Bỗng dưng tôi nhớ câu ca dao đã thuộc nằm lòng từ thuở bé: “Đói lòng ăn nửa trái sim/Uống lưng bát nước, đi tìm người thương”. Thế là vù xe lên “vương quốc sim” của vùng Bắc Tây Nguyên.
1. Không biết do thổ nhưỡng, khí hậu thế nào mà miền đất Đông Trường Sơn này lại sở hữu một bạt ngàn sim hoang dại kéo dài từ đầu đèo Măng Đen đến tận đầu đèo Viôlắc, khoảng chừng 30 cây số dọc theo quốc lộ 24. Ngang qua cung đường này vào cữ đầu hạ, màu tím phớt của sim chen lẫn màu tím thắm của hoa mua giăng khắp rừng đồi.
 |
Ảnh minh họa (nguồn: internet) |
Cây sim thân thuộc, gần gũi với người bản địa Măng Đen, nhất là với trẻ em. Buổi tan trường, dọc đường về, trẻ em Mơ Nâm, Ka Dong, HRê xúm nhau hái lá sim chơi trò ông trâu. Chọn một lá sim to, xé lá dọc theo cọng cuống thành 2 mảnh, rồi cuốn chụm 2 mảnh lá lại ôm tròn như một ống bơ, lấy một loài dây thân cỏ buộc cùm lại, tiếp đó buộc 1 sợi dây chỉ mang sẵn vào đầu cuống lá, luồn dây chỉ thông qua giữa ruột ống lá; khi kéo vào 2 mảnh lá bạnh ra bên ngoài trông như đôi sừng trâu. Cứ thế, kéo dây qua lại liên tục, lúc này chiếc lá sim đã hiện hình mặt một con trâu, gồm có đủ sừng và mõm. “Trâu lá sim” là tác phẩm nghệ thuật của trẻ em nơi miền sơn dã, rất khéo léo và sáng tạo.
Sim trổ hoa vào khoảng cuối tháng 3, đến tháng 5 thì hoa đậu quả, đến tháng 7 trái chín. Vào lúc này, một vùng thắng cảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp trời cho của Măng Đen được điểm xuyết thêm những vạt đồi hoa sim tím ngát. Hoa sim có 2 gam màu chủ đạo là trắng phớt và tím hồng. Đi trên mỗi cung đường nơi đây vào mùa này, mọi người khó có thể rời mắt khỏi sự tung tẩy của những cánh hoa sim đang đón ánh trời và rung rinh theo làn gió nhẹ giữa đại ngàn xanh thắm. Vẻ bình dị của hoa sim mang lại cảm giác an lành, thanh tịnh lòng người. Sim không ở những nơi sâu thẳm rừng già mà cùng với người anh em của nó là cây hoa mua lại rủ nhau “cộng cư” ở những khoảng trống thoáng ven đồi, nơi tiếp giáp những chân rừng xa xanh.
Lại nói chuyện về trái sim. Trái sim bầu bĩnh, tròn mọng, luôn biến đổi màu sắc: từ màu xanh non mỏng mảnh đến vàng sẫm sắc tơ vàng, rồi chuyển sang tím sậm. Đầu tháng 7, cả một mùa sim ập về làm xôn xao Măng Đen. Thấp thoáng bên đồi sim, những cô cậu học trò gặp mùa nghỉ hè rủ nhau tung tăng hái quả giúp gia đình bán cho thương lái ủ rượu vang. Đã có mấy cơ sở chế biến rượu sim tại đây, đưa cái tên “Vang sim Măng Đen” trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường.
2. Ở nước ta nơi nào chả có sim, nhưng sim ở miệt rừng Đông Trường Sơn này mọc thành quần thể lớn. Hoa sim không rực rỡ, đài các như những loài hoa khác, cũng không là thứ có sức thu hút mọi người nhưng lại mang đến nhiều cảm hứng thơ ca nhạc họa xưa nay. Bài thơ “Màu tím hoa sim”của Hữu Loan có lẽ mãi không phai trong trí nhớ mọi người. Màu tím ấy níu con người vào hoài niệm, mộng mơ… Ca khúc “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Quang Minh khiến mọi người thả hồn vào thế giới tuổi học trò: “Hoa sim, hoa sim ta yêu từ ấu thơ, trong trang sách học trò, trong những câu hẹn hò… Hoa sim, hoa sim nơi đây dù bão giông không phai màu trong ta. Sắc lá vẫn xanh, cánh tím nhớ mong, hoa sim ơi, màu sắc quê hương, ơi màu sắc yêu thương…”.
Vài tháng trước, khi Tây Nguyên vào mùa nóng bức, chúng tôi về Măng Đen hưởng không khí mát lành và ngắm nhìn sim nở. Giờ đây, chúng tôi lại về đây để thưởng thức, nhâm nhi ly rượu vang sim thơm nồng, đậm vị cao nguyên.
