Trưa 8-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Trường (SN 1983, trú tại Đội 7, Công ty TNHH một thành viên Bình Dương), người bị nước lũ cuốn trôi cùng con trai khi đi qua ngầm tràn ở xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai chiều 6-10.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm con trai anh Trường. Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Khoảng 11 giờ ngày 8-10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Trường cách vị trí bị nước lũ cuốn trôi khoảng 5 km.
Hiện cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể anh Trường cho gia đình để tổ chức an táng. Đồng thời, lực lượng cứu hộ tiếp tục triển khai tìm kiếm cháu Long, con trai anh Trường.
ADVERTISEMENT
ADVERTISEMENT
Trước đó, như Báo Gia Lai điện tử đưa tin, vào khoảng 18 giờ ngày 6-10, trên địa bàn huyện Chư Prông có mưa lớn dẫn đến lượng nước đổ về ngầm tràn đội 7 (Công ty TNHH một thành viên Bình Dương, Binh đoàn 15) thuộc thôn Chư Kó, xã Ia Púch dâng cao đã cuốn trôi anh Nguyễn Văn Trường (SN 1983) và con trai là cháu Nguyễn Hoàng Bảo Long (SN 2013).
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai: Kiểm tra việc liên kết trang thiết bị y tế của cơ sở chữa bệnh với doanh nghiệp
Ngày 8/10, Phó Giám đốc Sở Y tế – Nguyễn Đình Tuấn cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai kiểm tra, báo cáo việc liên doanh, liên kết trang thiết bị Y tế với doanh nghiệp.
Việc chỉ đạo này của Sở Y tế được thực hiện theo Chỉ thị 22 (ngày 1/10) do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký, ban hành.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai – ông Nguyễn Đình Tuấn trả lời trước UBND tỉnh, đã có văn bản yêu cầu BVĐK tỉnh Gia Lai rà soát các máy móc xã hội hóa. Ảnh Đình Văn
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Đình Tuấn, việc tự chủ, góp vốn trang thiết bị y tế của các cơ sở khám bệnh là được thực hiện theo Thông tư 15 (2017) của Bộ Y tế là chủ trương đúng đắn. Việc tự chủ trong bối cảnh ngành y tế ngày càng phát triển, trang thiết bị hiện đại, nhưng nguồn kinh phí Nhà nước chưa đảm bảo, thế nên việc xã hội hóa là cần thiết.
“Tuy nhiên việc liên kết này cũng có vấn đề, như báo chí thông tin việc nâng khống thiết bị ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Do vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế rà soát lại tất cả các trang thiết bị, máy móc góp vốn xã hội hóa ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai – nơi tuyến cuối khám chữa bệnh tại Gia Lai”.
Theo ông Tuấn, BVĐK tỉnh Gia Lai xã hội hóa chủ yếu những máy móc hiện đại, kinh phí tương đối lớn như máy CT Scanner 128 (khoảng 29 tỷ đồng – PV), máy MRI 1.5 Tesla (1,7 triệu – 10 triệu đồng/ lần chụp – PV) hoặc các máy xét nghiệm miễn dịch học.
Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, BVĐK tỉnh Gia Lai có nhiều máy móc giá trị lớn được xã hội hóa. Ảnh Đình Văn
“Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai có bao nhiêu máy được xã hội hóa, giá thành của các máy bao nhiêu tỷ đồng… hiện Sở Y tế đang được bệnh viện báo cáo, gửi số liệu về”, ông Tuấn nói.
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua một số đơn vị chưa làm đúng quy định, quy trình trong việc xây dựng và thực hiện các đề án liên doanh, liên kết; chưa thực công khai, dân chủ. Chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, quản lý. Đặc biệt là việc xác định giá trị tài sản đưa vào liên doanh, liên kết chưa đủ cơ sở… mặc dù là Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn.
Theo một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03, Công an tỉnh) đã đến tiếp cận hồ sơ, thu thập thông tin bước đầu về việc xã hội hóa trang thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Gia Lai.
Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
BV Bạch Mai liên kết với Công ty BMS về máy robot Rosa (nhập khẩu của Pháp), “thống nhất robot Rosa có giá 39 tỉ đồng”. Tuy nhiên thực tế robot Rosa chỉ có giá gần 7,6 tỉ đồng (chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ ước tính khoảng 10 tỉ đồng). Từ đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng.
Gia Lai: Tổng giá trị hoạt động nhân đạo quý III đạt gần 14,4 tỷ đồng
Thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ quý II-2020, các cấp Hội trong tỉnh Gia Lai đã đa dạng hóa các loại hình vận động nguồn lực nhân đạo nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vươn lên trong cuộc sống.
Công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc cho người nghèo được Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp triển khai thường xuyên. Ảnh: Như Nguyện
Theo đó, các cấp Hội phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức thăm và tặng trên 32 ngàn suất quà, xây dựng 22 căn nhà, 4 phòng học, 7 hệ thống giếng khoan với tổng trị giá trên 11,7 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 211 triệu đồng để tỉnh hội triển khai mô hình “Chợ nhân đạo” tại các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prông. Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội trong tỉnh vận động hơn 70 tổ chức, cá nhân đăng ký trợ giúp thường xuyên cho 187 địa chỉ với số tiền 246 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) gia hạn học bổng cho 76 em học sinh, sinh viên và khảo sát hoàn cảnh thực tế 300 trường hợp để đề xuất Quỹ Thiện Tâm cấp học bổng năm học 2020-2021; tổ chức khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho 2.100 lượt người, cấp 1.300 chiếc khẩu trang; trao 32.957 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Tổng giá trị hoạt động nhân đạo quý III-2020 đạt gần 14,4 tỷ đồng và gần 3.500 đơn vị máu.