Nhiều năm trở lại đây, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang nuôi mộng làm giàu với cây sachi. Ban đầu, giá cây sachi từ 200.000-300.000 đồng/kg, sau một thời gian ngắn rớt mạnh chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg. “Vỡ mộng vàng” từ cây sachi, nhiều nhà vườn đã bỏ hoang, sản phẩm bán không ai mua…dân rơi vào thảm cảnh, “dỡ khóc, dỡ cười”.
“Tan mộng” làm giàu từ sachi
Theo lời đồn thổi 1kg sachi có thể bán ra thị trường với giá hàng trăm nghìn đồng nên người dân ở các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đăk Đoa (Gia Lai) đổ xô trồng vào trồng, bất chấp việc có đầu ra hay không. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch giá sachi liên tục lao dốc, chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều công ty có ký hợp đồng trước đó với người dân còn cầm chừng không thu mua.
Đứng giữa vườn sachi vừa mới chặt bỏ, bà Nguyễn Thị Huế Ngọc (trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) ngao ngán nói: “Trước đây, khu vực này tôi trồng tiêu sau khi tiêu chết gia đình thấy một công ty vào ký hợp đồng trồng sachi nên chuyển qua trồng. Lúc ký hợp đồng, công ty cam kết sẽ thu mua với giá thấp nhất là 40.000 đồng, còn giá cao hơn thì sẽ phụ thuộc vào giá thị trường. Lúc đó, gia đình đầu tư trồng 600 cây trên diện tích 3 sào”.
“Sau 7 tháng sachi bắt đầu cho thu hoạch, giá sachi bắt đầu sụt giảm xuống 35.000 đồng và hiện tại chỉ còn 15.000 đồng. Phía công ty còn cầm chừng không thu mua nên gia đình tôi chặt bỏ hết rồi…”, bà Huế Ngọc kể thêm.
Dù trong nhà còn đến 2 tạ sachi nhưng gia đình ông Trần Văn Thành (50 tuổi, trú tại huyện Chư Sê) cũng chẳng buồn bán. Ông Thành cho biết: “Lúc cây sachi hái bói còn bán được giá cao, công ty vẫn mặn mà với việc thu mua lắm nhưng đến khi vào vụ chính giá bắt đầu giảm chẳng thấy công ty đâu. Gọi điện cho công ty thì họ chỉ hứa đợi giá cao rồi sẽ thu mua tiếp”.
“Thực tế cho thấy, nếu công ty vẫn thu mua với giá 40.000 đồng/kg như ban đầu đã thỏa thuận thì người dân chúng tôi vẫn có lời đấy. Ai mà ngờ được giờ chỉ còn 15.000 đồng-20.000 đồng/kg, công ty hay thương lái có “ma” nào thèm mua nữa đâu…”, ông Thành nói.
Giá sachi được thổi phồng cao ngất ngưởng, sau đó bán không ai mua
Không riêng gì huyện Chư Sê, tại xã Kdang (huyện Đăk Đoa) nhiều hộ dân cũng bất chấp trồng sachi. Thậm chí nhiều hộ dân còn chặt bỏ cà phê, hồ tiêu đang sống để loại cây “tiền tỷ”. Nhưng chỉ sau 1 năm giá sachi mất giá, không có đầu ra nên dân lại chặt bỏ chuyển sang trồng chanh dây “cứu cánh”.
Là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã Kdang đưa cây sachi về trồng trong vườn cà phê của mình, anh Kyoi (làng TLeo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Hai năm trước thấy nhiều người nói trồng cây sachi có hiệu quả kinh tế cao nên đã nhờ một người bạn ở Bình Phước mua hộ hạt giống từ bên Lào gửi về ươm. Khi đó, anh Kyoi mua hạt giống với giá 600.000 đồng/kg và trồng xen trong vườn cà phê trên diện tích khoảng 1,4 ha…”.
Giá thấp, đầu ra không có nhiều hộ dân đã bỏ hoang không màng chăm sóc vườn sachi đang tươi tốt.
