Cộng hưởng sức nóng từ quy hoạch đồng bộ và làn sóng đầu tư mới, giá đất tại thành phố Pleiku cũng như toàn tỉnh Gia Lai hiện nay đã tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với vài năm trước đó.
Quy hoạch đồng bộ
Với vị thế trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển đa dạng kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái. Tuy nhiên thị trường bất động sản Gia Lai trong một thời gian dài vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Bất động sản của Gia Lai chỉ thực sự khởi sắc từ năm 2018, khi Quyết định thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua.
Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ là trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp – lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Hạ tầng hiện đại
Gia Lai được xem là cửa ngõ thuận tiện kết nối với các đô thị quan trọng của Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng biên giới Việt Nam – Campuchia qua các quốc lộ 14, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, cửa khẩu Lệ Thanh…
Hạ tầng của Gia Lai đang ngày càng được hoàn thiện
Với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải Gia Lai từ năm 2011 – 2020 có tổng kinh phí là 24.223 tỷ đồng đã được phê duyệt, hệ thống giao thông hạ tầng của tỉnh ngày càng được hoàn thiện.
Tỉnh đã xây dựng được 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 722 km, trong đó đường Hồ Chí Minh chạy theo hướng Bắc – Nam dài 105 km và quốc lộ 19 dài 168 km, nối với tỉnh Bình Định và Campuchia là hai tuyến đường huyết mạch. Hai tuyến quốc lộ này chạy xuyên tâm và giao nhau tại thành phố Pleiku.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng liên tiếp nâng cấp và mở rộng các tuyến đường giao thông chính trong thành phố Pleiku như hoàn thiện đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Cách Mạng Tháng 8.
Thu hút đầu tư, giá đất tăng cao
Bên cạnh cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông, chính quyền Gia Lai còn có những cơ chế mở về chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp lớn.
Một số dự án nổi bật đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép lập quy hoạch chi tiết tại tỉnh Gia Lai như: Khu du lịch sinh thái khu vực miệng núi lửa cũ (TP. Pleiku); khu du lịch sinh thái tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai); tổ hợp khách sạn 5 sao, siêu thị, nhà phố thương mại FLC Hill Top Gia Lai; dự án tháp đôi, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku tại đường Quang Trung – đường Trần Hưng Đạo (TP. Pleiku) …
Những dự án trên cho thấy tỉnh Gia Lai đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc kêu gọi các nhà đầu tư lớn. Cộng hưởng sức nóng từ làn sóng đầu tư, giá đất tại thành phố Pleiku cũng như toàn tỉnh Gia Lai hiện nay đã tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với vài năm trước đó.
Thậm chí, giá đất tại các tuyến đường chính như Hùng Vương một vài năm trước là 20 – 50 triệu đồng/m2 thì đến cuối 2018 mỗi mét vuông có thể có giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Các đường thuộc khu vực trung tâm như: Trần Phú, Phan Đình Phùng… giá đất không dưới 1,5 tỷ đồng/m ngang.
Giá đất tăng nhanh hứa hẹn mở ra viễn cảnh tươi sáng cho thị trường bất động sản Gia Lai, tạo đà cho nền kinh tế tỉnh phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới.
Theo Baodautu.vn
Hãi hùng “công nghệ” nhổ lông vịt siêu nhanh bằng… hóa chất lạ
Để nhổ cho sạch lông vịt, nhiều cơ sở giết mổ đã nhúng con vịt vào một loại hóa chất màu vàng đen, sau đó cho vào thùng nước lạnh để lớp hóa chất này đông chặt trên da. Vài giây sau, chỉ cần đưa tay lột lớp hóa chất đã đông trên da vịt thì lớp lông vịt cũng bị “thổi bay” sạch sẽ.
Người dân TP Pleiku, tỉnh Gia Lai tiết lộ, họ thấy các cơ sở giết mổ vịt sử dụng hóa chất lạ để nhổ lông vịt siêu nhanh, qua đó bày tỏ lo ngại việc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Nhổ lông vịt bằng hóa chất lạ
Theo tìm hiểu, cách nhổ lông vịt thông thường được nhiều người biết đến là vịt sau khi cắt tiết sẽ nhúng vào nước sôi, sau đó cho vào máy để đánh cho bay lớp lông. Nếu con vịt nào khi đánh máy chưa sạch lông thì chủ cơ sở sẽ dùng tay để tiếp tục nhổ cho đến khi sạch. Tuy nhiên, cách nhổ tay sẽ khiến người làm mất công và tốn thời gian hơn. Vì thế, nhiều cơ sở sử dụng hóa chất lạ để nhổ cho nhanh.
