Bài viếtNỔI BẬT
Chiều 21-11, Công an TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đang lập hồ sơ xử lý 21 đối tượng nam, nữ sử dụng trái phép chất ma túy trong quán karaoke.
Trước đó, khoảng 9 giờ 30 phút sáng 15-11, các lực lượng của Công an TP. Pleiku đã tiến hành kiểm tra hành chính quán karaoke Fly Galaxy ở địa chỉ số 23 đường Nguyễn Viết Xuân, thuộc tổ 1, phường Hội Phú, TP. Pleiku. Lúc này tại quán đang có hàng chục thanh niên tụ tập có dấu hiệu sử dụng ma túy trái phép.

Qua kiểm tra, Công an TP. Pleiku phát hiện 11 nam và 10 nữ ở 2 phòng hát của quán này dương tính với chất ma túy. Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng khai nhận đã mang ma túy dạng khay, thuốc lắc vào quán karaoke Fly Galaxy để cùng nhau sử dụng.
Trong một diễn biến khác, khoảng 17giờ 30 ngày 14-11, tại quán Karaoke VIP 81 tại thôn Phú An, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, Công an huyện Chư Pưh kiểm tra và phát hiện 10 trường hợp có nghi vấn sử dụng ma túy. Qua kiểm tra nhanh có 9 trường hợp dương tính với ma tuý. Ngoài ra, tại phòng hát, cơ quan Công an thu giữ 2 gói ma túy đá và một số tang vật khác.
Theo Baogialai.com.vn
Ia Grai: Dân bức xúc vì cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm
Bức xúc trước việc lò sấy cà phê của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai (làng Klah 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) và cơ sở thu mua-kinh doanh-chế biến cà phê Nho Thụy (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) xả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, nhiều hộ dân sống gần những nơi này đã phản ánh đến các cơ quan chức năng.
Khó thở vì khói, bụi
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai lại tập kết cà phê về kho chứa ở làng Klah 2 để phơi, sấy khô. Mỗi lần Công ty vận hành lò sấy cà phê thì khói, bụi lại bay ra mù mịt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Ông Rơ Cơm Dar (làng Klah 2) bức xúc nói: “Nhà tôi nằm gần kho chứa và lò sấy của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai. Hàng ngày, khói, bụi từ đó cứ bay về nhà tôi. Họ xả nhiều khói nhất là khoảng từ 17 giờ đến 22 giờ. Khói đen dày đặc bay khắp nơi khiến mọi người khó thở vô cùng. Con cháu tôi thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên và mất ngủ. Chúng tôi tìm mọi cách rồi nhưng không thể nào hạn chế được mùi khói, chỉ còn cách bán nhà đi nơi khác ở thì may ra. Nhưng có bán cũng không ai mua vì môi trường ô nhiễm quá.
Mấy đứa con tôi qua nói với Công ty miết nhưng chẳng thay đổi được gì”. Còn ông Puih Khí (cùng làng) cho biết: “Khói, bụi khiến mọi người rất khó chịu, đêm không ngủ được. Cây cối cũng hư hết. Rẫy cà phê của mình ở gần lò sấy, lá bị bám đầy bụi và khô quắt, quả không đậu được. Cứ đến tháng 3 hàng năm là cây cối trong vườn phủ kín bụi, chỉ có tưới nước mới sạch thôi”.
![]() |
Khu vực phía sau lò sấy cà phê của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai. |
Khói, bụi từ lò sấy của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân làng Klah 1 ở phía đối diện. “Khi gió thổi qua đây thì chúng tôi lãnh đủ. Nếu giếng và ca uống nước không đậy kín, chỉ cần một lúc là bụi phủ kín trên mặt. Khoảng 5 giờ chiều là khói đen phủ quanh làng. Dân làng lo lắng cho sức khỏe lắm”-anh Ksor Dum (làng Klah 1) cho hay.
Tương tự, nhiều hộ dân tại tổ 7 (thị trấn Ia Kha) cũng bất bình trước việc cơ sở thu mua-kinh doanh-chế biến cà phê Nho Thụy thường xuyên xay xát cà phê gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Nhiều hộ đã kiến nghị UBND huyện Ia Grai có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên. Năm 2018, UBND huyện đã kiểm tra, xử phạt cơ sở này vì gây ô nhiễm môi trường khu dân cư nhưng rồi đâu lại hoàn đấy.
