Chủ đầu tư cho hay, qua tháng 11.2019, hết mưa mới tiến hành khắc phục dự án tuyến tránh 250 tỉ đồng ở H.Chư Sê, Gia Lai.
Gia Lai: Tuyến tránh 250 tỉ đồng đứt gãy – Khắc phục bằng cách vét túi bùn, đóng cọc tre
Ngày 6.9, ông Nguyễn Tất Thành, Trưởng phòng điều hành dự án 4 – Ban quản lý dự án (BQLDA) 6, Bộ GTVT, cho biết phải chờ Tây nguyên kết thúc mùa mưa, dự kiến sang tháng 11, nắng lên các đơn vị mới bắt tay vào việc sửa chữa công trình tuyến đường tránh 250 tỉ đồng ở H.Chư Sê, Gia Lai.
Ông Thành nói: “Vị trí sụt trượt nằm ở khu vực đắp đất cao. Tây nguyên đang mưa thì không thể làm được, cho nên bắt buộc phải chờ đến mùa khô mới xử lý”.
Có mặt tại hiện trường, ông Thành thông tin trước khi thi công, Công ty CP 417 (trụ sở Nghệ An) có khoan địa chất, địa tầng. Theo quy trình khảo sát của ngành giao thông, thì cứ 1 km nền đường, thông thường chỉ được khoan 2 lỗ (500 m/lỗ). Kiểm tra hồ sơ địa chất, 2 vị trí lỗ khoan này không rơi vào vị trí bị sụt.
Ông Thành nói về giải pháp khắc phục: “Bắt buộc là phải khoan khảo sát, thăm dò địa chất địa tầng dưới sâu ở vị trí sụt lún gãy đứt. Tiếp đó, khoanh bình độ để đo lưu lượng nước, tính toán thủy văn, lúc đó các chuyên gia cùng đơn vị tư vấn sẽ đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu như nhẹ thì vét hết túi bùn ở dưới, còn nếu bị sâu thì bổ sung đóng cọc tre để cho nền đất cứng hơn”.
Ông cho biết, hiện tại, ở công trường có đầy đủ các chuyên gia về xử lý sụt trượt, chuyên gia về địa chất công trình; đầy đủ các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công…
Phó giám đốc BQLDA 6 Nguyễn Kiều Hưng cho hay, chờ kết quả khảo sát địa hình, khoan khảo sát địa chất sau đó trình Bộ GTVT đưa ra giải pháp xử lý cụ thể.
Như Thanh Niên đã đưa tin, dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh H.Chư Sê vừa hoàn thành được 3 tháng đã bị lún sâu, mặt đường rách toạc với nhiều vết nứt. Công trình tuyến tránh 250 tỉ đồng này chưa nghiệm thu, chưa bàn giao. Tổng chiều dài hơn 10,8 km; thi công vào tháng 5.2018; hoàn thành vào tháng 6.2019.
Ngày 5.9, Bộ GTVT đã ra công điện hỏa tốc yêu cầu BQLDA 6 báo cáo nguyên nhân hư hỏng của công trình tuyến tránh 250 tỉ đồng này. Đơn vị này cùng ngày có báo cáo đưa ra nguyên nhân do “ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 đã gây hư hỏng 130 m đường trên tuyến tránh dự án đường Hồ Chí Minh, H.Chư Sê”.
Theo Báo Thanh Niên
Vụ sai phạm 11,2 tỉ ở Gia Lai: Bộ Tài chính phối hợp xác định thiệt hại
Bộ Tài chính đã cử cán bộ tham gia giám định tài chính trong vụ sai phạm 11,2 tỉ đồng tại Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai.
Ngày 6/9, nguồn tin của Báo Giao thông tại Bộ Tài chính xác nhận, cơ quan này đã cử cán bộ gia tham gia giám định tài chính theo đề nghị của Công an tỉnh Gia Lai trong quá trình điều tra dấu hiệu tội phạm trong sử dụng ngân sách không đúng pháp luật xảy ra tại Văn phòng đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai giai đoạn năm 2013 – 2016. Việc giám định tài chính nhằm làm căn cứ xác định thiệt hại ngân sách và căn cứ xác định tội phạm.
Nội dung giám định là việc Văn phòng đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai đã chi tiêu số tiền trên 2,3 tỉ đồng (để trả lương) cho 7 biên chế làm việc từ năm 2013 đến 2016. Đây là một phần tài chính sai phạm trong vụ sai phạm 11,2 tỉ đồng tại Văn phòng đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh tính từ năm 2013 – 2016 mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phát hiện trước đó.
Trong khi biên chế phục vụ đoàn ĐBQH được Văn phòng Quốc hội cấp lương thì Văn phòng đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai tiếp tục kê tên của 7 biên chế để rút tiền ngân sách tỉnh. Sau khi lấy được số tiền trên, Văn phòng đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai đã chi sử dụng hết cho các hoạt động chung của văn phòng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Gia Lai xác định việc sử dụng ngân sách trên đã vi phạm pháp luật về Luật ngân sách. Vì vậy, đơn vị này đề nghị Bộ Tài chính cử giám định viên lĩnh vực tài chính giám định việc gây thiệt hại, thất thoát, nếu có thì là bao nhiêu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phát hiện trong công tác thu chi ở Văn phòng đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh tính từ năm 2013-2016 với số tiền 11,221 tỉ đồng.
Trong đó, tiền tiếp khách không đúng hơn 3,5 tỉ đồng; hồ sơ thanh toán mua văn phòng phẩm không đầy đủ, hợp thức hóa chứng từ thời điểm năm 2014 – 2016 là hơn 1,1 tỉ đồng; số tiền trên 2,3 tỉ đồng lương 7 biên chế giúp việc cho đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai làm việc từ năm 2013 đến 2016.
Về trách nhiệm, ông Nguyễn Thế Quang – nguyên Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và bà Nguyễn Thị Lựu – Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai ký duyệt chi khiến sai phạm tài chính số tiền 10,7 tỉ đồng.
Các cá nhân trên đã nộp lại ngân sách nhà nước số tiền sai phạm thuộc trách nhiệm gây ra.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai sau đó đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an tỉnh Gia Lai để điều tra theo thẩm quyền.
Tạ Vĩnh Yên
Theo Baogiaothong.vn
XEM THÊM : BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ GIA LAI TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CHUYÊN GIA TƯ VẤN KT-XH
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia tư vấn KT-XH