Ngày 5-9, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thể đã ký Công điện số 35/CĐ-BGTVT yêu cầu Ban Quản lý Dự án 6 khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả sự cố sụt, lở đường mới thi công xong xảy ra tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê (gọi tắt là đường tránh Đông Chư Sê). Công điện yêu cầu Ban Quản lý dự án phải báo cáo làm rõ nguyên nhân, đề xuất hướng xử lý về Bộ GT-VT trước ngày 10-9.
Chỉ đạo làm rõ việc sụt lở đường tránh Đông Chư Sê
Ban Quản lý Dự án 6 cho rằng, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4, khu vực Tây Nguyên liên tục xảy ra mưa lớn, đặc biệt tập trung từ ngày 23-8 đến 3-9 đã gây thiệt hại, hư hỏng khoảng 130 m đường đoạn từ Km 10+200 đến Km 10+330 thuộc dự án đường tránh Đông Chư Sê. Cụ thể, trên tuyến đã xảy ra hiện tượng sạt, lún nền và mặt đường theo phương thẳng đứng; bề rộng vết nứt lớn nhất khoảng 20 cm; nghiêm trọng nhất tại Km 10+260-Km 10+300, cao độ mặt đường bị lún theo phương thẳng đứng khoảng 60-80 cm.
![]() |
Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê bị nứt làm đôi do sụt lở. |
Ngay sau khi xảy ra sụt, lún, Ban Quản lý Dự án 6 đã có Công điện số 04/CĐ-BQLDA6 ngày 3-9-2019 yêu cầu bộ phận tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cử cán bộ túc trực trên hiện trường 24/24 giờ để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, cấm phương tiện qua lại trên đoạn tuyến từ nút giao quốc lộ 25 (Km 9+00) đến điểm cuối dự án là nút giao quốc lộ 14 (Km 10+821). Ban Quản lý dự án phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai huy động lực lượng đến hiện trường để thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông khu vực cũng như huy động các lực lượng liên quan cùng tập trung xuống hiện trường làm rõ các vấn đề xung quanh sự cố sụt, lún…
Ông Nguyễn Kiều Hưng-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 6-cho biết: Ban đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát, bổ sung về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng để tiến hành khoan, khảo sát địa chất và tính toán thủy văn khu vực bị ảnh hưởng nhằm đánh giá chính xác nguyên nhân gây sụt, lún cũng như chất lượng thi công đất đắp nền đường. Theo đó, dự kiến sẽ khoan 3 mặt cắt ngang (mỗi mặt có 3-4 lỗ khoan), tập trung chủ yếu tại khu vực xảy ra điểm sụt lún nghiêm trọng nhất để đánh giá nền đường và địa chất. Việc khảo sát đánh giá nguyên nhân sẽ bắt đầu từ ngày 6-9 và phấn đấu hoàn thành trước ngày 18-9. Sau đó, Ban sẽ báo cáo Bộ GT-VT xem xét chấp thuận giải pháp xử lý cụ thể.
Liên quan tới sự cố này, Sở GT-VT đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình sụt, lở. Trước sự cố sụt, lún xảy ra trên tuyến, Sở GT-VT đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án 6 phối hợp UBND huyện Chư Sê và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Theo Baogialai.com.vn
Chư Pah: Dân “liều mình” qua cầu treo hư hỏng
Cây cầu treo bắc qua suối Đak Roong đã hư hỏng nghiêm trọng nhưng hàng chục hộ dân làng Hde (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Pah, Gia Lai) vẫn hàng ngày “liều mình” vượt qua để đến khu đất sản xuất.
Làng Hde hiện có 50 hộ dân tộc Bahnar với 200 khẩu. Đây là một trong những làng đặc biệt khó khăn của xã Đak Tơ Ve. Nhà cửa của người dân trong làng đều dựng tại một khu đất bằng phẳng bên này suối Đak Roong nhưng đất sản xuất của bà con lại ở bên kia suối.
