Ảnh: Dân Việt
Người thân của một bệnh nhân từng được ông Đoàn Ngọc Hải chở về Gia Lai bày tỏ trên báo Đất Việt, dù họ nằng nặc muốn được trả tiền đổ xăng, ăn uống dọc đường, nhưng ông Hải không cho.
Tính tới nay, ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM) đã chở khoảng hơn 10 bệnh nhân nghèo từ các bệnh viện về quê, trải dài khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Mới đây nhất, mạng xã hội facebook chia sẻ hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải chở bệnh nhân về tỉnh Nghệ An và được đông đảo người dân đón tiếp nồng hậu.
Ông Trần Đình Tứ (ngụ tại tỉnh Gia Lai) là bệnh nhân từng được ông Đoàn Ngọc Hải chở từ Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng về Gia Lai vào giữa tháng 9 vừa qua. Chia sẻ trên báo Đất Việt mới đây, nười thân trong gia đình ông Tứ đã gửi lời chia sẻ tới vị ân nhân đã giúp đỡ gia đình mình.
“Thông qua buổi trò chuyện trên xe trong quãng đường di chuyển từ Đà Nẵng về Gia Lai, tôi cảm nhận thấy anh Hải làm từ thiện bằng cái tâm của mình chứ không vì mục đích cá nhân nào.
Ngay cả tiền đổ xăng, ăn uống dọc đường anh Hải cũng không phải để cho gia đình tôi phải trả một đồng nào mặc dù chúng tôi nằng nặc muốn được làm chuyện đó”, người thân trong gia đình ông Trần Đình Tứ chia sẻ với PV báo Đất Việt.
Khi nghe tin ông Đoàn Ngọc Hải bị một số người nhắn tin xin tiền, vay tiền, lăng mạ, người này nói cảm thấy buồn, bởi những hành động cao cả với xã cộng đồng vẫn bị mang tiếng, bị phá rối bởi những kẻ “không ra gì”.
“Tôi không hiểu được sao có người lại có hành xử như thế. Có đến bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện chữa những bệnh hiểm nghèo mới thấy trong xã hội có rất nhiều người cần được sự giúp đỡ, quan tâm của cộng đồng. Một mình anh Hải không thể giúp đỡ hết được nên mọi người cũng phải hiểu và thông cảm cho anh ấy.
Những ai được anh Hải giúp đỡ đó thực sự là những người may mắn. Còn không thì đành chấp nhận, có lẽ là cái duyên chưa tới”, báo Đất Việt dẫn lời người thân gia đình ông Tứ.
Trước đó, ông Trần Đình Tứ chia sẻ trên báo Thanh niên, khi ông liên hệ tìm xe để xuất viện về nhà thì bất ngờ gặp ông Đoàn Ngọc Hải. Ông bày tỏ, ngày xuất viện ông còn yếu sợ không đủ sức đi xe khách về nhà, may mắn có xe từ thiện của ông Đoàn Hải đưa về.
Theo báo giới, cùng với căn nhà dành cho người nghèo, người vô gia cư ở TP.HCM đang dần hoàn thiện, ông Hải đang tiến hành mua đất xây căn nữa cho người thân bệnh nhân tá túc, đặt tại Huế. Sau Huế, ông có kế hoạch xây một căn nữa ở ngoài miền Bắc.
Theo báo Đất Việt, Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Huế Hoàng Văn Minh khi biết kế hoạch xây nhà từ thiện của ông Đoàn Ngọc Hải đã khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để ông Đoàn Ngọc Hải có điều kiện tốt nhất để thực hiện mục tiêu từ thiện của mình trên địa bàn.
(Tổng hợp)
Nguồn: Soha.vn
Trạm Y tế xã đầu tư hơn 3 tỉ đồng ở Gia Lai chưa bàn giao đã xuống cấp: Nguyên nhân có thể là do… gạch
Trạm Y tế xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3 tỉ đồng, vừa mới hoàn thành và chưa tổ chức bàn giao đưa vào sử dụng thì đã xuất hiện nhiều điểm nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng.