Sẽ kiểm tra, xử lý nếu vi phạm
Trưa 19-11, chúng tôi đã có mặt tại khu vực gần lò sấy của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai để tìm hiểu thực tế. Thời điểm đó, lò sấy đang hoạt động, khói đen thoát ra phía sau qua ô cửa sổ dãy nhà đặt máy sấy. Khói từ lò sấy bị gió thổi khắp nơi gây cảm giác khó chịu.
Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Anh Khải-Giám đốc Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai-cho biết: “Chúng tôi có sấy cà phê tươi bằng nguyên liệu là vỏ trấu chứ không phải than đá nên không có nhiều khói. Chúng tôi cũng có béc phun chống bụi. Chỉ hôm nào trời mưa, không khí nặng thì khói không bay thoát được và bị đè xuống, khói sẽ bay là là trên mặt đất. Mưa thì bị thôi chứ nắng ráo là không có gì”.
Về phía địa phương, ông Rơ Châm Tin-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dêr-cho hay: “Tôi chưa nghe dân kiến nghị gì với xã về việc này. Nhưng tôi có nghe nói lại là mới đây, vì khói bay nhiều trên tỉnh lộ 664 đoạn qua địa bàn xã gây che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nên đồng chí Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã đã gọi điện cho anh Khải dừng lò sấy”. Giám đốc Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai xác nhận việc này: “Bữa đó, trời đổi gió đẩy khói về phía trước. Sau khi anh Điệp gọi điện thì mình cho dừng lò sấy”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Sỹ Mởn-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện. Sau khi được cấp trên phê duyệt kế hoạch, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các hộ thực hiện theo cam kết bảo vệ môi trường đã ký trước đó và xử lý nếu có sai phạm. Chúng tôi đang kiểm tra tại cơ sở thu mua-kinh doanh-chế biến cà phê Nho Thụy theo chỉ đạo của UBND huyện.
Theo Baogialai.com.vn
Chư Pah: Khi hợp tác xã “bắt tay” với nông dân
Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã và các địa phương lân cận. Mô hình liên kết này bước đầu đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập.
Cà phê là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Mơ Nông. Do đặc thù của loại cây trồng này là cả năm mới cho thu hoạch một lần nên nhiều hộ gặp khó khăn về vốn để đầu tư cho vườn cây. Bên cạnh đó, khi thu hoạch, nông dân còn hay bị thương lái ép giá, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.
![]() |
Các thành viên Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông trao đổi, lựa chọn vật tư nông nghiệp phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của vườn cây. |
Để tháo gỡ khó khăn này cho người dân, đồng thời tạo vùng nguyên liệu thu mua, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các tổ. Theo đó, HTX đầu tư 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giao cho tổ trưởng, tổ phó quản lý, phân bổ cho các hộ căn cứ theo nhu cầu, chu kỳ sản xuất. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư không lãi suất, HTX còn hỗ trợ máy móc, tư vấn kỹ thuật, tổ chức thu mua nông sản cho các hộ. Theo ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX: “Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Đến nay, mô hình này đã thu hút hơn 600 hộ đăng ký tham gia, địa bàn mở rộng từ xã Ia Mơ Nông đến các xã: Ia Ka, Ia Nhin và thị trấn Ia Ly. Chính vì vậy, HTX đã 3 lần thay đổi vốn điều lệ, số vốn góp của thành viên lần sau tăng hơn lần trước. Nếu nguồn vốn HTX dồi dào hơn, mô hình được mở rộng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả”. Cũng theo ông Thanh, trong năm 2019, HTX còn triển khai xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê từ nguồn vốn tài trợ của Dự án VnSAT với sự tham gia của 3 hộ, diện tích 4,5 ha. Từ thành công của mô hình tưới tiết kiệm nước, hiện đã có trên 200 thành viên đăng ký tham gia.
Là thành viên của HTX Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông, ông Rơ Chăm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) cho biết: “Trước đây, bà con thường gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho vườn cây, mỗi khi đến đợt bỏ phân, phun thuốc là phải đi tìm chỗ vay mượn, lúc được lúc không nên sản lượng cà phê không ổn định. Năm 2018, tôi tham gia tổ liên kết sản xuất, được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp 100 cây sầu riêng giống để trồng xen trong vườn cà phê. Sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu nên không lo bị thương lái ép giá như trước”. Từ thực tế triển khai mô hình liên kết sản xuất qua các tổ, ông Rơ Chăm Hyur cho rằng, về phía người dân có được lợi ích trước tiên là chủ động nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sản xuất, có sổ theo dõi các đợt nhận vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất, đến cuối vụ thu hoạch mới phải thanh toán một lần. Đáng lưu ý, giá thu mua nông sản của HTX luôn bằng và cao hơn thị trường nên không chỉ riêng ông Hyur mà ở làng Kép 1 đã có hơn 40 hộ tham gia mô hình liên kết này.
