Bài viếtNỔI BẬT
Dự án Newland nằm dưới đường dây điện.
Dự án của Đức Long – Gia Lai, thịt thì xơi, xương đẩy cho khách
Bốn dự án của Đức Long Gia Lai nằm ở Thành phố Hồ chí Minh gồm: Dự án Newland – Quận 8, dự án Golden land – Quận 7, dự án Wester Park – Quận Bình Tân và dự án Elysium – Quận 7. Trong đó, ngoại trừ Wester Park, công ty Vạn Gia Long (trực thuộc Đức Long Gia Lai land) sở hữu 51% cổ phần của 3 dự án còn lại.
Lỗi tại….. “ông” Nhà nước
Làm việc với khách hàng đã đặt mua, ông Nguyễn Sĩ Toàn, Tổng giám đốc công ty Vạn Gia Long giãi bày: Đất dự án Newland – Quận 8 đang vướng đường dây điện, dự án bị chia cắt làm hai. Giờ muốn thi công phải xin ý kiến cấp trên. Đây là lý do bất khả kháng.
Ông Toàn nói thêm, ban đầu Nhà nước cho đóng tiền sử dụng đất, giờ Nhà nước lại bảo là đất công nên phải chuyển sang đấu giá.
Cụ thể, “dự án Newland, ban đầu có quyết định giao đất. Giao xong sẽ đóng tiền sử dụng đất và ra sổ cho chủ đầu tư, rồi xây dựng bàn giao cho khách là xong. Tuy nhiên, theo quy định mới, diện tích dự án thuộc đất công nên Thành phố không đủ thẩm quyền duyệt cấp nữa”.
Cấp phó của ông Toàn là ông Phạm Minh Việt cũng nói chắc nịch: “Trình các dự án này lên chắc chắc thành phố không duyệt. Đụng đến đất công là mấy bác trên thành phố đẩy đi hết. Theo Thành phố đất này phải đấu giá hoặc chỉ định. Nhưng là chỉ định thì phải chuyển lên Thủ tướng”.
Dự án Golden Land, do phát sinh việc công an điều tra các cổ đông, nên dự án phải tạm “đóng băng”. 4 đến 6 tháng nữa mới hoàn tất điều tra. Tháng 10 mới có thể sẽ tiến hành điều chỉnh 1/500, đóng tiền sử dụng đất và xây dựng.
Không đồng tình với các lý do này, tập thể cư dân bức xúc, cáo buộc chủ đầu tư sử dụng ‘bừa bãi’ cụm từ bất khả kháng.
‘Thịt’ thì xơi, đẩy ‘xương’ đẩy cho khách
![]() |
Dự án Wester Park không hề có động thái xây dựng nào. |
Tập thể khách hàng phản đối, lý do chủ đầu tư đưa ra không phải là bất khả kháng. Bất khả kháng phải là thiên tai, địch họa, bão lũ. Dự án ban đầu đã thu tiền, cầm tiền của dân thì phải tính, phải lường trước mọi chuyện.
Nhiều ý kiến phản biện gay gắt, đi khắp Sài Gòn này không ai dùng cụm từ “bất khả kháng” như Đức Long-Gia Lai. Đã làm kinh doanh có chơi có chịu, có thắng có thua là bình thường. Đằng này, Đức Long chơi theo kiểu thịt mình ăn, xương đẩy cho khách.
Các khách hàng của Đức Long cho rằng, nếu chủ đầu tư vướng mắc thì cần phải thông báo cho khách hàng, cập nhật thông tin cho khách hàng biết. Dở nhất là chủ đầu tư không thông báo, né tránh. Nhưng bất luận sao đi nữa, chủ đầu tư vẫn phải tuân thủ theo hợp đồng cũ đã ký với khách hàng.
Và họ đã đồng lòng không ký thêm bất cứ phụ lục hợp đồng nào như chủ đầu tư thông báo ngày 18/6/2019. Họ e ngại, nếu ký lại phụ lục sẽ chỉ mang lại lợi ích cho chủ đầu tư.
Hiện nay dân đang yêu cầu một cuộc họp với chủ đầu tư và tập đoàn Đức Long Gia Lai để có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề mà cư dân đang thắc mắc. Hạn chót ngày 8/7/2019.
Theo : vietnamnet
Văn minh vỉa hè
Đô thị Pleiku từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay đã có bước phát triển vượt bậc cả về mặt kiến trúc, cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều người xa phố thị Pleiku từ lâu, nay có dịp trở về chốn xưa cũng đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một đô thị miền cao nguyên đầy nắng gió này. Theo dự kiến, vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Pleiku (3/12/1929-3/12/2019), thành phố Bắc cao nguyên sẽ được công nhận đô thị loại I. Đây là bước tiến quan trọng, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, thân thiện và là thành phố vì sức khỏe trong tương lai.
