Hàng nghìn người dân tại 3 xã thuộc TP. Pleiku (Gia Lai) và nhiều du khách đang bất chấp nguy hiểm, hàng ngày lưu thông trên cây cầu treo xuống cấp bắc qua danh thắng quốc gia Biển Hồ.

Có mặt tại chiếc cầu treo bắc qua Biển Hồ, phóng viên ghi nhận những thanh gỗ mục chắp nối, thành cầu rỉ sét hư hỏng nặng, mặt cầu có nhiều lổ thủng lớn, những thanh sắt nhọn nhô lên… gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông.

Anh Đông Chí Hiếu (trú tại thôn 4, xã Biển Hồ) cho biết, hàng ngày người dân phải liều mình qua cây cầu này để đi làm rẫy, vận chuyển hàng hóa, phân bón. “Cây cầu này xuống cấp lắm rồi, mặt cầu, thành cầu đều hư hỏng, có hôm tôi đi qua thanh ván trên cầu rơi xuống suýt nữa là rớt xuống hồ”, anh Hiếu nói.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hằng (cũng trú tại thôn 4, xã Biển Hồ), cách đây một tuần có một người đàn ông chở phân lên rẫy, đi qua cây cầu này thì bị sụp hố, dẫn đến gẫy chân phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. “Trước sự xuống cấp của cây cầu, chúng tôi đã ý kiến nhiều lần lên chính quyền, với mong muốn cây cầu được sửa chữa, xây mới giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện, an toàn hơn”, chị Hằng cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cây cầu này được xây dựng từ lâu để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Biển Hồ, xã Mỹ Hưng và phường Yên Thế (TP. Pleiku). Ngoài ra, những năm gần đây khi lượng khách du lịch đến danh thắng Biển Hồ ngày càng nhiều, cây cầu có thêm chức năng phục vụ du khách. Bởi Biển Hồ hình tròn, du khách muốn tham quan vòng quanh thì phải đi qua cây cầu này.

Trao đổi với phóng viên báo DANVIET.VN, bà Đặng Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ cho biết, qua phản ánh của người dân và kiểm tra thực tế, một số ván trên mặt cầu đã hư hỏng nặng, có nhiều lổ thủng lớn, các mố cầu cũng có dấu hiệu xuống cấp, xói lở. UBND xã đã báo cáo, đề nghị UBND TP. Pleiku chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông.

Cũng theo bà Ngọc, mùa thu hoạch cà phê và các loại nông sản khác đang đến gần nên nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa rất cao, xã mong muốn UBND TP nhanh chống có đề án sửa chữa cây cầu, trước mắt là phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa, sau đó là phục vụ du lịch. “Hiện tại nơi đây đang tiến hành xây dựng vành đai D5, D1 liên quan đến phát triển du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng Biển Hồ. Người dân muốn tham quan, du lịch thì phải đi qua cây cầu treo này và thông ra QL14”, bà Ngọc cho biết.
Theo Danviet.vn
Gia Lai: Bắt giám đốc công ty chứa gỗ lậu
Công an huyện Ia Pa (Gia Lai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một giám đốc doanh nghiệp chứa gỗ lậu trong kho công ty.
Ngày 28/10, UBND huyện Ia Pa (Gia Lai) cho biết, cơ quan công an huyện đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” đồng thời bắt tạm giam Đỗ Ngọc Phong, giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Anh Gia Lai (viết tắt Công ty Lâm Anh, trụ sở tại Thôn Plei Toan, xã Ia Kdăm, H.Ia Pa, Gia Lai) về để điều tra về tội danh trên.
Trước đó, Công an huyện Ia Pa phát hiện tại kho gỗ của có chứa 677 khúc gỗ, hộp gỗ căm xe khối lượng 8,153m3. Số gỗ trên quy đổi ra gỗ tròn trên 13m3. Do gỗ không phù hợp với hồ sơ, bảng kê lâm sản nên công an tiến hành tạm giữ. Công an thu giữ 5 bộ hồ sơ, hóa đơn nguồn gốc gỗ.
