Chiều 14/12, Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Chiến và Lê Hữu Thắng về tội trộm cắp tài sản.
Theo tài liệu cơ quan điều tra, trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thạch Hà xảy ra một số vụ mất trộm tài sản. Điển hình vào ngày 12/11, tại nhà ông Nguyễn Huy Danh, ở thị trấn Thạch Hà bị kẻ gian phá cửa đột nhập vào nhà, phá két sắt trộm đi nhiều tài sản, trị giá hàng chục triệu đồng.
Bài viếtNỔI BẬT
Sau một thời gian điều tra, Công an huyện Thạch Hà đã xác định được đối tượng gây ra các vụ trộm cắp tài sản nói trên. Ngày 11/12, Công an huyện Thạch Hà đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Lê Hữu Thắng (SN 1975, ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai; quê ở phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) và Trần Văn Chiến (SN 1972, ở thôn 10, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) khi các đối tượng này đang trên đường đưa tài sản trộm được đi tiêu thụ.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận sau khi bàn bạc và thống nhất với nhau đi trộm tài sản bán lấy tiền tiêu xài, ngày 5/11, Thắng và Chiến cùng nhau bắt xe khách đi từ Gia Lai ra Hà Tĩnh. Khi đến Hà Tĩnh, 2 đối tượng đã sử dụng xe máy mang biển kiểm soát 47D1 – 303.79 đi lang thang trên các trục đường để khảo sát.
Đến địa bàn thị trấn Thạch Hà, phát hiện ngôi nhà cao tầng ven đường không có người ở nhà. Thắng ở ngoài canh chừng và Chiến đi ra phía sau nhà tìm cách phá cửa sổ đột nhập vào nhà. Vào được nhà, Chiến đã phá két sắt lấy tài sản gồm tiền và vàng, sau đó cả 2 lên xe đi bán tài sản rồi ra quốc lộ bắt xe về Gia Lai.
Sau một tuần tiêu xài hết tiền, 2 đối tượng lại tiếp tục bắt xe từ Gia Lai ra Hà Tĩnh thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Với phương thức thủ đoạn đó, từ đầu tháng 11 tới khi bị bắt, 2 đối tượng đã cùng nhau thực hiện trót lọt 3 vụ đột nhập nhà dân, phá két sắt trộm tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng. Hầu hết các vụ trộm cắp tài sản ở địa bàn Hà Tĩnh bọn chúng đều mang vào Quảng Bình để tiêu thụ.
Được biết, đối tượng Trần Văn Thắng đã có tiền án về tội Cướp tài sản. Trần Văn Chiến có 3 tiền án về tội Trộm cắp tài sản, mới ra tù cuối năm 2018. Khi được mãn hạn tù, Chiến không quay về địa phương mà đi lang thang khắp mọi nơi, sống nay đây mai đó và tiếp tục phạm tội.
Hiện Công an huyện Thạch Hà đã thu giữ tang vật gồm tiền, nhẫn vàng, dây chuyền vàng và nhiều tài sản có giá trị; hoàn tất hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Theo : congly
Gia Lai: Gần 100 bác sĩ được đào tạo chuyên đề Tăng huyết áp
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Gia Lai tổ chức khai giảng khóa đào tạo một số bệnh tim mạch thường gặp, chuyên đề Tăng huyết áp cho gần 100 bác sĩ đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn vào ngày 13-12.
Tham dự có giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Mai Xuân Hải- Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Bá Mỹ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và đại diện các bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
![]() |
Gần 100 bác sĩ tham gia khóa đào tạo. |
Tham gia khóa đào tạo, các học viên sẽ được giảng viên truyền đạt các kiến thức về chẩn đoán tăng huyết áp; điều trị và quản lý tăng huyết áp. Sau phần lý thuyết, học viên sẽ có buổi thực hành tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro trong ngày 14-12.
Ngoài chương trình đào tạo, dịp này, Bệnh viện Tim Hà Nội còn kết hợp chuyển giao kỹ thuật siêu âm tim, tạo nhịp tim tạm thời và điện tâm đồ cho Khoa Tim mạch- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Trong ngày 14-12, Bệnh viện Tim Hà Nội phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức khám sàng lọc bệnh tim mạch cho người dân trên địa bàn huyện Kông Chro và khảo sát tại xã Đak Song (huyện Kông Chro)- xã điểm triển khai chuyên đề về tăng huyết áp.
Theo Baogialai.com.vn
Hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả
Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vừa phối hợp với Cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả năm 2019.