Không chỉ liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, để tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập xen kẽ trong năm cho người dân, HTX còn liên kết với bà con trồng mới 5.000 cây mãng cầu ta hạt lép, 50 ha đậu phộng… Hợp tác xã hỗ trợ bà con nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và cam kết bao tiêu sản phẩm làm ra.
Theo ông Phạm Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, từ khi thành lập đến nay, hoạt động của HTX bước đầu đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. “Chúng tôi rất ủng hộ phương thức hoạt động lẫn mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX. Mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng mô hình liên kết này đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy phong trào sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương khởi sắc hơn”-ông Châu khẳng định.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Hàng chục ngàn mét vuông rừng bị phá làm nương rẫy
Đồn biên phòng Ia Chía và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai (Gia Lai) phát hiện tổng cộng 9.800 m2 rừng tại tiểu khu 365 và tiểu khu 369 bị phá làm nương rẫy.

Ngày 20.11, ông Phan Trung Tường, Phó chủ tịch UBND H.Ia Grai (Gia Lai), cho biết: “Huyện đang chỉ đạo quyết liệt các ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để người dân lấn chiếm đất rừng ở khu vực biên giới, phá rừng làm nương rẫy”.
Trước đó, Đồn biên phòng Ia Chía, H.Ia Grai có báo cáo về tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn đơn vị quản lý có chiều hướng gia tăng, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa xã Ia O và xã Ia Chía. Qua kiểm tra, Đồn biên phòng Ia Chía và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã phát hiện tổng cộng 9.800 m2 rừng tại tiểu khu 365 và tiểu khu 369 bị phá làm nương rẫy.
Tại hiện trường, gốc các cây rừng bị chặt hạ có đường kính từ 12 – 57 cm, gồm các chủng loại: bằng lăng, bình linh, cám, cầy, thành ngạnh, dầu, mít nài… Rừng bị phá là rừng thường xanh trung bình, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.
Theo Thanhnien.vn
Gia Lai: Phát động lắp đặt thùng phân loại rác thải sinh hoạt
Sáng ngày 20/11, UBND TP.Pleiku cùng phối hợp với UBND phường Hội Thương, tổ chức Lễ phát động triển khai thí điểm lắp đặt thùng rác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Tham dự buổi lễ phát động có Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên; ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Pleiku; ông Nguyễn Đăng Quang – Bí thư Đảng ủy phường Hội Thương; bà Võ Thị Hằng – Chủ tịch UBND phường Hội Thương cùng lãnh đạo các đoàn thể, cán bộ quân – dân chính các tổ dân phố trên bàn phường và hơn 107 hộ dân sinh sống trên đường Hùng Vương.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang được cả thế giới quan tâm. Đối với TP.Pleiku trung bình mỗi ngày, lượng rác thu gom được từ 150 tấn đến 200 tấn. Rác có 2 loại là rác vô cơ và hữu cơ, trong đó rác vô cơ vẫn có thể tái chế, chế biến thành những sản phẩm hữu ích khác.
Để rác trở thành những sản phẩm hữu ích cho xã hội, chúng ta cần có những hành động thiết thực và hành động đó xuất phát từ mỗi người bằng cách phân loại rác ngay từ trong gia đình, trong công sở…
Vì vậy, hôm nay thành phố tổ chức Lễ phát động phong trào, thu gom rác và phân loại rác tại cơ sở. UBND thành phố triển khai thí điểm mô hình này tại đường Hùng Vương, phường Hội Thương từ ngày 20/11 đến ngày 31/12/2019.
Trên cơ sở kết quả đạt được của phường Hội Thương, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng trên phạm vi địa bàn toàn thành phố. Để đạt được kết quả cao, chúng tôi mong rằng bà con nhân dân khối phố, tích cực hưởng ứng và triển khai phố hợp với các cơ quan ban ngành thành phố đúng theo quy trình và hướng dẫn về công tác phân loại rác.
