức bán trú nên ngoài kinh phí nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường đã bàn bạc, đề xuất thu các khoản tiền xã hội hóa. Nhưng cũng theo bà Nguyên, một số phụ huynh không đồng tình với một vài khoản tiền nên nhà trường đã thay đổi một vài khoản.
Ông Vũ Đăng Tuấn – Chủ tịch UBND xã Đak Krong cho hay, trước đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch xã hội hóa rồi trình cho xã. Khi nhà trường xây dựng kế hoạch thì có người chụp hình rồi đăng lên mạng Facebook. Hiện UBND xã đã làm việc với nhà trường và yêu cầu tạm dừng việc xã hội hóa này.
“Xã hội hóa giáo dục là theo tấm lòng của phụ huynh chứ không được áp đặt mức tiền cụ thể. Ai có thì góp, không có thì thôi, còn đối với việc mua đồ dùng bán trú cho các cháu là sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huỵnh. Trường Mầm non Đak Rong đã trình kế hoạch xã hội hóa với phòng nhưng chưa thu tiền gì cả. Nếu có phụ huynh phản ứng về việc này, phòng sẽ chỉ đạo tạm dừng”, ông Nhữ Văn Hưng – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa thông tin.
Theo Danviet.vn
Gia Lai: Doanh nghiệp bị nợ tiền tỉ, Chi cục thi hành án bất lực

Hơn 1 năm qua, Chi cục thi hành án TP.Pleiku (Gia Lai) vẫn không thể thi hành án đối với Công ty TNNN MTV Hoàng Hải để công ty này trả nợ cho Công ty TNHH MTV Ngọc Nhân.
Ngày 19.10, ông Đào Trọng Giáp, Cục trưởng Cục thi hành án tỉnh Gia Lai, cho biết sẽ yêu cầu Chi cục thi hành án TP.Pleiku báo cáo việc hơn 1 năm không thể thi hành án đối với Công ty TNHH MTV Hoàng Hải (trụ sở 2/238 Phạm Văn Đồng, tổ 8, P.Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai; địa chỉ đăng ký kinh doanh tổ 3, TT.Ia Ly, H.Chư Păh – gọi tắt là Công ty Hoàng Hải).
Trước đó, tháng 7.2018, Công ty Hoàng Hải bị TAND TP.Pleiku tuyên phải trả cho Công ty TNHH MTV Ngọc Nhân (địa chỉ 315/ Lê Duẩn, P.Thắng Lợi, TP.Pleiku – gọi tắt Công ty Ngọc Nhân) số tiền 1,121 tỉ đồng, là tiền nợ mua vật liệu xây dựng.
Sau khi tòa tuyên án, ông Vũ Văn Quyền, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án TP.Pleiku, ký quyết định số 1825 (ngày 8.8.2018) thi hành án theo đơn yêu cầu, cho thi hành án đối với Công ty Hoàng Hải, phải trả số tiền 1,121 tỉ đồng.
Quyết định của Chi cục thi hành án TP.Pleiku yêu cầu hàng tháng, Công ty Hoàng Hải phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468, Luật dân sự 2015. Quyết định cũng nêu rõ: “Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này”.
Doanh nghiệp bị nợ lâm cảnh khốn đốn
Bị nợ tiền tỉ, Công ty Ngọc Nhân rơi vào cảnh khó khăn khi phải xoay vòng nguồn tiền điều hành công ty. Công ty Ngọc Nhân có tổng 30 công nhân, rất nhiều công nhân lần lượt bỏ việc.
Chị Võ Thúy Ly (30 tuổi), kế toán Công ty Ngọc Nhân, cho hay từ ngày công ty chị làm lâm cảnh khó khăn, mọi đãi ngộ như thưởng lễ, tết, tiền trách nhiệm đều bị cắt hết. Thậm chí, tiền lương của chị Ly từ 10 triệu đồng/tháng, bị giảm còn 7 triệu đồng/tháng.
Về phía Công ty Hoàng Hải, sau khi nợ Công ty Ngọc Nhân, Công ty Hoàng Hải đã đổi tên, đăng ký kinh doanh thành Công ty TNHH MTV Việt Khoa VK39 (vẫn trụ sở 2/238 Phạm Văn Đồng, tổ 8, P.Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai).
“Tuy khác tên nhưng người đại diện theo pháp luật vẫn là bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc. Công ty cũ và mới giữ nguyên mã số thuế, vốn điều lệ (19 tỉ đồng). Dù thay tên công ty thì bà Thủy phải có trách nhiệm trả nợ theo quy định pháp luật”, đại diện sở Kế hoạch – Đầu tư Gia Lai nói.
