Dùng ô tô vận chuyển hơn 2 tạ pháo từ Kon Tum về Quy Nhơn tiêu thụ, đối tượng Nguyễn Văn Lâm (SN 1989) bị lực lượng CSGT Gia Lai phát hiện, bắt giữ.
Bài viếtNỔI BẬT

Ngày 12/11, Công an huyện Mang Yang cho biết đang tạm giữ Nguyễn Văn Lâm (SN 1989, trú phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) để điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ.
Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 2/11, tại Km 113+500 Quốc lộ 19, thuộc địa phận thôn Phú Danh (xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai), Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 – Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai phát hiện, bắt quả tang trên xe ô tô BKS 77A-109.94 do Lâm điều khiển có chở 100 hộp pháo, trọng lượng 212,8kg.
Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát Giao thông đã bàn giao đối tượng và tang vật cho Công an huyện Mang Yang để xử lý. Tại Cơ quan Công an, Lâm khai nhận đã mua số pháo trên từ Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) với giá 30 triệu đồng, vận chuyển về TP Quy Nhơn để bán.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Mang Yang tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo : infonet
Khởi tố vụ khai thác trái phép 2 cây gỗ hương cổ thụ tại Kbang
Chiều 12-11, trả lời báo chí, Trung tá Trần Khánh Dực-Phó Trưởng Công an huyện Kbang-cho biết: Ngày 16-10 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự số 34/QĐ về vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản phát hiện ngày 25-9-2019 tại lô 2, khoảnh 3, tiểu khu 94 do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) quản lý.
![]() |
Trung tá Trần Khánh Dực-Phó Trưởng Công an huyện Kbang thông tin về vụ việc.Ảnh: Duy Lê |
Trước đó, Báo Gia Lai Điện tử phản ánh: Ngày 19-8-2019, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa có Báo cáo số 39 về việc xin chủ trương cho tận thu 2 cây gỗ hương bị trốc gốc, ngã đổ tự nhiên do mưa bão và bị cháy tại khoảnh 3, tiểu khu 94 thuộc lâm phần của Công ty quản lý. Theo đó, cây thứ nhất có đường kính gốc 92cm, dài 18,5m; cây thứ hai có đường kính gốc 95cm, dài 11m. Tổng khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là trên 16,3m3. Đồng thời, phía Công ty đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chức năng, ban ngành của tỉnh, huyện xem xét và cho tổ chức thu giữ 2 cây gỗ trên để đưa về Công ty bảo quản, chờ xử lý theo quy định.
Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh xác định: 2 cây gỗ hương nói trên bị ngã đổ là do tác động của con người, đây là hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Kbang chỉ đạo Công an huyện, Hạt kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Baogialai.com.vn
Gia Lai: Truy tìm đối tượng hiếp dâm xong bỏ trốn
Sau khi ép một phụ nữ quan hệ tình dục ngoài ý muốn, Kăp Nhật đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 12/11, thông tin từ Công an huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết, đơn vị này đang truy tìm Kpă Nhật (SN 1992, trú Plei Đung, xã Ia Hrú) để điều tra, xác minh một vụ tố cáo hiếp dâm.

Trước đó, vào ngày 25/10, tại thôn Khô Roa, xã Ia Rong huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), một phụ nữ bị Kpă Nhật ép quan hệ tình dục ngoài ý muốn. Sau khi sự việc xảy ra, Kpă Nhật đã bỏ đi khỏi địa phương, hiện nay không rõ tung tích.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, Công an huyện Chư Pưh thông báo đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh Gia Lai và quần chúng nhân dân biết,
Nếu phát hiện đối tượng có nhân thân, lai lịch như trên đề nghị báo ngay về Công an huyện Chư Pưh (địa chỉ thôn Hòa Tín, thị Nhơn Hòa, số điện thoại 02693850115, hoặc liên hệ trực tiếp với điều tra viên Phạm Đức Trọng, số điện thoại 0905882268) để phối hợp giải quyết.
