Thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Kbang (Gia Lai), cây cam, quýt cho sản lượng ổn định, chất lượng thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Nhờ trồng loại cây này mà nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn cam, quýt của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai) đang bước vào vụ thu hoạch, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Anh Đức cho biết: Vườn nhà anh hiện có trên 2.700 cây cam, quýt, trong đó 2.000 cây đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt hơn 40 tấn quả/năm. Tùy loại quả mà giá bán từ 12 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu về hơn 350 triệu đồng/năm.
Vườn cam, quýt trĩu quả của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) mỗi năm cho thu nhập trên 350 triệu đồng.
Theo anh Đức, trước đây, gia đình anh trồng cà phê và mì nhưng thu nhập thấp. Sau khi đi tham quan và tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, anh nhận thấy trồng cam, quýt là khả thi nhất. Đầu năm 2009, anh mạnh dạn phá bỏ hơn 1 sào cà phê để trồng 180 cây quýt đường; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Cây quýt thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, ít sâu bệnh. Nhờ chăm sóc, bón phân, phun thuốc, tưới nước… đúng quy trình kỹ thuật, 3 năm sau, cây ra hoa đậu quả. “Ngay vụ đầu tiên, tôi thu được hơn 1 tấn quýt. Bán giá 20 ngàn đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 20 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trồng cà phê. Từ kết quả thực tế này, tôi đã chuyển toàn bộ hơn 2 ha cà phê sang trồng cam, quýt”-anh Đức nói.
Tương tự, nhận thấy cây ăn quả có múi mang lại thu nhập cao, đầu năm 2015, anh Phạm Tố Hữu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đã phá bỏ 8 sào cà phê để trồng cam, quýt và bưởi. Anh Hữu chia sẻ: Trên địa bàn xã có nhiều hộ dân thành công với mô hình trồng cam, quýt. Vì thế, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình này và nắm vững kỹ thuật, tôi bắt tay vào cải tạo vườn, lắp hệ thống tưới nước tự động để trồng 200 cây cam sành, 250 cây quýt đường và 50 cây bưởi da xanh. Đến nay, các loại cây trồng này đã cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 8-10 tấn quả/năm Với giá bán 20-25 ngàn đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi 150-180 triệu đồng từ vườn cây ăn quả. Cuối năm 2018, tôi trồng thêm 1 ha cam, quýt. Cũng theo anh Hữu, Kbang có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên cam, quýt phát triển tốt, cho quả mọng nước, vị ngọt đậm đà được thị trường ưa chuộng.
Chị Nguyễn Phương Lan là một thương lái ở thị xã An Khê đã có hơn 10 năm buôn bán trái cây. Cứ tới mùa thu hoạch cam, quýt, chị lại vào tận các nhà vườn ở Kbang thu mua, đóng thùng xuất bán đi Bình Định, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng. Chị Lan cho hay: “Bình quân mỗi ngày, tôi mua khoảng 600 kg cam, quýt. Hàng nhập về đến đâu, khách đặt mua hết tới đó. Cũng như nhiều loại trái cây khác của Kbang, cam, quýt được người tiêu dùng đánh giá rất cao cả về mẫu mã và chất lượng”.
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Cách đây hơn 20 năm, nhiều giống cam nổi tiếng của cả nước như cam sành, cam Bố Hạ, cam Vinh… đã được người dân Kbang mang về trồng thử. Cây hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho sản lượng ổn định, chất lượng quả ngọt thơm không thua kém so với nơi xuất xứ, được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam, quýt. Đến nay, toàn huyện có gần 100 ha cam, quýt, bưởi tập trung ở các xã: Sơn Lang, Sơ Pai, Nghĩa An, Kông Lơng Khơng và xã Đông.
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các xã tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để người dân áp dụng vào sản xuất, trồng trọt. Ngành cũng sẽ định hướng người dân trồng cam, quýt liên kết sản xuất theo nhóm hộ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc để trên cơ sở đó, sau này, cơ quan chuyên môn, ngành chức năng làm thủ tục cấp mã số vùng trồng… Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập”-ông Tình thông tin thêm.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Chủ động phòng-chống hạn mùa khô năm 2019-2020
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 2732/UBND-NL về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn hán thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020.
