Trái ngược với dự đoán, thị trường bánh Trung thu những ngày này đang khá ế ẩm. Để giải tỏa lượng hàng tồn đọng, nhiều cửa hàng đã giảm giá bánh nhưng khách mua vẫn thưa thớt.
Ế ẩm thị trường bánh Trung thu trên địa bàn Gia Lai
Quầy bánh… đìu hiu
Hầu hết người bán đều nhận định, thị trường bánh Trung thu năm nay ế ẩm là do tình hình kinh tế khó khăn, người dân phải dè dặt trong chi tiêu. Dẫn chứng cho điều này, chị Phan Thị Ánh Nhung (cửa hàng Hồng Nhung, đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) cho biết: Những mùa Trung thu trước, bình quân mỗi ngày, cửa hàng của chị bán khoảng 10 hộp bánh cho khách lẻ, còn lượng khách cơ quan, doanh nghiệp có nơi đặt vài chục đến cả trăm hộp làm quà tặng. Nhưng năm nay, những “mối” này giảm hơn một nửa. Từ đầu mùa, cửa hàng đã nhập về một lượng lớn bánh của các hãng nổi tiếng với nhiều chủng loại từ bình dân đến cao cấp để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, lượng khách mua rất hạn chế. Đó cũng là tình hình chung của hầu hết cửa hàng bánh trong mùa Trung thu năm nay.
Có kinh nghiệm bán bánh Trung thu hàng chục năm nay, chị Nguyễn Thị Hạnh (chủ quầy bánh Đồng Khánh trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) nhận định: Một nguyên nhân khác dẫn đến tình hình mua bán ế ẩm là do năm nay trên thị trường có sự góp mặt của nhiều thương hiệu bánh Trung thu mới, cả trong nước và nước ngoài; chưa kể thị hiếu của không ít người dân đang dịch chuyển sang xu hướng dùng hàng “homemade”.
Còn chị Lê Thị Mỹ Dung (chủ quầy bánh Kinh Đô trên đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) thì than thở: “Gần 1 tháng từ khi dựng quầy đến nay, trung bình mỗi ngày bán được chừng 20-30 cái bánh lẻ và một vài hộp bánh dòng bình dân. Còn những dòng cao cấp giá 500-600 ngàn đồng/hộp chẳng bán được bao nhiêu. Ước tính doanh thu bán bánh Trung thu của quầy hàng giảm khoảng 30% so với mùa trước, trong khi chi phí thì tăng. Tết Trung thu đã đến sát rồi mà bánh vẫn còn đầy tủ”.
Dự đoán khả năng tiêu thụ khó khăn, nhiều quầy bánh Trung thu đã cắt giảm số lượng hàng nhập về, bán đến đâu nhập đến đó song lượng bánh tồn đến thời điểm này vẫn khá nhiều. Để vớt vát ở những ngày cuối, một số cửa hàng đã giảm giá trực tiếp 10-15 ngàn đồng bánh và tăng thêm chiết khấu cho khách mua nhưng xem ra tình hình không mấy khả quan.
Tăng cường kiểm soát sau Trung thu
Theo ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường Trung thu đang được các đội tích cực thực hiện để kịp thời ngăn chặn hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sau Tết Trung thu, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tập trung kiểm soát và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mãi hoặc tái sử dụng để sản xuất các sản phẩm khác gây mất an toàn trong quá trình sử dụng.
Ông Hà cho biết thêm, ngoài 27 cơ sở (kể cả bán bánh và đồ chơi) theo danh sách đã phê duyệt, các đội Quản lý Thị trường còn tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động trinh sát, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất khâu lưu thông và tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu để kịp thời ngăn chặn các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh bánh giá rẻ, bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hơn nửa tháng qua cho thấy, số vụ vi phạm đã giảm nhiều. Đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu đều có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Đến thời điểm này, riêng Đội Quản lý Thị trường số 1 đã xử phạt 4 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 6,3 triệu đồng, đồng thời tịch thu 165 sản phẩm đồ chơi trẻ em.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Đình chỉ các cá nhân liên quan vụ đường tránh 250 tỷ sụt lún
Bộ GTVT cho biết đường tránh Chư Sê sụt lún làm mất uy tín ngành giao thông và niềm tin của người dân. Bộ GTVT yêu cầu xử lý các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra việc trên.
Ngày 11/9, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ đường tránh 250 tỷ đồng sụt lún.
Theo Bộ GTVT, đường tránh Chư Sê (Gia Lai) có tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng, đã hoàn thành xây lắp vào tháng 6/2019. Hiện đoạn đường này đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu để đưa vào khai thác.
Tuy nhiên ngày 3/9, công trình xuất hiện hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km10+200 – Km10+350.
Theo Bộ GTVT, sự cố trên làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giao thông, niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khâu, làm rõ nguyên nhân dẫn đến hư hỏng.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ GTVT cũng yêu cầu đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan để tập trung khắc phục, xử lý sự cố nêu trên.
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6, hiện các đơn vị đã đưa thiết bị vào khoan địa chất để tìm nguyên nhân dẫn đến sụt lún. Khi có kết quả, Ban Quản lý dự án 6 sẽ thông tin đến báo chí.
Trước đó, đầu tháng 9, đường tránh Chư Sê bị sụt lún kéo dài khoảng 120 đến 150 m. Trong đó, phần đường chính bị sụt thẳng đứng hơn 20 cm kéo dài khoảng 40 m.
Đường tránh Chư Sê được khởi công từ tháng 5/2018, có tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được chia làm 3 gói thầu. Trong đó, Công ty cổ phần 471 trúng thầu gói số 10, thi công đoạn từ Km 7+000 đến Km 10+821,29.
Tuyến đường này có chiều dài 10,8 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, mặt đường rộng 11 m, đi qua các xã Ia Pal, Ia Glai và thị trấn Chư Sê.
Theo Zing.vn
XEM THÊM : BÊN TRONG XƯỞNG SẢN XUẤT 13 TẤN TIỀN CHẤT MA TÚY ‘KHỦNG’ CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC CÓ GÌ?
Bên trong xưởng sản xuất 13 tấn tiền chất ma túy ‘khủng’ của người Trung Quốc có gì?