Cơ sở nhổ lông vịt ở chợ Yên Thế. Ảnh cắt từ clip
Trong vai người cần làm vịt, chúng tôi đến các điểm giết mổ vịt ở chợ Yên Thế (đường Lê Đại Hành, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) để ghi nhận.
Chủ một ki ốt giết mổ nhận vịt sống của chúng tôi rồi tiến hành nhổ lông bước đầu bằng máy. Khi đã nhổ lông vịt xong, thấy vịt còn lông măng, chủ cơ sở lại tiếp tục lấy con vịt này cùng một con vịt của vị khách khác mang qua thùng đựng hóa chất lạ để nhúng.
Hóa chất lạ được sử dụng để nhổ lông vịt siêu nhanh. Ảnh cắt từ clip
Sau khoảng 5 giây, cả 2 con vịt được đưa ra khỏi thùng hóa chất, lúc này lớp da đã đổi từ màu trắng sang màu vàng đen. Chủ cơ sở tiếp tục nhúng vịt vào nước lạnh trong khoảng 6 giây cho đến khi lớp hóa chất đã đông chặt trên da vịt. Người chủ đưa tay lột lớp màu đã đông thì lớp lông cũng biến mất.
Một ngày khác, chúng tôi lại đến một ki ốt giết mổ vịt khác cũng ở chợ này và cũng ghi nhận chủ cơ sở sử dụng “công nghệ” nhổ lông vịt siêu nhanh cũng với quy trình nhúng hóa chất lạ như trên cho khách.
Mỗi con vịt được giết mổ, tiền công các cơ sở này thu của khách là 20 ngàn đồng/con. Dù tìm cách hỏi hóa chất này là gì nhưng chúng tôi không thể nhận được câu trả lời chính xác từ người sử dụng. Trong khi đó, nhiều người dân khác khi được hỏi thì họ nghi ngờ có thể là nhựa thông.
ADVERTISEMENT
ADVERTISEMENT
Sẽ kiểm tra
Chúng tôi cung cấp hình ảnh và clip cho ông Nguyễn Văn Đang, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Gia Lai xem. Ông Đang cho biết, nhìn qua thì chưa biết chất mà các cơ sở giết mổ sử dụng để nhổ lông vịt là chất gì. Nhìn bằng mắt thì các hộ này đã vi phạm là dùng hóa chất lạ, không có nguồn gốc xuất xứ.
Vịt sau khi nhúng hóa chất lạ
Việc sử dụng hóa chất và chất lạ, không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế có văn bản cấp phép sử dụng trong chế biến gia súc là sai quy định. Việc sử dụng chất lạ, chất không rõ nguồn gốc để nhổ lông vịt gây nguy cơ không an toàn cho cộng đồng.
Chúng tôi đặt vấn đề nếu đây là nhựa thông thì theo quy định có được sử dụng nhựa thông để nhổ lông vịt không, ông Đang khẳng định, hiện tại chưa có văn bản nào quy định cho phép dùng nhựa thông để nhổ lông vịt.
ADVERTISEMENT
Cũng theo ông Đang, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị sẽ có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Gia Lai. Sắp tới, đơn vị cũng sẽ tham mưu cho một số đơn vị quản lý Nhà nước liên quan tiến hành đi xác minh, kiểm tra để có biện pháp xử lý nghiêm.
Chúng tôi đã liên hệ làm việc với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Gia Lai với mong muốn xem hội đánh giá như thế nào về việc sử dụng hóa chất lạ để nhổ lông vịt, qua đó có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng thì chỉ được cán bộ của đơn vị này hứa hẹn sẽ báo lại thời gian làm việc, nhưng sau nhiều ngày vẫn chưa thấy phản hồi.
SÔNG HƯƠNG
Gia Lai: Khai trương bộ phận một cửa tại Bưu điện văn hóa xã
Ngày 25-11, Bưu điện tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã khai trương bộ phận một cửa tại Bưu điện văn hóa xã.
Các đại biểu cắt băng khai trương bộ phận một cửa tại Bưu điện văn hóa xã Ia Tô.
