Trong 1 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng gấp đôi so với các tháng trước. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời tiết mưa nắng đan xen đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi truyền bệnh SXH.
Cả nhà nhập viện vì SXH
Từ đầu tháng 10 đến nay, số trẻ vào Bệnh viện Nhi điều trị do SXH tăng nhanh. Nếu trong tháng 8, Bệnh viện chỉ tiếp nhận 52 ca mắc SXH thì tháng 9 tăng lên 103 ca. Riêng trong nửa đầu tháng 10 đã ghi nhận trên 50 ca SXH.
Đang chăm con nằm điều trị tại Khoa Nội tạp bệnh (Bệnh viện Nhi), bà Trương Thị Thảo (thôn 3, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người đều bị SXH. Nhiều nhà trong thôn cũng mắc SXH, có gia đình bị mắc cả nhà. Ngành Y tế có tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường phòng-chống SXH nhưng vẫn chưa thể dập được ổ dịch”.
Gia đình chị Cao Thị Hà (tổ 6, thị trấn Chư Sê) cũng có nhiều người mắc SXH. Chị cho hay: “Khu vực nhà tôi ở có nhiều người mắc SXH. Gia đình tôi cả 3 mẹ con đều bị SXH. Mấy ngày gần đây, trong xóm tôi, số người mắc bệnh tăng nhanh. Ngành Y tế đã triển khai 2 đợt phun hóa chất nhưng số người mắc SXH vẫn tăng”.
 |
Bác sĩ Bệnh viện 331 khám, điều trị cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Ý |
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện 331 đã điều trị trên 150 bệnh nhân mắc SXH. Riêng trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, số ca nhập viện do SXH tăng nhanh. Bác sĩ Nguyễn Công Huấn-Trưởng khoa Nội nhi nhiễm-cho biết: “Thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gia tăng nguy cơ mắc SXH. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang-thiết bị, thuốc men để thu dung và điều trị người bệnh”.
Tăng cường công tác phòng ngừa SXH
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 10-2020, toàn tỉnh ghi nhận 2.254 ca mắc SXH. Bệnh xảy ra tại 140/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ tính riêng trong 2 tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận gần 400 ca mắc SXH. Các địa phương trọng điểm về SXH là TP. Pleiku với trên 650 ca mắc, thị xã An Khê trên 200 ca mắc…
Ông Nguyễn Đức Bảy-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Chư Sê ghi nhận trên 50 ca mắc SXH. Dù Chư Sê không phải là điểm nóng về SXH nhưng đơn vị luôn quan tâm triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh.
“Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát, theo dõi, kịp thời xử lý ngay các ổ bệnh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng ngừa SXH”-ông Bảy thông tin thêm.
 |
Người dân cần chung tay vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng-chống SXH hiệu quả. Ảnh: Như Ý |
Để phòng-chống bệnh SXH, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương thì sự chung tay của người dân là rất quan trọng. Với phương châm “không có muỗi, lăng quăng/bọ gậy, không có SXH”, mỗi người dân cần chung tay thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, đồng thời tự giác áp dụng các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt, nâng cao ý thức phòng bệnh sẽ góp phần hạn chế các ca mắc và tử vong do SXH.
Bác sĩ Nguyễn Công Huấn khuyến cáo: “Để phòng bệnh SXH, người dân cần đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, phát quang bụi rậm, không để ao tù nước đọng cho lăng quăng/bọ gây sinh trưởng phát triển; nên mặc quần áo dài tay và sáng màu, nằm ngủ trong màn… Khi có dấu hiệu bệnh SXH nên đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm”.
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai: Cô giáo khởi nghiệp từ sản phẩm si rô húng chanh và nui rau củ
Bằng tình yêu thương dành cho con trẻ, chị Nguyễn Thị Thanh Bình-giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Trần Phú (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định khởi nghiệp từ 2 sản phẩm hữu cơ gồm si rô húng chanh và nui rau củ. Với những thành công bước đầu, các sản phẩm này vừa tham gia Ngày hội “Kết nối-Giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tại huyện Chư Prông trong 2 ngày 10 và 11-10.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Bình cho hay: Quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của 2 con nên chị thường tự tay chế biến nhiều món ăn, thức uống, trong đó có si rô húng chanh giúp chữa cảm cúm, ho. Thấy hiệu quả, dù bận dạy học nhưng sẵn yêu thích kinh doanh nên chị quyết định mở rộng sản xuất từ tháng 8-2019.