Quá trình điều tra, công an phát hiện một phần số gỗ bất hợp pháp trên là do Đỗ Ngọc Phong, giám đốc Công ty Lâm Anh thu mua từ người dân phá rừng để trộn vào gỗ hợp pháp của công ty.
Quá trình điều tra cơ quan chức năng phát hiện hiện trường vụ phá rừng tại xã xã Ia Kdăm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố quản lý. Kết quả kiểm tra hiện trường có 133 gốc gỗ bị chặt hạ có đường kính 11-34cm, chiều cao gốc chặt từ 08-150cm, chủng loại gỗ căm xe, cà chít nhóm 2-3. Các thân gỗ có giá trị đã bị đưa ra khỏi hiện trường.
Trong một diễn biến khác có liên quan, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị cấp trực thuộc tham mưu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa; tỉnh ủy Gia Lai cũng ban hàng văn bản đề nghị Ban thường vụ huyện ủy tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban thường vụ Huyện ủy và các cá nhân liên quan.
Tạ Vĩnh Yên
Theo Baogiaothong.vn
Gia Lai tiêu hủy lô hàng có giá trị 500 triệu đồng
Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Gia Lai phụ trách địa bàn Thành phố Pleiku đã họp Hội đồng xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu để tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phụ trách địa bàn Thành phố Pleiku đã họp Hội đồng xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu để tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Hội đồng gồm có: Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 1, đại diện Công an thành phố Pleiku, Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố Pleiku, cùng với sự tham gia chứng kiến và đưa tin của Báo và Đài Phát thanh – Truyền Hình tỉnh Gia Lai.
Sau khi xem xét danh sách hàng hóa tịch thu, quy định của pháp luật về tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính trong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Hội đồng đã thống nhất xử lý tang vật bằng hình thức tiêu hủy.

Hàng hóa tiêu hủy đợt này chủ yếu là đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm không có số lưu hành, quần áo, giày dép, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu, thực phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường

Toàn bộ số hàng hoá được tiêu hủy tại bãi rác xã Gào, thành phố Pleiku bằng phương pháp đào hố, dùng xăng, dầu đốt và lấp đất lại.
Theo Bnews.vn
Ia Pa: Nông dân thoát nghèo nhờ hỗ trợ sinh kế nuôi dê lai
Với khả năng sinh trưởng, chống chịu bệnh tốt, không kén thức ăn, thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khô nóng nên dê lai Bách Thảo và dê Boer đang trở thành vật nuôi được nhiều nông dân huyện Ia Pa (Gia Lai) lựa chọn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Trao “cần câu”
Từ năm 2017 đến nay, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã triển khai 20 tiểu dự án hỗ trợ sinh kế nuôi dê Bách Thảo và dê Boer sinh sản tại 5 xã: Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm và Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng xã Ia Ma Rơn được hỗ trợ 12 tiểu dự án (12 nhóm) nuôi dê cho 232 hộ dân, hầu hết là người Jrai nghèo và cận nghèo. Mỗi nhóm khoảng 20 hộ được hỗ trợ tổng cộng 260 triệu đồng gồm kinh phí mua dê giống cấp theo định mức mỗi hộ 3 con dê cái, cứ 4 hộ thì có 1 con dê đực; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vật tư làm chuồng trại, thức ăn ban đầu, thuốc thú y… Cán bộ của tiểu dự án theo sát từng hộ dân để hướng dẫn cách phòng bệnh, chăm sóc dê mẹ và dê con. Mỗi tháng, các nhóm tổ chức họp 1 lần để bà con chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi tình hình sinh trưởng và phát triển của đàn dê cũng như giá cả thị trường.
