Bộ GTVT cho biết đường tránh Chư Sê sụt lún làm mất uy tín ngành giao thông và niềm tin của người dân. Bộ GTVT yêu cầu xử lý các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra việc trên.
Gia Lai: Đình chỉ các cá nhân liên quan vụ đường tránh 250 tỷ sụt lún
Ngày 11/9, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ đường tránh 250 tỷ đồng sụt lún.
Theo Bộ GTVT, đường tránh Chư Sê (Gia Lai) có tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng, đã hoàn thành xây lắp vào tháng 6/2019. Hiện đoạn đường này đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu để đưa vào khai thác.
Tuy nhiên ngày 3/9, công trình xuất hiện hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km10+200 – Km10+350.
Theo Bộ GTVT, sự cố trên làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giao thông, niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khâu, làm rõ nguyên nhân dẫn đến hư hỏng.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan để tập trung khắc phục, xử lý sự cố nêu trên.
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6, hiện các đơn vị đã đưa thiết bị vào khoan địa chất để tìm nguyên nhân dẫn đến sụt lún. Khi có kết quả, Ban Quản lý dự án 6 sẽ thông tin đến báo chí.
Trước đó, đầu tháng 9, đường tránh Chư Sê bị sụt lún kéo dài khoảng 120 đến 150 m. Trong đó, phần đường chính bị sụt thẳng đứng hơn 20 cm kéo dài khoảng 40 m.
Đường tránh Chư Sê được khởi công từ tháng 5/2018, có tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được chia làm 3 gói thầu. Trong đó, Công ty cổ phần 471 trúng thầu gói số 10, thi công đoạn từ Km 7+000 đến Km 10+821,29.
Tuyến đường này có chiều dài 10,8 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 11 m, đi qua các xã Ia Pal, Ia Glai và thị trấn Chư Sê.
Theo Zing.vn
Mỏi mòn chờ… phương án đền bù dự án Hoa Lư-Phù Đổng
Một bên là khu phố khang trang với đường sá rộng rãi, sạch sẽ và những ngôi nhà xây to đẹp. Bên kia là những ngôi nhà xập xệ, ẩm thấp, đường đất lầy lội. Đó là bức tranh tương phản hiện hữu ở tổ 1 và tổ 16 (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng do Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (gọi tắt là Công ty FBS-TP. Hà Nội) làm chủ đầu tư.
“Sống mòn”
Đường Nay Der (tổ 1) đoạn giao với đường Nguyễn Tất Thành dài khoảng 80 m do chưa được đổ nhựa nên lầy lội, trơn trượt sau những cơn mưa. Chỉ trên một đoạn đường nhưng lại có 2 hình ảnh trái ngược: một bên có nhiều ngôi nhà xây khang trang; bên còn lại là những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp. Đoạn đường Tạ Quang Bửu (tổ 16) giao với đường Nguyễn Tất Thành cũng tương tự.
Cửa hàng tạp hóa của gia đình bà Nguyễn Thị Tố Nga nằm ngay điểm giao cắt giữa đường Nay Der và đường Nguyễn Tất Thành. Khi chúng tôi đến, vợ chồng bà Nga đang co ro trong cửa hàng. Bà Nga cho biết: “Nhà tôi ở phía sau cửa hàng. Trời đang mưa to, lại có gió lớn mà nhà sau hư hết rồi nên chúng tôi không dám ở đó mà phải lên đây. Muốn xây nhà mới để ở nhưng không được phép vì đất nằm trong vùng dự án”.
![]() |
Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Tố Nga đã xuống cấp nhưng không được phép xây mới vì nằm trong vùng dự án. |
Kế đó là ngôi nhà của vợ chồng ông Trần Ngọc Minh (số 101, đường Nay Der). Trong ngôi nhà cấp IV xây từ năm 1989, vợ chồng ông Minh đang tất tả chống dột. Mời chúng tôi ngồi tạm xuống chiếc ghế cũ cạnh mấy cái chậu hứng nước mưa, bà Sỹ (vợ ông Minh) ái ngại: “Các chú lựa chỗ khô ráo mà ngồi. Nhà tôi trong diện giải tỏa xây dựng khu đô thị mới do Công ty FBS làm chủ đầu tư nên không được xây mới hay sửa chữa lớn. Mà nếu cho sửa thì chúng tôi cũng không biết sửa thế nào cả vì nhà đã cũ, hư hết rồi. Đã 16 năm trôi qua, cứ mưa là dột tứ bề. Chúng tôi mong chính quyền sớm có phương án giải quyết dứt điểm chứ như thế này thì khổ lắm”.