“Ngày đó vườn sachi phát triển tốt lắm, nhưng sau khi thu hoạch được mấy đợt thì không có ai mua nữa. Gia đình tôi cũng thu được 1 tạ, bán với giá hơn 120.000 đồng/kg nhưng sau đó giá giảm dần không có lời nên không thu hoạch. Hiện gia đình đã phá bỏ hết để trồng chanh dây rồi vì công cán chăm sóc, thu hoạch về cũng có ai mua đâu chăm làm gì khổ thêm”, anh Kyoi bộc bạch. Tương tự, 200 gốc sachi của ông Phạm Công Sơn (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang) cũng đã bị phá bỏ trồng chanh dây vì chẳng có ai mua.
Tìm cách “cứu cánh” cho nông dân
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê cho biết: “Theo thông tin mà phòng nắm được thì hiện đầu ra của sachi bắt đầu khó khăn, một số đơn vụ đã ngừng thu mua. Riêng mô hình 3ha tại xã Ia Blang có ký kết với Công ty TNHH MTV Phương Phúc Nguyên đã bắt đầu cầm chừng trong việc thu mua hạt sachi”.
“Diện tích người dân tự phát bên ngoài khoảng 70ha, tập trung tại các xã Ia Pal, Ia Blang, thị trấn Chư Sê và xã Alba. Không chỉ giá xuống thấp mà đầu ra cũng không mấy khả quan, còn phụ thuộc vào các thương lái. Trước đó, dù đã được khuyến cáo không nên mở rộng diện tích vì sachi là loại cây mới nhưng người dân vẫn mạnh ai người nấy làm…”, ông Hợp thông tin thêm.
Nhiều nông dân trồng tự phát sachi hay trồng theo hợp đồng đều không bán được.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này đã cho phép các công ty trồng khảo nghiệm 12 ha cây Sachi trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện trồng khảo nghiệm khoảng 6,4 ha, tập trung chủ yếu tại ba huyện Chư Sê, Chư Pưh và Đắk Đoa.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Sâm Phát, Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên,… đã liên kết với các hộ dân trồng khoảng 119,4ha để sản xuất, cung cấp sản phẩm Sachi đến các thị trường trong và ngoài nước.
Ông Hà Ngọc Uyển (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai) cho biết: “Trước mắt, cây Sachi chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia, giống chưa được phép sản xuất ở Tây Nguyên, vì vậy chính quyền các địa phương cần kiểm soát, chưa cho phép mở rộng sản xuất cây Sachi”.
“Hiện tại, tỉnh chỉ cho phép khảo nghiệm ở diện hẹp và đang tiếp tục theo dõi, đánh giá tính thích nghi hiệu quả kinh tế để làm cơ sở đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống Sachi được phép sản xuất kinh doanh tại địa phương…”, ông Uyển nói.
Những vườn sachi tươi tốt đã bị phá bỏ nhường chỗ cho các loại cây mới.
“Còn khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống Sachi được phép sản xuất kinh doanh tại Tây Nguyên thì các doanh nghiệp cần phối hợp với các địa phương khảo sát vùng trồng, lập dự án đầu tư (đầu tư liên kết sản xuất với người dân) và thu mua nguyên liệu. Dự án cần nêu rõ khi diện tích Sachi đạt bao nhiêu thì xây dựng nhà máy sơ chế, đến diện tích bao nhiêu thì xây dựng nhà máy chế biến…”, ông Uyển cho biết thêm.
Theo Báo Gia Lai
Chư Sê: Hỗ trợ hộ nghèo nuôi dê Bách Thảo
Nhằm triển khai mô hình nuôi dê Bách Thảo trên địa bàn, Hội Nông dân huyện Chư Sê vừa bàn giao 21 con dê giống cho 3 hộ nghèo, cận nghèo của các làng: Nhă (xã Ia Blang), Blut Roh (xã Al Bá) và Tơ Drah (xã Bar Măih); mỗi hộ được nhận 1 con dê đực và 6 con dê cái. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 70 triệu đồng trích từ nguồn ngân sách huyện.