Bộ phận một cửa đặt tại Bưu điện văn hóa xã Ia Tô có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển hồ sơ thủ tục hành chính đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức; theo dõi, giám sát, đôn đốc tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy trình và thời gian quy định; niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các thủ tục hành chính, quy trình tiếp nhận, chuyển, giải quyết và trả kết quả hồ sơ; hướng dẫn cá nhân, tổ chức khi đến liên hệ giải quyết công việc…
Việc chuyển giao bộ phận một cửa từ UBND xã sang Bưu điện văn hóa xã nhằm tạo sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và cách thức làm việc với người dân, doanh nghiệp vì một nền hành chính minh bạch, phục vụ nhân dân.
Theo Baogialai.com.vn
Bệnh viện Quân y 211: Nối thành công bàn chân gần đứt lìa
Sau 8 ngày điều trị tại Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3), sáng 26-11, bàn chân bệnh nhân Nay Kô (SN 1990, trú tại làng Hrai, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã cảm nhận được nóng lạnh, ấm hồng lên và co nhẹ được.
Bác sĩ Bệnh viện 211 kiểm tra lại vết thương cho bệnh nhân Kô sau khi phẫu thuật.
Trước đó vào lúc 23 giờ ngày 18-11, bệnh nhân Nay Kô bị tai nạn nhập viện cấp cứu trong tình trạng đứt gãy, dập nát cẳng xương bên phải (bàn chân phải chỉ còn dính lại với cẳng chân bởi một đoạn da mỏng). Do vết thương dài, rộng, xương bị dập nát nhiều mảnh nên nhiều ý kiến đề nghị phẫu thuật cắt bỏ bàn chân để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau hội chẩn, Ban Giám đốc Bệnh viện quyết định tiến hành phẫu thuật nối lại bàn chân cho người bệnh.
Kíp thực hiện phẫu thuật gồm 8 bác sĩ, kỹ thuật viên do Thượng tá-bác sĩ Trần Xuân Lợi-Chủ nhiệm Khoa Ngoại-Chấn thương chỉnh hình làm trưởng kíp. Sau gần 5 giờ thực hiện, ca phẫu thuật nối lại bàn chân cho bệnh nhân Nay Kô đã thành công.
Theo Baogialai.com.vn
HLV Lee Tae- hoo tiếp tục dẫn dắt HA.GL ở mùa giải mới
Sau 1 tháng nghỉ ngơi, Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) đã hội quân trở lại tại Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng vào chiều 25-11 để chuẩn bị cho mùa giải mới. Trong buổi tập đầu tiên này, huấn luyện viên (HLV) Lee Tae- hoon tiếp tục xuất hiện, trong khi đó nhiều cầu thủ trụ cột khác vắng mặt.
Trước ngày tập trung trở lại, nhiều thông tin cho rằng, rất có thể người dẫn dắt HA.GL ở mùa giải mới sẽ đến từ châu Âu, thế chỗ cho ông Lee Tae- hoon. Tin đồn này là có cơ sở, bởi kết thúc V.League 2019, mặc dù HA.GL cán đích ở vị trí thứ 8 chung cuộc, đây là thành tích tốt nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Thế nhưng, với việc sở hữu hàng loạt tuyển thủ quốc gia trong đội hình, lại phải chờ tới vòng đấu áp chót gặp Câu lạc bộ TP.Hồ Chí Minh đã hết động lực thi đấu, lúc đó thầy trò ông Lee Tae- hoon mới giành được chiến thắng 2-1 để chính thức trụ hạng. Vì vậy, nhiều người hâm mộ trong cả nước chưa thật sự hài lòng cả kết quả lẫn lối chơi của HA.GL trong mùa giải vừa qua.
HLV Lee Tae- hoon (người chỉ tay) hướng dẫn các cầu thủ HA.GL trong buổi tập đầu tiên chuẩn bị cho mùa giải mới.
Tuy nhiên, cuối cùng những đồn đoán trên đã không xảy ra, bởi điều hành đội bóng Phố núi trong buổi tập đầu tiên vẫn chính là người cũ của mùa giải vừa qua. Điều này đồng nghĩa với việc, ông Lee Tae- hoon sẽ tiếp tục gắn bó với HA.GL ít nhất thêm 1 mùa giải nữa.