![]() |
Các chuyên viên giới thiệu về nhãn hàng Levis. |
80 cán bộ là lực lượng thực thi chống hàng giả thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh và Công an kinh tế tỉnh đã được các chuyên viên của Hiệp hội giới thiệu về cách phân biệt hàng thật, hàng giả của các nhãn hàng thuộc hiệp hội, gồm: Unilever, Nike, Hermes, Masan/Akzo Nobel, Levis, New Era/Super Dry. Mỗi sản phẩm có nhiều tiêu chí để phân biệt hàng thật, hàng giả, như: tem, cấu trúc kỹ thuật, mã số điện tử… vì vậy, các chuyên viên đã giới thiệu, hướng dẫn trực tiếp trên sản phẩm để các lực lượng dễ nhận biết.
Thông qua buổi hội thảo nhằm giúp lực lượng thực thi chống hàng giả nắm rõ các chi tiết trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo Baogialai.com.vn
Hợp tác giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và tỉnh Gia Lai phát triển Khoa học-Công nghệ
Tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Gia Lai phối hợp Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức buổi họp báo về định hướng hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ giữa tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tham dự có đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai.
![]() |
Quang cảnh buổi họp báo. |
Đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tiến sĩ Lê Văn Út-Trưởng phòng Phòng Quản lý Phát triển khoa học và Công nghệ đã trình bày 3 nội dung: đối với các hướng hợp tác đã triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học và đề xuất 1 đề tài và 2 đề tài đã được nghiệm thu; đối với định hướng hợp tác nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, trường đã phân chia nhiệm vụ cho từng đơn vị là khoa Lao động và Công đoàn, Trung tâm An toàn lao động và Công nghệ môi trường, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Tôn Đức Thắng. Đồng thời giới thiệu 7 mô hình sáng chế và phương án thương mại hóa sáng chế.
Tại buổi họp, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã ghi nhận quá trình nỗ lực thực hiện theo thỏa thuận về nội dung Hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Trường Đại học Tôn Đức Thắng cần có những hội thảo tổ chức tại Gia Lai về nghiên cứu khoa học cho các ngành có liên quan, hợp tác nghiên cứu trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh Gia Lai và nghiên cứu đăng ký tham gia nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia về bò Kobe …
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Khởi tố phóng viên tống tiền chủ lò than
Sáng 14-12, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị này đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng đối với Nhâm Tiến Dũng (SN 1970, trú tại thôn 10, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) và Trịnh Thị Hoài (SN 1991, trú tại khối 5, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cả 2 đối tượng hiện là phóng viên và cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Xã hội.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, vào khoảng 12 giờ ngày 23-11, Dũng cùng Hoài đến cơ sở sản xuất than tại huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai của chị N.T.T. Do không gặp được chị T., Dũng đã dùng điện thoại di động liên hệ với chị T. tự xưng là phóng viên báo Môi trường, nói rằng lò than của chị T. gây ô nhiễm môi trường, uy hiếp chị T. phải đưa tiền, nếu không sẽ viết bài phản ánh lên báo để cho các cơ quan chức năng biết.
![]() |
Đối tượng Dũng (phải) và Hoài đã tống tiền nhiều chủ lò than |
Chị T. lo sợ người này viết bài sẽ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên đồng ý đưa cho Dũng số tiền 1 triệu đồng. Đến 14 giờ cùng ngày, Dũng và Hoài tiếp tục đến lò sản xuất than củi của anh N.T.T tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Anh T. không có nhà nên Dũng liên lạc điện thoại cho anh T., nói mình là phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, đồng thời nói lò than của anh T. gây ô nhiễm môi trường, anh T. lo sợ nên đồng ý đưa tiền bồi dưỡng cho Dũng. Khoảng 8 giờ ngày 24-11, tại quán cà phê Muồng thuộc xã Ia Yok, huyện Ia Grai, khi Dũng và Hoài đang nhận số tiền 5 triệu đồng của anh T. thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã cưỡng đoạt tài sản của 6 chủ lò than khác tại huyện Chư Sê và huyện Chư Prông với tổng số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt xác định tới thời điểm hiện tại là 18,3 triệu đồng.
Theo Baogialai.com.vn
Ma túy len lỏi xâm nhập vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai
Thời gian gần đây, tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gây ảnh hưởng đến đời sống nhiều gia đình và làm phức tạp tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trước thực tế đó, lực lượng Công an các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm ngăn chặn tệ nạn này.