![]() |
Đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku. |
Tuy nhiên, để phấn đấu xây dựng một đô thị văn minh, “đáng sống” theo đúng nghĩa đầy đủ của nó thì không dễ dàng, không phải ngày một ngày hai là thành hiện thực mà cần một quá trình phấn đấu liên tục, đồng lòng, đặc biệt là phải từng bước nâng cao dân trí theo hướng “con người đô thị và văn hóa đô thị phù hợp”. Ở đây, chỉ xin đề cập đến một góc nhìn đối với vỉa hè Pleiku hiện tại trong việc xây dựng thành phố đạt tiêu chí: xanh-sạch-đẹp.
Không riêng gì ở Pleiku mà các thành phố lớn khác trên cả nước, đa phần vỉa hè đều bị “chiếm cứ” sử dụng không đúng mục đích. Có nhiều nơi, chính quyền sở tại còn đứng ra “cho thuê” vỉa hè trong địa bàn quản lý để cho các hộ kinh doanh, buôn bán. Theo đó, khách bộ hành thường mất lối đi, họ tràn xuống đường phố gây cản trở giao thông. “Cuộc cách mạng vỉa hè” được phát động ở nhiều đô thị, tập trung khá nhiều nhân lực, áp dụng nhiều biện pháp nhưng nhìn chung không mang lại kết quả như mong đợi. Có nơi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… nhiều tuyến phố khi lực lượng liên ngành ra quân thì trật tự vỉa hè được lập lại, nhưng chỉ sau một thời gian thì hiện trạng trở lại như cũ.
Tại Pleiku, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, cũng như tập trung ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân trả lại vỉa hè cho người đi bộ, không được sử dụng không gian vỉa hè để trưng bày quảng cáo, buôn bán… làm mất mỹ quan đô thị cũng như cản trở lưu thông. Những phường trung tâm thành phố như: Diên Hồng, Hội Thương, Hội Phú, Yên Đổ, Ia Kring, Hoa Lư, Thống Nhất… đã thường xuyên ra quân lập lại trật tự ở các vỉa hè tuyến phố, những nơi có trung tâm thương mại, chợ búa. Nhìn chung, trong các dịp lễ, Tết, khi lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở thì các tuyến phố, vỉa hè được trả lại sự thông thoáng, bình yên. Nhưng khi địa phương lơ là thì mọi việc trở lại như trước, vỉa hè vẫn nhếch nhác, xô bồ. Nhiều người cho rằng, tập quán buôn bán của người Việt, nhất là những người buôn bán nhỏ còn có thói quen bừa bãi, thiếu ý thức chấp hành quy tắc trật tự đô thị nên hễ thấy nơi nào trống, đông người qua lại thì chiếm cứ, ngang nhiên bày bán. Người này cơi nới bày bán được, người khác lại bắt chước… Cứ thế mà phình ra, các tuyến phố, vỉa hè thành nơi bát nháo, mọi người ăn uống, xả rác vô tư. Ở những nước văn minh, họ đã từng có thời gian dài tập trung vào việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tôn trọng quy tắc cộng đồng, nhất là đối với các đô thị, cộng đồng dân cư hết sức thân thiện với môi trường tự nhiên, tạo không gian xanh… Ở Singapore, chỉ riêng xóa bỏ một hành vi xấu là nhai kẹo cao su và vứt bỏ lung tung, chính phủ nước này phải mất 10 năm kiên trì tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn và cuối cùng là luật hóa để mọi công dân tuân thủ, chấp hành.
Trong giai đoạn phấn đấu trở thành đô thị loại I, ngày 26-10-2018, TP. Pleiku và các ban, ngành trong tỉnh phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị và huy động đóng góp của nhân dân trong quá trình đô thị hóa tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai”. Mới đây, ngày 25-6-2019, đề tài này được Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh nghiệm thu. Có nhiều ý kiến xoay quanh đề tài này, nhưng cơ bản cần tập trung vào một số giải pháp chính để tạo nên một bộ mặt đô thị Pleiku văn minh, giữ được nét đặc thù của địa phương miền núi. Đó là: giáo dục, xây dựng con người đô thị biết tôn trọng các quy tắc của đô thị, biết bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử; góp phần nâng cao chất lượng môi trường đô thị xanh. Đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường, không gian, mỹ quan đô thị vào trong các trường học từ mầm non đến phổ thông; kiên trì hình thành các hành vi, thói quen cho học sinh và người dân, như nhặt/bỏ rác đúng chỗ; trồng và bảo vệ cây xanh; vệ sinh môi trường sống xung quanh mình; không khạc nhổ bừa bãi. Đồng thời, bên cạnh việc lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, chính quyền thành phố cần quy hoạch những nơi vui chơi, giải trí; chợ và những nơi buôn bán cho cả tiểu thương và những người bán hàng rong; kiên quyết hơn trong việc xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường…
Xây dựng nếp sống văn minh đô thị là việc khó và lâu dài, cần sự đồng bộ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Để TP. Pleiku đạt được mục tiêu là “thành phố vì sức khỏe”, chúng ta còn nhiều việc phải làm hơn nữa, nhưng trước mắt cần giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường như lâu nay..
Theo Baogialai.com.vn