Vị trí thuyền trưởng là vậy, còn các cầu thủ thì sao? Ở buổi tập này, nhiều cầu thủ trụ cột của HA.GL vắng mặt, đó là trường hợp của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn, hậu vệ Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy. Một thành viên trong Ban huấn luyện HA.GL giải thích: “Đây là những cầu thủ vừa trở về từ đội tuyển Việt Nam thi đấu tại vòng loại thứ 2 bảng G World Cup 2022 khu vực châu Á. Thời gian qua, các em đã cống hiến hết mình ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển, bởi vậy, bây giờ những cầu thủ thuộc diện này cần thêm thời gian nghỉ ngơi bên người thân và gia đình để phục hồi thể lực. Theo kế hoạch, các em sẽ hội quân muộn hơn sau đây khoảng 2 tuần”.
Cũng vì lý do tương tự, 2 cầu thủ của HA.GL vừa bị huấn luyện viên Park Hang-seo gạch tên trước ngày U22 Việt Nam sang Philippines dự SEA Games 30, đó là tiền vệ Phan Thanh Hậu và Dụng Quang Nho cũng được phép tập trung muộn 1 tuần. Trong khi đó, bộ đôi tiền vệ trung tâm Triệu Việt Hưng-Trần Thanh Sơn đang trong chiến dịch “săn vàng” cùng với đội U22 Việt Nam vừa giành chiến thắng đậm đà 6-0 trước Brunei tại bảng B môn bóng đá nam SEA Games năm nay.
Cầu thủ HA.GL tích cực tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới.
Thời gian qua, dư luận cũng bàn tán khá nhiều về tương lai của “Vua phá lưới nội” V.League 2019- tiền đạo Trần Minh Vương sau khi cầu thủ này đăng dòng trạng thái “Dành cả thanh xuân để trụ hạng” trên trang facebook cá nhân của mình. Và mới đây nhất, tiền vệ gốc Thái Bình này đã sang tận Hàn Quốc thăm đồng đội Lương Xuân Trường đang điều trị chấn thương ở đây…
Chưa biết rõ, liệu ở mùa giải mới tới đây anh có xuất ngoại thi đấu hay không nhưng trong buổi tập đầu tiên vừa qua, Minh Vương cười nói rôm rả, đá rất sung, liên tục ghi bàn vào lưới của quân xanh. Có vẻ như cầu thủ 24 tuổi này đã sẵn sàng cho mùa giải mới với đội bóng cũ.
Chuẩn bị cho mùa giải mới, HA.GL đã thanh lý hàng loạt cầu thủ cũ, đó là trung vệ Thân Thắng Toàn, Phạm Hoàng Lâm, Kim Bong- jin, thủ môn Wieger Sietsma, tiền đạo Martins Felipe… Thế chỗ cho những cái tên trên, đội bóng Phố núi đã ký hợp đồng với trung vệ Damir Felipe (mùa qua thi đấu cho Sông Lam Nghệ An) và trung vệ Việt kiều gốc Mỹ Steven Đặng. Đồng thời, đôn 7 gương mặt trẻ từ đội U21 HA.GL lên gồm: trung vệ Cảnh Anh, Trung Kiên, Dương Quân, tiền đạo Tiến Đạt, hậu vệ Văn Nhân, Du Học và tiền vệ Minh Quyền. Tuy nhiên, phải đầu tháng 12 tới, trung vệ Damir Felipe mới có mặt tại Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng.
Dự kiến, trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới, vào cuối tháng 12 tới đây, thầy trò ông Lee Tae- hoon sẽ tham dự giải tập huấn tại TP. Đà Nẵng. Thông qua đây để tiếp tục tuyển chọn ngoại binh, rà soát, hoàn thiện đội hình trước khi bước vào mùa giải 2020.
Theo Baogialai.com.vn
‘Phóng viên’ bị bắt vì tống tiền: Công an Gia Lai cương quyết xử nghiêm
Dũng (bìa trái) và Hoài tại Cơ quan Cảnh sát điều tra
Bị bắt vì tống tiền các chủ lò than, khi làm việc với công an, hai nghi phạm đã trình các giấy tờ, thẻ ‘phóng viên’ đề tên cơ quan chủ quản là Tạp chí Môi trường và Xã hội.