![]() |
Mùa mưa, nước ngập cầu treo khiến người dân gặp khó khăn khi đi qua. |
Cách đây 5 năm, tỉnh đầu tư xây dựng một cây cầu bê tông bắc qua suối Đak Roong để giúp cho việc đi lại của người dân làng Hde được thuận tiện hơn. Nhưng niềm vui của dân làng không kéo dài được lâu thì cây cầu bê tông này đã bị lũ cuốn trôi. Không có cầu, người dân vẫn phải lên rẫy để sản xuất. Mùa nắng, bà con chọn chỗ nước nông để lội qua, còn mùa mưa thì dùng thuyền vượt suối vì nước lớn. Thấy việc đi lại khó khăn, dân làng đã quyên góp tiền mua sắt thép, xẻ gỗ lấy ván làm một cây cầu treo. Anh Siu Hương (làng Hde) cho biết: “Từ đó đến nay, dân làng mình toàn đi qua cầu treo này để lên rẫy. Nhưng cầu treo nhỏ nên chỉ đi bộ thôi. Thu hoạch xong, mọi người dùng xe máy chở nông sản xuống sát cầu xếp đống rồi vác bộ qua cầu treo về nhà. Dù bất tiện, vất vả nhưng có cầu đi lại còn đỡ hơn lội suối hay chèo thuyền”.
Sau một thời gian dài sử dụng, cầu treo làng Hde đã bị hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn mối nguy hiểm với người qua lại. Nhiều tấm ván gỗ lót làm mặt cầu và cột gỗ đã bị mục; dây thép quấn quanh cầu được buộc sơ sài, lỏng lẻo, nhiều chỗ đã rỉ sét. Mỗi lần có người đi qua là cây cầu treo lại rung lên bần bật gây tâm lý bất an. “Mình vừa lên rẫy bẻ măng về. Cầu hỏng nên khi đi qua, mình sợ lắm. Nhưng vẫn phải đi thôi vì không còn đường khác. Mình sợ nhất là đi qua cầu vào mùa mưa. Nhiều cây gỗ bị cuốn từ trên thượng nguồn về kẹt lại cứ theo sóng nước va vào cầu treo. Có lần mình bị ngã từ cầu xuống suối, trôi hết đồ đạc mang theo, may mà người không bị sao”-chị Rơ Châm Canh (làng Hde) cho hay.
![]() |
Cầu treo làng Hde tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn khi người dân qua lại. |
Hiện đang vào giữa mùa mưa, cây cầu treo ở làng Hde thường xuyên bị ngập nước khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo lời kể của người dân, mới đây, ông Trần Công Quyền (trú tỉnh Kon Tum) cùng vài người khác ở làng Hde định lên khu rừng bên kia suối Đak Roong hái lá. Vì nước làm ngập cầu treo nên những người này vượt suối bằng thuyền. Khi ra đến giữa dòng, nước chảy xiết làm lật thuyền. Ông Quyền bị nước cuốn tử vong. Những người khác may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ bám được cành cây trôi nổi. Ông Lê Ngọc Ánh-Bí thư chi bộ làng Hde-cho biết: “Cây cầu treo là con đường duy nhất để dân làng Hde lên khu sản xuất. Cầu bắc tạm bợ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đến mùa mưa, UBND xã cũng cử lực lượng túc trực để ứng cứu nếu xảy ra sự cố, hỗ trợ người dân qua suối và vận động người dân không đi lại nếu nước lớn ngập cầu. Chúng tôi đang vận động kinh phí xã hội hóa để làm một cây cầu bê tông mới giúp dân làng đi lại an toàn nhưng chưa được là bao”.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : GIA LAI: VƯỢT RỪNG TÌM HỌC TRÒ VỀ KHAI GIẢNG, CÔ HỌC TRÒ NHỎ VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH
Gia Lai: Vượt rừng tìm học trò về khai giảng, Cô học trò nhỏ vượt qua nghịch cảnh