Hiện nay, vấn đề phân loại rác thải vẫn chưa được thực hiện triệt để. Theo khảo sát của Viện, trên toàn địa bàn thành phố vẫn chưa có địa điểm phân loại rác tại nguồn, việc phân loại rác tại nguồn rất quan trọng. Rác thải không chỉ là vô nghĩa mà rác thải có tiếng nói riêng và mang lại kinh tế cho chính mình nếu như chúng ta biết cách biến rác thải thành những thứ có ích.
Hằng ngày, mọi người sử dụng các hoạt động gia đình đưa rác thải vào môi trường, chúng ta nên phân loại thành rác vô cơ, rác hữu cơ. Những loại rác có thể tái chế được chúng ta nên tái chế, từ đó có thể sử dụng những thứ tái chế một cách hiệu quả cho chính bản thân, gia đình cũng như xã hội.
Thông qua buổi Lễ phát động triển khai thí điểm lắp đặt thùng rác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn lần này, tôi mong muốn đây là một khởi đầu cho phong trào vì một Pleiku xanh.

Hôm nay, UBND phường Hội Thương phối hợp với các ban ngành thành phố tổ chức Lễ phát động thí điểm lắp đặt thùng rác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên tuyến đường Hùng Vương (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến ngã ba Diệp Kính) cho 107 hộ gia đình.

Trên địa bàn TP.Pleiku mỗi ngày bình quân thải trên 150 tấn rác, nếu nguồn rác này được phân loại tại cơ sở sẽ tạo ra một nguồn nguyên liệu lớn cho các sản xuất và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường đô thị, bảo vệ sức khỏe con người.

Ngoài các hộ dân trên tuyến đường Hùng Vương, tôi rất mong các cơ quan, đơn vị trường học, doanh nghiệp trên địa bàn phường chủ động tuyên truyền đến toàn thể CBCC, viên chức, người lao động, học sinh để hưởng ứng thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn ở cơ quan, đơn vị.”.

Thông qua lễ phát động hôm nay, gia đình tôi sẽ tích cực phân loại rác thải đúng yêu cầu như: Bỏ rác đúng thùng, đúng nơi và đúng giờ quy định; Tham gia phân loại rác tại gia đình và tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và bạn bè thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn và phong trào chống rác thải nhựa.
Cuối buổi Lễ phát động, đại diện UBND phường Hội Thương cùng đại diện các tổ dân phố và các hộ gia đình trên địa bàn phường cùng ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường trên địa bàn phường Hội Thương.
Theo Moitruongvadothi.vn
TP. Pleiku: Nhà vườn chuẩn bị vụ hoa Tết

Vào thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) tất bật công đoạn làm đất, xuống giống, bón phân, chăm sóc cho hoa vụ Tết.

Theo nhiều nông dân trồng hoa ở Trà Đa, năm nay ít mưa nên thời tiết rất thuận lợi cho bà con làm đất để xuống giống. Ông Nguyễn Văn Phú (thôn 1, xã Trà Đa) cho biết, muốn hoa phát triển tốt thì ngoài yếu tố thời tiết cần phải cung cấp đầy đủ nước, phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, làm giàn chống đổ cho cây… Nhờ đó mà gia đình ông gặt hái được nhiều vụ hoa thành công, ước tính mỗi sào hoa cho thu nhập trung bình từ 12 đến 15 triệu đồng. Riêng vụ năm nay tôi đã xuống giống hơn 1 ha hoa lay ơn.
Theo bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Đa, hoa lay ơn được trồng tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 5 mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hiện trên địa bàn xã bà con đã xuống hơn 16 ha hoa lay ơn. Đây là loại cây trồng triển vọng được UBND xã định hướng chú trọng đầu tư phát triển mở rộng trong thời gian tới.

Vì vậy, xã sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Qua đó góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nói chung và phong trào trồng hoa lay ơn nói riêng để nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Yến, để hoa đạt chất lượng cao, bông to, thân mập cần phải chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ tháng đầu tiên xuống giống. Khi cây cúc còn nhỏ, việc xới đất cũng cần cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Nếu muốn cây cúc có cành mập, hoa to thì không nên bấm ngọn mà tỉa bỏ hết các mầm nhánh phụ mọc từ nách lá, chỉ để lại 1-2 nụ trên thân. Cây hoa được chăm chút cẩn thận cộng thêm thời tiết tốt thì giá sẽ cao hơn. Do đó, từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày ông đều phải thuê từ 2-3 nhân công để chăm sóc hoa với mức 200 ngàn đồng/ngày/người.