Ảnh internet
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện những giải pháp phù hợp với đặc điểm của địa phương, cụ thể: Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi các địa phương trên địa bàn thực hiện kiểm kê nguồn nước có ở công trình hồ đập thủy lợi, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, tích nước hồ chứa phù hợp, đảm bảo an toàn công trình và tích nước tối đa, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, trạm bơm tưới, ao, giếng, tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp để tránh hạn vào cuối vụ, hướng dẫn nhân dân bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý. Xây dựng phương án phòng-chống hạn, thiếu nước với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai giải pháp phù hợp…
Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán thiếu nước, kịp thời thông báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Hướng dẫn các địa phương triển khai lịch gieo trồng vụ Đông Xuân. Chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường sử dụng giống cây trồng chịu hạn… Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các chủ hồ đập thủy lợi thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Theo Baogialai.com.vn
Kiểm toán kiến nghị xử lý sai phạm đất đai, ngân sách ở Gia Lai
TP – Ngày 4/12, nguồn tin của phóng viên Tiền Phong cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về báo cáo kiểm toán chuyên đề công tác quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp và đất đai đô thị giai đoạn 2014-2018 của tỉnh Gia Lai.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện kiến nghị về xử lý các khoản chênh lệch thu, chi ngân sách nhà nước và các khoản phải nộp, các khoản xuất toán… do Kiểm toán Nhà nước xác định. Cụ thể, giao Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thực hiện kiến nghị truy thu, nộp ngân sách nhà nước hơn 258 triệu đồng, hoàn thành trước ngày 15/12; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro hơn 90 triệu đồng thuế sử dụng đất nông nghiệp (kê khai thiếu thuế sử dụng đất nông nghiệp); Bưu điện thị xã Anyun Pa hơn 153 triệu đồng tiền thuê đất (điều chỉnh đơn giá thuê đất không đúng qui định); Công ty CP Thương mại Nam Gia Lai hơn 14 triệu đồng tiền thuê đất (điều chỉnh đơn giá thuê đất không đúng qui định).
Ngoài ra, giao Giám đốc Sở Tài chính thực hiện kiến nghị giảm thanh toán, dự toán năm sau hơn 522 triệu đồng (kinh phí thực hiện bảo vệ diện tích rừng tự nhiên quyết toán vượt so với diện tích rừng tự nhiên được kiểm kê năm 2014 theo Quyết định số 2242 ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ), hoàn thành trước ngày 15/12. Giao Chủ tịch UBND thành phố Pleiku (Gia Lai), Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp Diên Phú, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Pleiku thực hiện kiến nghị giảm giá trị hợp đồng hơn 386 triệu đồng, hoàn thành trước ngày 15/12.
UBND tỉnh Gia Lai cũng giao Giám đốc Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành chức năng và địa phương kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý hoặc xem xét thu hồi (nếu đủ điều kiện theo qui định của pháp luật) diện tích hơn 18.000 m2 của 4 doanh nghiệp do không đưa đất vào sử dụng, bỏ hoang; hoàn thành trước ngày 30/12; Bưu điện thị xã Ayun Pa 320 m2 đất bỏ trống, một phần cho thuê lại; Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Gia Lai hơn 4.000 m2 đất bỏ hoang, không sử dụng nhiều năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á thuê hơn 379 m2 đất nhưng không đưa vào sử dụng hơn 2 năm; Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Tây Nguyên thuê 13.600 m2 đất nhưng không đưa vào sử dụng hơn 2 năm.
Theo Tienphong.vn
Gia Lai: Hình phạt nghiêm khắc cho đối tượng vô ý làm chết người
Sáng ngày 29/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Mang Yang, mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt 15 tháng tù giam đối với bị cáo Bùi Văn Đỉnh (sinh năm 1973, trú tại làng Đêkjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) về tội “Vô ý làm chết người”.
Bị cáo Bùi Văn Đỉnh tại tòa.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mang Yang, vào khoảng 15h ngày 21/6/2019, anh Mai Văn Nguyên (sinh năm 1981, trú tại phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) gọi điện thoại nhờ anh Đỉnh chỉnh lại khẩu súng săn nhưng anh Đỉnh đang đi làm chưa về nên anh Nguyên gửi khẩu súng săn lại cho anh Brui (sinh năm 1979, trú tại làng Đêkjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Đến khoảng 15h30’ cùng ngày, anh Đỉnh đến nhà anh Brui lấy khẩu súng săn mang về nhà và lắp đạn để bắn thử, khi anh Đỉnh đang ngắm súng hướng về chuồng ga để bắn thì bị trượt chân làm nòng súng quay về hướng khác và súng cướp cò bắn trúng cháu Byưng (sinh năm 2005) đang đứng xem anh Đỉnh thử súng.