Liên quan đến việc “phóng viên” Nhâm Tiến Dũng (49 tuổi) và “cộng tác viên” Trịnh Thị Hoài (28 tuổi) bị bắt quả tang về hành vi tống tiền, chiều 26.11, trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Phan Thanh Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết quan điểm của cơ quan công an là xử lý nghiêm các hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Thẻ “cộng tác viên” của bà Hoài Ảnh: Công an cung cấp
Đại tá Tám cho biết: “‘Khi bị bắt, ông Dũng, bà Hoài khai là người của cơ quan báo chí và có trình thẻ phóng viên, cộng tác viên đề tên cơ quan chủ quản là Tạp chí Môi trường và Xã hội. Tuy nhiên, từ khi bị bắt quả tang nhận tiền của chủ lò than vào ngày 24.11 đến nay, chưa có ai của tạp chí này vào làm việc với công an”.
Đại tá Phan Thanh Tám khẳng định ông Dũng và bà Hoài vào H.Ia Grai (Gia Lai) đã tìm gặp các chủ lò than xưng là nhà báo, cho rằng các lò than gây ô nhiễm môi trường, xây không đúng quy trình kỹ thuật, uy hiếp các chủ lò than phải đưa tiền, nếu không sẽ viết bài các lò than gây “ô nhiễm môi trường”. Ông Dũng và bà Hoài còn cho biết nếu đưa tiền thì được bỏ qua.
Vào khoảng 8 giờ ngày 24.11, khi ông Dũng và bà Hoài nhận 5 triệu đồng của anh N.T.T. (34 tuổi, trú xã Ia Yok, H.Ia Grai, Gia Lai) tại một quán cà phê ở H.Ia Grai thì bị Công an H.Ia Grai bắt quả tang.
Khi bị bắt giữ, Dũng trình thẻ phóng viên đề tên cơ quan cấp là Tạp chí Môi trường và Xã hội và Hoài trình thẻ cộng tác viên cũng đề tên tạp chí này. Tại cơ quan công an, 2 người này khai nhận đã nhận tiền của 3 người khác, với tổng số tiền chiếm đoạt là 3,1 triệu đồng. Cũng theo Công an tỉnh Gia Lai, từ tháng 10.2019 đến nay, Dũng và Hoài đã tống tiền nhiều người.
Theo Thanhnien.vn
Gia Lai: Nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở thôn Đức Thành (xã Ia Sao, Ia Grai, Gia Lai) phải sống chung với sự ô nhiễm từ trang trại nuôi heo trong khu dân cư.
Nín thở sống qua ngày
Nước phân heo chảy trực tiếp ra bên ngoài môi trường mà không được xử lý.
Theo phản ánh của các hộ dân, tại địa phương có 2 hộ chăn nuôi heo trong khu dân cư là hộ của ông Kiều Ngọc Quỳ và hộ ông Mai Văn Tước (cùng trú tại thôn Đức Thành, xã Ia Sao, Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, 2 hộ chăn nuôi này lại không có phương án bảo vệ môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải, để bay mùi hôi thối, thậm chí xả nước thải và nước phân heo ra xung quanh.
Ông Tô Kim Tuấn (hộ dân có nhà ở cạnh 2 trại chăn nuôi heo) cho biết: Vấn đề này đã xảy ra cả chục năm nhưng vì tình làng nghĩa xóm nên tôi cũng chỉ góp ý, song, tình trạng ô nhiễm này vẫn diễn ra và càng ngày càng nghiêm trọng nên các hộ dân đã làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương can thiệp.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hiệp (thôn Đức Thành, xã Ia Sao, Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là người dân sống cạnh trại chăn nuôi heo bức xúc nói: Mùi hôi thối từ phân heo xuất hiện cả ngày lẫn đêm, khiến chúng tôi không thể tập trung làm việc cũng như sinh hoạt. Nhà tôi buôn bán hàng ăn uống nhưng nhiều khách phản ánh có mùi phân heo sao mà ăn uống gì được, từ đó khách ít dần, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của gia đình tôi.
Bà Lê Thị Chín Thi (hộ dân có nhà ở cạnh trại chăn nuôi heo) cho biết: “Nhiều khi dọn mâm cơm ra thì nghe phải mùi phân heo, cả nhà không ai nuốt nổi cơm. Gia đình tôi có 2 con nhỏ (có cháu chỉ mới hơn 1 tuổi) nên cũng rất lo lắng vì cháu ngửi mùi ô nhiễm dẫn đến bị đau ốm, chúng tôi cũng không dám mời khách đến nhà chơi. Tình trạng này kéo dài trong khu dân cư thì làm sao chúng tôi chịu nổi”.