Thanh niên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ
Theo thống kê của Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 38 lượt học viên người DTTS được đưa vào đây cai nghiện. Hầu hết trong số này đều rất trẻ. Đây là con số đáng báo động bởi trong năm 2018, chỉ có chưa đầy 20 trường hợp người DTTS vào cơ sở này cai nghiện. Đặc biệt, các học viên đều nhận thức kém về tác hại của ma túy, dẫn đến bị lôi kéo, rủ rê sử dụng rồi rơi vào cảnh nghiện ngập.
K.T. (SN 2001, trú tại làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) là một trong những học viên trẻ nhất tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà, T. dần nhiễm thói ăn chơi đua đòi. Lớn lên một chút, T. bắt đầu theo đám thanh niên lao vào những cuộc nhậu nhẹt rồi dính ma túy đá. “Hôm ấy, bọn em đều say cả. Có một anh trong làng nói “chơi” cái này sướng lắm, lạ lắm nên ai cũng muốn thử. “Chơi” một vài lần rồi bắt đầu thèm, cứ nhậu vào là lại tập trung đi tìm ma túy đá về sử dụng. Lúc ấy, em cũng chỉ nghĩ cứ phê là được chứ không biết tác hại của nó”-T. ngây ngô nói.

T. thừa nhận, để có tiền mua ma túy, em đã phải nhiều lần trộm cắp vặt. Được cha mẹ mua cho chiếc xe máy Honda Winner, T. cũng nhiều lần đem cầm cố để lấy tiền mua ma túy. Gia cảnh khó khăn nhưng cha mẹ T. cũng cắn răng mang tiền đến tiệm cầm đồ để chuộc xe về cho con. Anh trai của T. cho biết: “Trước đây, nó to khỏe lắm, hay giúp cha mẹ làm rẫy. Nhưng từ ngày dính vào ma túy, nó gầy guộc, thức chơi cả đêm rồi hôm sau ngủ từ sáng tới chiều, có đi làm được gì đâu. Cha mẹ và mình cũng nói rất nhiều nhưng nó “chơi” ma túy xong thì ngang lắm, không nghe lời. Hễ la mắng là nó lại bỏ đi, không chịu về nhà. Nay nó đi cai nghiện thì lại mập lên, cũng thấy ngoan, biết thương cha mẹ rồi”.
Cùng cảnh ngộ với K.T., S.T. (SN 1995, trú tại làng Bloi, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cũng tìm đến ma túy sau cuộc nhậu say khướt cùng chúng bạn. Đã có con nhưng S.T. không chí thú làm ăn mà bỏ bê công việc để lao vào cơn say của ma túy đá. Để rồi một ngày, S.T. bị lực lượng Công an bắt giữ, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. “Giờ vào đây, mình nhớ vợ, nhớ con nhiều lắm. Vào đây, mới thấy ma túy đáng sợ thế nào, nhiều người ngáo đá kinh khủng lắm, như bị điên dại. Trước mình không “chơi” là thèm, cứ đi theo nó, nay cai được rồi thấy người khỏe và thoải mái hẳn. Sau này về làng, mình quyết tâm xa rời ma túy để chăm lo làm ăn nuôi vợ, nuôi con”-S.T. giãi bày.
Theo Trung tá Phạm Chính Nghĩa-Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai, trong năm 2019, trên địa bàn nảy sinh tình trạng người DTTS sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Đây là loại ma túy gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh của người sử dụng. Trong một môi trường có tính cộng đồng cao, lại nhận thức chưa thực sự đầy đủ về tác hại của ma túy thì tình trạng này ngày càng lan rộng, diễn biến phức tạp. Các thanh niên người DTTS dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma túy đá bởi loại này sử dụng khá dễ dàng. Từ việc sử dụng, manh nha đã xuất hiện các đối tượng mua ma túy về vừa “chơi”, vừa bán cho các con nghiện tại địa phương để kiếm lời.
Quyết tâm triệt phá tận gốc
Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp trên địa bàn, Công an huyện Ia Grai đã tập trung lực lượng để đấu tranh triệt phá, ngăn chặn. Qua theo dõi, Công an huyện phát hiện đối tượng Ksor Juih (SN 1997, trú tại làng Breng 1, xã Ia Dêr) và Puih Nguên (SN 2000, trú tại làng Brel, xã Ia Dêr) là đầu mối cung cấp ma túy cho các con nghiện trong khu vực. Chúng chọn căn nhà của Juih làm địa điểm vừa bán, vừa tập trung sử dụng ma túy. Sáng 5-11, các trinh sát của Công an huyện đã ập vào bắt quả tang khi 2 đối tượng này đang bán ma túy cho R.L.H. (trú cùng xã), thu giữ tang vật là 4 gói ma túy đá.
