Từ Thanh Hóa vào Gia Lai để giả làm thuê rồi thực hiện hành vi “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”, Lò Văn Hữu (SN 1985, trú tại xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) phải lãnh án nhưng đây cũng là lời cảnh báo khi nhận người làm thuê không rõ ràng.
Gia Lai: Giả làm thuê để cướp tài sản
Ngày 14-10-2018, Hữu đến khu vực trước cây xăng số 10 thuộc thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê thuê anh Nguyễn Thời (SN 1972, trú tại thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) chở xe ôm đến rẫy của anh Nguyễn Quốc Vương (SN 1980) ở thôn 6C, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh để xin việc làm. Tại đây Hữu giới thiệu mình tên là Trung đang cần tìm việc nên anh Vương đồng ý. Hai bên thỏa thuận Hữu sẽ ăn ở tại nhà rẫy, mỗi ngày anh Vương sẽ trả thêm cho Hữu 130 ngàn đồng. Do Hữu không có giấy tờ tùy thân và không có tiền để trả tiền xe ôm cho anh Thời nên anh Vương giữ chiếc điện thoại Samsung J7 Pro của Hữu để làm tin đồng thời trả cho anh Thời 200 ngàn đồng tiền xe ôm.
Hữu đã ở lại hái cà phê cho gia đình anh Vương được 2 ngày. Khoảng 20 giờ ngày 16-10-2018, lợi dụng lúc anh Vương đang ngủ say tại nhà rẫy, Hữu đã lén lút lấy trộm chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5 của anh Vương đang sạc. Hữu tiếp tục ra ngoài sân lấy trộm chiếc xe máy nhãn hiệu Dream BKS 81F5-3502 của anh Hữu đang dựng tại đây rồi nổ máy đi về hướng TP. Pleiku. Hữu mang chiếc xe cùng chiếc điện thoại trên bán cho một người đàn ông không rõ lai lịch tại bến xe nội tỉnh thuộc phường Diên Hồng, TP. Pleiku với giá 900 ngàn đồng.
Sau khi tiêu xài hết số tiền trên, ngày 26-10-2018, Hữu tiếp tục trở lại thị trấn Chư Sê để gặp anh Thời. Anh Thời lại chở Hữu đến xin việc làm tại gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân (SN 1973) và anh Nguyễn Khắc Tảnh (SN 1972) ở thôn Thống Nhất, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Tại đây Hữu giới thiệu mình tên là Hiếu và được gia đình anh Tảnh đồng ý thuê Hữu với tiền công 130 ngàn đồng/ngày, bao ăn ở tại rẫy cà phê. Cũng như tại nhà anh Vương, trong khoảng thời gian ở tại đây Hữu cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của gia đình anh Tảnh.
Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 30-10-2018, trong lúc cùng chị Vân hái cà phê trong vườn, Hữu hỏi chị Vân tại sao ép công chỉ trả 130 ngàn đồng/ngày trong khi những người khác trả 200 ngàn đồng/ngày. Chị Vân nói rằng nếu thích thì Hữu có thể làm khoán hoặc làm công 150 ngàn đồng/ngày tự lo cơm nước. Hữu không nói gì mà đi uống nước, còn chị Vân ngồi khâu bạt tại gốc cà phê. Lúc này, Hữu thấy ở gốc cà phê có 1 con dao dùng để chặt cành cà phê dài 52,5 cm nên nảy sinh ý định chém chị Vân để cướp tài sản.
Hữu cầm con dao đi đến trước mặt chị Vân rồi chém nhiều nhát vào chân, tay của chị Vân và nói “đưa tiền, đưa chìa khóa xe đây”. Chị Vân hét lên kêu cứu thì Hữu hoảng sợ cầm theo con dao bỏ chạy. Khi đến khu vực chuồng bò, Hữu ném lại con dao rồi vào phòng ngủ thu dọn quần áo. Hữu tiếp tục nhặt được một con dao khác rồi đi vào phòng ngủ của chị Vân lục lọi tìm tài sản. Hữu đã lấy 1 chiếc túi xách da của chị Vân đang treo trên tường rồi chạy vào trong rẫy cà phê. Khi chạy đến rẫy cà phê của gia đình anh Võ Trung Phát (SN 1978) tại thôn Thống Nhất, xã Ia Tiêm thì Hữu dừng lại kiểm tra túi xách. Nhưng bên trong túi xách không có tài sản gì nên Hữu đã vứt lại con dao rồi bỏ trốn. Chị Vân sau đó được mọi người đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định thương tích xác định chị bị tổn thương 44%.