 |
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện công đoạn đóng gói nui rau củ. Ảnh: Lam Nguyên |
Với gần 2 sào nguyên liệu tại nhà (34 Nguyễn Thái Bình, phường Ia Kring, TP. Pleiku), chị Bình tự trồng húng chanh, gừng; riêng quả quất thì đặt mua từ huyện Krông Pa. Hầu như chị không gặp khó khi bắt tay vào sản xuất vì đã có kinh nghiệm. Đầu tiên, chị quảng bá trên trang Facebook cá nhân rồi người quen, bạn bè giới thiệu, sản phẩm được đón nhận rộng rãi bởi nguyên liệu hoàn toàn hữu cơ, an toàn cho trẻ em khi sử dụng. Sản phẩm hiện đã được đăng ký thương hiệu và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất si rô Mộc Miên cung ứng ra thị trường 500 chai si rô, gồm 2 loại: 300 ml (110.000 đồng/chai) và 500 ml (150.000 đồng/chai).
Đến tháng 8-2020, chị Bình tiếp tục khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè ngạc nhiên khi quyết định cho ra mắt thêm sản phẩm nui rau củ hữu cơ Mộc Miên. Chị cho biết: Thấy mẫu máy làm nui trên mạng internet, chị mua về chế biến cho con. Chiếc máy này giúp làm ra các mẫu nui với đủ hình thù ngộ nghĩnh: bông hoa, con rùa, quả bóng, chiếc giày, xe đạp, cúp thể thao…
Cùng với sự sáng tạo của chị trong việc thêm thành phần rau củ xay nhuyễn, nui càng bắt mắt với màu hồng của củ dền; màu xanh của rau bồ ngót, chùm ngây; màu cam của gấc; màu đen của mè; màu tím của bắp cải tím; màu vàng của bí đỏ; màu xanh lơ của hoa đậu biếc…
Nhận thấy đây là sản phẩm khá mới lạ, thị trường tiềm năng, chị quyết định đầu tư 4 máy làm nui, 3 lò sấy để sản xuất. Do làm thủ công và hoàn toàn bằng nguyên liệu hữu cơ nên giá thành sản phẩm khá cao (300.000 đồng/kg), vậy mà với khoảng 200 kg mỗi tháng, cơ sở vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.
Chuyện trò về những khó khăn gặp phải ban đầu, chị Bình chia sẻ: “Lúc thì bột nhão quá, lúc lại khô quá, chưa kể rau củ khi gặp nhiệt độ không thích hợp bị mất màu. Phải thất bại hơn chục mẻ mới thành công. Đến nay, sản phẩm đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”. Cũng theo chị Bình, thời gian tới, chị sẽ cải tiến máy làm nui để sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn; mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa sản phẩm ra các siêu thị nhỏ (mini mart) trên địa bàn.
 |
Chị Bình (giữa) tham gia Ngày hội “Kết nối-Giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” tại huyện Chư Prông. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Ngoài các đại lý ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng…, hiện nay, 2 sản phẩm của cơ sở Mộc Miên góp mặt tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku), do Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai (GAUC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư khai trương ngày 7-10. Công việc bận rộn đòi hỏi sắp xếp hài hòa giữa việc đi dạy, kinh doanh, chăm lo gia đình, có hôm phải thức đến 2-3 giờ sáng để kịp hoàn thành đơn hàng nhưng chị Bình vẫn chẳng nề hà. “Điều tôi muốn hướng đến chính là làm ra sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng”-chị Bình tâm huyết.
Nhận xét về những sản phẩm của cơ sở Mộc Miên, bà Trần Thị Tin (tổ 9, phường Ia Kring) cho biết: “Lúc chuyển trời tôi hay bị ho, uống si rô húng chanh thấy rất hiệu quả. Nguyên liệu tự trồng, quá trình sản xuất sạch sẽ, vệ sinh. Còn nui rất đẹp mắt, thơm mùi rau quả, ngũ cốc, phù hợp với trẻ con và cả người lớn tuổi. Tôi thực sự an tâm, tin tưởng khi sử dụng các sản phẩm này”.