![]() |
Ông Rô Kly (thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn) phấn khởi vì đàn dê phát triển nhanh. |
Gia đình ông Nay Tuân (thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được cấp 3 con dê cái Bách Thảo để nuôi, đàn dê của gia đình ông hiện đã phát triển lên 8 con. Gia đình với 3 nhân khẩu nhờ đó có thêm kế sinh nhai. “Tôi rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ dê giống để gia đình chăn nuôi, gầy dựng kinh tế. Dê Bách Thảo dễ nuôi lại chóng lớn, đẻ nhiều nên đàn dê của gia đình tăng số lượng nhanh chóng. Cuối năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo”-ông Nay Tuân phấn khởi nói.
Hộ ông Siu Khoát (cùng thôn) cũng được dự án hỗ trợ mua 3 con dê giống Boer. Đến nay, đàn dê đã tăng lên trên 20 con. Ông Khoát bán bớt 10 con dê cho người dân trong thôn nhân giống. Vui mừng vì tìm thấy cơ hội thoát nghèo, ông Khoát bày tỏ: “Gia đình tôi không có ruộng, không có đất trồng mì, chỉ đi làm thuê nên cuộc sống khó khăn. Nhờ được Nhà nước cấp dê để nuôi cải thiện đời sống, gia đình đã có tiền để sắm ti vi, xe máy”.
Mở hướng thoát nghèo
Huyện Ia Pa hiện có đàn dê hơn 8.000 con. Tuy nhiên, chiếm đa số vẫn là giống dê cỏ địa phương có trọng lượng nhỏ (20-25 kg/con dê trưởng thành) nên hiệu quả kinh tế thấp. Còn dê Bách Thảo trưởng thành có cân nặng gấp đôi, lại tạp ăn, nhanh lớn, ít bị dịch bệnh nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Siu Kuơn-cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho hay: Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai dự án “Nhân rộng mô hình nuôi dê Bách Thảo” để ngành chăn nuôi dê phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mô hình thực hiện tại xã Ia Ma Rơn và Ia Kdăm với 30 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con dê đực giống và 50% chi phí thuốc thú y; tổng kinh phí thực hiện 665 triệu đồng. “Mục đích của việc nhân rộng mô hình là cải tạo đàn dê trên địa bàn huyện. Các hộ tham gia được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê như: cách làm chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; cách bổ sung thức ăn tinh, lựa chọn thức ăn thô xanh theo mùa và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để đàn dê luôn khỏe mạnh, khả năng sinh sản tốt”-ông Siu Kuơn nói.
Ông Rô Kly (thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn) là trưởng nhóm nuôi dê thuộc tiểu dự án hỗ trợ sinh kế có 20 hộ tham gia. Gia đình ông cùng với gia đình anh Ksor Ngol là hộ nghèo ở cùng thôn được cấp 5 con dê cái và 1 con dê đực để nuôi chung. “Tôi thấy giống dê này hơn hẳn giống dê địa phương lâu nay bà con vẫn nuôi. Nguồn thức ăn cho nó cũng dễ kiếm, chủ yếu là lá cây, cỏ… Dê của nhà tôi và bà con phát triển tốt, chưa thấy bị bệnh gì. Chúng đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa được 1-2 con. Đến nay, tôi đã bán được 13 con rồi, trong chuồng hiện vẫn còn hơn 10 con dê cái và 2 con dê đực”-ông Rô Kly cho hay.
Theo ông Dương Văn Bắc-hướng dẫn viên cộng đồng của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên phụ trách xã Ia Ma Rơn, xã có 12 nhóm nuôi dê, trong đó 9 nhóm đã được cấp dê giống trong 2 năm 2017 và 2018 (riêng 3 nhóm của năm 2019 chuẩn bị được cấp). Nhìn chung, đàn dê tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, bà con rất phấn khởi. Đàn dê hiện đã tăng lên hơn 1.000 con, là nguồn giống bổ sung cho địa phương phát triển chăn nuôi, giúp ổn định sinh kế cho hàng trăm hộ dân.