Sau khi xảy ra sự việc, anh Đỉnh đã đưa cháu Byưng đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Mang Yang, nhưng cháu Byưng đã chết sau đó. Anh Đỉnh đã đến Công an huyện Mang Yang đầu thú, giao nộp vật chứng và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Theo Congan.gialai.gov.vn
Lãnh án vì súng cướp cò khiến bé trai 14 tuổi tử vong
Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vừa tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Đỉnh (SN 1973, trú tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) 15 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”.
Gia đình tổ chức tang lễ cho cháu Byung
Trước đó, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 21-6-2019, sau khi đi chăn bò về, Đỉnh vào nhà lấy một khẩu súng hơi bắn đạn chì ra ngoài sân bắn để thử súng. Thấy vậy, nhóm 7 trẻ em và thanh niên làng Đê Kjiêng hiếu kỳ đến xem, trong đó có cháu Byung (SN 2005). Đỉnh đã bắn nhiều phát súng về phía đàn gà trong vườn nhưng không chính xác. Đỉnh tiếp tục tiến gần về phía đàn gà thì bị trượt chân khiến súng bị cướp cò, viên đạn bay lạc hướng trúng vào ngực cháu Byung đang đứng cách đó chừng 2m.
Byung được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vào chiều cùng ngày.
Theo Baogialai.com.vn
Bị dân làng vây bắt, 4 tên trộm chó nổ súng tẩu thoát
Sáng 5-12, theo nguồn tin của Báo Gia Lai, Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang khẩn trương xác minh, truy tìm đối tượng đã có hành vi trộm chó tại làng Tơ Rơ Bang, xã Ia Bang, huyện Chư Prông.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 1 giờ sáng 4-12, Tổ tự quản của thanh niên làng Tơ Rơ Bang phát hiện 2 chiếc xe máy, mỗi xe 2 đối tượng nam giới có biểu hiện khả nghi trộm chó. Trên mỗi chiếc xe có treo một chiếc bao nghi đựng chó. Trong đó có 1 đối tượng ngồi sau xe máy cầm một khẩu súng loại tự chế. Lúc dân làng hô hào chặn xe để kiểm tra thì các đối tượng tăng ga bỏ chạy. Khi gặp chốt do dân làng lập ra, các đối tượng đã vứt xe máy bỏ chạy. Dân làng truy đuổi thì các đối tượng đã nổ 1 phát súng rồi tẩu thoát, rất may đã không có ai bị thương.
2 chiếc xe máy cùng 2 con chó mà các đối tượng bỏ lại.
Các đối tượng đã bỏ lại 2 chiếc xe máy hiệu Yamaha Jupiter gồm: 1 chiếc BKS 81B2-527.96 và 1 chiếc BKS 81B2-726.78. Trên mỗi xe có 1 con chó đã bị kích điện chết. Qua xác minh, 2 con chó này là của các hộ dân trong làng Tơ Rơ Bang.
Trước đó, như Báo Gia Lai đã đưa tin, rạng sáng 29-10, dân làng Tơ Rơ Bang cũng đã bắt được 2 đối tượng trộm chó và đem về Nhà sinh hoạt cộng đồng đánh đập khiến 1 đối tượng tử vong.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Nhọc nhằn chợ lao động vùng cao
Hàng ngày, bà con đồng bào thiểu số lại mang các dụng cụ sản xuất ra đứng tại chợ lao động đường Nguyễn Viết Xuân (TP Plieku, Gia lai) để mong muốn tìm được công việc mưu sinh. Cuộc sống nhọc nhằn của bà con đồng bào chỉ mong kiếm từng bát cơm, không dám hy vọng khi cái tết đang cận kề.
Khi có người thuê thì có miếng cơm chiều nhưng không có người là cả nhà cũng đói theo
Mờ ảo sau màn sương sớm, chúng tôi đã thấy hai nhóm người là những bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Jrai đã ngồi chờ ở công viện Nguyễn Viết Xuân (TP Pleiku, Gia Lai) để việc tìm đến.
Qua tìm hiểu, đa số những bà con ở chợ lao động này đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố. Mọi người đều chung hoàn cảnh không có việc làm ổn định, cuộc sống chỉ gắn với cây mì, cây lúa rẫy.
