Bài viếtNỔI BẬT
Các vận động viên thi đấu chung kết nội dung quyền biểu diễn đồng đội nam.
Giải vô địch các câu lạc bộ Karatedo: Ấn tượng tốt đẹp
Giải đấu quy tụ hơn 350 vận động viên (VĐV) của 34 CLB Karatedo đến từ 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các VĐV được chia làm 2 lứa tuổi gồm: 12-14 tuổi và từ 15 tuổi trở lên, thi đấu nội dung quyền và đối kháng (cá nhân nam-nữ, đồng đội nam-nữ) theo thể thức đấu loại trực tiếp để tranh 28 bộ huy chương.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Những năm qua, môn Karatedo luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền các địa phương. Hội Karatedo của tỉnh ngày càng phát triển về số lượng thành viên, các CLB và phòng tập, góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện môn võ này ở tỉnh ta, nhất là ở lứa tuổi thanh-thiếu niên, nhi đồng. Việc tổ chức giải lần này nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào tập luyện và thi đấu môn Karatedo rộng khắp trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường sự đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa các VĐV, CLB. Giải đấu còn là dịp để phát hiện, tuyển chọn những VĐV xuất sắc bổ sung vào đội tuyển của tỉnh tham gia thi đấu các giải khu vực và toàn quốc.
Là sân chơi dành cho các VĐV trẻ nhưng sức hút của giải đã vượt hơn cả sự mong đợi của Ban tổ chức. Ông Phan Văn Hường-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Karatedo tỉnh-cho biết: Ban đầu, Ban tổ chức dự kiến có khoảng hơn 200 VĐV tham gia giải. Tuy nhiên, sau đó, số lượng VĐV đăng ký lên đến hơn 350 em, thuộc 34 CLB của 14 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài các đơn vị có thế mạnh như Ia Grai, An Khê, Chư Pưh, các địa phương còn lại đều cử 2-3 CLB tham gia giải. Đặc biệt, giải năm nay còn có sự tham dự lần đầu của 2 CLB đến từ Đức Cơ và Đak Pơ. Nhằm tạo điều kiện cho các VĐV được cọ xát nhiều hơn, chúng tôi đã tổ chức đến 28 nội dung quyền biểu diễn và đối kháng cá nhân, đồng đội ở 2 nhóm tuổi.
Với sự tham gia của đông đảo VĐV đến từ nhiều CLB Karatedo trong tỉnh, giải đấu đã diễn ra rất sôi nổi, quyết liệt và có chất lượng chuyên môn cao. Chứng kiến nhiều VĐV ở nhóm tuổi 12-14 thi đấu nội dung quyền biểu diễn, những khán giả có mặt tại Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh không khỏi trầm trồ thán phục. Các trận đấu ở nội dung đối kháng cũng diễn ra vô cùng gay cấn, hấp dẫn. Không ít VĐV nữ có những đòn đánh “ăn” 3 điểm (đá vào đầu đối phương), nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng từ khắp khán đài.
![]() |
Vận động viên Đak Đoa thi đấu đồng đội nam. |
Là người theo dõi gần như cả giải đấu, ông Lê Khắc Thể ( TP. Pleiku) rất ấn tượng trước khả năng chuyên môn của các VĐV. Ông Thể cho biết: “Với lứa VĐV có trình độ chuyên môn khá tốt được trui rèn qua giải lần này, chắc chắn rằng giải Karatedo vô địch toàn tỉnh những năm tới sẽ hấp dẫn hơn”.
Sau 4 ngày tranh tài sôi nổi, quyết liệt, Ban tổ chức đã trao 28 bộ huy chương cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao. Trong đó, giải nhất toàn đoàn đã thuộc về CLB Vĩnh Ngọc-Ia Bă với 6 huy chương vàng, 1 huy chương đồng; CLB Trung Nguyên I-Chư Pah đạt giải nhì với 5 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 7 huy chương đồng; CLB Vĩnh Ngọc-Ia Grai giành giải ba với 4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 3 huy chương đồng.
Theo Baogialai.com.vn
Cất cao lời hát Quốc ca
Từ lớp 5 đến lớp 9, tôi được các thầy cô tin tưởng giao làm Liên Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong của nhà trường. Điều vinh dự nhất mà “chức vụ” này đem lại chính là điều khiển phần nghi thức chào cờ vào sáng thứ hai. Sau hồi trống chào cờ, tất cả thầy-cô giáo và học sinh cùng nhau hát vang bài Quốc ca trong tiếng trống nghi thức đầy trang nghiêm.
Tuy nhiên, sau này, trong nhiều cuộc họp hay sinh hoạt, tôi lại chứng kiến nghi thức chào cờ, hát Quốc ca được thể hiện một cách khá qua loa, đại khái và hầu hết đều sử dụng nhạc nền không lời hoặc có lời. Một vài người hát lí nhí, một số khác chỉ máy môi hát nhép, còn hầu hết đều im lặng. Cất lời hát bài ca của dân tộc bỗng nhiên trở thành việc khiên cưỡng, gượng ép và ngượng ngùng với rất nhiều người. Có một thực tế là ngày càng có nhiều người không thuộc hết lời 1, lời 2 của Quốc ca dù ngay từ bậc Tiểu học họ đều đã được học thuộc lòng. Ngại hát Quốc ca trở thành “bệnh” chung có tính lây nhiễm ngày càng “khó chữa”.
![]() |
Hình ảnh các vận động viên đặt tay lên ngực trái, mắt hướng về quốc kỳ, hát vang Quốc ca với niềm tự hào vô bờ bến là điều khó quên trong lòng bạn bè thế giới. (ảnh internet) |
Ngày trước, Quốc ca theo chân những người lính trên đường hành quân ra trận, âm vang trên các chiến trường, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử… Ngày nay, Quốc ca không thể thiếu trong các nghi thức trang trọng. Khi mọi người cùng hòa điệu cũng là lúc trái tim, ý chí đều hướng về lá cờ Tổ quốc, từng câu từng chữ theo cảm xúc tuôn trào, hòa thành một hợp ca đầy hào hùng. Giờ đây, nơi người ta hát Quốc ca nhiều nhất có lẽ là trên sân vận động khi bắt đầu một trận bóng hay khi chiến thắng ở một bộ môn thể thao nào đó mang tầm khu vực và quốc tế. Báo chí quốc tế đã phải “ghen tị” trước hình ảnh 40 ngàn người hâm mộ cùng các cầu thủ hát vang Quốc ca trên sân Mỹ Đình trước trận đấu của đội tuyển Việt Nam gặp Malaysia trong vòng bảng giải đấu AFF Cup vào tháng 11 năm ngoái. Hình ảnh các vận động viên và đông đảo khán giả đặt tay lên ngực trái, mắt hướng về quốc kỳ, hát vang Quốc ca với niềm tự hào vô bờ bến là điều khó quên trong lòng bạn bè thế giới.
Quốc ca mang trong mình sứ mệnh đại diện cho sự tồn tại, nền tự chủ của một quốc gia mỗi khi được cất lên. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam cần ý thức tôn trọng bài hát trường tồn cùng lịch sử dân tộc, từ đó có cách thể hiện nghiêm túc, đúng mực hơn.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Cao su Chư Sê lan tỏa phong trào phát triển kinh tế gia đình, Chợ làng