Trước đó, vào cuối tháng 5-2019, Công an huyện Ia Grai đã bắt quả tang 5 đối tượng (3 nam, 2 nữ) đang sử dụng ma túy tại một nhà trọ ở làng Dọch Ia Krót, xã Ia Krai. Trong số này có 4 đối tượng là người DTTS trú tại xã Ia Dêr. Đáng nói là 2 đối tượng nữ sử dụng ma túy đều ở độ tuổi vị thành niên. “Xét thấy tính phức tạp của việc thanh niên người DTTS sử dụng ma túy trên địa bàn, Công an huyện đã chú trọng công tác trinh sát nắm tình hình. Khi phát hiện các đối tượng có hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, đơn vị sẽ triệt phá, ngăn chặn tệ nạn ma túy thâm nhập vào cộng đồng người DTTS. Thời gian tới, đơn vị cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tại các địa bàn trọng điểm”-Phó Trưởng Công an huyện Ia Grai nhấn mạnh.
Tại Chư Pah, tháng 6-2019, Đội Cảnh sát Hình sự (Công an huyện) đã phát hiện đối tượng A Tí (SN 1998, trú tại xã Ia Chim, TP. Kon Tum) thường xuyên lui tới khu vực xã Ia Phí. Nhận thấy đối tượng này có nhiều biểu hiện nghi vấn, các trinh sát đã bí mật theo dõi. Đến khoảng 23 giờ 30 phút ngày 13-6, tại nhà của Rơ Châm Nghin (SN 1985, ở làng Jút, xã Ia Phí), Công an huyện đã bắt quả tang A Tí và Nghin cùng Rơ Châm Sun (SN 1997), Rơ Châm Chân (SN 1995), Bùi Văn Bắc (SN 1991, đều trú tại làng Jút, xã Ia Phí), Rơ Châm Khương (SN 1996, trú tại làng Phung, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) đang chuẩn bị các dụng cụ để sử dụng ma túy đá. Tại hiện trường, cơ quan Công an huyện phát hiện và thu giữ 2 gói ni lông bên trong chứa tinh thể màu trắng. Các đối tượng khai nhận đó là ma túy đá mà A Tí đem từ Kon Tum đến nhà Nghin để sử dụng. Qua kiểm tra nhanh, tất cả các đối tượng này đều dương tính với ma túy.
Thiếu tá Dương Văn Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Chư Pah-cho hay: Ở một số địa bàn giáp ranh với tỉnh Kon Tum đã phát sinh tình trạng ma túy len lỏi vào cộng đồng người DTTS. Công an huyện đang triển khai nhiều biện pháp mạnh tay để đấu tranh với loại tội phạm, tệ nạn này, đặc biệt chú trọng đến việc lập hồ sơ cho các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.
Theo Baogialai.com.vn
Hợp tác xã Hoài Trương Chư Sê: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản
Sau hơn 2 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã khẳng định được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản.
Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê được thành lập năm 2017, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Từ năm 2018, HTX bắt đầu có ý tưởng chuyển qua trồng rừng sản xuất và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bà Mai Thị Thủy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HTX-cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tài nguyên rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Sản xuất nông nghiệp theo lối hiện tại để lại nhiều hệ lụy cho nguồn đất, nước, khí hậu… Do vậy, HTX chủ trương phát triển sản xuất hữu cơ dựa trên một số loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Chư Sê. Đây cũng là xu thế phát triển chung của nông nghiệp hiện đại”.
Bắt tay thực hiện ý tưởng này, HTX gặp không ít khó khăn về diện tích đất để xây dựng vùng nguyên liệu và nguồn vốn. Nhiều bài toán được hoạch ra, những để có thể vượt qua khó khăn và đạt mục tiêu như kỳ vọng, HTX buộc phải lựa chọn con đường “lấy ngắn nuôi dài”. “Chúng tôi thuê vườn cao su tái canh của một đơn vị trên địa bàn để đầu tư trồng các loại cây như: gáo vàng, cà phê TR-4, hồ tiêu Sri Lanka, đinh lăng, mắc ca, sầu riêng, mít khổng lồ… Để tạo nguồn thu trong ngắn hạn, HTX đẩy mạnh tận dụng trồng xen một số cây ngắn ngày như: nghệ đỏ, sachi, chanh dây khi vườn cây dài ngày cây chưa khép tán”-bà Thủy cho biết.