Giao dê giống cho hộ Puih Bôp (làng Blut Roh, xã Al Bă).
Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% con giống, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại và chăm sóc dê. Sau 1-2 năm khi dê sinh sản đủ số lượng, các hộ sẽ trao trả lại số dê ban đầu cho Hội để tiếp tục hỗ trợ cho những hộ khó khăn khác.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Gặp khó trong tuyển sinh, giảng viên Cao đẳng Sư phạm ôm đắng cay đi biệt phái
Năm học này trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chỉ tuyển được 93 sinh viên trên 300 chỉ tiêu, điều này khiến nhiều giảng viên phải xin nghỉ hoặc đi biệt phái.
Gặp khó trong tuyển sinh
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai được thành lập từ năm 1979. Đây là ngôi trường có bề dày lịch sử và góp công lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Nhà trường được phép đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chính quy ở 2 hệ: Trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó, trường còn mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, tiếng Jrai và liên kết với các trường đại học trong cả nước mở các lớp hệ vừa học vừa làm, cao học.
Dù vậy, từ năm 2017 đến nay, trường rơi vào cảnh thiếu vắng người học. Số lượng sinh viên đăng ký học tại trường giảm dần theo từng năm.
Tính riêng năm học 2019 – 2020, trường dự kiến tuyển hơn 300 chỉ tiêu sinh viên hệ chính quy nhưng chỉ tuyển được 93 sinh viên. Không đủ số lượng sinh viên, nhà trường buộc phải tạm dừng đào tạo giáo viên trung học cơ sở hệ chính quy.
Ông Ngô Võ Thạnh – Phó Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết, năm học 2019 – 2020, nhà trường chỉ mở được 3 lớp chính quy gồm: Lớp trung cấp mầm non với 30 em; lớp cao đẳng mầm non với 31 em và lớp cao đẳng tiểu học với 32 em. Chỉ tiêu hệ trung cấp mầm non tuyển đủ sinh viên còn các chỉ tiêu khác thì không đủ. Hai năm nay, trường tạm dừng các ngành đào tạo giáo viên trung học cơ sở vì không tuyển sinh được.
Cánh cửa kéo nằm chèo queo trước cổng vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chia sẻ: “ 3 năm nay, trường gặp khó trong công tác tuyển sinh hệ chính quy. Vì có sự thay đổi trong việc nâng chuẩn trình độ đại học đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở nên học sinh không đăng ký học hệ cao đẳng nữa ”.
Cay đắng đi biệt phái
Việc tuyển sinh khó khăn khiến 105 cán bộ, giảng viên, nhân viên và đặc biệt là 96 giảng viên có trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ của trường lâm vào tình cảnh thiếu việc làm. Cũng vì thế, cuộc sống gia đình họ chịu nhiều ảnh hưởng. Thiếu việc làm, nhiều giảng viên của trường buộc phải xin nghỉ hưu, chuyển cơ quan hoặc làm thêm việc khác để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai có văn bản cử 28 giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đi biệt phái. Họ được điều động về giảng dạy tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có giảng viên phải dạy ở trường cách thành phố 140km. Thời gian biệt phái được tính từ 6 tháng đến 1 năm học.
Ngày 30/9 vừa qua, nhiều giảng viên biệt phái đã đến trường mới nhận nhiệm vụ. Không ít người trong số họ thấy xấu hổ ê chề, cũng có giảng viên quyết định không đến trường mới nhận nhiệm vụ mà sẽ viết đơn xin nghỉ việc.
Điển hình là giảng viên H.Đ.T, Khoa Thể dục – Nhạc họa: “ Tôi dạy ở trường gần 10 năm. Những năm đầu công việc ổn nhưng về sau khó khăn nên tôi phải làm thêm nhiều nghề khác kiếm sống. Khoa tôi có 4 người đi biệt phái. Tôi được phân công về dạy ở trường THPT Plei Me (xã Ia Ga, huyện Chư Prông – PV) cách thành phố khoảng 70km.