Cuối đoạn đường đất này là ngôi nhà của anh Y Thắm. Đó là một ngôi nhà lụp xụp, thưng ván gỗ và mái tôn đã rỉ sét. Quanh nhà có nhiều cột chống bằng sắt buộc sát cột gỗ đã bị mục nhiều phần. Trần bằng ván ép thủng lỗ chỗ. Nước mưa từ con đường lớn chảy tràn vào trước sân. Anh Thắm bức xúc trình bày: “Toàn bộ diện tích đất của tôi thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng. Dự án này được tỉnh phê duyệt từ năm 2003 và đang triển khai giai đoạn 2. Chúng tôi thấy chủ trương xây dựng khu đô thị mới của Nhà nước là đúng đắn nên đồng tình. Tuy nhiên, do mức giá đền bù ở đây quá thấp nên người dân chưa đồng ý giao mặt bằng. Mỗi mét vuông đất chỉ được đền bù khoảng 6 triệu đồng, trong khi những lô đất bên cạnh được bán theo giá thị trường từ 22 triệu đồng đến 26 triệu đồng/m2. Chỗ đất tái định cư cũng không tương xứng với nơi đang ở lắm. Không biết bao giờ mới thoát cảnh mưa thì nhà dột tứ tung, nắng thì nóng nực và bụi bặm. Chưa kể, nhà tôi ở sát con mương nước thải dẫn từ chợ Phù Đổng về rồi chảy ra suối Hội Phú, do đó nước thường xuyên chảy tràn vào nhà, bốc mùi hôi thối”.
Mong có phương án giải quyết dứt điểm
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng va nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2003 và giao cho Công ty FBS làm chủ đầu tư. Tổng dự toán kinh phí đầu tư ban đầu của Công ty FBS khoảng 1.365 tỷ đồng, tương đương với 15 ha. Số tiền sử dụng đất mà Công ty FBS đã nộp ngân sách là 273 tỷ đồng. Tính đến năm 2015, chủ đầu tư đã hoàn thành kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Hiện có 22 hộ dân ở tổ 1 và tổ 16 thuộc phường Phù Đổng trong diện đền bù giải tỏa với khoảng 1,7 ha mặt bằng, tổng kinh phí đền bù ước khoảng 116 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã điều chỉnh dự án này và tiếp tục giao cho Công ty FBS làm chủ đầu tư.
Tuy vậy, 22 hộ dân nói trên đang phải sống trong cảnh thấp thỏm vì các bên chưa thống nhất được phương án đền bù gồm giá cả và vị trí đất tái định cư… Trong nhiều cuộc họp, các hộ dân trong dự án mong muốn sớm có phương án giải quyết để yên tâm. Ông Nguyễn Xuân Trực-Giám đốc Công ty FBS-Chi nhánh Gia Lai khẳng định dự án vẫn tiếp tục triển khai. Mong muốn của Công ty là tỉnh sớm bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng hạ tầng dự án. “Dự án tạm dừng một thời gian khiến Công ty bị ảnh hưởng nhiều mặt, không những về kinh phí mà còn về uy tín. Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm việc với tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao triển khai xây dựng hạ tầng”-ông Trực nói.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất với tỉnh cho cơ chế đền bù và tái định cư phù hợp đối với các hộ dân thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà ở khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng, qua đó đẩy nhanh việc triển khai giai đoạn 2”.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY SƠN THƯỢNG ĐẠO, BÀN GIAO “NHÀ ĐỒNG ĐỘI”
Đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Sơn Thượng đạo, Bàn giao “Nhà đồng đội”