Chiều 17/8, ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP.Pleiku (Gia Lai) cho biết, đoàn tuần tra, kiểm soát cát ở xã Tân Sơn (TP. Pleiku) bị các đối tượng khai thác cát trái phép đe dọa.
Bài viếtNỔI BẬT
Gia Lai: Chủ tịch UBND xã bị dọa giết khi đi tuần tra khai thác khoáng sản
Theo đó, vào khoảng 9h ngày 10/8, tổ công tác của UBND xã gồm Chủ tịch Nguyễn Quốc Vinh, Ngô Gia Tuân (Phó Trưởng Công an xã), Pưt (Công an viên), Nguyễn Hữu Bắc (Chỉ huy phó Ban CHQS) đã tiến hành tuần tra, phòng ngừa khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn giáp ranh với xã Chư Jôr (Chư Păh).
Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về khai thác cát trái phép tại khu vực suối Ia Set của hộ ông Thái Văn Thơm (trú tại Tiên Sơn 2), tổ công tác đã đến kiểm tra.
Tại đây, tổ công tác thấy có dấu vết cát mới được khai thác, vận chuyển. Cùng với đó, hộ ông Thái Văn Thơm đang thực hiện việc cất máy nổ cùng một số vật dụng khác có liên quan vào lán trại. Lúc này, 5 người có mặt gồm 4 người nhà ông Thơm và 1 người khác.
Khi lực lượng tuần tra nhắc nhở, bà Nguyễn Thị L. (vợ ông Thơm) có to tiếng với Chủ tịch UBND xã. Lúc này, Thái Hùng Vương (con ông Thơm) đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đồng thời cầm dao rựa từ trong nhà lao ra chém Chủ tịch xã Nguyễn Quốc Vinh. Tuy nhiên Vương đã bị lực lượng trong đoàn khống chế, tước dao rựa. Chưa dừng lại ở đó, Vương còn tiếp tục chạy vào nhà lấy xẻng định lao ra đánh Chủ tịch xã nhưng được người nhà can ngăn.
Manh động hơn, một người con khác của ông Thơm tên là Thái Hoàng Quốc còn lớn tiếng đe dọa và thề sẽ giết Chủ tịch UBND xã cùng vợ con.
Được biết, hộ gia đình ông Thái Văn Thơm đã nhiều lần vi phạm và bị xử phạt hành chính. Trước đó, ngày 28/7, khi tổ công tác của UBND xã Tân Sơn tổ chức tuần tra tại thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn (Pleiku), khu vực giáp ranh với dòng suối Ia Sét thuộc địa phận xã Chư Jôr (Chư Păh).
Tại đây, đoàn đã phát hiện xe ô tô tải BKS: 81C- 111.34 do ông Lê Thành Lộc (SN 1979, trú tại P.Phù Đổng – Pleiku) điều khiển, đang đậu tại khu vực khai thác cát trái phép của ông Thái Văn Thơm (trú tại thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn), trên thùng xe có khoảng 11,5 m3 cát.
Sau khi phát hiện sự việc, ông Nguyễn Quốc Vinh – Chủ tịch UBND xã Tân Sơn đã trực tiếp liên lạc qua điện thoại nhiều lần cho Chủ tịch UBND xã Chư Jôr đề nghị phối hợp nhưng không thấy bắt máy. Sau đó, ông Vinh tiếp tục liên lạc cho Trưởng Công an xã Chư Jôr thì vị này đang ở rẫy nên không thể tham gia.
Vào lúc phát hiện vụ việc tại bãi khai thác, số đối tượng này còn có thái độ thách thức với tổ công tác của UBND xã Tân Sơn vì biết khu vực khai thác thuộc địa phận xã Chư Jôr. Vậy nên xã Tân Sơn chỉ giữ và tiến hành các bước để xử lý xe vận chuyển cát 11,5 m3 theo đúng quy định.
Điều đáng nói, trong biên bản Báo cáo số 74/BC-UBND ngày 29/7 của UBND xã Tân Sơn gửi lên UBND TP Pleiku thể hiện: “Tại bãi khai thác số đối tượng này còn nói đã xin phép UBND xã Chư Jôr cho khai thác”.
Chủ tịch UBND TP Pleiku nhấn mạnh: “Địa phương cương quyết xử lý và không để các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Chư Păh phải làm nghiêm. Nếu xã Chư Jôr không làm nghiêm thì tình trạng khai thác và vận chuyển trái phép sẽ tái diễn liên tục. Ngoài ra, Công an TP Pleiku sáng hôm xảy ra sự việc đã yêu cầu đối tượng liên quan lên UBND xã cam kết và hứa không tái phạm cũng như hành hung, đe dọa người thi hành công vụ”.