Tôi sẽ viết đơn xin nghỉ việc vì nhiều lý do. Ngoài chuyện lương thấp mà phải đi xa, xấu hổ với trường mới thì một số công việc làm thêm khác của tôi và cả chuyện gia đình bị ảnh hưởng “, thầy T. bộc bạch.
Theo ông Chu Thanh Dũng – Trưởng khoa Xã hội (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai), nhiều giảng viên bị xáo trộn về mặt tư tưởng và cảm thấy buồn cho thực trạng của trường. Rất nhiều thầy cô cảm thấy cay đắng khi nhận quyết định biệt phái đến trường khác. Họ đi với tâm thế là bị dôi dư phải đi dạy để có lương chứ không phải để giúp nơi đó phát triển.
Những người chưa phải đi biệt phái trong đợt này cũng lo lắng cho tương lai. Có những người đã dạy tại trường hơn 20 năm, nếu phải đi dạy ở huyện xa thì cuộc sống chắc chắn bị ảnh hưởng.
Ba năm nay, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đánh mất vị thế vốn có của mình.
Đa phần các giảng viên đều cảm thông, chia sẻ trong giai đoạn khó khăn nhưng không ít người hoang mang và bất bình với thực trạng ở trường. Họ bất bình vì công tác dự nguồn cán bộ cho trường chưa được chú trọng dẫn đến việc thiếu lãnh đạo quản lý. Được biết, hiện trường chỉ còn 1 Phó hiệu trưởng quản lý chung. Bên cạnh đó, hơn 2.000 tiết dư giờ của giảng viên từ năm 2016 – 2017 chưa được thanh toán vì kiểm toán kết luận không hợp lệ trong việc chi trả.
Theo lãnh đạo nhà trường, thực trạng hiện tại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của giảng viên và nhân viên, đặc biệt là giảng viên biệt phái. Trường đang xây dựng nhiều giải pháp để khôi phục lại vị thế và tạo công việc ổn định cho giáo viên.
“ Việc phát triển mô hình trường cao đẳng theo hướng như cũ là không còn phù hợp nữa mà phải thay đổi. Có nhiều cách thay đổi, 1 là làm phân hiệu hoặc cơ sở của trường đại học nào đó, 2 là lập đề án thành lập trường THCS – THPT chất lượng cao, tự chủ về mặt tài chính. Hiện, phương án 2 là tối ưu nhất, chúng trường đã trình đề án và đang chờ tỉnh phê duyệt “, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Theo VTC
Krông Pa: Xã Uar hết dịch tả heo châu Phi
Ngày 11-10, ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ký Quyết định số 350/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Uar.
Cơ quan chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng.
Theo đó, từ ngày 11-10, các hoạt động mua bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc và sản phẩm gia súc trên địa bàn xã Uar được phép thực hiện bình thường theo quy định. Đây là xã thứ 2 của huyện Krông Pa công bố hết dịch tả heo châu Phi sau xã Chư Drăng. Đồng thời, UBND huyện giao UBND xã Uar phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Krông Pa có 6 xã, thị trấn còn dịch tả heo châu Phi gồm: Chư Ngọc, Ia Rsai, Ia Mlah, Phú Cần, Krông Năng và thị trấn Phú Túc chưa qua 30 nhày.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Tìm giải pháp khắc phục nhằm duy trì và nâng cao chỉ số CCHC
Tiếp tục chương trình khảo sát công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 11-10, đoàn khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với các Sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư Pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông và Văn phòng UBND tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Qua kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cho thấy, công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung và các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong bộ chỉ số cải cách hành chính nói riêng của tỉnh là tương đối tốt so với mặt bằng chung cả nước. Điều này thể hiện qua kết quả thẩm định, đánh giá của Bộ Nội vụ đối với tỉnh Gia Lai đạt 50/64,5 điểm, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố. So với các tỉnh trong khu vực Tây nguyên, Gia Lai xếp hạng ở vị trí thứ 2. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có sự cải thiện rõ rệt trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng-chống tham nhũng, lãng phí và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và được ghi nhận, đánh giá cao.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành đã tập trung thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp để khắc phục, nâng cao các tiêu chí, tiêu chí thành phần như: công khai thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; vận hành hệ thống thông tin một cửa điện tử; xây dựng cổng dịch vụ công; tỷ lệ thủ tục hành chính đã triển khai có phát sinh hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích…
Theo Baogialai.com.vn
Giết người, cướp tài sản để… trả nợ người yêu
Bị cáo Phan Ái Dương tại tòa
Để có tiền trả nợ người yêu, Dương thuê người chở lên đồi vắng rồi ra tay sát hại, cướp dây chuyền vàng và xe máy.
