(VTC News) – Ngày 2/10, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết một trường hợp trú tại xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang vừa qua đời do bạch hầu.
Trường hợp vừa qua đời do bạch hầu là em H. (14 tuổi, học sinh lớp 9 trường Tiểu học và THCS Đak Ta Ley, trú làng Chơ Rơng I, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang).
Ngày 21/9, em H. có biểu hiện ho, sốt. Đến tối 24/9 em được gia đình đưa đi khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang. Sau đó em được chuyển đến Bệnh viện Nhi Gia Lai.
Cán bộ địa phương tuyên truyền cho bà con qua lại khu vực có dịch bạch hầu ở xã Biển Hồ (TP Pleiku).
Ngay khi có thông báo kết quả xét nghiệm, xác nhận bệnh nhi chết do dương tính với bạch hầu, UBND huyện Mang Yang đã tổ chức họp khẩn, chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh tại xã Đak Ta Ley và các xã, thị trấn lân cận.
ADVERTISEMENT
Huyện cũng cho toàn bộ học sinh của trường Mẫu giáo Đak Ta Ley, trường Tiểu học và THCS Đak Ta Ley tạm thời nghỉ học.
Ngày 30/9, tại làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) phát hiện một trường hợp dương tính với bạch hầu. Sau khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, Trung tâm y tế huyện Chư Păh đưa bệnh nhân này lên thăm khám, điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch mới ở làng Kte (xã Ia Phí), Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện Chư Păh, UBND xã Ia Phí để phun tiêu độc, khử trùng; cử lực lượng Công an huyện, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện duy trì 2 chốt kiểm soát dịch bạch hầu tại các tuyến đường đi vào làng Kte, hạn chế người ra vào vùng có dịch; vận động người dân trong khu vực có dịch hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết.
Gia Lai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh bạch hầu
Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh bạch hầu tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động phòng-chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
Khám sàng lọc bệnh bạch hầu tại xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Như Nguyện
Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh bạch hầu, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; tăng cường các biện pháp dự phòng tích cực, chủ động, đáp ứng nhanh trong công tác phòng-chống dịch bệnh. Cụ thể: 100% các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đều được tiến hành điều tra, xác minh, khoanh vùng xử lý dịch và cách ly điều trị kháng sinh dự phòng theo quy định. 100% ổ dịch bạch hầu mới phát sinh ở quy mô xã, phường, thị trấn được khoanh vùng kịp thời, xử lý triệt để theo quy định, không để kéo dài và lan rộng. Trên 95% đối tượng tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính và đối tượng trong vùng nguy cơ cao được tiêm phòng vắc xin có thành phần bạch hầu để chủ động phòng bệnh.
100% cơ sở y tế tổ chức tốt hệ thống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, trang-thiết bị y tế thiết yếu để tiếp nhận, điều trị kịp thời người bệnh; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng-chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám-chữa bệnh. 100% người dân ở vùng dịch được cung cấp thông tin, tuyên truyền về bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng-chống; triển khai tiêm vắc xin đạt tỷ lệ hơn 90% cho đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên trong tỉnh.
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai tập trung ngăn chặn dịch tả heo châu Phi tái phát
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, ngành chức năng tỉnh Gia Lai đang triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Tiêu hủy heo mắc bệnh chết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Từ ngày 13 đến 16-9, tại phường Hòa Bình và phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) có 64 con heo bị dịch tả heo châu Phi. Ông Trần Đức Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa-cho biết: “Kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của Chi cục Thú y vùng V khẳng định số heo trên dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi”.
Trước đó, ngày 9-9, tại xã Ia Trok (huyện Ia Pa), giáp ranh phường Cheo Reo, dịch tả heo châu Phi cũng bất ngờ tái phát. Để giảm thiểu thiệt hại cũng như hạn chế lây lan dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ayun Pa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu độc khử trùng
Tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ, không để sản phẩm chưa qua kiểm dịch và không rõ nguồn gốc xâm nhập vào chợ Bình Lợi vat chợ trung tâm thị xã. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào địa bàn thị xã.
Tại huyện Ia Pa, ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Trung tâm đã tổ chức tiêu độc, khử trùng trên địa bàn xã Ia Trok. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đến nay đã qua hơn 20 ngày chưa phát sinh thêm heo bệnh. Hiện tại, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tập trung theo dõi cũng như triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch tả heo châu Phi tái phát tại các xã trên toàn huyện.
Ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-khuyến cáo: “Thời gian tới, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tổ chức tiêu độc, khử trùng và thực hiện công tác tái đàn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra”.