Và để cho thơ ca nhạc họa ùa vào lòng mình thư thái…
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai: Công ty cổ phần Trường Xuân: 20 năm nỗ lực vươn lên
Trong 20 năm qua, Công ty cổ phần Trường Xuân (74 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực in ấn và văn phòng phẩm, củng cố lòng tin của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Trường Xuân-cho biết: Tiền thân của Công ty là Cơ sở in lụa thủ công Hồng Hưng. Tháng 6-2001, Công ty được thành lập với chức năng in ấn tổng hợp và kinh doanh văn phòng phẩm.
 |
Dây chuyền in tem nhãn Lintec LPM-300 của Nhật Bản được Công ty đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Khánh Phong |
Ngày đầu thành lập, tài sản của Công ty chỉ là mấy cái khung lụa, vốn góp chỉ đủ mua 1 máy in offset đặt tay mà doanh nghiệp nhà nước thải ra. Cả Công ty chỉ có 10 người. Nhà xưởng thì che tạm, xập xệ, ngột ngạt. Làm gì để phát triển khi nhu cầu in ấn ngày càng cao?
Sau một thời gian trăn trở, ông Hưng quyết định mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đi cầm cố, vay ngân hàng để đầu tư mua 1 máy in 2 màu. Công việc làm ăn trôi chảy hơn.
Năm 2010, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 51 cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc in hóa đơn, Công ty đã đầu tư 1 máy in chuyên ngành hiện đại, kịp thời đáp ứng nhu cầu in hóa đơn trên địa bàn tỉnh. Cũng trong năm đó, doanh nghiệp đầu tư 1 máy in offset 5 màu.
Nắm bắt nhu cầu chế biến nông sản xuất khẩu cần tem nhãn dán tự động, năm 2019, Công ty mạnh dạn đầu tư dây chuyền in tem nhãn Lintec LPM-300 của Nhật Bản trị giá 5 tỷ đồng. Dây chuyền này có nhiều tính năng như: hệ thống rửa lô mực tự động, 1 trạm tời cuộn 2.000 m, 5 cụm in Letterpress + 1 Flexo, 6 bộ đèn sấy UV Gew, 1 trạm cuộn lại, khổ in tối đa 300*304.8 mm, độ rộng in tối đa 300 mm, tối thiểu 90 mm, bước in tối thiểu 50 mm, tối đa 254 mm, chạy tròn 304,8 mm. Sản phẩm in đẹp, sản xuất bước đầu đạt được kết quả khả quan, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Xem Thêm: Gia Lai: Về miền sim tím Măng Đen
Hiện tại, Công ty đang sản xuất các sản phẩm nhãn in xuất khẩu cho nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty phân bón Minh Hoàng, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai…
Sau 20 năm nỗ lực vươn lên, máy móc, trang-thiết bị đã đồng bộ từ khâu bốc xếp nguyên liệu, xén, hệ thống chế bản điện tử lập trình tự động. Máy đóng sách, vào keo, bế, cột dây thành phẩm đều tự động. Người lao động làm việc nhẹ nhàng hơn, hiệu quả cao hơn. Nhà xưởng được đầu tư xây dựng khang trang. Doanh thu bình quân hàng năm đạt 18-25 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 300-500 triệu đồng/năm. Lương bình quân của công nhân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
 |
Ông Nguyễn Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty kiểm tra dây chuyền sản xuất. Ảnh: Khánh Phong |
Công ty hiện có 50 lao động làm việc thường xuyên, trong đó có cả những gia đình mà 2 thế hệ đều làm việc tại đây. Người lao động được đảm bảo việc làm thường xuyên, trả lương đúng hạn, được đóng đầy đủ các loại hình bảo hiểm. Các ngày lễ, Tết, Công ty đều thưởng cho công nhân. Ngoài ra, Công ty còn trang bị bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty tự hào: “Người ta nói kinh doanh muốn thành công thì phải hội đủ 3 yếu tố: Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa. Đằng này, trước kia chúng tôi chỉ có “nhân hòa” là vợ chồng đồng lòng, không ngại khó, không ngại khổ”.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa hệ thống máy móc, trang-thiết bị và tăng thu nhập cho công nhân, Công ty còn tích cực tham gia các phong trào và công tác xã hội do chính quyền địa phương phát động như: hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
“Để đảm bảo hoạt động ổn định và bền vững, Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy in bao bì tổng hợp tại Khu Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku) với diện tích 6.500 m2, tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng”-ông Hưng cho biết.
KHÁNH PHONG
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai ngăn chặn lạm thu đầu năm học
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tiến hành kiểm tra tại một số đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra chặt chẽ
Từ ngày 1 đến 9-10, Thanh tra Sở GD-ĐT tiến hành kiểm tra công tác thu-chi các khoản phục vụ người học tại nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh. Ngày 1-10, qua kiểm tra tại Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa), đoàn thanh tra do ông Nguyễn Phước-Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT làm trưởng đoàn đã yêu cầu nhà trường công khai toàn bộ các khoản thu-chi trong năm học 2020-2021. Ông Phước cho biết: “Ngoài 2 khoản thu bắt buộc là học phí và bảo hiểm y tế, đoàn thanh tra yêu cầu các trường nêu rõ những khoản thu ngoài quy định. Các khoản thu-chi từ quỹ tài trợ của phụ huynh cũng cần làm rõ, công khai. Theo đó, Ban giám hiệu cùng kế toán nhà trường phải lập kế hoạch chi cụ thể rồi gửi tờ trình vận động hỗ trợ về Sở GD-ĐT (đối với bậc THPT), về Phòng GD-ĐT (đối với bậc mầm non, tiểu học và THCS) để phê duyệt, sau khi được phê duyệt mới tiến hành thu”. Cũng theo ông Phước, những khoản thu ngoài quy định mà các trường đang dự kiến nhưng qua kiểm tra, nhận thấy không hợp lý thì đoàn thanh tra sẽ yêu cầu hủy bỏ.