Ngày 10-10, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Phan Ái Dương (SN 1988, trú Bình Định) tù chung thân về tội giết người, sáu năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tù chung thân.
Tại tòa, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng truy tố và xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Theo hồ sơ, Dương lên Gia Lai gặp, có quan hệ tình cảm và mượn chị R’Ô Hmuăt 20 triệu đồng. Sau đó, chị này đi làm thuê ở Phú Yên. Tháng 4, Dương cũng đi làm thuê ở tỉnh này, muốn kiếm tiền trả nợ bạn gái nhưng công việc không thuận lợi.
Cũng trong thời gian này, Dương quen biết anh Nguyễn Anh Vũ đang học nghề sửa chữa xe máy. Hằng ngày, anh Vũ đi lại bằng xe mô tô hiệu Winner của gia đình, đeo dây chuyền vàng nên Dương nảy sinh ý định cướp tài sản của người này.
ADVERTISEMENT
ADVERTISEMENT
Chiều 10-5, Dương gọi điện thoại nói anh Vũ chạy xe ôm chở Dương đi mua một cây sắt rồi chở Dương đến khu vực đập thủy điện sông Ba Hạ. Tại đây, Dương nói anh Vũ chạy rẽ vào đường đất hướng lên đồi trồng keo lá tràm.
Đi được một đoạn, do đường trơn nên anh Vũ dừng xe, cùng Dương đi bộ lên đồi. Dương đi sau cầm cây sắt đánh nhiều cái vào đầu anh Vũ rồi lấy sợi dây chuyền, sau đó điều khiển xe của anh Vũ rời khỏi hiện trường.
Trên đường đi, Dương vứt cây sắt ở lề đường rồi chạy xe về Gia Lai. Đi đến thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, Dương tháo biển số xe vứt rồi bán sợi dây chuyền vàng được hơn 7 triệu đồng. Khi đi đến xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Dương vứt mũ bảo hiểm và đẩy xe mô tô của anh Vũ xuống sông Ba, sau đó đón xe khách lên TP PleiKu, rồi đi Hà Nội, Lạng Sơn. Đến ngày 17-5, Dương bị bắt giữ.
ADVERTISEMENT
Sau khi bị đánh, anh Vũ ngất xỉu rồi tỉnh lại, lần xuống đến đường bê tông gần đập thủy điện sông Ba Hạ thì tiếp tục ngất xỉu bên lề đường. Nạn nhân được người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Theo Plo.vn
Gia Lai: Nguy hiểm rình rập ở những cây cầu tạm bợ
Những cây cầu tuy tạm bợ bằng vài cây gỗ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai.
Tại tỉnh Gia Lai hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều cây cầu tự phát, dựng tạm bằng vài cây gỗ để phục vụ đời sống kinh tế cho nhiều buôn làng. Những cây cầu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ.
Người dân làng làng Hde, xã Đắk Tơ Ve đi qua cầu tạm bắc qua suối Kron.
Mặc dù trong những năm qua, bằng nhiều chương trình, dự án, tỉnh Gia Lai đã xây dựng kiên cố 85 cây cầu dân sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Từ nhiều năm nay, người dân của làng Hde, xã Đắk Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, luôn phải đối mặt với những hiểm nguy mỗi khi qua lại cây cầu tạm bắc qua suối Kron. Để đến được nơi sản xuất, hàng ngày, hơn 50 hộ dân trong làng vẫn qua lại chiếc cầu được chắp vá tạm bợ với những sợi dây cáp mỏng manh, chênh vênh.