Chính vì vậy, khi xuống giống xong thì mọi người đều rảnh nên thường vác các dụng cụ sản xuất ra các khu vực nhưng chợ, công viên…với mong muốn tìm được việc làm.
Sáng sớm đã xuất hiện hàng chục người dân đồng bào ra ngồi tại chơ lao động với mong muốn tìm được việc làm
Hút điếu thuốc lá mới vấn, anh Ksor Đang (Chuét 1, xã Chư Á, TP Pleiku) tâm sự: “Khoảng 7h, mọi người tập trung về đây để chờ việc. Dụng cụ mang theo là xà ben, cuốc, xẻng… với hy vọng hàng ngày có việc làm để kiếm tiền. Chỉ cần có người thuê thì công việc gì cũng được. Từ cuốc đất, cào cỏ đến phun thuốc, xây nhà, gồng gánh…anh em chúng tôi cũng nhận…”.
“Đứng ở đây cũng thất thường, “bữa đói, bữa no”. Lúc người ta thuê đi bốc vác thì anh em rủ nhau cùng đi làm rồi tiền công chia nhau. Có hôm vật vả đến lưng chừng ngày nhưng cũng chỉ được vài chục ngàn mang về đưa vợ mua rau…Nếu tính nhẩm thì tôi đứng đây cũng đã thấm thoát hơn 8 năm nay rồi”, anh Đang cho biết thêm.
Dù đã ngoài cái tuổi 60 nhưng hơn 10 năm nay ông Y Bui (làng Do Guăh, xã Chư Á) vẫn ra chợ lao động này để kiếm sống. “Trước đây, gia đình có 2 sào ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng còn có chỗ để làm. Nhưng khi vợ bị bệnh đành phải bán lấy tiền lo thuốc cho vợ. Hàng ngày tùy từng việc, có ngày cũng kiếm được hơn 100 ngàn, có khi cũng được vài trăm. Nhưng cũng có thời điểm cả ngày không có ai thuê”. Ông Bui cho biết.
Trao đổi về vấn đề “chợ lao động”, bà Ngô Thị Xuân Hồng, Chủ tịch UBND phường Hội Phú, cho biết: Nhiều năm qua, trên địa bàn phường hình thành một “chợ lao động” ở khu vực công viên Nguyễn Viết Xuân và các lao động này đều đến từ các vùng nông thôn, thường xuyên thiếu việc làm. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho họ kiếm việc làm, số lượng con người cụ thể ở chợ lao động này biến động bất thường.
“Có người hôm nay còn đứng chờ việc ở đây, nhưng ngày mai đã lại chuyển đến địa điểm khác. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo đội trật tự đô thị của phường cũng thường xuyên đến nhắc nhở tình trạng lấn chiếm lòng lề đường và dọn dẹp vệ sinh công cộng để giữ gìn mỹ quan chung của công viên”, bà Hồng nói.
Cái tết đang cận kề nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên hàng chục người dân đang còn lo chạy cơm từng ngày
Ông Võ Văn Nhân – Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP Pleiku cho rằng: “Để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, hàng năm, Phòng tổ chức các lớp dạy nghề lao động theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Công tác giải quyết việc làm cho những lao động đã qua đào tạo khá thuận lợi. Còn lao động không qua đào tạo rất khó giải quyết việc làm…”.
Theo Tuoitrethudo.com.vn
Hạ tầng hoàn thiện “kích cầu” bất động sản Gia Lai
Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng đã giúp Gia Lai trở thành điểm đến mới hấp dẫn giới đầu tư, đồng thời tạo cú hích đánh thức tiềm năng thị trường bất động sản địa phương.
Phát triển hạ tầng giao thông là then chốt
Trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, là đầu mối hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, phát triển hạ tầng giao thông được lãnh đạo tỉnh xác định là yếu tố then chốt.
Đến nay, Gia Lai sở hữu hệ thống giao thông tương đối đa dạng, bao gồm cả đường bộ và đường hàng không. Bên cạnh các tuyến tỉnh lộ, đường đô thị, liên thôn, liên xã khá đồng bộ, hệ thống 6 tuyến quốc lộ hiện đại với tổng chiều dài 722km đã giúp Gia Lai kết nối thông suốt với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và nước láng giềng Campuchia…
Hạ tầng giao thông Gia Lai khởi sắc.
Đáng chú ý, tuyến quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh chạy xuyên tâm và giao nhau tại thành phố Pleiku, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cũng mang đến cho địa phương những ưu thế lớn về hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế, du lịch.