Tuy nhiên, với những vườn trồng các loại hoa khác như vạn thọ, thạch thảo, hướng dương… thì thời tiết hiện giờ rất thuận lợi, hoa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Gia đình anh Hoàng Minh Ngọc (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa cho biết, năm nay gia đình ông trồng 25.000 cây hoa lay ơn, 3.000 chậu hoa hồng, 2.500 cây trạng nguyên, hơn 5.000 cát tường, 8.000 ly ly và trên 10.000 chậu hoa cúc. Nhờ cây hoa phát triển tốt nên năm nay chi phí cho vụ hoa Tết này của gia đình ông vì thế cũng được giảm.
“Nhiều năm trở lại đây, việc nắm bắt nhu cầu chơi hoa Tết của người dân tăng cao nên nhiều hộ nông dân ở thành phố Pleiku đã chuyển hướng trồng hoa bán dịp Tết. Song, việc thành hay bại của một vụ hoa không chỉ phụ thuộc vào công chăm sóc mà còn tùy vào thời tiết và thị trường. Năm nào kinh tế khó khăn đồng nghĩa sức mua hoa chơi Tết giảm; thời tiết lại là yếu tố quyết định chất lượng của hoa. Vì vậy, người trồng hoa Tết cần linh hoạt trong tư duy và có kinh nghiệm thì mới có được những vụ hoa thành công”, ông Anh cho biết thêm.
Theo Nongnghiep.vn
Ngày 13/12/2019, đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai
2- Bên có tài sản đấu giá: Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
3- Tài sản đấu giá gồm:
– Quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản khác gắn liền với đất (Tờ bản đồ số 23; thửa số 91, 88) tại thôn Sơn Trang, xã HNol, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, diện tích đất trồng cây lâu năm: 11.106m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số AI 425647 do UBND huyện Đak Đoa cấp ngày 10/4/2007 cho hộ ông Trần Huy Hoài, bà Lê Thị Hương đã được Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai – Chi nhánh huyện Đak Đoa chỉnh lý ngày 25/8/2015 chuyển nhượng cho ông Võ Ngọc Dũng.
– Quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản khác gắn liền với đất (Tờ bản đồ số 23; thửa số 81) tại thôn Sơn Trang, xã HNol, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, diện tích đất trồng cây lâu năm: 10.542m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số AP 945625 do UBND huyện Đak Đoa cấp ngày 13/8/2009 cho hộ ông Trần Huy Hoài, bà Lê Thị Hương đã được Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai – Chi nhánh huyện Đak Đoa chỉnh lý ngày 25/8/2015 chuyển nhượng cho ông Võ Ngọc Dũng.
– Quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản khác gắn liền với đất (Tờ bản đồ số 23; thửa số 93) tại thôn Sơn Trang, xã HNol, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, diện tích đất trồng cây lâu năm: 10.791m2, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số AI 425631 do UBND huyện Đak Đoa cấp ngày 10/4/2007 cho hộ ông Trần Huy Hoài, bà Lê Thị Hương đã được Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai – Chi nhánh huyện Đak Đoa chỉnh lý ngày 25/8/2015 chuyển nhượng cho ông Võ Ngọc Dũng.
Qua kiểm tra thực tế:
*Về hiện trạng các thửa đất số 91, 88, 81, 93 có giới cận như sau:
– Phía Đông giáp đất ông Ánh, ông Tuyền dài 202,6m.
– Phía Tây giáp đường đất dài 225,24m.
– Phía Nam giáp đất ông Diệp dài 163m.
– Phía Bắc giáp đường đất dài 164,67m.
-Về cơ sở vật chất trên tổng diện tích các thửa đất 91,88,81,93:
+ 410 trụ rào cao 1,5m dựng xung quanh diện tích đất của các thửa đất nói trên (trôn độ sâu xuống 30 phân).
-Đánh giá chung: Toàn bộ cây trồng trên các thửa đất nói trên do không có người chăm sóc khoảng 1 năm nay nên cây phát triển trung bình, cỏ dại mọc nhiều.