Ông Đoàn Ngọc Sự, Giám đốc Công ty Ngọc Nhân, cho biết sẽ làm hồ sơ gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra về việc bị Công ty Hoàng có dấu hiệu chiếm đoạt 1 tỉ đồng tiền mua vật liệu, nhưng không chịu trả theo hợp đồng đã ký kết.
Theo Thanhnien.vn
Nhiều bất thường trong vụ ‘chi bạo’ ngân sách ở Gia Lai

Đội Công trình đô thị H.Đắk Đoa (Gia Lai) dùng ngân sách chi trùng lương, chi xăng xe, thu gom rác, nước sạch không có hóa đơn, chứng từ… lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ngày 15.10, ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch H.Đắk Đoa, cho biết vừa ký Kết luận số 15 của Đoàn liên ngành phát hiện nhiều sai phạm tại Đội công trình đô thị H.Đắk Đoa, gây thất thoát, vi phạm ngân sách.
Chi không hóa đơn, chứng từ
Đoàn liên ngành thanh tra H.Đắk Đoa phát hiện ông Bùi Anh Khoa, nguyên đội trưởng Đội công trình đô thị (Đội CTĐT), từ năm 2015 – 2018 không hoàn thành tốt nhiệm vụ, mắc nhiều vi phạm trong điều hành, quản lý.

Ông Khoa “bạo chi” rất nhiều khoản không có hồ sơ, chứng từ. Cụ thể, đối với phần chi, về nguồn thu sự nghiệp môi trường, ông Khoa đã chi nhiều khoản có chứng từ chưa hợp lý, hợp lệ (thiếu kế hoạch, biên bản kiểm tra, không đúng nguồn, chưa nộp thuế…) số tiền hơn 564 triệu đồng. Về nguồn thu kiến thiết thị chính, ông Khoa đã chi không có chứng từ thanh toán, chi không nộp thuế VAT, chi vượt dự toán tổng số tiền 277 triệu đồng.
Về hoạt động chi nguồn nước sạch, chứng từ chi không hợp lý, hợp lệ, chi sai quy định, chi trùng hơn 132 triệu đồng. Về hoạt động chi gom rác, chi không có kế hoạch khoán, chi không đúng đối tượng hơn 183 triệu đồng; Về hoạt động chi bến xe, chi không có phiếu chi, phiếu thu số tiền 47 triệu đồng. Ngoài ra, đối với các hoạt động thu, chi khác (chợ hoa, giải phân cách, sửa chữa điện) và lắp đặt đồng hồ nước, ông Khoa chi không có chứng từ, sổ sách với số tiền 67 triệu đồng.
Ông Khoa “qua mặt” UBND H.Đắk Đoa chi lương cho công nhân không đúng quy định đã được huyện phê duyệt. Đội CTĐT căn cứ vào Nghị định 205/2004/NĐ-CP để trả lương, chế độ phụ cấp cho công nhân, tuy vậy Nghị định 205 đã hết hiệu lực thi hành và đã được thay thế bằng Nghị định 49/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013.
Nhiều bất thường
Phòng Tài chính – Kế hoạch (TC-KH) H.Đắk Đoa cũng bị phát hiện “tiếp tay” cho Đội CTĐT H.Đắk Đoa làm sai Luật đấu thầu. Phòng TC-KH tham mưu cho UBND H.Đắk Đoa ra Quyết định số 670 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đường Lý Thường Kiệt, hạng mục “Hệ thống thoát nước gói xây lắp công trình” với số tiền 2,217 tỉ đồng và Quyết định số 3613 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình Nghĩa trang H.Đắk Đoa, hạng mục “Hàng rào thoáng, hàng rào kẽm gai gói xây lắp” với số tiền 1,369 tỉ đồng, giao cho Đội CTĐT H.Đắk Đoa tự thực hiện (thi công) là vi phạm điều 25 Luật đấu thầu.
Chủ tịch H.Đắk Đoa, ông Phạm Minh Trung nói: “Cái sai của hai công trình trên là do UBND huyện tự giao cho Đội CTĐT thực hiện. Quan điểm của H.Đắk Đoa là cho thời hạn khắc phục các thiếu sót trong vòng 15 ngày (đến ngày 15.10). Sau thời hạn sẽ chuyển vụ việc sang hội đồng xem xét kỷ luật, trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan”. Ông Trung cũng thông tin thêm, vi phạm của đội trưởng Đội CTĐT còn chi trùng lương, trùng hóa đơn in biên lai và không nộp thuế…
Ông Bùi Anh Khoa, nguyên đội trưởng Đội CTĐT giãi bày: “Số tiền để ngoài sổ sách, trách nhiệm của ai người đó chịu. Một phần sai phạm tại đơn vị cũng là do kế toán yếu kém, kế toán làm sai thì bỏ tiền túi nộp khắc phục”.