Các tiểu dự án hỗ trợ sinh kế nuôi dê Bách Thảo và dê Boer mà Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai cùng với dự án “Nhân rộng mô hình nuôi dê lai Bách Thảo” của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa được xem là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đàn dê giống ban đầu này đã lai tạo sinh sản ra đàn dê tốt hơn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ tham gia mô hình. Dự án là hướng khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thúc đẩy ngành chăn nuôi dê phát triển bền vững.
Theo Baogialai.com.vn
Chủ hiệu cầm đồ lãnh án 8 năm tù
Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt bị cáo Trần Việt Hải (SN 1990, trú tại xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) 8 năm tù về tội “Giết người”; các bị cáo cùng trú tại xã Thăng Hưng là Lê Văn Duy (SN 1993) 30 tháng tù, Nguyễn Tấn Toàn (SN 2000) 24 tháng tù, Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1993) 12 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
![]() |
Bị cáo Hải đã bị tuyên phạt 8 năm tù. |
Theo hồ sơ, Hải làm nghề cầm đồ trên địa bàn và có cầm cố 1 chiếc xe máy của em trai Duy. Khoảng 22 giờ tối 22-1-2019, Duy cùng Toàn, Hoàng và Nguyễn Tấn Đạt (SN 2002, trú tại xã Thăng Hưng) đến nhà Hải lấy xe về để đi chơi Tết nhưng Hải không đồng ý vì Duy không trả tiền mà chỉ cấn sang một khoản nợ không rõ ràng với một người quen của Duy. Do đó giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn cãi cọ. Dù Hải đã bỏ vào nhà để đi ngủ nhưng nhóm của Duy không chịu về mà đứng ngoài cổng nhà Hải la lối, dùng tay, chân và cây gậy đập vào cổng sắt đòi Hải trả lại xe.
Bực tức vì bị nhóm của Duy đập phá giữa đêm khuya, Hải đã lấy 2 con dao rồi đánh nhau với nhóm của Duy. Khi Hải rượt đuổi Duy chạy thì Đạt cầm cục bê tông trên tay đuổi theo phía sau. Đang đuổi thì Hải bị ngã ra nên Đạt lao tới cầm cục bê tông lao vào đánh Hải. Hải dùng dao đâm trúng vào ngực trái của Đạt khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, Hải đã đến đầu thú tại Công an huyện Chư Prông.
Theo Baogialai.com.vn
“Trao pin cũ, nhận cuộc sống xanh”: Ý nghĩa thiết thực
Pin đã qua sử dụng có tác hại rất lớn đối với môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Do đó, việc tuyên truyền về tác hại cũng như tạo thói quen cho người dân trong việc phân loại pin đã qua sử dụng là điều cấp thiết.
Thông thường, mỗi gia đình đều sử dụng nhiều thiết bị điện tử có dùng pin như điều khiển từ xa, điện thoại, máy tính… Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa hiểu được tác hại của các loại kim loại nặng có trong pin đối với môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Các viên pin thường chứa nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium, lithium… Pin cũ bỏ chung với các loại rác thải sinh hoạt khác thông thường sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Các kim loại nặng sẽ ngấm dần vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Chỉ một lượng nhỏ thủy ngân trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 m3 nước trong suốt 50 năm.
![]() |
Sau gần 2 tháng triển khai, chương trình đã thu được hơn 5 kg pin cũ. |
Trước những tác hại đó, pin cũ được liệt vào danh sách rác thải độc hại và khó phân hủy. Để xử lý pin cũ cần có quy trình nghiêm ngặt, thực hiện bởi các đơn vị xử lý rác thải môi trường chuyên nghiệp. Chị Trần Thị Hà Trâm-Giám sát dịch vụ khách hàng Siêu thị VinMart Pleiku-cho biết: “Trước khi có công ty chuyên nghiệp xử lý thì pin cũ cần phải được phân loại, thu gom ngay tại nguồn. Người dân phải ý thức được tác hại của pin cũ, biết cách bảo quản, thu hồi và bỏ đúng nơi quy định. Có như vậy mới có thể hạn chế lượng pin cũ thải ra môi trường”.