Bà Phạm Thị Hồng Ngọc-quyền Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tông-thông tin: “Năm học 2020-2021, nhà trường có hơn 1.000 học sinh. Đa số gia đình của các em còn nhiều khó khăn nên nhà trường không có chủ trương thu các khoản ngoài học phí và bảo hiểm y tế. Chương trình xã hội hóa giáo dục dùng cho các hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khóa… cũng được nhà trường cân nhắc kỹ càng, giám sát chặt chẽ các khoản kinh phí vận động của Ban đại diện cha mẹ học sinh dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và tuyệt đối không thu theo kiểu cào bằng”.
 |
Thanh tra Sở GD-ĐT kiểm tra thu-chi đầu năm học tại Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Nguyễn Giang |
Về phía các Phòng GD-ĐT, công tác kiểm tra kế hoạch thu-chi trong năm học tại các trường cũng đang được khẩn trương thực hiện. Ông Nguyễn Đình Phước-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Păh-cho biết: Ngay từ đầu năm học, trong cuộc họp với Hiệu trưởng các trường, Phòng đã quán triệt phải thực hiện nghiêm túc các quy định thu-chi trong nhà trường, tuyệt đối không được lạm thu. “Mọi khoản thu phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND xã, thị trấn và Trưởng phòng GD-ĐT huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường trong công tác thu-chi, nếu có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện sai phạm. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này”-ông Phước nói.
Không để xã hội hóa giáo dục bị lợi dụng
Đề cập những sai phạm trong các khoản thu ngoài quy định tại Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang (gồm: tiền khuyến học 200.000 đồng/học sinh; tiền đánh trống, dọn dẹp nhà vệ sinh 150.000 đồng/học sinh; tiền photocopy đề kiểm tra 50.000 đồng/học sinh và thu tất cả các học sinh 20.000 đồng/học sinh tiền nước uống) mà báo chí đã phản ánh, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT nêu quan điểm: “Trường này đã vi phạm Thông tư số 55 của Bộ GD-ĐT về quy chế hoạt động, tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT về xã hội hóa giáo dục. Tất cả những khoản thu nói trên đều trái quy định khi đưa ra một mức thu cào bằng cho tất cả phụ huynh học sinh”.
Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT phân tích: Đa số các trường lạm thu là do vi phạm Thông tư 55 và lợi dụng vào công tác xã hội hóa giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục đang được khuyến khích thực hiện nhằm cải thiện môi trường học tập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, các khoản thu ở mục xã hội hóa không được đưa ra một mức đóng góp nào mà hoàn toàn dựa vào tinh thần tự nguyện của phụ huynh.
 |
Sân bóng đá đa năng của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được xã hội hóa trong nhiều năm học. Ảnh: Phạm Ngọc |
Để vừa làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục và không vi phạm quy định các khoản thu đầu năm học, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) đã chia nhỏ các hạng mục theo quy định. Ông Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Sân bóng đá đa năng nằm trong danh mục xã hội hóa nên nhà trường đã vận động sự đóng góp trên tinh thần tự nguyện và nhận được sự đồng thuận rất cao của phụ huynh. Sau 2 năm, sân bóng đá đa năng của nhà trường đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phục vụ học tập và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi cho học sinh”. Còn ông Nguyễn Chiến Thắng-Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thì cho hay: “Chúng tôi tổ chức họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi năm 3 lần để nắm bắt toàn bộ kế hoạch hoạt động. Tất cả những khoản kinh phí mà Ban đại diện cha mẹ học sinh muốn thu để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh phải được nhà trường đồng ý, phê duyệt và không được thu cào bằng, không thu tập trung vào một đợt mà phải trải ra để giảm áp lực cho phụ huynh”.
Trao đổi với P.V, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT cho biết thêm: Để tình trạng lạm thu trong đầu mỗi năm học không còn tái diễn thì cần có những quy định rõ ràng trong xử lý vi phạm. Hiện nay, chế tài xử lý vấn đề này vẫn chưa đủ sức răn đe, chỉ dừng lại ở mức phê bình, kiểm điểm và trả lại tiền thu sai quy định cho phụ huynh là xong.
 |
Từ ngày 1 đến 9-10, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra công tác thu-chi các khoản phục vụ người học tại nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy |
Nguồn: Baogialai.com.vn
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai kiểm tra quân sự năm 2020