Bà Bênh, dân tộc Ba Na, làng Hde cho biết, sợ nhất là phải qua cầu trong mùa mưa lũ: “Biết nguy hiểm nhưng bà con mình vẫn phải đi qua cầu này thôi. Mong nhà nước quan tâm, tạo điều kiện xây cây cầu khác để bà con đi lại an toàn hơn”.
Cây cầu tạm bợ, chênh vênh và tiềm ẩn nguy hiểm.
Tại xã Chư Gu, huyện Krông Pa, chỉ một đoạn sông dài hơn 1km nhưng có đến 3 cây cầu tạm được người dân dựng lên bắc qua sông Ba để sang vùng sản xuất nông nghiệp. Những cây cầu dựng bằng thân gỗ nhỏ, ghép nối tạm bợ với mặt cầu rộng khoảng 1m và không có lan can bảo vệ.
Theo ông Ksor Bril, buôn Chư Bang, xã Chư Gu, Krông Pa, cầu tạm nên kinh tế của bà con trong vùng mãi chẳng khá lên, cũng tạm bợ nổi trôi theo những cây cầu trong mùa mưa lũ.
“Bà con đi cầu tạm, đôi lúc nước nó cuốn trôi đi thì bà con làm lại. Nhưng làm lại thì nó vẫn không đảm bảo. Cả xe, cả người rơi xuống sông luôn, nguy hiểm tính mạng con người là như thế”, ông Ksor Bril nói.
Cầu tạm bợ bắc qua sông Ba.
Ông Ksor Thép, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết, là xã thuần nông và đất sản xuất chủ yếu nằm bên kia bờ sông Ba nhưng xã chưa có cầu kiên cố nào.
Những cây cầu kiên cố gần nhất thuộc địa bàn xã khác thì bà con cũng phải đi vòng mất hơn chục cây số. Do đó, bà con ở các buôn làng đã dựng những cây cầu tạm để tiện việc đi lại. Biết nguy hiểm nhưng xã không thể cấm cản người dân qua lại trên những cây cầu này.
Cầu tạm qua sông Ba có thể bị nước lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào.
“Lúc mưa lũ, nước lớn thì chính quyền địa phương cấm không cho bà con nhân dân trong xã đi qua lại. Nhưng nhu cầu của bà con để phát triển kinh tế, buộc người ta phải đi nên không thể cấm được. Qua tiếp xúc cử tri hàng năm, bà con rất mong muốn Nhà nước đầu tư làm một cây cầu để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con”, ông Ksor Thép nói.
Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, với đặc điểm là tỉnh miền núi, đất đai rộng lớn và nhiều sông suối, trên địa bàn tỉnh cần rất nhiều cây cầu dân sinh. Tuy nhiên, với nguồn lực đầu tư hạn hẹp, tỉnh mới chỉ đầu tư được một số cầu treo ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Đã có nhiều trường hợp cả người và xe rơi xuống sông Ba khi đi trên những cây cầu tạm.
Chủ yếu trong số đó là 85 cây cầu trong khuôn khổ chương trình Lramp- chương trình xây dựng cầu giao thông nông thôn phục vụ vùng dân tộc thiểu số do Ngân hàng thế giới tài trợ. Tỉnh Gia Lai đang nghiên cứu đề xuất Bộ GTVT để tiếp tục đầu tư thêm cầu dân sinh tại những nơi thực sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Trên địa bàn cũng còn rất nhiều cầu tạm, cầu mang tính tự phát, nguy cơ xảy ra mất an toàn là rất cao. Trong quá trình khai thác thì có thể sập gãy hoặc là các vị trí vượt suối, vượt sông đấy khi gặp lũ có thể bị cuốn trôi. Trước tình hình đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị sẽ bổ sung những cây cầu còn lại mà chưa có trong chương trình Lramp để sử dụng nguồn dự phòng dự án này và đề nghị Bộ GTVT tiếp tục vay vốn của Ngân hàng Thế giới để cho giai đoạn tiếp theo của dự án này”, ông Lê Văn Hạnh cho hay.