Mặc dù chưa bàn giao nhưng đã xuất hiện nhiều điểm bong tróc, nứt nẻ
Trạm Y tế xã Ia Pếch nằm trong dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên” giai đoạn 2, được tài trợ xây mới từ nguồn vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (gọi tắt ADB).
Công trình do Ban Quản lý Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 tỉnh Gia Lai (thuộc Sở Y tế) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô Incoland (có trụ sở tại TP Hà Nội). Trạm Y tế này được khởi công xây dựng vào tháng 4.2019, hoàn thành vào đầu năm 2020.
Công trình đã xây dựng xong từ đầu năm 2020 nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng. Tháng 5.2020, sau khi kiểm tra, nhận thấy Trạm y tế cũ đã xuống cấp trầm trọng, không thể tiếp tục sử dụng để phục vụ công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nên các ngành chức năng thống nhất cho các y, bác sĩ của trạm chuyển về trụ sở mới vừa xây dựng để làm việc.
Chỉ vài tháng đi vào hoạt động, công trình đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Một nhân viên Trạm Y tế Ia Pếch cho biết, từ ngày qua đây làm việc đã thấy nhiều hạng mục bị xuống cấp. “Mới đầu là điện và nước lúc có lúc không phải gọi người đến sửa. Ít tháng sau, tường bắt đầu xuất hiện các vết nứt, chạy ngoằn ngoèo”, nhân viên này cho biết.

Trạm Y tế xã Ia Pếch, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được xây mới từ nguồn vốn vay ADB (Ngân hàng phát triển châu Á)
Ngay sau khi phát hiện sự “bất thường” của công trình, UBND xã Ia Pếch đã có văn bản báo cáo UBND huyện Ia Grai. Báo cáo nêu rõ, theo thông tin từ Trạm Y tế, công trình chưa bàn giao nhưng xuống cấp trầm trọng, UBND xã Ia Pếch đã đi kiểm tra thực tế. Qua đó, phát hiện toàn bộ cả 3 căn nhà mới xây dựng đều bị rạn nứt phía mặt bên ngoài.
Tường bên trong các phòng vì ốp gạch men nên chỉ phát hiện vết rạn nứt ở 5 phòng. Trong đó, dãy nhà làm việc bị hư nhiều nhất. Ông Ngân Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cho biết: “Hiện công trình xây mới Trạm Y tế xã Ia Pếch chưa bàn giao.
Trước đây, khi công trình hoàn thành đã có đoàn đi kiểm tra để tiến tới nghiệm thu, bàn giao nhưng vì một số hạng mục hư hỏng nên yêu cầu nhà thầu sửa chữa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, không thấy khắc phục. Công trình chưa bàn giao, nhưng vì Trạm Y tế Ia Pếch cũ đã xuống cấp, không an toàn nên mới mượn trạm y tế mới để chuyển vào làm việc”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, “Sở đã nắm được những hư hỏng, xuống cấp của Trạm Y tế xã Ia Pếch và đang yêu cầu phía nhà thầu khắc phục. Về việc Trạm Y tế chưa bàn giao nhưng đã đưa vào sử dụng là vì Trạm cũ đã dột nát và xuống cấp trầm trọng nên đã chuyển về trạm mới để tạo điều kiện cho các y, bác sĩ và nhân dân địa phương khám chữa bệnh”
. Ông Hải cho biết thêm, nguyên nhân ban đầu của việc nứt nẻ, xuống cấp trầm trọng của Trạm Y tế xã Ia Pếch được cho là do sử dụng gạch không nung.
Được biết, Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” do ADB tài trợ, cơ quan chủ quản là Bộ Y tế đầu tư cho 5 tỉnh Tây Nguyên nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác.
Tại Gia Lai, dự án được triển khai từ năm 2014 với kinh phí 13,6 triệu USD. Dự án chú trọng mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở thông qua việc xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa một số Trạm y tế xã, Phòng khám đa khoa khu vực và Bệnh viện tuyến huyện…
Nguồn: Báo Văn Hóa
Gia Lai: Bệnh nhân tử vong do bạch hầu tại Mang Yang trên nền bệnh tim bẩm sinh