Hiện nay, cảng hàng không Pleiku – Gia Lai cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh quy hoạch mở rộng nhà ga, nâng công suất của cảng đến năm 2030 đạt 4 triệu khách/năm, đồng thời tăng cường thêm các chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân và du khách.
Nhằm mục tiêu phát triển hệ thống giao thông hoàn chỉnh trên toàn tỉnh, Gia Lai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT đến năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 24.223 tỷ đồng.
Song song với đó, Gia Lai cũng đang nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị, quy hoạch xây dựng các khu dân cư, đô thị mới… hướng tới đưa thành phố Pleiku đạt đủ tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.
Hạ tầng ngày một hoàn thiện đã mang đến cho Gia Lai diện mạo mới khang trang, hiện đại, không chỉ thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa mà còn mở rộng liên kết vùng, tăng cường sức hút đưa Gia Lai trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
“Điểm hẹn” mới của các nhà đầu tư bất động sản
Năm 2018, Gia Lai đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động xúc tiến đầu tư, với 58 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong số đó, 42 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với nguồn vốn thực hiện 5.095 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm năng cũng như cơ chế thu hút đầu tư năng động, sáng tạo của tỉnh, tạo niềm tin lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ 2019 (Techdemo 2019), Gia Lai tiếp tục trao chứng nhận đầu tư cũng như biên bản ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng kinh phí lên tới 20.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án quy mô thuộc lĩnh vực công nghệ, đô thị, du lịch sinh thái.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng loạt tên tuổi uy tín trong lĩnh vực bất động sản đã đổ về Gia Lai cùng những dự án quy mô. Một số dự án điển hình có thể kể đến như Khu đô thị TTTM Hội Phú, Khu dân cư Phượng Hoàng, Khu dân cư Sh-Land…
Nổi bật trong đó, Tập đoàn FLC cũng đã đặt chân đến Gia Lai với kế hoạch phát triển chuỗi dự án đô thị, quần thể nghỉ dưỡng cao cấp, với kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới, tác động tích cực đến sự trỗi dậy của thị trường bất động sản địa phương.
Theo thông tin ban đầu từ chủ đầu tư, các dự án sở hữu vị trí đắc địa tại thành phố Pleiku, huyện Đắk Đoa, Chư Prông… và được quy hoạch bài bản trên quy mô lớn nhằm tạo thành hệ sinh thái đồng bộ, giúp khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có của tỉnh. Nhờ đó, chuỗi dự án được kỳ vọng có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của cư dân, du khách khi đến với Gia Lai.
Những tín hiệu tích cực kể trên cho thấy Gia Lai đang là điểm hẹn mới đầy hấp dẫn đối với giới đầu tư. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư sành sỏi, thị trường bất động sản Gia Lai vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá, hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội sinh lời cao trong tương lai.
Theo Hanoimoi.com.vn
Giả danh nhân viên của FPT để lừa đảo
Công an huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đang tiến hành điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa xảy ra trên địa bàn.
Đối tượng đã đưa cho gia đình anh Hưng 1 chiếc điện thoại Iphone 7 Plus giả để làm tin.
Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 18-11, có 1 đối tượng nam khoảng 30 tuổi đi xe máy BKS 83P2-153.47 đến nhà anh Vũ Mạnh Hưng (SN 1976, trú tại làng Bôk Rẫy, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) giới thiệu tên Nguyễn Hồng Dân, là nhân viên của Công ty cổ phần FPT Gia Lai. Đối tượng này nói rằng mình đại diện cho Công ty đến nhà anh Hưng hỏi thuê đất để xây dựng trạm phát sóng mạng FPT, nếu đồng ý thì Công ty trả tiền thuê đất trước trong 5 năm là 240 triệu đồng.
Tuy nhiên đối tượng cũng ra điều kiện gia đình anh Hưng phải ký hợp đồng lắp đặt thiết bị phát wifi trong 10 năm, trả tiền trước 5 năm là 12,6 triệu đồng. Phía Công ty sẽ khuyến mãi dùng miễn phí 5 năm còn lại và được tặng 1 chiếc điện thoại di động Iphone 7 Plus. Gia đình anh Hưng tin tưởng nên đã ký hợp đồng và giao cho đối tượng 12,6 triệu đồng; đối tượng đưa cho anh Hưng chiếc hộp điện thoại Iphone 7 Plus và hẹn ngày 20-11, Ban Giám đốc Công ty vào làm việc, ký hợp đồng thuê đất chính thức. Đến ngày 20-11, không thấy có ai đến ký hợp đồng, kiểm tra chiếc điện thoại thì phát hiện điện thoại giả nên anh Hưng đã trình báo lực lượng Công an.
