Mặc dù tỉnh Gia Lai đã bước vào mùa mưa từ nhiều tháng nay, song cả ngàn hộ dân tại thị trấn Kbang (huyện Kbang, Gia Lai) vẫn trong tình cảnh bị thiếu nước sinh hoạt, do thời tiết địa phương bất thường gây thiếu hụt nguồn nước, còn nhà máy nước thì chưa đầu tư lắp đặt đường ống đấu nối tới nhà dân.
Gia Lai: Thiếu nước sinh hoạt
Tổ dân phố 1, thị trấn Kbang (huyện Kbang) có 215 hộ dân thì khoảng 70% số hộ đang bị thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù nằm ngay thị trấn, nhưng các hộ dân này chưa được tiếp cận nguồn nước của nhà máy nước thị trấn Kbang. Do thời tiết nắng hạn cục bộ, nên hiện tại ở huyện Kbang đang trong giai đoạn cuối mùa khô, lượng mưa ít, nguồn nước chủ yếu của các hộ dân là giếng đào và giếng khoan thì đã cạn kiệt.
Để khắc phục tình trạng này, một số hộ đầu tư đào giếng khoan sâu hơn từ 40m – 50m, mua nước bồn loại 220 lít, xin nước của các hộ khác về dùng hoặc xây bể dự trữ nước vào mùa mưa. Song, các giải pháp này cũng chỉ là tạm thời và vẫn không giải quyết dứt điểm được tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Dẫn chúng tôi đi thăm bể trữ nước tự làm cách nhà khoảng 500m, chị Trần Thị Lệ Thu (tổ dân phố 1) cho biết, chị cùng 04 hộ dân khác đã đóng góp 15 triệu đồng để dẫn nước từ một khe nước tự chảy về bể này. “Bây giờ tuy không phải đi xin nước về dùng nữa, nhưng nước tự chảy không đảm bảo vệ sinh nên vẫn phải mất công lắng, lọc rồi mới dám sử dụng. Tôi rất mong sớm được sử dụng nước sạch từ nhà máy để đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho gia đình”.
Tương tự, tổ dân phố 11 (thị trấn Kbang) có 300 hộ, nằm ngay sát nhà máy nước Dốc khảo sát, nhưng vẫn còn 100 hộ chưa được sử dụng nước từ nhà máy do chưa có đường ống đấu nối. 200 hộ khác đã được sử dụng nước từ nhà máy nước thị trấn Kbang nhưng vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô.

Bà Nguyễn Thị An (tổ dân phố 11, thị trấn Kbang) cho hay, gia đình bà bắt đầu dùng nước cấp từ nhà máy nước thị trấn Kbang được hơn 3 năm nay, nhưng vào mùa khô nước cấp không đều, ngày có, ngày không. Thỉnh thoảng nước cũng bị đục nên bà phải mua thêm thùng phi để nước lắng khoảng một tiếng đồng hồ mới dám sử dụng.
Được biết, thị trấn Kbang hiện có 2 nhà máy cấp nước sinh hoạt là nhà máy nước Đăk Lốp và nhà máy nước Dốc khảo sát. Tuy nhiên, do nắng hạn, nước đầu nguồn bị cạn kiệt và số người sử dụng nước tăng lên nên nhà máy không đủ nước cung cấp, phải chia ra các khu vực, dẫn đến ngày có ngày không. Ngoài ra, do đã xây dựng từ lâu nên hệ thống cấp nước từ nhà máy Đăk Lốp đã hư hỏng, xuống cấp. Cho nên, đôi khi nước bị đục.
Theo ông Lê Cao Sáng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang (huyện Kbang), thị trấn Kbang có khoảng 3.500 hộ dân, trong đó có 2.500 hộ đã được tiếp cận nguồn nước từ các nhà máy nước của thị trấn cung cấp. 1.000 hộ còn lại chưa được sử dụng nước máy là do nhà máy chưa có kinh phí lắp đặt đường ống dẫn nước, phần khác do địa hình các địa phương này khá cao trong khi công suất vận hành của nhà máy không đủ mạnh để cấp nước.
“Hầu hết các hộ dân đều có nhu cầu được sử dụng nước từ các nhà máy nước của thị trấn Kbang. Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị huyện Kbang cải tạo, nâng cấp các nhà máy và đầu tư thêm hệ thống ống dẫn để cấp nước cho người dân”, ông Lê Cao Sáng nói thêm.
Theo Baotainguyenmoitruong.vn
Chất lượng nông-lâm sản và thủy sản Gia Lai khó kiểm soát
Thời gian qua, việc lấy mẫu nông sản, thực phẩm để kiểm tra, giám sát dư lượng hóa chất tồn dư đã được cơ quan chuyên môn nỗ lực thực hiện nhằm góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong tháng 6 và tháng 7-2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã tiến hành lấy 77 mẫu thịt heo, 34 mẫu giò chả, 30 mẫu măng tươi luộc, 435 mẫu rau củ quả tại 12 huyện, thị xã, thành phố cùng 10 mẫu cà phê, 10 mẫu hồ tiêu tại TP. Pleiku và 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh để kiểm tra, giám sát dư lượng hóa chất tồn dư. Qua phân tích, cơ quan chuyên môn đã phát hiện có 6 mẫu giờ chả lấy trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai và Phú Thiện có sử dụng hàn the (chiếm 17,6%); 16 mẫu rau củ quả và 2 mẫu hồ tiêu tại huyện Chư Sê và Chư Pưh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định tại Thông tư số 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế; 8 mẫu thịt heo có thuốc kháng sinh Sulfadimidine nhưng nằm trong giới hạn cho phép quy định mức tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm…

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kết quả phân tích các mẫu nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ mẫu có dư lượng hóa chất tồn dư năm nay tăng so với năm 2017. Cụ thể, năm 2017, chỉ có 2,9% mẫu rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép thì năm 2019, tỷ lệ này tăng lên 3,67% (năm 2018, các mẫu đều đảm bảo an toàn). Tỷ lệ mẫu giò chả bị phát hiện sử dụng hàn the vẫn còn nhiều. Đặc biệt, tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép trên 2 mẫu hồ tiêu là nỗi lo của cơ quan chuyên môn và các địa phương.
Trước tình hình đó, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1855/SNNPTNT-QLCLNLSTS đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường triển khai thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong việc đảm bảo thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc kháng sinh lần cuối trong chăn nuôi đến khi xuất bán; không sử dụng hóa chất, chất hỗ trợ chế biến nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, các địa phương khẩn trương thông báo tới cơ sở có mẫu giám sát bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản-cho biết: Công tác quản lý chất lượng nông-lâm sản, thủy sản được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hàng năm nhằm đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua phân tích, tỷ lệ mẫu nông sản, thực phẩm tồn dư hóa chất còn cao. Theo ông Toàn, khó khăn hiện nay là phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc thống kê, tuyên truyền phổ biến những quy định của pháp luật về sản xuất an toàn chưa đạt yêu cầu. “Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng nông-lâm sản, thủy sản. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định; không sử dụng hàn the trong chế biến giò chả. Ngoài ra, Chi cục sẽ tăng cường thanh-kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… để kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm”-ông Toàn nhấn mạnh.
Theo Baogialai.com.vn