![]() |
Thành viên Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê đang ép dầu sachi. |
Để tăng giá trị kinh tế, tạo thế chủ động trong sản xuất, giảm thiểu nguy cơ bị ép giá trong thời kỳ cao điểm thu hoạch mùa vụ, HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, sachi là loại cây trồng đầu tiên được HTX lựa chọn để thực hiện. Bà Thủy cho hay: “Hợp tác xã thu hút được các thành viên có chung chí hướng dựa trên nền tảng sẵn có: người có vùng nguyên liệu, người có cơ sở máy móc và nắm vững kỹ thuật chế biến, người biết xây dựng thương hiệu, hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường… rồi cùng bắt tay tạo thành chuỗi liên kết. Nhờ đó, thời gian qua, trong khi nhiều nơi đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm sachi thì chúng tôi đã tạo dựng được chuỗi trồng-chế biến-tiêu thụ các sản phẩm khá hiệu quả. Hiện HTX đã đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm có giá trị cao như: dầu sachi, hạt sachi rang sấy, trà túi lọc lá sachi… Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 500 kg sản phẩm từ sachi và 100 lít dầu sachi. Tuy còn khiêm tốn nhưng với chúng tôi đó là những trái ngọt sau rất nhiều vất vả, nỗ lực trên hành trình mới”.
Là một trong những thành viên tham gia HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê ngay từ những ngày đầu, anh Trần Anh Đạt (tổ 7, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Gia nhập HTX, tôi trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết, có thể tận dụng ưu thế và hỗ trợ nhau trong suốt chu trình sản xuất. Chúng tôi học được cách tạo nên sức mạnh tập thể, cho ra những sản phẩm có giá trị cao hơn mà nếu làm đơn lẻ khó lòng vươn tới. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay, chúng tôi tin rằng sẽ tạo được nền tảng tốt hơn từ sự liên kết này”. Thực tế, với lợi thế làm chủ được công nghệ ép dầu và có cơ sở ép dầu từ các loại hạt thực vật đang hoạt động khá tốt, anh Đạt đã không ngại ngần đăng ký làm thành viên HTX. Từ việc loay hoay tự tìm khách hàng nhỏ lẻ, anh đã nhận được đơn hàng lớn sau khi đảm đương ép toàn bộ sản phẩm dầu sachi cho HTX, đồng thời tạo động lực nâng cao tay nghề để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm của HTX.
Tương tự, anh Phạm Văn Đồng-chủ trang trại nấm dược liệu hữu cơ tại thôn Bầu Zút (thị trấn Chư Sê) cũng gia nhập HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê và thấy được hiệu quả của việc tham gia chuỗi liên kết. “Khi gia nhập HTX, sản phẩm nấm dược liệu của trang trại được đóng bao bì, thương hiệu của HTX. Hay nói cách khác, mình sẽ “có tên, có tuổi” để bước ra thị trường. Giá trị sản phẩm tất nhiên sẽ tăng lên không ít. Sản phẩm cũng có cơ hội tham gia vào các thị trường khó tính”-anh Đồng chia sẻ.
- Báo mới Gia Lai 13/12/2019. Gia Lai: Phát hiện 15 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm
- Báo mới Gia Lai 12/12/2019. Rực rỡ đồi cỏ hồng ở Gia Lai đẹp như tranh vẽ hút khách đầu đông
Từ số ít thành viên ở huyện Chư Sê, đến nay, HTX đã phát triển lên 18 thành viên. Trong số này có các thành viên ở địa phương khác như Mang Yang, Kbang; sản xuất ở các lĩnh vực khác như trồng, chế biến hạt sachi, mắc ca, dược liệu… Từ đầu năm đến nay, doanh thu của HTX đạt khoảng 300 triệu đồng. Con số này tuy không lớn nhưng đặt trong bối cảnh HTX còn non trẻ thì cũng rất đáng khích lệ. Hiện vùng nguyên liệu của HTX với 34 ha cây trồng ban đầu đang phát triển tốt.
“May mắn là hiện nay, một số nơi HTX đến chào hàng, giới thiệu sản phẩm đều cho phản hồi tích cực. Gần đây nhất, HTX đã đạt chứng nhận VietGAP và ký được hợp đồng phát triển cây dược liệu đương quy, đinh lăng với Công ty cổ phần Dược liệu Gia Định (TP. Hồ Chí Minh). Đây là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thiện chu trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra kế hoạch phát triển mới trong thời gian tới”-bà Thủy chia sẻ thêm.
Theo Baogialai.com.vn