Huyện Đức Cơ, Gia Lai đã chủ động xuất hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn và có điều kiện tái đàn trong thời gian tới.
Đức Cơ: Kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi heo bị thiệt hại
Xuất hiện tại xã Ia Kla vào ngày 3-6, chỉ một thời gian ngắn, dịch tả heo châu Phi đã lây lan sang các xã: Ia Krêl, Ia Dom, Ia Pnôn, Ia Nan và thị trấn Chư Ty. Tổng số heo chết, mắc bệnh và tiêu hủy ở các địa phương này là 532 con (heo nái và heo đực giống 60 con; heo thịt và heo con 472 con) với tổng trọng lượng 29.133 kg. Ngay sau khi xảy ra dịch, Ban chỉ đạo phòng-chống dịch tả heo châu Phi huyện Đức Cơ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng. Nhờ đó, đến nay, một số xã đã cơ bản khống chế được dịch. Hiện chỉ còn 2 xã Ia Krêl, Ia Dơk và thị trấn Chư Ty nhưng đã qua gần 30 ngày không phát sinh heo bệnh mới.
Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch, căn cứ vào những quy định của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện Đức Cơ đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, xác định thiệt hại của người dân. Đồng thời, huyện chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ người chăn nuôi. Theo đó, mức hỗ trợ đợt 1 (từ ngày 14-5 đến 26-6) là 32.000 đồng/kg đối với heo thịt và heo con; 64.000 đồng/kg đối với heo đực giống và heo nái giống. Mức hỗ trợ đợt 2 (từ ngày 27-6) là 25.000 đồng/kg đối với heo thịt và heo con; 30.000 đồng/kg đối với heo nái và heo đực giống.
Theo thống kê, tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân trên địa bàn huyện có heo bị dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy là hơn 1,2 tỷ đồng; kinh phí mua vật tư hóa chất, hỗ trợ ngày công lao động cho cán bộ thú y và người tham gia phòng-chống dịch là hơn 878 triệu đồng. Đến thời điểm này, UBND huyện đã sử dụng hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho người dân có heo bị dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy. Trong đó, đợt 1 hỗ trợ cho người dân 5 xã gồm: Ia Kla, Ia Krêl, Ia Dom, Ia Pnôn và Ia Nan với tổng số tiền 549 triệu đồng; đợt 2 hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn thị trấn Chư Ty với số tiền hơn 701 triệu đồng.
Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng do dịch tả heo châu Phi, ông Trương Văn Thảo (tổ 9, thị trấn Chư Ty) cho hay: “Trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, trang trại chăn nuôi của tôi có 400 con heo bị dịch buộc phải tiêu hủy. Thiệt hại về kinh tế rất nặng nề nhưng được chính quyền hỗ trợ hơn 600 triệu đồng đã phần nào giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, có điều kiện đầu tư tái đàn trong thời gian tới”.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Từ khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng-chống, không để dịch lây lan trên diện rộng, UBND huyện đã chủ động xuất ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho các hộ và trang trại chăn nuôi có heo chết, mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo đúng quy định của Chính phủ và UBND tỉnh. “Tuy ngân sách dự phòng của huyện hạn hẹp nhưng việc hỗ trợ kịp thời là rất cần thiết, giúp các hộ vượt qua khó khăn và có điều kiện khôi phục chăn nuôi, góp phần ổn định đàn vật nuôi trên địa bàn”-ông Thành thông tin.
Dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Chư Pưh từ ngày 14-5, sau đó lây lan ra 14 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 địa phương gồm: Chư Prông, Đức Cơ và Kbang chủ động xuất ngân sách hỗ trợ người chăn nuôi có heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Đức Cơ xuất hơn 1,2 tỷ đồng, huyện Chư Prông hơn 234 triệu đồng và huyện Kbang 9 triệu đồng.
|
Theo Baogialai.com.vn
Trồng thứ khoai lang ông hoàng thơ tình khen ngon, bỏ túi 2 tỷ/vụ
Khoai lang Lệ Cần-một món ăn dân dã từng được ông hoàng thơ tình Xuân Diệu ăn khen ngon và đề thơ, nay được nông dân Nguyễn Trình (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) trồng bạt ngàn, xây dựng nhãn hiệu đặc sản OCOP. Bén duyên và mở rộng đầu tư trồng khoai lang đặc sản Lệ Cần, hàng năm ông Trình thu nhập không dưới 2 tỷ đồng/vụ.
Thành tỷ phú nhờ bén duyên với khoai lang
Nói về khoai lang Lệ Cần, ông Nguyễn Trình luôn tự hào vì chỉ vùng đất Tân Bình mới có, dù đem khoai Lệ Cần trồng ở nơi khác thì chỉ “có thân mà không có hồn”. Riêng bài thơ “Khoai lang Lệ Cần” của nhà thơ Xuân Diệu được ông Trình trang trọng in ra khổ lớn đặt ngay ngắn ở nhà, vừa để giới thiệu bạn bè gần xa. Ông tự nhận mình thất bại cũng từ cây khoai lang, mà thành công cũng nhờ khoai lang.
