Thông tin một số chợ, siêu thị tại nước ta quay lại dùng lá chuối gói hàng cho khách thay vì bao bì nhựa khiến người ở khu vực Tây Nguyên sực nhớ đến lá cây xà bang. Một thời, lá xà bang cùng với lá chuối là vật dụng được dùng để bao gói hàng hóa rất thông dụng trước khi “đứt bóng” bởi bao bì nhựa tràn ngập thị trường.
Lá xà bang: Liệu có chống được “giặc nhựa”?
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền về cuộc vận động mang tầm quốc tế về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa-thứ rác thải khó phân hủy đang làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cũng đã có nhiều sáng kiến, sáng chế chuyển đổi việc sử dụng đồ nhựa sang các loại vật dụng khác dễ tiêu hủy. Trong đó, thứ cần thay thế nhất là túi ni lông đựng các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm ở các chợ, siêu thị. Chợt nghĩ, biết đâu lá xà bang cũng là một giải pháp?
Có người bảo xà bang chính là cây gỗ dầu. Trước khi bị “triệt hạ tận gốc” như hiện nay, người ta rất dễ bắt gặp xà bang đứng thành lùm, thành bụi ven đường đi, ven rìa làng, ven ruộng rẫy… Bà con buổi sáng dỡ cơm đi làm chỉ cần ra ven đường, ven làng tiện tay bứt vài lá xà bang về lau rửa sơ qua, rồi hong hơ qua lửa bếp một tí cho lá mềm một chút là có ngay vật dụng hữu hiệu để gói ghém những thức ăn cần mang theo lên nương rẫy. Ấy là chưa nói, suốt một buổi, thức ăn được ủ trong gói lá, trong gùi kín, khi mở ra, thoang thoảng trong hương vị thức ăn còn ngấm chút dư vị thơm thơm hăng hắc của lá rừng.
Khi thấy lùm cây xà bang đã cao quá tầm tay với, những người chuyên thu hái lá xà bang sẽ dùng dao rựa chặt bớt đi để cây nứt ra cành nhánh khác ở tầm thấp cho dễ thu hoạch. Hễ còn gốc thì xà bang còn đâm chồi nảy nhánh mới để ra lá “phục vụ” con người. Lá xà bang to bản, to hơn cả bàn tay người lớn xòe ra, dày, dai, gân lá chạy đều khắp mặt nên khó bị rách tước như lá chuối, gói hàng rất tiện lợi. Thế nên các tiểu thương cho biết họ thích dùng lá xà bang gói hàng cho khách hơn là dùng lá chuối.
Những người từng sinh sống lâu năm hoặc có mặt ở các đô thị khu vực Tây Nguyên trước đây chừng vài ba mươi năm trở về trước hẳn còn nhớ hình ảnh mỗi buổi sớm mai, từng tốp, từng nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số ở các làng xã vùng ven lũ lượt gùi những gùi lá xà bang lặc lè sau lưng về các khu chợ nội thị để bán cho tiểu thương. Các tiểu thương dùng lá xà bang gói thức ăn, thực phẩm cho khách; khách bỏ gói hàng vào giỏ, vào rổ mang về. Nếu có “lỡ tay” quăng ném lá gói hàng ra đâu đó thì nó cũng sẽ khô đi và tiêu hủy nhanh trong đất, biến thành mùn, thành phân cho đất. Lá xà bang đích thị là rác hữu cơ thân thiện với môi trường!
Là thứ lâm sản phụ được phép khai thác tận thu, một thời lá xà bang là nguồn lợi sinh sống của bà con các buôn làng. Mà nói chi bà con ở buôn làng, những lớp cư dân xứ khác đến sinh cơ lập nghiệp nơi đây gặp hoàn cảnh khó khăn cũng hàng ngày đổ xô ra rừng hái lá xà bang đem ra chợ bán, tạm vượt qua thiếu khó ban đầu để dần ổn định.
Ngày nay, trong những khuôn vườn tược, ruộng rẫy rất hiếm thấy bóng dáng loài cây thân thuộc này. Dọc đường và dọc rừng Tây Nguyên thảng hoặc mới bắt gặp đây đó những lùm xà bang lá to dày mướt mát đứng lặng thầm trong… quên lãng. Trong cuộc tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng và thay thế vật dụng nhựa bằng các loại vật dụng thân thiện môi trường, có thể nói lá xà bang sẽ là một giải pháp thiết thực và hữu hiệu. Ước gì nó sẽ được trở lại là thứ lâm thổ sản “đặc hữu” của núi rừng Tây Nguyên để giúp con người đỡ bớt một phần khổ sở, loay hoay trong chiến dịch chống lại “giặc nhựa”!