Theo Baogialai.com.vn
Pleiku, ấn tượng thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe
Trong xu thế phát triển, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã và đang hướng tới một đô thị xanh bền vững, hiện đại. Và trong tương lai không xa, Pleiku được xác định sẽ trở thành một thành phố vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, trở thành một cao nguyên xanh vì sức khỏe.
Mô hình phát triển rau sạch cung cấp những sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn TP Pleiku.
ĐỊNH HÌNH VỀ MỘT THÀNH PHỐ XANH, SẠCH
Nằm ở độ cao trung bình từ 750-800m so với mực nước biển, Pleiku được thiên nhiên ban phú với khí hậu mát mẻ trong lành cùng nhiều cảnh quan độc đáo. Đặc biệt, với nhiều mảng cây xanh đã được địa phương chú trọng phát triển với những vành đai nông, lâm nghiệp xung quanh thành phố. Đây cũng là điều ấn tượng của du khách khi đến với phố núi Pleiku. Không chỉ những tuyến phố với nhiều loại cây xanh mà nhiều khu vực rừng thông tạo nên điểm nhấn cho TP Pleiku, như: lâm viên Biển Hồ, dốc Hàm Rồng, khu vực xã Diên Phú, xã Gào…
Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP Pleiku cho biết: “Thành phố tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH. Công tác chỉnh trang đô thị luôn được quan tâm, thường xuyên chú trọng trồng mới và cải tạo cây xanh phù hợp hướng đến thành phố xanh – sạch – đẹp”. Trong nhiều năm qua, nhằm xây dựng một đô thị xanh, chính quyền địa phương đã có nhiều đầu tư về hệ thống cây xanh, đặc biệt cây xanh đường phố. Theo thống kê của UBND TP Pleiku, tổng cây xanh phân tán, cây xanh đường phố trên địa bàn hiện gần 27.000 cây, trong đó cây xanh đường phố là gần 15.000 cây. Tiêu chuẩn về đất cây xanh toàn đô thị và đất cây xanh công cộng khu vực nội thành của TP Pleiku đều vượt trên tiêu chuẩn của đô thị loại 1, trong đó diện tích đất cây xanh bình quân trên địa bàn thành phố là 12,59m2/ người, cây xanh khu vực nội thành là 7,83m2/ người.
Cùng với độ cao mát mẻ, thảm thực vật phong phú được giữ gìn, phát triển, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách đến với phố núi Pleiku. Anh Lê Đức Thiên, du khách Vũng Tàu chia sẻ: Cảm nhận của mình đến Pleiku là không khí rất trong lành mát mẻ. Đặc biệt, người dân Pleiku rất thân thiện, nói chuyện nhỏ nhẹ và mình nghĩ đó là một phần khí hậu tác động đến tính cách con người nơi đây.
Một dấu ấn khác đó là việc chính quyền thành phố Pleiku xây dựng đề án mỗi xã, phường mỗi sản phẩm theo hướng bền vững. Không chỉ phát huy được giá trị văn hóa truyền thống trong các sản phẩm mà còn tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh, gắn với thị trường. Đặc biệt, chú ý đến những sản phẩm chăm sóc khỏe cho người dân về nông sản, thực phẩm sạch, dược liệu… Nhiều hợp tác xã, đơn vị doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi mới trong việc xây dựng nên các thương hiệu sản phẩm hữu cơ cho mình. Anh Phan Nguyên Cát, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp nghệ thuật và dược liệu Gia Lai cùng với mô hình nông nghiệp sạch đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Anh Cát cho biết: từ việc định hình những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chúng tôi đã phát triển và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm về rau, quả đảm bảo sạch và an toàn. Từ đó, chúng tôi chung tay với chính quyền TP Pleiku nhằm xây dựng một thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe.