(Theo biên bản kê biên tài sản được lập ngày 05/7/2019)
A. Về diện tích thửa đất số 91, 88:
– Diện tích đất thực tế trùng với diện tích đất trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất số AI 425647 thuộc tờ bản đồ số 23; thửa số 91, 88 có diện tích 11.106m2;
-Về cơ sở hạ tầng:
+Nhà cấp 4 xây năm 2017 có diện tích 224 m2, mái lợp tole; tường xây gạch tô bên ngoài, bên trong không tô trát; nền đất;
+ Hệ thống cửa: 04 cửa đi; 07 cửa sổ. Đều là khung sắt hộp, không kính.
+ 01 giếng khoan sâu 100m.
+ Hệ thống ống tưới trôn ngầm (không xác định được chủng loại)
+ Hệ thống điện 1 pha (hiện đang sử dụng)
+ 02 giếng thấm phi 1,2m, sâu 8m.
+ 01 giếng đào phi 1,2m, sâu 32m.
– Về cây trồng: 797 cây cà phê Rôbusta trồng năm 2016;10 cây bơ sáp (ghép); 49 cây keo trồng năm 2017.
* Giá khởi điểm là 528.740.693 đồng (Năm trăm hai mươi tám triệu bảy trăm bốn mươi ngàn sáu trăm chín mươi ba đồng)
B. Về diện tích thửa đất số 81:
-Diện tích đất thực tế trùng với diện tích đất trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất AP 945625 thuộc tờ bản đồ số 23; thửa số 81 có diện tích 10.542m2;
-Về cơ sở hạ tầng:
+01 hồ đào lót bạt HDPE có thể tích 1680m3 (42 x 16 x 2,5)
– Về cây trồng: 749 cây cà phê Rôbusta trồng năm 2016; 15 cây bơ sáp (ghép) trồng năm 2017; 03 mít thái trồng năm 2017; 62 cây keo trồng năm 2017.
* Giá khởi điểm là 399.194.918 đồng (Ba trăm chín mươi chín triệu một trăm chín mươi tư ngàn chín trăm mười tám đồng)
C. Về diện tích thửa đất số 93:
– Diện tích đất thực tế giảm so với diện tích theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất AI 425631 thuộc tờ bản đồ số 23; thửa số 93 là 906m2;
– Về cây trồng: 800 cây cà phê Rôbusta trồng năm 2016; 15 cây bơ sáp (ghép) trồng năm 2017; 03 mít thái trồng năm 2017; 51 cây keo trồng năm 2017.
* Giá khởi điểm là 319.797.633 đồng (Ba trăm mười chín triệu bảy trăm chín mươi bảy ngàn sáu trăm ba mươi ba đồng)
Chi tiết theo Biên bản về việc kê biên, xử lý tài sản vào lúc 8 giờ 00 phút ngày 05/7/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đak Đoa.
Tổng giá khởi điểm của tài sản (A (thửa 91,88) + B (thửa số 81) + C (thửa số 93)) là: 1.247.733.244 đồng (Một tỷ hai trăm bốn mươi bảy triệu bảy trăm ba mươi ba ngàn hai trăm bốn mươi bốn đồng).
4- Thời gian, địa điểm xem tài sản: Từ ngày niêm yết thông báo đến 17 giờ ngày 10/12/2019 tại nơi có tài sản đấu giá (theo giờ hành chính).
5- Thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham gia đấu giá: Từ ngày niêm yết thông báo đến 17 giờ ngày 10/12/2019 tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai.
6- Tiền đặt trước và tiền mua hồ sơ: Tiền đặt trước bằng 10% giá khởi điểm nộp trong vòng 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá (trừ trường hợp khách hàng có thoả thuận được nộp trước) vào tài khoản của Trung tâm số 07410 1650 2074 tại Ngân hàng TMCP An Bình CN Gia Lai (Địa chỉ: 95-95B Đinh Tiên Hoàng, Tp. Pleiku). Tiền bán hồ sơ 500.000đồng/hồ sơ đối với tài sản A (thửa 91,88); 200.000 đồng/ hồ sơ đối với tài sản B (thửa số 81) và C (thửa số 93).
7- Thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá: Từ ngày niêm yết thông báo đến 17 giờ ngày 10/12/2019 tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai; Điều kiện: Khách hàng đăng ký tham đấu giá phải nộp đơn đăng ký cho tất cả các thửa đất, không bán riêng lẻ từng thửa đất, tiền mua hồ sơ, tiền đặt trước theo quy định trước thời hạn đăng ký; Cách thức: Nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá cho Trung tâm.