Những cây cầu tuy tạm bợ bằng vài cây gỗ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai.
Trong lúc chưa thể kiên cố hóa những cây cầu này, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần có những giải pháp quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.
Theo VOV
1.523 thửa đất bị tách trái phép ở TP Pleiku: Khắc phục thế nào ?
UBND thành phố Pleiku đã nhất trí thông qua kế hoạch khắc phục vụ 1.523 thửa đất bị tách không đúng qui định để phân lô, bán nền.
1.523 thửa đất tại TP Pleiku bị phân lô bán trái quy định
Ngày 12/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết: UBND thành phố Pleiku đã ban hành kế hoạch số 2330 về việc khắc phục kết luận thanh tra số 2405/KL-UBND (ngày 26/10/2018) của UBND tỉnh Gia Lai về việc “San lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn thành phố Pleiku”.
Theo đó, đối với các vị trí san lấp mặt bằng, UBND thành phố chỉ đạo kiên quyết xử lý, yêu cầu các chủ sử dụng đất dừng việc san lấp mặt bằng. Hiện nay các chủ sử dụng đã trả lại hiện trạng ban đầu.
Đối với việc phân lô, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất không đúng qui hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt, những thửa đất đã chuyển đổi mục đích và xây dựng nhà ở, thì UBND thành phố cho giữ nguyên hiện trạng.
Các lô đất tách thửa nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa xây dựng nhà ở thì phải tạm dừng chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở, không được phép xây dựng nhà ở nơi không phù hợp với qui hoạch chung xây dựng của thành phố. UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm của các chủ sử dụng đất đã nêu trong kết luận thanh tra theo đúng qui định của pháp luật.
Với các khu đất còn lại trong diện rà soát thì giữ nguyên hiện trạng đất nông nghiệp đến hết năm 2020; thực hiện theo qui định sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và điều chỉnh qui hoạch xây dựng nông thôn mới, qui hoạch phân khu xây dựng và qui hoạch chi tiết được duyệt.
Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật
Trước đó, Tiền Phong đã đưa tin: Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ký kết luận số 2405/KL-UBND (26/10/2018) về việc “San lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn thành phố Pleiku”, xác định: Đã có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã trên diện tích 33 ha.
Các cá nhân, tổ chức đã mua 1 ha đất nông nghiệp chỉ từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha. Sau đó một số cán bộ của thành phố Pleiku và Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho mở đường trái phép, kéo điện, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập các khu dân cư ảo bán giá gấp 7 đến 10 lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch đô thị thành phố Pleiku thời gian tới.
Nhiều cán bộ liên quan vụ này đã bị kỷ luật, trong số đó có ông Phạm Duy Du (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai), ông Trần Xuân Hùng (phó giám đốc Sở) và ông Lê Xuân Khanh (phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai) cùng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Ông Trần Xuân Quang (Chủ tịch UBND TP Pleiku) bị khiển trách, ông Nguyễn Kim Đại (Phó chủ tịch UBND TP Pleiku) bị cảnh cáo.
Theo Tienphong.vn
Gia Lai: Khai mạc vòng chung kết giải bóng đá U21 Quốc gia
Được tổ chức thường niên, giải bóng đá U21 Quốc gia là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cọ xát, phát triển kỹ năng bóng đá cho các cầu thủ trẻ ở lứa tuổi dưới 21.
Cầu thủ hai đội U21 Hoàng Anh Gia Lai và U21 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tranh chấp bóng ở trận đấu sau lễ khai mạc. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Chiều 11/10, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Công ty cổ phần tập đoàn truyền thông Thanh Niên (Thanh niên Media Corporation) tổ chức Lễ khai mạc vòng chung kết giải bóng đá U21 Quốc gia báo Thanh niên lần thứ 23 năm 2019.