Chia sẻ về cơ ngơi của mình gây dựng từ khoai lang, ông Trình cho biết: “Tôi canh tác hơn 42ha đất nông nghiệp, trong đó trồng khoai lang 30ha, cà phê 4ha, cao su 6ha và 1 đại lý bán phân bón. Ngoài ra, tôi còn có 5 chiếc máy cày chuyên làm đồng, phun thuốc và 1 chiếc xe ô tô bán tải phục vụ đi lại hàng ngày. Hàng năm gia đình thu nhập khoảng 15 tỷ, lãi ròng hơn 5 tỷ đồng”.

Theo ông Trình, trong sản xuất nông nghiệp, thu nhập chính của gia đình là từ cây khoai lang, trung bình mỗi vụ khoai lang ông thu 2 tỷ đồng. Còn lại 6ha cao su rớt giá coi như quên, cây cà phê chỉ trồng cầm chừng, bởi giá cà phê, hồ tiêu tụt dốc không phanh. Do vậy, trong tương lai, ông Trình vẫn sẽ tập trung đầu tư trồng cây khoai lang đặc sản Lệ Cần, gây dựng thương hiệu và hình thành sản xuất theo chuỗi.
Với ông Trình, có được thành quả như hôm nay không hề có con đường bằng phẳng. Cách đây hơn 20 năm, tuổi thanh niên hừng hực khí thế, ông hăm hở khởi nghiệp với cây khoai lang, trồng lúa nhưng đều thất bại. Sản phẩm làm ra không bán được nên chuyển nghề. Sau đó, ông sang tỉnh Đắk Lắk cùng bạn góp vốn mua máy ly tâm, thu gom mật mía về quay thành đường bán vẫn không khá khẩm hơn. Sau 2 năm bôn ba trên đất khách, đi bán từng kg đường khiến ông chùn chân quay về quê nhà trồng rau màu. Và cũng chính nhờ nó mà ông có vốn làm ăn, phất lên từ gian khó.

Từ 2 bàn tay trắng, ông Trình dành dụm tiền dần dần, tậu đất và mở rộng quy mô làm ăn. Đến năm 2006, ông Trình bén duyên trở lại với cây khoai lang Lệ Cần và mạnh dạn đầu tư. Ông mạnh dạn thuê 30ha đất liền nhau để thuận tiện áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới vào trồng khoai lang Nhờ vậy, hiệu quả mang lại rất cao, 1 mình ông có thể đảm đương việc bao quát hơn 30ha. Nếu trước kia, việc vun luống trồng khoai 2ha cần 50 công lao động thủ công, thì nay 1 mình ông điều khiển máy cày làm 1 ngày là xong.
Hơn 4 năm nay, khoai lang Lệ Cần thường cho thu hoạch trái vụ so với nhiều vùng cả nước nên luôn bán được giá cao 8.000-11.000/kg và luôn duy trì diện tích 30ha, năng suất 250-270 tấn/vụ/4 tháng. Ngoài tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động người địa phương (lúc vào vụ thuê 50 người/ngày), ông còn tổ chức bán phân bón trả chậm giúp người dân yên tâm sản xuất mùa vụ.
Ấp ủ giấc mơ “Lệ Cần khoai”
Nói về nguồn gốc khoai lang Lệ Cần, ngay cả tỷ phú khoai lang Tám Trình cũng không biết rõ nó có từ đâu. Chỉ biết từ năm 1957, người dân Quảng Nam đi dinh điền lên đây đã mang theo giống khoai này. Điều lạ, khoai Lệ Cần chỉ trồng ở vùng đất Tân Bình mới có mùi thơm đặc trưng, ruột vàng, ngọt bùi… Nếu trồng khoai Lệ Cần ở vùng đất khác, cây cũng phát triển bình thường nhưng củ sẽ không còn hương thơm đặc trưng vốn có nữa.
Trong thời kỳ gian khó, khoai lang Lệ Cần luôn là cây cứu đói đã đồng hành cùng người dân ở vùng đất Tân Bình. Giai đoạn khấm khá hơn, người dân đã “vô tình quên” củ khoai mộc mạc, khiến cây khoai lang Lệ Cần rơi vào suy thoái, nguồn giống bị thất lạc. Năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh Gia Lai thực hiện đề tài phục tráng giống khoai đặc sản này. Sau 3 năm đã thành công và tạo ra giống khoai nguyên chủng với đặc điểm thân bán đứng, ngọn màu tím xanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất 104 tạ/ha.