Về phần Hữu, sau khi bỏ chạy, Hữu tiếp tục đến xin làm thuê tại nhà rẫy của anh Hồ Như Chánh (SN 1975) tại thôn Tân Phú, xã Đak Đjrăng, huyện Mang Yang). Đến ngày 13-11-2018, Hữu bị Công an huyện Chư Sê bắt giữ tại đây.
Ngày 20-9, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Hữu 14 năm tù về tội “Cướp tài sản” và 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, tổng hình phạt cho y là 14 năm 9 tháng tù.
Theo Baogialai.com.vn
Tìm giải pháp cho công trình thuỷ lợi nghìn tỷ không có đất tưới
Liên quan đến công trình thuỷ lợi Ia Mơr, tỉnh Gia Lai được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa có đất tưới, thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, ngày 21/9, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu trực tiếp đi khảo sát để cùng với địa phương tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
![]() |
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu trực tiếp đi khảo sát để cùng với địa phương tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. |
Dự án Công trình thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơr, liên tỉnh Gia Lai- Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư năm 2005 với diện tích công trình và lòng hồ hơn 3.600ha.
Dự án gồm 2 hợp phần: Hồ chứa nước Ia Mơr có diện tích khoảng 3.000ha; Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp có diện tích khoảng 6.00ha. Cụm công trình này phục vụ nước tưới cho tỉnh Gia Lai là hơn 10.000ha và tỉnh Đăk Lăk là khoảng 4.000ha.
Giai đoạn 1 của dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng và hiện nay đã hoàn thiện hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp, cung cấp nước tưới cho 2.000ha đất nông nghiệp.
Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng và đã hoàn thiện cụm công trình đầu mối Hồ Ia Mơr, cung cấp nước tưới cho 4.000ha đất nông nghiệp tại tỉnh Đăk Lăk.
Tuy nhiên, gần 8.000ha đất vùng tưới tại tỉnh Gia Lai lại chưa được sử dụng. Hiện nay, diện tích này chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp, đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình chuyển đổi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Dự án Hồ chứa nước Ia Mơr đã được Bộ nghiên cứu từ năm 1998, có 3 mục tiêu chủ yếu gồm: an ninh quốc phòng trên biên giới; di dân, tái định cư; và là kho nước khổng lồ của Tây Nguyên, phục vụ tưới cho khoảng 14.000ha. Về cơ bản, dự án đang phát huy hiệu quả trên vùng biên giới hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
![]() |
Công trình thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơr. |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại tỉnh Gia Lai gặp vướng trong việc chuyển đổi đất rừng đối với gần 8.000ha. Qua khảo sát trực tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng có một số số việc cần làm ngay để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả dự án.
“Trước hết tỉnh Gia Lai cần phải cùng chúng tôi sẽ khảo sát lại toàn bộ hiện trạng của gần 8.000ha này như thế nào. Năm 2010 và trước đó, hiện trạng của khu này là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là rừng khộp nên đã đồng ý chuyển đổi. Nhưng bây giờ qua hơn chục năm có thể đã thay đổi. Sau khi điều tra xong, tỉnh sẽ trình một dự án tổng thể, trong đó nói rõ chuyển đổi như thế nào, chuyển đổi làm gì, phải có bản quy hoạch sử dụng đất cụ thể. Lúc đó, căn cứ vào đề án cụ thể, chúng tôi cùng các bộ ngành liên quan sẽ trình Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết./.
Công Bắc/VOV- Tây Nguyên