Chị Trần Thị Hoàng Anh-thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã GAUC-cũng dành nhiều ưu ái khi nói về sản phẩm: “Nui Mộc Miên hoàn toàn hữu cơ, không chất bảo quản, mẫu mã lạ, bắt mắt. Khi đưa ra điểm trưng bày tại Biển Hồ, nhiều khách hàng rất thích thú. Si rô húng chanh đảm bảo an toàn, không có chất kháng sinh, dễ uống. Theo tôi, đây là những sản phẩm rất tiềm năng khi mà thị trường đang hướng đến tiêu chí đảm bảo vệ sinh, an toàn, nhất là với sản phẩm dành cho trẻ em. Cơ sở Mộc Miên là thành viên của hợp tác xã nên ngoài việc đưa sản phẩm ra điểm trưng bày tại Khu du lịch Biển Hồ, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu trong nước”.
Trò chuyện cùng P.V, chị Bình vui mừng cho hay, tới đây, 2 sản phẩm của cơ sở sẽ góp mặt tại “Hội chợ Quốc tế sản phẩm khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã Coop-Expo 2020” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại TP. Cần Thơ từ ngày 16 đến 20-10.
Nguồn: Baogialai.com.vn
Gia Lai: Kiểm kê cồng chiêng: Cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai đã hoàn thành việc kiểm kê cồng chiêng năm 2020 với những kết quả bất ngờ so với số liệu cách đây 12 năm (năm 2008). Với phương pháp kiểm kê khoa học và cụ thể, kết quả đã phản ánh tương đối chính xác hiện trạng cồng chiêng trong cộng đồng.
Kiểm kê khoa học, cụ thể
Theo kết quả kiểm kê cồng chiêng năm 2020, huyện Ia Grai hiện còn lưu giữ 765 bộ chiêng, giảm 351 bộ so với năm 2008 với 1.116 bộ. Về hiện trạng sử dụng, có 337 bộ thường xuyên sử dụng, 385 bộ ít sử dụng và 43 bộ không sử dụng. 4 xã phía Tây huyện (Ia O, Ia Chía, Ia Khai, Ia Krai) hiện còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất. Mặc dù số lượng cồng chiêng giảm gần 200 bộ nhưng xã Ia O vẫn là địa phương còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất huyện với 344 bộ chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý. Nhiều gia đình lưu giữ từ 4 đến 5 bộ chiêng.
Ông Nguyễn Khắc Hùng-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai-cho biết: “Chúng tôi đã trực tiếp kiểm kê một số gia đình ở các xã biên giới Ia O. Có một thực tế đáng mừng là khi đời sống của đồng bào Jrai ngày một khấm khá, họ có xu hướng mua thêm cồng chiêng, dù gia đình đã sở hữu vài bộ. Có những gia đình bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua cho được những bộ chiêng quý. Với họ, đó là một cách khẳng định vị thế với cộng đồng. Thế nhưng qua kiểm kê, xã này giảm tới gần 200 bộ so với năm 2008. Chúng tôi cũng đã đối chiếu với kết quả kiểm kê năm 2008 để phân tích nguyên nhân của việc giảm số lượng và tìm giải pháp bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng”.
Theo ông Hùng, việc huyện Ia Grai giảm 350 bộ chiêng và nhiều địa phương khác đều có số lượng giảm so với lần kiểm kê năm 2008 một phần nguyên nhân do sự không thống nhất trong cách ghi số lượng từng bộ hay từng chiếc.
“Một bộ chiêng bao gồm nhiều chiếc nhưng cách ghi thống kê thời điểm trước khác với hiện tại. Bên cạnh đó, nhiều gia đình trước đây có chiêng quý bị mất trộm nên sinh tâm lý hoài nghi, cất cồng chiêng rất kỹ không cho cán bộ kiểm kê. Một số gia đình đi làm ở lại trên nhà rẫy nên việc kiểm kê cũng gặp khó khăn, cán bộ đến nhiều lần vẫn không gặp được để kiểm đếm. Trong đợt kiểm kê này, vẫn còn 5-6 gia đình có cồng chiêng nhưng chưa thực hiện được công tác này”-ông Hùng cho biết thêm.