Ông Trình chia sẻ: “Lâu nay, khoai lang Lệ Cần đã nổi tiếng thơm ngon. Vì vậy, tôi luôn ấp ủ giấc mơ trồng, phát triển khoai lang Lệ Cần thành nhãn hiệu đặc sản nhưng chưa làm được. Nay tôi và nhiều hộ khác thành lập Hợp tác xã, quyết tâm làm và được chính quyền địa phương ủng hộ xây dựng sản phẩm OCOP nên có động lực hơn. Khi đã có thương hiệu, nông dân sẽ không còn lo bị tư thương ép giá, không có đầu ra”.
Để minh chứng thêm cho sản phẩm của mình, ông Trình đã đãi chúng tôi đĩa khoai lang vàng ươm do chính ông luộc. Để tăng hương vị, đậm đà thì có thể ăn khoai chấm kèm muối đậu. Lúc bụng đói cồn cào ăn vào mới cảm nhận được khoai bở, mềm tan ngay trong miệng, ăn xong rồi vẫn nhấm nháp thèm ăn thêm. Kết câu chuyện, ông Trình vẫn không quên nhắc đến chuyện ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng thưởng thức khoai lang Lệ Cần cách đây hơn 40 năm và đã đề thơ.
Nói về tâm huyết của mình, ông Trình giải bày: “Bây giờ trồng khoai lang đặc sản mà làm manh mún thì rất khó phát triển và tồn tại được. Do vậy, phải thực hiện làm tập trung theo vùng chuyên canh, nơi thiếu đất thì có thể dồn điền đổi thửa và áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật để giảm chi phí, tăng hiệu quả lên. Đồng thời với xây dựng thương hiệu là phải hướng đến sản xuất sạch mới có đầu ra ổn định. Sâu hơn là đầu tư máy móc, làm ra sản phẩm tại địa phương thì giá thành sẽ cao hơn. Khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất rất hạn chế, khó đủ sản phẩm cung cấp quanh năm”.

Hiện tại, ông Trình là Giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ xã Tân Bình với 8 hội viên, chuyên về trồng khoai lang và các sản phẩm nông nghiệp. Dự kiến, cuối năm 2019 sẽ cho ra sản phẩm khoai lang Lệ Cần đầu tiên gắn nhãn hiệu, đóng bao lưới sạch đẹp. Lâu dài hơn, ông Trình sẽ nghiên cứu, cho ra lò những sản phẩm tinh chế từ khoai lang để nâng tầm và giá trị khoai lang Lệ Cần.
Theo ông Trương Minh Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình: “Toàn xã có khoảng 1.700ha đất nông nghiệp, trong đó cao su khoảng 800ha, còn lại cà phê, hồ tiêu chiếm gần hết. Trong khi đó, khoai lang Lệ Cần được chọn làm sản phẩm đặc trưng của địa phương thì lại thiếu quỹ đất. Đây cũng là điều mà chúng tôi trăn trở, mong muốn cấp trên tạo điều kiện giao lại 200-300ha đất trồng khoai. Khi có đầu ra ổn định, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc tham gia ký kết cung cấp sản phẩm quanh năm cho doanh nghiệp. Về lâu dài hướng đến tính chế sản phẩm nhằm nâng cao giá thành, ổn định đầu ra”.
Ở Gia Lai, có 2 lão nông U60 mà hầu hết nhà nông đều biết tiếng là Ngô Văn Tiên (nổi tiếng với sản phẩm hồ tiêu sạch ở xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa) và Nguyễn Trình (ở thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa – được nhiều người biết tiếng nhờ thương hiệu khoai lang Lệ Cần). Họ không chỉ sản xuất giỏi, mà còn để bộ râu hàm giống nhau với kiểu cách khiến người ta gặp 1 lần là nhớ mãi.
Năm 2018, ông Ngô Văn Tiên có biệt danh “Tiên Râu” được vinh danh là một trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018” và năm nay 2019, đến phiên nông dân Nguyễn Trình ra thủ đô nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Ông Trình không được gọi “Trình Râu” mà được mọi người quen kêu là Tám Trình – là người con thứ 8 trong gia đình đông anh em. Khi nhắc đến bộ râu của mình, ông Trình không ngại khoe: “Tháng mười này tôi sẽ ra Hà Nội và đang cố dưỡng râu để anh em ngoài đó biết nông dân Tây Nguyên còn có đặc sản…râu”.
Theo nhà thơ-nhà giáo Lê Nhược Thủy kể lại, năm 1976 nhà thơ Xuân Diệu có chuyến công tác lên Pleiku và đến nhà ông ở lại dùng cơm. Trong các món ăn đạm bạc thời đó, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu chỉ nhớ mỗi món khoai lang nên ngâm bài thơ tặng lại gia chủ đã hiếu đãi.
Thơ rằng: “Cảm tạ vợ chồng anh giáo Huế/ Thết tôi một bữa Lệ Cần khoai”. Lời bài thơ hết sức mộc mạc, đơn thuần miêu tả dáng dấp, hương vị khoai lang Lệ Cần. Theo cảm nhận của tác giả: “Cũng không ngọt lắm mà sao lạ/ Ăn mãi ngon lành như thể cơm”. |