8- Thời gian, địa điểm tổ chức đấu giá: Vào lúc 8 giờ 30 ngày 13/12/2019 tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai.
9- Hình thức: Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá tài sản; Phương thức trả giá lên.
Khách hàng có nhu cầu mua tài sản xin liên hệ với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai Địa chỉ: 46 Lê Thánh Tôn – Pleiku – Gia Lai; ĐT: 02693826628 để đăng ký và biết thêm chi tiết.
Hỗ trợ vốn cho phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp
Có ý tưởng kinh doanh nhưng không có vốn là trở ngại đầu tiên của chị em phụ nữ trên con đường khởi nghiệp. Thông qua vai trò kết nối, hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, nhiều chị em đã được vay vốn để thực hiện các mô hình kinh tế nhỏ nhưng hiệu quả.
Nhiều năm trước, chị Đinh Thị Dại (làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã ấp ủ ý tưởng mở một tiệm tạp hóa nhỏ để phục vụ bà con trong làng. Tuy nhiên, do không có vốn nên chị đành gác lại ước mơ này. Năm 2018, khi Hội LHPN huyện Đak Pơ triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, ý tưởng của chị Dại đã được lựa chọn hỗ trợ để hiện thực hóa. Từ nguồn vốn vay ngân hàng 30 triệu đồng cộng thêm 4 triệu đồng chi hội Phụ nữ làng hỗ trợ, chị Dại đã mở tiệm tạp hóa đầu tiên ở làng Kuk Kôn. Ngoài bán hàng tạp hóa, chị còn mở thêm dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng, cho thuê loa kéo di động phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa-văn nghệ của bà con trong vùng. Nhờ biết tính toán hợp lý, nguồn thu nhập từ tiệm tạp hóa và các dịch vụ đi kèm đã giúp chị Dại đảm bảo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Ngoài ra, gia đình chị còn chăn nuôi thêm bò, dê, trồng keo lai để tạo nguồn thu ổn định, tích lũy lâu dài.
![]() |
Tiệm tạp hóa của chị Đinh Thị Dại là mô hình kinh doanh do người dân tộc thiểu số làm chủ đầu tiên ở làng Kuk Kôn (xã An Thành, huyện Đak Pơ) |
Theo bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ, những hội viên có ý tưởng kinh doanh khả thi thì Hội sẽ kết nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ vay vốn triển khai. Năm 2019, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn, tiếp nhận 17 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp. Hội đã lựa chọn ra 1 ý tưởng khả thi tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh và kết nối với ngân hàng hỗ trợ cho 6/10 chị em có ý tưởng khả thi vay vốn khởi nghiệp (50 triệu đồng/ý tưởng). “Nếu như trước đây, hoạt động kinh doanh buôn bán tại các làng chỉ tập trung ở người Kinh thì từ mô hình tiệm tạp hóa của chị Đinh Thị Dại đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong chị em dân tộc thiểu số. Hiện nay, tại xã An Thành đã có 3 mô hình kinh doanh do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ. Tại xã Yang Bắc cũng có 3 mô hình kinh doanh ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu hoạt động có hiệu quả”-bà Thúy thông tin thêm.
Chủ động tạo thêm việc làm, gia tăng lợi nhuận từ cây cà phê là phương thức khởi nghiệp của chị Phạm Thị Tâm (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Nhận thấy nguồn thu từ 2 sào cà phê sụt giảm do giá cả bấp bênh, lại sẵn có kinh nghiệm về rang xay nên chị Tâm quyết định chuyển hướng sang nghề sản xuất cà phê bột nguyên chất tại nhà. Theo tính toán của chị, tùy theo mùa vụ mà sản lượng cà phê tại vườn nhà tầm khoảng 6-8 tấn tươi (xấp xỉ 1,5-2 tấn nhân). Trải qua công đoạn sơ chế, rang xay thì giá bán cà phê bột nguyên chất thành phẩm đạt 100 ngàn đồng/kg, lợi nhuận cũng được cải thiện rõ rệt so với trước. Đến năm 2019, mô hình khởi nghiệp của chị Tâm đã được Hội LHPN xã Trà Đa lựa chọn hỗ trợ vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng. Chị Tâm chia sẻ: “Từ khi được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, tôi có thêm vốn xoay xở thu mua nguyên liệu, chào bán sản phẩm đi nhiều nơi, công việc thuận lợi hơn rất nhiều, có thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Sắp đến, tôi dự tính đầu tư hệ thống máy rang cà phê bằng điện thay thế lò rang bằng củi để giảm bớt nhân công, chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tôi sẽ thuê mặt bằng để trưng bày giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và nhận gia công rang xay cà phê”.