Hưởng ứng chương trình “Trao pin cũ, nhận cuộc sống xanh” trong toàn hệ thống siêu thị VinMart trên cả nước, VinMart Pleiku cũng triển khai điểm thu hồi pin đã qua sử dụng. Điểm thu gom đặt ngay cửa ra vào siêu thị nhằm thu hút sự chú ý của người dân. Chị Trâm chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình từ tháng 8-2019. Ban đầu, khách hàng tò mò không biết chúng tôi có thu gom pin thật không và thu gom để làm gì. Sau khi được giải thích thì chương trình đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng. Một số trường học thể hiện sự quan tâm và cho biết sẽ triển khai thu gom pin cũ trong học sinh để đem đến điểm thu hồi. Đến nay, số pin mà chúng tôi thu được là hơn 5 kg”. Chị Trâm cũng cho biết thêm, khi gom đủ số lượng, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (đơn vị chuyên thu hồi, xử lý rác thải nguy hại) sẽ đến tiếp nhận.
Thường đến Siêu thị VinMart Pleiku để mua sắm, thấy chương trình thu hồi pin đã qua sử dụng được triển khai, chị Trương Thị Toan (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) liền tìm hiểu và rất thích thú. Chị tâm sự: “Từ trước đến nay, mình vẫn hay vứt pin cũ cùng với rác thải khác và đốt ngay trong vườn nhà. Bây giờ biết có điểm thu hồi, mình sẽ gom của gia đình và vận động thêm hàng xóm không vứt bừa bãi nữa mà tập trung lại, đem đến đây để pin được xử lý đúng quy trình, bảo vệ môi trường sống của chính mình”.
Cùng với phong trào “Chống rác thải nhựa”, việc tuyên truyền về tác hại của pin cũ đang được đẩy mạnh. Theo nhiều người dân, để phong trào ngày càng tạo được sức hút, cần hình thành nhiều hơn các điểm thu hồi pin đã qua sử dụng, nhất là tại những nơi tập trung đông người như trụ sở cơ quan, quảng trường, chợ, các khu vui chơi…, qua đó lan tỏa hành động thiết thực nhằm chung tay bảo vệ môi trường.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Tố cán bộ đòi chia lợi nhuận với dân, ‘do áp lực’
Ông Hiếu cho rằng, việc ông có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đó là do ông bị áp lực quá nhiều trong công việc.
Ông Bùi Đình Hiếu, cán bộ địa chính xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho báo Đất Việt biết thông tin trên vào ngày 27/10 liên quan đến vụ tố cán bộ đòi chia lợi nhuận mới cho dân trồng dưa.
“Người dân điện thoại cho tôi quá nhiều, trong khi tôi cũng đang áp lực về công việc nên tôi mới có những lời nói thiếu kiềm chế như vậy. Thực tế tôi cũng chưa nhận đồng tiền nào của người dân. Nhiều khi nói xong tôi còn không nhớ là mình đã nói gì.
Tôi vào làm việc ở xã Ia Mơr được 4 năm rồi chưa bao giờ để xảy ra tình trạng như này. Nếu người dân cứ trồng dưa trên đúng đất của mình thì chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho họ thôi”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết, việc ông đi kiểm tra đất trồng dưa của người dân là trách nhiệm mà ông phải làm do huyện, xã phân công nhiệm vụ. Trong khi đó, mỗi lần người dân gọi điện đều nói muốn hỗ trợ ông nhưng ông đều từ chối, không có chuyện ông bảo người dân phải đưa ông 20 triệu đồng.

