Ông Trần Lê Bảo Châu-Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) đã chia sẻ với chúng tôi về thực trạng và tiềm năng phát triển teambuilding tại Gia Lai.
Du lịch kết hợp teambuilding: Hướng đi mới
* Ngoài địa hình tự nhiên, tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa bản địa như: chạy cà kheo, đua thuyền trên sông, leo núi hay những tập quán sinh hoạt như: bắt cá, thu hái nông sản… Những đặc điểm này là lợi thế cấu thành thế mạnh đặc biệt của Gia Lai trong việc phát triển gói du lịch kết hợp teambuilding. Theo ông hướng đi này có khả thi?
– Ông TRẦN LÊ BẢO CHÂU: Teambuilding thực chất là một hoạt động đào tạo thông qua các trò chơi đưa học viên đến các trải nghiệm nhằm rút ra các bài học thực tiễn, điều chỉnh thái độ và hành vi cá nhân trong khi tương tác với nhau, hướng đến mục tiêu chung của tổ chức. Tuy nhiên khi thiết kế trở thành một sản phẩm du lịch thì nó tiến gần đến hình thức du lịch kết hợp trải nghiệm thông qua các trò chơi. Chất liệu của các hoạt động này thường lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, sự thay đổi địa hình cộng với việc triển khai hoạt động tổ chức để quản trị chuỗi trò chơi, tạo nên sự hấp dẫn riêng của loại hình này.
Gia Lai có lớp trầm tích văn hóa bản địa của buôn làng, hệ thống địa hình tự nhiên, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tập quán sinh hoạt nhiều nét thu hút chính là thế mạnh để xây dựng những chương trình teambuilding mang đậm dấu ấn Tây Nguyên. Với những đặc điểm đó, việc phát triển mô hình du lịch kết hợp teambuilding tại Gia Lai đã đáp ứng những điều kiện cơ bản.
* Ông có những khuyến nghị gì về phát triển du lịch kết hợp teambuilding tại Gia Lai?
– Ông TRẦN LÊ BẢO CHÂU: Việc đầu tiên là hoạt động quảng bá trực tiếp đến những doanh nghiệp lữ hành kinh doanh loại hình này. Vì không giống các sản phẩm du lịch khác, du lịch kết hợp teambuilding cần sự thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu tài nguyên văn hóa bản địa, nên một sản phẩm teambuilding đúng nghĩa phải được “đo ni đóng giày” từ những nhà tổ chức chuyên nghiệp. Do đó, việc quảng bá trực tiếp đến doanh nghiệp lữ hành sẽ kéo theo sự tư vấn đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, cần kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đóng gói các sản phẩm teambuilding địa phương và chủ động tìm kiếm khách hàng trực tiếp, tiềm năng. Một số tour như: “Truy tìm đôi mắt Pleiku”; “Bí mật Hàm Rồng”, “Thử thách Phố núi”; “Chinh phục dòng sông huyền thoại”… là những gợi ý khả dĩ.
Nên khuyến khích những doanh nghiệp tại địa phương đầu tư những sân chơi, duy trì việc tổ chức trò chơi dân gian định kỳ tại các buôn làng; tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động triển khai mô hình du lịch kết hợp teambuilding tại những điểm đến có địa hình hấp dẫn như hồ, thác, rừng… Bên cạnh đó cần khuyến khích gìn giữ và phát huy các nét văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Baogialai.com.vn
Hỗ trợ hộ chăn nuôi lai tạo đàn bò trên địa bàn Gia Lai
Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã chủ động hỗ trợ tinh đông lạnh các giống bò lai ngoại nhập cho 8 huyện, thị xã trong tỉnh để phát triển chăn nuôi bò lai theo hướng nông hộ. Việc làm này nhằm giúp nâng cao chất lượng đàn bò thịt của địa phương và tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi.
Thực hiện Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 21-12-2017 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh, từ tháng 10-2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động cấp trên 6.000 liều tinh đông lạnh các giống bò lai ngoại nhập chất lượng cao như: Brahman, Angus, Droughmaster, BBB và Charolais cho các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Sê, Đức Cơ và thị xã An Khê. Cùng với đó, Trung tâm cũng đã cấp vật tư, dụng cụ để lực lượng dẫn tinh viên các địa phương thực hiện phối giống nhân tạo cho đàn bò của người dân. Đến nay, đàn bò được phối giống nhân tạo ở các địa phương đã sinh bê con với trọng lượng lớn, phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại nhiều vùng trong tỉnh.
![]() |
Bê con giống BBB của gia đình ông Võ Đình Quân (bìa phải) ở thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. |
Ông Võ Đình Quân (thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi từng nuôi bò sinh sản rồi nghỉ không nuôi nữa. Khoảng 3 năm nay, tận dụng diện tích đất trồng hồ tiêu bị chết, gia đình bắt đầu trồng cỏ để nuôi bò trở lại. Tôi mua 6 con bò sinh sản về phối giống nhân tạo với giống bò ngoại BBB chất lượng cao của Bỉ. Sau một thời gian, bò sinh ra bê con có đặc điểm lớn và khỏe mạnh hơn so với các giống bò lai của địa phương lâu nay. Đặc biệt, bò giống BBB phát triển rất tốt, dễ bán”. Cũng theo ông Quân, người thân của ông cũng đang nuôi giống bò này. Nuôi bò hiện nay rất tốt vì ít bị dịch bệnh, có nguồn thu nhập ổn định. Ước tính, mỗi con bê 6 tháng tuổi có giá bán bình quân 14-16 triệu đồng, còn nuôi 1 năm giá 22-24 triệu đồng. Vừa rồi, người em trai của ông Quân bán một bê con 6 tháng tuổi được 15 triệu đồng.
Là một trong những dẫn tinh viên của huyện Chư Prông, ông Hoàng Quốc Thịnh (thôn Bình An, xã Bàu Cạn) cho biết thêm: “Thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ của tỉnh và huyện Chư Prông, trong 2 năm qua, tôi thường xuyên phối giống tinh nhân tạo các giống bò ngoại như: BBB, Brahman, Charolais, Angus… cho người chăn nuôi bò trên địa bàn xã và huyện. Bình quân mỗi tháng, tôi phối giống nhân tạo cho 35-40 con bò. Hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi đã có bê con với chất lượng tốt, dễ nuôi và phát triển nhanh. Việc lai cải tạo đàn bò là một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế hộ gia đình trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay”.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trương phát triển đàn gia súc ăn cỏ và gia cầm để bù đắp thiệt hại cho người chăn nuôi. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Từ tháng 10-2018 đến nay, Trung tâm đã cấp trên 6.000 liều tinh bò giống ngoại chất lượng cao cho người chăn nuôi trong tỉnh. Số bê con được sinh ra phát triển nhanh, nhiều thịt, giá bán cao hơn so với các giống bò khác. Vì vậy, người chăn nuôi rất ưa chuộng các giống bò này. Hy vọng trong những năm tới, việc chăn nuôi bò lai giống ngoại sẽ phát triển mạnh giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.
Theo Baogialai.com.vn
https://baomoigialai.vn/gia-lai-bat-giu-doi-tuong-tron-na-lan-tron-tai-huyen-bien-gioi-ia-pa-phat-hien-thu-giu-nhieu-lam-san-trai-phep/