Được tổ chức thường niên, giải bóng đá U21 Quốc gia là sân chơi bổ ích, tạo cơ hội cọ xát, phát triển kỹ năng bóng đá cho các cầu thủ trẻ ở lứa tuổi dưới 21.
Đồng thời, đây là dịp để các đội bóng chuyên nghiệp cũng như các huấn luyện viên tìm kiếm những tài năng trẻ, phục vụ cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.
Vòng chung kết giải bóng đá U21 Quốc gia diễn ra từ ngày 11-20/10 tại sân vận động Pleiku và sân vận động Kon Tum với 8 đội bóng tham dự.
Bảng A, ngoài chủ nhà U21 Hoàng Anh Gia Lai còn có sự xuất hiện của những đội bóng mạnh khác là U21 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, U21 Đồng Tháp và U21 Viettel.
Trong khi đó, bảng B có sự góp mặt của U21 Hà Nội, U21 Thành phố Hồ Chí Minh, U21 Phố Hiến và U21 Sanvinest Khánh Hòa.
Ở mỗi bảng, các đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để xác định hai đại diện bước vào vòng bán kết. Đội vô địch giải đấu sẽ giành cúp, huy chương vàng, bảng danh vị và giải thưởng 250 triệu đồng; đội hạng nhì sẽ giành giải thưởng 120 triệu đồng và 2 đội đồng hạng ba có giải thưởng 60 triệu đồng.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao các giải thưởng phụ như: giải phong cách, giải cầu thủ xuất sắc nhất, vua phá lưới, thủ môn xuất sắc nhất…
Ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thanh niên Media Corporation, đồng Trưởng Ban tổ chức giải U21 Quốc gia lần thứ 23 cho biết qua 22 lần tổ chức, giải đấu luôn nhận được sự tham gia tích cực của nhiều đội bóng địa phương, ngành, câu lạc bộ cũng như sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và người hâm mộ trong cả nước, sự đồng hành của các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp quan tâm đến bóng đá trẻ.
Giải đấu năm nay quy tụ nhiều cầu thủ có chất lượng, đang thi đấu tại các giải đấu chuyên nghiệp như V-League hay giải hạng nhất, hứa hẹn sẽ mang lại một giải đấu hay, hấp dẫn, cống hiến cho khán giả.
Sau giải đấu, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn những cầu thủ xuất sắc, thành lập đội U21 để thi đấu giải đấu tại Đà Nẵng sắp tới với ba đối thủ mạnh đến từ châu Âu và Nhật Bản.
Sau lễ khai mạc là trận đấu tâm điểm của bảng A giữa chủ nhà U21 Hoàng Anh Gia Lai và U21 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Với lực lượng có hơn 80% thi đấu và giành chức vô địch ở giải hạng nhất mùa giải 2019, U21 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã có chiến thắng thuyết phục 4-1 trước U21 Hoàng Anh Gia Lai bằng các pha lập công của Nguyễn Trung Học, Lý Công Hoàng Anh và “cú đúp” của Lê Xuân Tú. Đội chủ nhà chỉ có bàn thắng danh dự do công của Cao Hoàng Tú.
Trước đó, trận đấu sớm nhất của giải giữa U21 Viettel và U21 Đồng Tháp kết thúc với tỷ số hòa 1-1.
U21 Viettel đã sớm vươn lên dẫn trước ở hiệp 1 nhờ bàn thắng của Trần Danh Trung. Tuy nhiên, nỗ lực không ngừng của U21 Đồng Tháp đã giúp họ có được bàn thắng cân bằng tỉ số ở những phút cuối trận đấu nhờ pha lập công của Kha Tấn Tài.
Trong thời gian diễn ra vòng chung kết giải bóng đá U21 Quốc gia lần thứ 23, Ban tổ chức sẽ mở cửa miễn phí các khán đài sân Pleiku và Kon Tum để đón khán giả vào xem và cổ vũ cho các đội bóng trẻ./.