“Ngày 28/10, tôi sẽ trực tiếp xuống nhà người dân để nói chuyện và xin lỗi họ vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực đó. Còn việc tôi đi kiểm tra đất trồng dưa như vậy cũng là để xem có phải là đất lấn chiếm, tranh chấp không để có hướng nói với dân”, ông Hiếu cho biết thêm.
Về việc này, cùng ngày, ông Ngô Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cũng xác nhận, trong quá trình làm việc với dân, ông Hiếu đã có những phát ngôn chưa chuẩn. Tuy nhiên, do ông Hiếu bị rất nhiều người dân làm phiền nên mới xảy ra việc này.
“Xã đã họp kiểm điểm ông Hiếu và nhắc nhở ông này khi làm việc với dân phải tế nhị, tôn trọng dân. Còn trong sự việc vừa xảy ra, không có tiền bạc gì đâu. Việc người dân nói ông Hiếu đòi đưa 20 triệu đồng là người dân tố như thế chứ thực tế không có”, ông Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông nói rằng, huyện cũng đã nắm được thông tin và quan điểm của huyện là không bao che, xử lý nghiêm đối với những cán bộ vi phạm.
Trước đó, trong đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn Mãi (trú xã Ia Mơr) gửi lên UBND huyện có phản ánh về chuyện ông đang thuê đất của một số hộ dân xã Ia Mơr để trồng dưa hấu kịp bán trong dịp tết. Tuy nhiên, mới làm xong phần cày đất thì ông Mãi bị ông Hiếu đến làm khó và yêu cầu dừng mọi hoạt động trồng dưa.
Đến ngày 23/10, ông Hiếu có gọi điện cho ông Mãi nói nếu muốn trồng dưa phải “chia lợi nhuận” mới tiếp tục được làm. “Ông Hiếu yêu cầu đưa 20 triệu đồng, tôi xin giảm xuống còn 5 triệu nhưng không được đồng ý”, ông Mãi cho biết.
Theo thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam, trong đoạn ghi âm đối thoại, ông Mãi than phiền 20 triệu đồng quá cao thì người kia trả lời: “Bây giờ tao cứ nói như vậy, còn ông ấy (được xem là người quyết định đến việc ông Mãi có được trồng dưa hay không?) chịu thì chịu không thì thôi, nếu không chịu thì phải dọn đi. Thôi năm nay mình ăn ít tý, còn không để sang năm, năm sau”.
Theo Baodatviet.vn
Gia Lai: Chủ tịch huyện để mất rừng, xử lý thế nào?
Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai.
Ngày 27/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết: Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Thế Hùng (Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai) vì buông lỏng công tác chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn.
Theo đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai sẽ giao các đơn vị trực thuộc, tham mưu, đề xuất quy trình xử lý trách nhiệm ông Nguyễn Thế Hùng. Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai còn yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban thường vụ Huyện ủy Ia Pa.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Ia Pa liên tục để xảy ra nhiều vụ việc khai thác lâm sản trái phép. Đơn cử ngày 15/9/2019, UBND tỉnh Gia Lai tiếp nhận thông tin về tình trạng phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép tại huyện Ia Pa. Từ chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, huyện Ia Pa kiểm tra, phát hiện tại trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm Anh Gia Lai (trên địa huyện Ia Pa) có hơn 8m3 gỗ không phù hợp với hồ sơ, bảng kê lâm sản.
Những ngày giữa tháng 7/2019, phóng viên Tiền Phong phát hiện có 48 cây (đường kính từ 30 đến 80cm) bị cắt hạ, quy ra khối lượng hơn 54m3, trong đó có 28 gốc sơn huyết (nhóm I), 15 gốc dổi (nhóm III),…Vị trí số cây này bị chặt hạ thuộc tiểu khu 1229, lâm phần xã Ia Tul (huyện Ia Pa) quản lý. Kiểm lâm huyện Ia Pa đã khởi tố vụ án “Vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, đồng thời chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Pa để tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo Tienphong.vn