Kết luận thanh tra tại Đội CTĐT H.Đắk Đoa mất hơn 5 tháng mới hoàn thành. Ngày 4.5, H.Đắk Đoa thành lập đoàn liên ngành, đến ngày 3.10 mới ban hành kết luận thanh tra, trong khi Điều 45 – Thời hạn thanh tra hành chính của Luật Thanh tra, thì cuộc thanh tra do Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày.
Theo Thanhnien.vn
Trường APC Gia Lai giao lưu “Tại sao chúng ta phải yêu lịch sử Việt Nam”
Ngày 19-10, trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai đã tổ chức chương trình giao lưu cùng nhà văn- nhà biên kịch Lê Chí Trung về chủ đề “Tại sao chúng ta phải yêu lịch sử Việt Nam”. Tham dự buổi giao lưu có toàn thể thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường.
Nhà văn- nhà biên kịch Lê Chí Trung là tác giả của nhiều vở diễn nổi tiếng trên sân khấu cả nước. Những tác phẩm của ông luôn ăn khách, ở cả sân khấu Nhà nước lẫn tư nhân, ở cả miền Nam và miền Bắc. Dịp này, nhà trường đã mời nhà văn- nhà biên kịch Lê Chí Trung về giao lưu cùng các em học sinh về chủ đề “Tại sao chúng ta phải yêu lịch sử Việt Nam”. Đây là một chủ đề ý nghĩa đối với các em học sinh ngày nay.
![]() |
Quang cảnh buổi giao lưu. |
Tại buổi giao lưu, nhà văn- nhà biên kịch Lê Chí Trung đã trò chuyện, gợi mở cho các em học sinh về “Tại sao chúng ta phải yêu lịch sử Việt Nam”. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nuớc và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.
Học sinh phải học lịch sử Việt Nam bởi, mỗi con người cần phải biết tổ tiên, ông bà mình là ai, mình thuộc dân tộc nào, con người phải làm gì để có được như ngày hôm nay,… Đồng thời, hiểu được vì sao phải quý trọng, biết ơn những người đã làm nên cuộc sống hôm nay và chúng ta phải học tập, lao động để góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn nữa…. Để gây hứng thú cho học sinh trong giờ học lịch sử, để khắc sâu, để nhớ lâu các sự kiện lịch sử người giáo viên lịch sử cũng cần quan tâm các môn học lân cận hỗ trợ cho bài học lịch sử; cùng với đó là những phương pháp dạy gợi mở, không quá khô khan, cứng nhắc.
![]() |
Các em học sinh giao lưu về chủ đề Tại sao chúng ta phải yêu lịch sử Việt Nam. |
Buổi giao lưu là một trong những hoạt động ngoại khóa bổ ích của trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai; giúp học sinh có cách nhìn “nhẹ nhàng” hơn với môn học Lịch sử; tạo tâm lý thoải mái cho các em sau những giờ học căng thẳng.
Theo Baogialai.com.vn
EVN thoái gần 41 tỷ đồng tại CTCP Phong điện Thuận Bình

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa thông báo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá thoái vốn số cổ phần sở hữu tại CTCP Phong điện Thuận Bình (EVNTBW), ngày 28-10 tới, tại HNX. Số lượng cổ phần thoái vốn là 4.075.000 cổ phần (40,75 tỷ đồng theo mệnh giá), tương đương 25% vốn điều lệ tại EVNTBW với mức giá khởi điểm 17.940 đồng/cổ phần.
Xem thêm : Báo mới Gia Lai cập nhật ngày 17/10. Lãi hơn 100 triệu/ha, nhiều người phá mía trồng khoai môn
CTCP Phong điện Thuận Bình được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 240 tỷ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các dự án điện gió tại các tỉnh duyên hải miền trung và Tây Nguyên. Vốn điều lệ hiện nay của EVNTBW là 240 tỷ đồng, công ty chưa tăng vốn điều lệ lần nào.
Cổ đông nắm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên, gồm: EVN (nắm giữ 25%), CTCP Cơ Điện Lạnh (25%), CTCP Thủy điện Đa Nhim – Thuận Hàm – Đa Mi (20%), CTCP Thủy điện Thác Mơ (20%) và CTCP tư vấn xây dựng Điện 3 (10%).
Sản phẩm dịch vụ chủ yếu của EVNTBW là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ tiền bán điện của Nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn I), hoạt động từ tháng 9-2016 với công suất 24MW; đồng thời, công ty đang nghiên cứu và triển khai một số dự án điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Đác Lắc với tổng công suất lắp đặt dự kiến hơn 1.000 MW, trong đó công suất lắp điện gió khoảng 510MW và điện mặt trời khoảng 570MW
Theo nhandan.com.vn
Báo mới Gia Lai cập nhật ngày 18/10. Dùng bằng cấp 3 giả, nữ hiệu trưởng bị cách chức