Có mặt ở hiện trường, PV nhận thấy không khí nặng mùi, nước thải, phân heo đều xả trực tiếp ra ngoài và chảy qua vườn nhà của một số hộ lân cận. Theo những người dân tại đây, trước tình trạng trên, 13 hộ dân tại đây đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương để được giải quyết. Tuy nhiên, qua nhiều lần xã, huyện mời các hộ dân lên làm việc, tình trạng ô nhiễm vẫn còn tồn tại.
Nhiều lần hòa giải…
Các hộ dân trong buổi làm việc ngày 23/4 tại UBND xã Ia Sao, Ia Grai, Gia Lai.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng – quyền Chủ tịch UBND xã Ia Sao, TP Pleiku, Gia Lai cho biết: Về vấn đề này đã giao cho bà Nguyễn Thị Kim Loan (Địa chính nông nghiệp môi trường xã Ia Sao) giải quyết. Bà Loan cho biết: Xã đã đến 2 hộ dân nuôi heo để làm việc. Cụ thể, hộ vợ chồng ông Mai Văn Tước, bà Lê Thị Tuyết nuôi 8 con heo nái ở 2 nơi (hẻm 400 đường Trường Sơn, thôn Đức Thành và ở đường liên xã), diện tích nuôi khoảng 50m2. Hộ ông Kiều Ngọc Quỳ nuôi 50 con heo gồm heo nái và heo thịt với diện tích 1.000m2. Về hiện trạng nuôi heo của 2 hộ đều chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo Biên bản làm việc ngày 27/3/2019 tại UBND xã Ia Sao, hộ ông Kiều Ngọc Quỳ trình bày: Gia đình đã chăn nuôi gần 20 năm này và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông, hiện ông không có khả năng để di dời cơ sở chăn nuôi nên cam kết sẽ giảm số lượng heo và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế mùi hôi và nước xả thải chảy tràn ra khu vực xung quanh. Xã đã hướng dẫn, đưa ra giải pháp cho 2 hộ chăn nuôi thực hiện giảm, đào hầm bioga, làm đề án bảo vệ môi trường…
Ngày 23/4, một buổi hòa giải lại tiếp tục được diễn ra tại UBND xã Ia Sao. Tại đây, hộ ông Kiều Văn Quỳ và hộ bà Lê Thị Tuyết cam kết sẽ giảm đàn và giảm diện tích nuôi xuống dưới 50m2, đồng thời thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai cho biết sẽ tiến hành giám sát việc chăn nuôi của 2 hộ dân trong 3 tháng và hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong giai đoạn đầu cho 2 hộ chăn nuôi.
…Đâu vẫn hoàn đó
Theo Báo cáo số 506/BC-UBND ngày 4/9 của UBND huyện Ia Grai về kết quả giải quyết kiến nghị 2 hộ chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm môi trường thì tại thời điểm kiểm tra, khu vực chăn nuôi heo của 2 hộ trên có phát sinh mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngày 26/8, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND xã Ia Sao xuống kiểm tra việc chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, 2 hộ trên đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm môi trường.
Cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi của hộ ông Kiều Văn Quỳ.
Báo cáo số 506/BC-UBND ngày 4/9 của UBND huyện Ia Grai về kết quả giải quyết kiến nghị 2 hộ chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm môi trường.Đơn đề nghị giải quyết dứt điểm về việc 2 hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm.
Thế nhưng, đến ngày 22/10, nhiều người dân thôn Đức Thành vẫn phải tiếp tục làm đơn đề nghị chính quyền giải quyết dứt điểm việc 2 hộ dân nuôi heo gây ô nhiễm môi trường. Theo đơn, hộ ông Kiều Ngọc Quỳ và hộ ông Mai Văn Tước vẫn tiếp tục chăn nuôi heo trong khu dân cư, tình trạng bay mùi hôi thối ra xung quanh, xả nước thải và nước phân heo vẫn còn và ở mức độ cao hơn. Người dân đặt câu hỏi về việc có chăng 2 hộ nuôi heo phớt lờ các cam kết, chỉ đạo hay các cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra đến nơi đến chốn dẫn đến sự việc kéo dài?
Có thể thấy, công tác quản lý, xử lý và giải quyết ô nhiễm ở 2 hộ chăn nuôi tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng hơn, đe dọa sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của khu vực, vì vậy cần được xử lý triệt để.Kỳ sau: Người dân bức xúc mời lãnh đạo tỉnh Gia Lai trực tiếp đến hiện trường chứng kiến và yêu cầu xử lý những cán bộ có dấu hiệu bao che để ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.