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của chị em, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như tổ chức Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện; diễn đàn Cơ hội ngày trở về; phối hợp tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn và giao lưu các sản phẩm khởi nghiệp; tổ chức tập huấn về các hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành… Thông qua hoạt động phối hợp ủy thác cho vay với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh-cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi khi triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của chị em phụ nữ. Vừa qua, Hội đã tổ chức sơ kết 1 năm triển khai đề án, biểu dương gương phụ nữ khởi nghiệp thành công năm 2018. Đã có 180 ý tưởng của chị em phụ nữ được hỗ trợ vay vốn tín chấp ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống. Không để chị em đơn độc trên con đường khởi nghiệp, Hội đã chủ động làm việc, đề xuất Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ 9 tỷ đồng mỗi năm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vay vốn khởi nghiệp. Đồng thời, Hội triển khai các đợt tập huấn, xây dựng kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng để xúc tiến thương mại. Hiện nay, Hội đang nỗ lực giới thiệu các sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp vào các kênh phân phối, lên kế hoạch xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các nguồn vốn thương mại cho chị em có nhu cầu vốn cao hơn”.
Theo Baogialai.com.vn
Ia Pa: Bản án nghiêm khắc dành cho nhóm đối tượng trộm cắp
Toà án nhân dân huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt đối với 4 bị cáo, gồm Rah Lan Phôr (SN 1988, trú tại Buôn Thăm, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa), Rô Phunh (SN 1978, trú tại Buôn Tông Sê, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa), Mlô Khiêm (SN 1975, trú tại Buôn Trốk, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) và Y Krét A Drơng (SN 1985, trú tại Buôn Lê Đá, xã Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) về tội “Trộm cắp tài sản”.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện, khoảng 15 giờ ngày 21-8-2019, trong lúc ăn nhậu cùng Rah Lan Phôr và Rô Phunh thì Y Krét A Drơng đã rủ Phôr và Phunh đến nhà anh Huỳnh Tấn Vinh(SN 1978 trú tại thôn Quý Đức, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) để trộm cắp bình ác quy. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Y Krét và Phôr đi đến nhà anh Vinh để thăm dò nơi để tài sản, khi đến nơi Y Krét chỉ cho Phôr 2 bình ác quy để trên xe độ chế ở sân trước nhà anh Vinh, tuy nhiên do có người đi qua lại nên cả nhóm ra về.
![]() |
Nhóm 4 đối tượng trộm cắp tài sản tại nhà anh Vinh. |
Đến đêm tối ngày 22-8-2019 do thấy Y Krét A Drơng say rượu không đi được nên Rah Lan Phôr đã rủ Rô Phunh và MLô Khiêm cùng đi đến nhà anh Vinh để trộm cắp 2 bình ắc quy, 1 máy cưa xăng và 1 quạt điện, với tổng giá trị thiệt hại 6.520.000 đồng. Chiều tối ngày hôm sau, Y Krét A Drơng đi đến nhà Rah Lan Phôr thì được Phôr thông báo đã trộm được bình ác quy và chỉ cho Y Krét nơi cất giấu, Y Krét hứa sẽ tìm người tiêu thụ số tài sản mà Phôr vừa trộm được. Đến ngày 24-8-2019 thì cả nhóm bị lực lượng Công an huyện Ia Pa bắt giữ khẩn cấp.
Hành vi của Rah Lan Phôr, Rô Phunh, MLô Khiêm và Y Krét A Drơng đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản. Quá trình điều tra và truy tố 4 đối tượng trên đã thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình. Do đó, Tòa án nhân dân huyện đã tuyên phạt bị cáo Rah Lan Phôr 12 tháng tù; Y Krét A Drơng 11 tháng tù, Rô Phunh 8 tháng tù và Mlô Khiêm 6 tháng tù cùng về tội “Trộm cắp tài sản”.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Báo mới Gia Lai 20/11/2019. Gia Lai: Sắp diễn ra Ngày hội cỏ hồng lần thứ III