Theo Baogialai.com.vn
Nhà nghèo lại bị ung thư
Cách đây 6 tháng, chị Rơ Châm Phun (SN 1997, trú tại làng Kó, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) bỗng thấy trong người xuất hiện những cơn đau dữ dội. Đến ngày 18-7, không chống chọi được với cơn đau, chị Phun ngất lịm đi. Lúc này, anh Gưh-chồng chị-mới đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Theo chẩn đoán của bác sĩ, chị Phun bị bệnh U lympho không Hodgkin (ung thư hạch).
Anh Gưh kể, lúc đưa vợ đi viện, trong người anh chỉ có vỏn vẹn 500 ngàn đồng. Đó là số tiền do bà con trong làng giúp đỡ. Cũng nhờ sự tận tình điều trị của các bác sĩ Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân mà chị Phun tạm thời qua cơn nguy kịch. Từ ngày vợ nhập viện, anh phải gửi đứa con trai 4 tuổi cho mấy anh chị em trong gia đình chăm sóc. “Hoàn cảnh của vợ chồng mình rất khó khăn. Nhà Phun thì mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, 7 chị em phải làm đủ nghề để kiếm sống. Nhà mình có tới 11 anh chị em, hoàn cảnh cũng nghèo khó. Vợ chồng mình lấy nhau năm 2014, đến nay chưa có nhà riêng, vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ vốn đã chật chội, cũ nát. Hai vợ chồng được bố mẹ mình chia cho 1 sào ruộng nhưng làm không đủ ăn. Mỗi khi việc nhà làm xong, cả hai lại đi làm thuê. Gần 1 năm qua, vợ đau yếu suốt, mình đi làm bữa được bữa không, cuộc sống vì vậy càng chật vật hơn”-anh Gưh buồn bã chia sẻ.
![]() |
Anh Gưh chăm sóc vợ đang điều trị tại bệnh viện. |
Các bác sĩ Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân cho biết: Bệnh nhân Phun nhập viện ngày 18-7-2019 trong tình trạng khó thở nặng, huyết áp không đo được, người lạnh toát cứng đơ. Qua siêu âm và tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị Phun bị bệnh U lympho không Hodgkin (ung thư hạch). Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe của chị dần cải thiện, bớt đau đớn và đã đi lại được. Tuy nhiên, để bệnh nhân được điều trị tốt hơn, Bệnh viện đã làm thủ tục chuyển chị Phun đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh. Chị Phun có bảo hiểm y tế nhưng một số thuốc không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán nên chi phí cao. Theo đó, tính đến thời điểm xuất viện, tổng chi phí điều trị của bệnh nhân hết gần 20 triệu đồng.
Trước hoàn cảnh ngặt nghèo của bệnh nhân Phun, các y-bác sĩ Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân nói riêng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung đã kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân. Trao đổi với P.V, chị Nguyễn Thị Thanh Phương-điều dưỡng viên Khoa Ngoại tổng hợp, thành viên Tổ công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: “Chúng tôi đã kết nối và được một số nhà hảo tâm giúp đỡ. Theo đó, đến chiều 14-8, các Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ toàn bộ viện phí điều trị (20 triệu đồng) cho bệnh nhân Phun. Cùng với đó, tiền chuyển viện của chị Phun cũng được Bệnh viện hỗ trợ. Tuy nhiên, hoàn cảnh của gia đình chị Phun quá khó khăn nên rất mong cộng đồng tiếp tục chung tay giúp đỡ để bệnh nhân được điều trị kịp thời”.
Khi nhận được sự hỗ trợ này, vợ chồng anh Gưh vô cùng cảm động. Thấy vợ không ngăn được dòng nước mắt, anh Gưh nghẹn ngào: “Cảm ơn bà con dân làng, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các nhà hảo tâm đã quan tâm giúp đỡ gia đình mình. Mình mong vợ sớm lành bệnh để về nhà”.
Nói về hoàn cảnh gia đình chị Phun, ông Hmưn-Trưởng thôn Kó-chia sẻ: “Gia đình chị Phun hoàn cảnh rất ngặt nghèo, lại mang trọng bệnh. Bà con trong làng thương lắm nhưng vì còn nghèo nên giúp đỡ cũng chẳng được bao nhiêu. Làng vẫn thường xuyên quan tâm bằng cách ưu tiên các suất quà hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân làm từ thiện. Ngày chị Phun đi cấp cứu, chúng tôi cũng đã vận động đóng góp được một ít. Mong có thêm những tấm lòng hảo tâm dang tay giúp đỡ chị Phun vượt qua khó khăn này”.
Mọi sự hỗ trợ cho chị Rơ Châm Phun xin liên hệ anh Gưh, số ĐT: 0339407705 hoặc Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
Theo Baogialai.com.vn