“CAO NGUYÊN XANH VÌ SỨC KHỎE”
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, trong đó xác định TP Pleiku là trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và trung tâm tổng hợp của tỉnh Gia Lai. Đô thị Pleiku còn có chức năng kết nối giao lưu kinh tế thương mại với phía Đông Campuchia, Lào và Thái Lan, Myanmar thông qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh… cũng như có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Bắc Tây Nguyên về an ninh quốc phòng, là trung tâm dịch vụ du lịch và lễ hội. Từ đó, nhiều dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật được Trung ương và tỉnh đầu tư làm thay đổi bộ mặt đô thị, như: Quảng trường Đại đoàn kết, tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Quốc lộ 14 qua TP Pleiku, nâng cấp mở rộng cảng hàng không Pleiku… Cùng với đó là các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm luôn chú trọng đầu tư xây dựng. Từ đó, làm cho diện mạo đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại.
Đặc biệt, thành phố Pleiku đã triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phát huy bản sắc, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, hướng đến xây dựng thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe. Đó là mục tiêu được xem như bước đột phá cho đô thị này với hướng phát triển hiện đại, bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Quế cho biết: để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương đã có những giải pháp cụ thể trong tương lai gần. “Chúng tôi chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, trong đó bảo vệ được nguồn nước và phát triển được thảm thực vật, bảo vệ rừng cùng với các loại cây thuộc thổ nhưỡng của TP Pleiku. Đồng thời, đẩy mạnh ngành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và sử dụng công nghiệp năng lượng tái tạo nhằm giữ gìn môi trường cũng như tạo nên một TP xanh, sạch. Cùng với đó, địa phương tiến hành thu hút kêu gọi đầu tư các dự án chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hướng tới năm 2030 và tầm nhìn 2050 trở thành thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”, ông Quế cho biết thêm.
Với tuổi đời 90 năm (1929-2019) kể từ khi hình thành, Pleiku đang dần thay đổi diện mạo, trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên. Một thành phố lấy chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của vùng đất bazan Tây Nguyên hùng vĩ đang dần định hình trong tương lai không xa.
Theo cadn
Chuyện lạ Gia Lai: Cấp bò đứng không được cho dân nghèo làm giống!
Bò giống được Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai cấp cho người dân nghèo đã không thể đứng được ngay sau khi dắt ra ngoài trụ sở UBND xã trong sự ngỡ ngàng của người dân.
Chiều 5-12, tại trụ sở UBND xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, 20 hộ dân nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số tại 6 làng đã được cấp 20 con bò theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất – chính sách bảo đảm xã hội.
Con bò nằm khụy xuống không chịu đi
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bò nằm vật xuống khiến người dân không thể đưa về nhà. Điển hình là trường hợp ông Siu Glak, làng U Diếp. Khi ông dắt con bò nhỏ có gắn bảng số 00619 ở vành tài ra khỏi trụ sở UBND xã Kông Ktok thì con bò đột nhiên khụy xuống, không tiếp tục đi được. Ông Siu Glak và vợ đã cố gắng kéo nhưng con bò vẫn không thể đứng lênc. “Không biết tại sao nó lại bị như vậy” – ông Siu Glak buồn rầu nói.
Cuối cùng, hai vợ chồng già này phải liên hệ nhờ người đem xe công nông tới khiêng bò lên xe rồi chở về nhà. Vừa được đưa lên xe công nông, con bò nằm vật xuống sàn xe, thở phì phò như muốn lả đi.
Ông Siu Glak phải cầm cà đuôi kéo nhưng con bò vẫn tỏ vẻ mệt mỏi, nằm duỗi ra
Hết cách, ông Siu Glak phải nhờ xe công công đưa bò về
Con bò nằm như chết sau khi được đưa lên xe
Lúc này, tại trụ sở UBND xã, một con bò khác cũng không thể đi được, người dân đành bỏ lại trong sân UBND xã. Một lúc sau, xe của đơn vị cung ứng tới cố kéo con bò này lên thùng xe rồi chở đi.
Con bò khác không thể đi nằm tại trụ sở UBND xã sau đó được đơn vị cung ứng đưa lên xe chở đi
Theo một cán bộ xã Kông Htok, trong đợt này có tổng cộng 20 con được cấp cho người dân, mỗi con trị giá 16,4 triệu đồng. Tổng cộng 20 con là 328 triệu đồng. Đây là số bò được Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai ký kết hợp đồng với cấp trên và cung ứng cho người dân dân.
Về nguyên nhân bò không thể đi lại, vị cán bộ này nói là do bị “đơ chân”(!). Với số bò đã cấp cho người dân, trong vòng 60 ngày nếu bị bệnh tật sẽ đổi bò khác cho người dân.