Theo Congly.vn
Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Gia Lai
Tăng cường thanh-kiểm tra kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản là những việc làm thiết thực đang được ngành chức năng của tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Tăng cường thanh-kiểm tra
Ông Tạ Văn Thân-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như: cát, đá xây dựng, đất san lấp, than bùn, đất sét. Cát xây dựng chủ yếu tích tụ ở các suối nhỏ theo mùa, trữ lượng ít, không tập trung; đất san lấp ở các khu vực phân tán, khối lượng ít, rất khó đưa vào quy hoạch khoáng sản để cấp phép theo quy định. Do đó, tại một số huyện vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là cát xây dựng, đất san lấp) gây khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 56 doanh nghiệp/76 khu vực mỏ được cấp quyền khai thác khoáng sản gồm: 27 mỏ đá, 25 mỏ cát, 13 mỏ đá ốp lát, 4 mỏ đất sét làm gạch, 1 mỏ đất san lấp, 1 mỏ than bùn… Các doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện đúng các quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, một số trường hợp khai thác khoáng sản vẫn còn vượt công suất. Do vậy, ngoài tuyên truyền, tập huấn để hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, cá nhân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường hoạt động thanh-kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm. “Riêng từ đầu năm đến nay, Sở đã thực hiện 5 cuộc thanh-kiểm tra về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đang tiến hành 1 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với 5 doanh nghiệp; đã hoàn tất 4 cuộc kiểm tra đột xuất khoáng sản trái phép (đất, đá) tại các huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra, Sở đã xử phạt 8 triệu đồng đối với 1 tổ chức khai thác khoáng sản vượt công suất”-ông Thân thông tin thêm.
![]() |
Một vụ khai thác cát trái phép tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) bị ngành chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý. |
Tại TP. Pleiku, theo ông Lại Tấn Công-chuyên viên phụ trách lĩnh vực môi trường-khoáng sản (Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố), khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là đá xây dựng, tập trung tại các cánh đồng của 2 xã Chư Á và Ia Kênh. Thời gian qua, có một số trường hợp đã lợi dụng việc cải tạo ruộng để khai thác đá trái phép. Vì vậy, UBND thành phố đã có các văn bản chỉ đạo ngành chức năng và các xã quản lý tốt khoáng sản chưa khai thác. Riêng từ đầu năm đến nay, thành phố đã phát hiện 4 trường hợp vi phạm, trong đó có 3 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính gần 10 triệu đồng và 1 trường hợp đang được UBND xã Chư Á củng cố hồ sơ để xử lý.
Vận động lắp đặt trạm cân và camera giám sát
Bên cạnh thanh-kiểm tra, ngành chức năng của tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản lắp đặt trạm cân điện tử và camera giám sát theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 của Chính phủ. Ông Thân cho biết: “Việc đưa trạm cân điện tử và camera giám sát vào hoạt động góp phần quản lý tốt hơn tài nguyên khoáng sản đã khai thác. Cụ thể, trạm cân sẽ được đặt tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực để xác định khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp. Riêng camera hoạt động 24/24 giờ sẽ lưu trữ các thông tin làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản”. Cũng theo ông Thân, đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã lắp đặt trạm cân và camera giám sát.
Là doanh nghiệp nhiều năm chuyên sản xuất, buôn bán vật liệu xây dựng và thi công các công trình giao thông, công trình công ích, công trình kỹ thuật dân dụng, 3 năm nay, Công ty TNHH xây dựng Xuân Hương (thôn Hlil 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) tham gia thêm vào hoạt động khai thác khoáng sản. Mới đây, doanh nghiệp cũng đã đầu tư gần 500 triệu đồng để lắp đặt camera giám sát và trạm cân điện tử tại khu vực mỏ cát xây dựng ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). “Từ khi lắp đặt trạm cân, doanh nghiệp luôn thực hiện đúng việc đem cát lên cân để xác định khối lượng trước khi đưa đi tiêu thụ và duy trì camera hoạt động 24/24 giờ tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”-bà Phạm Thị Thanh Xuân-quản lý Công ty-cho biết.
Nói thêm về định hướng trong thời gian tới, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh-kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục vận động các doanh nghiệp lắp đặt trạm cân và camera giám sát để phục vụ tốt hơn cho việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và xử lý nghiêm các tổ chức không lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định”.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : GIA LAI: TRẠM XỬ LÝ NƯỚC THẢI VẪN XẢ LẬU?, BIẾN RÁC… THÀNH TIỀN
Gia Lai: Trạm xử lý nước thải vẫn xả lậu?, Biến rác… thành tiền