 |
Cồng chiêng đang được các buôn làng lưu giữ cẩn thận. Ảnh: Đức Thụy |
Tại vùng đất lễ hội Kông Chro, địa phương có số lượng cồng chiêng đứng thứ 3 toàn tỉnh theo số liệu ghi nhận năm 2008 là 651 bộ. Thế nhưng kết quả kiểm kê lần này cho con số 538 bộ. Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho hay: “Năm 2018, ngành Văn hóa-Thông tin huyện đã tổ chức đợt kiểm kê cồng chiêng trên quy mô toàn huyện, ghi nhận số lượng còn lưu giữ là 462 bộ. Chúng tôi tin tưởng vào số liệu này vì được thực hiện theo quy trình tương đối khoa học, cụ thể, gần giống với lần kiểm kê năm 2020. Từ năm 2018 đến nay, nhiều thôn làng, tổ chức cơ sở Đoàn và nhiều gia đình không ngừng bổ sung thêm cồng chiêng. Do đó, trong lần kiểm kê năm 2020, ghi nhận số cồng chiêng đã tăng thêm 76 bộ, nâng tổng số còn lưu giữ là 538 bộ, hầu hết là loại chiêng cổ Bahnar (443 bộ). Số lượng cồng chiêng tăng so với đợt kiểm kê 2018 cho thấy, người dân lưu giữ cồng chiêng tương đối tốt và đã có sự bổ sung số lượng đáng kể”.
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro, làng nào cũng có cồng chiêng. “Ngoài số liệu thực tế đưa vào báo cáo, một số người dân cho biết vẫn còn cồng chiêng chôn giấu dưới đất hoặc ở nhà rẫy để đề phòng trộm cắp. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ghi nhận chứ không đưa vào số liệu kiểm kê thực tế”-ông Hiếu nói.
Bảo tồn sát với đời sống thực
Tại một số địa phương khác, số lượng cồng chiêng cũng có sự biến động theo chiều hướng giảm, cụ thể như huyện Kbang hiện còn 690 bộ (giảm 229 bộ so với năm 2008), Krông Pa có 407 bộ (giảm 110 bộ), Đức Cơ có 215 bộ (giảm 35 bộ)…
Theo ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đợt kiểm kê này không chỉ là kiểm đếm số lượng mà còn đánh giá tổng quan về môi trường thực hành của cồng chiêng trong cộng đồng. Từ những thông tin, số liệu này, ngành Văn hóa sẽ có những đề xuất liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.
Các địa phương đang có những cách làm khác nhau để gìn giữ cồng chiêng cũng như phát huy giá trị của không gian văn hóa của di sản này. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, để công tác bảo tồn đúng hướng, phù hợp với đời sống thực của cồng chiêng cần có những quy định, cơ chế, chính sách cụ thể.
“Không chỉ là bảo vệ số lượng cồng chiêng mà cần nâng tầm giá trị của cồng chiêng về mặt văn hóa di sản phi vật thể để người dân hiểu rõ giá trị từng bộ chiêng mình đang sở hữu. Ngoài ra, ngành Văn hóa cũng cần tôn vinh các hộ gia đình và cộng đồng thực hiện tốt công tác gìn giữ và bảo quản cồng chiêng qua công tác kiểm kê lần này”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro đề xuất.
Nguồn: Baogialai.com.vn
Hơn 692 tấn gạo hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Gia Lai
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã thống nhất với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên về việc giao nhận gạo hỗ trợ cho học sinh trong học kỳ I năm học 2020-2021 theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ từ ngày 13 đến ngày 19-10.
 |
Giao nhận gạo hỗ trợ tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Mộc Trà |
Theo đó, Chi cục Dự trữ Nhà nước tỉnh tổ chức vận chuyển gạo giao cho đơn vị tiếp nhận tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo (trừ thị xã An Khê) hướng dẫn các trường có học sinh được hỗ trợ gạo thực hiện tiếp nhận, vận chuyển về kho của nhà trường.
Các trường phổ thông trực thuộc Sở chủ động liên hệ với đơn vị giao gạo để thực hiện giao nhận. Riêng các trường trên địa bàn TP. Pleiku nhận gạo tại kho của Chi cục Dự trữ Nhà nước tỉnh (số 110 Lê Lợi, TP. Pleiku).
Được biết, trong học kỳ I năm học 2020-2021, Gia Lai được cấp 692,157 tấn gạo để hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
Nguồn: Baogialai.com.vn