Theo Toquoc.vn
Gia Lai: Đâm chết con nợ, lãnh án 16 năm tù
Hôm qua (11-11), Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Kỳ (SN 1987, trú tại tổ 9, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) 16 năm tù về tội “Giết người”.
Theo hồ sơ của Cơ quan Điều tra, Nguyễn Quốc Kỳ có quen biết với anh Lý Minh Hiền (SN 1972, trú tại phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; tạm trú tại phường Diên Hồng, TP. Pleiku). Tháng 8-2018, anh Hiền nhờ Kỳ tìm chỗ để chơi cá độ bóng đá. Do biết Phạm Anh Tân (SN 1981, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) có mạng cá độ bóng đá nên Kỳ nhờ anh này chuyển cho mình một tài khoản. Sau đó, Kỳ thay đổi mật khẩu truy cập rồi đưa tài khoản này cho anh Hiền chơi cá độ bóng đá được thua bằng tiền, còn Kỳ hưởng tiền hoa hồng. Đến tháng 9-2018, anh Hiền đã nợ 360 triệu đồng tiền cá độ bóng đá. Tân nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng Kỳ và anh Hiền không có tiền trả. Vì vậy, Tân đã khóa tài khoản không cho anh Hiền chơi nữa.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Quốc Kỳ tại phiên tòa. |
Đến ngày 3-3-2019, anh Hiền nói Kỳ tìm chỗ khác để chơi cá độ bóng đá, nếu thua sẽ bán tài sản để trả nợ cho Kỳ. Nghe vậy, Kỳ đến nhà Phạm Đức Phương (thường gọi Phương mát xa, SN 1977, trú tại số 52 đường Wừu, phường Ia Kring, TP. Pleiku) lấy một tài khoản cá độ bóng đá trên mạng. Đồng thời, anh Hiền nhờ Kỳ mượn của Phương 35 triệu đồng. Sau khi nhận tài khoản này, đến ngày 10-3, anh Hiền đã thua nợ 140 triệu đồng. Trong khoảng thời gian này, vợ của Kỳ cũng nói cho chồng biết việc anh Hiền thường xuyên gọi điện, nhắn tin tán tỉnh mình. Vì thế, Kỳ rất bực tức anh Hiền.
Chiều 10-3, Phương nhiều lần gọi điện thoại cho Kỳ để đòi nợ. Kỳ trả lời Phương rằng đang đi đòi nợ anh Hiền nhưng chưa được và hẹn đến tối cùng ngày sẽ trả. Khoảng 21 giờ ngày 10-3, Phương gọi điện thoại cho Kỳ nhưng không liên lạc được nên đã gọi taxi chở mình cùng 2 nam thanh niên tên Trường và Cao (chưa rõ lai lịch) mang theo một can đựng khoảng 3 lít xăng đi từ nhà Phương đến nhà Kỳ (số 90/74/11 đường Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) để đòi nợ. Đến nơi, thấy cửa khóa bên trong, Phương, Trường, Cao xuống xe gọi Kỳ ra mở cửa. Khi không thấy ai trả lời, cả 3 đã nhặt đá ném vào nhà và lấy can nhựa đựng xăng đổ vào trước hiên đe dọa đốt nhà.
Lúc này, trong nhà có chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (SN 1988, là vợ của Kỳ) cùng 4 con nhỏ. Do sợ hãi nên chị Nguyên không mở cửa mà gọi điện báo cho Kỳ biết sự việc. Nghe điện thoại của vợ xong, Kỳ gọi cho anh Hiền để hẹn gặp nói chuyện thì anh Hiền đồng ý và nói rằng mình đang đứng trước cổng Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Kỳ liền đi xe máy đến điểm hẹn rồi gọi cho Phương đến để giải thích việc anh Hiền chưa trả tiền nợ. Thấy nhóm của Phương đi taxi đến, anh Hiền định bỏ chạy. Ngay lập tức, Kỳ dùng tay trái ôm cổ anh Hiền còn tay phải lấy dao lê từ lưng quần ra kề vào hông trái anh này và nói “Tiền của tao đâu? Mày nói với vợ tao cái gì?”. Anh Hiền vùng người định bỏ chạy thì bị Kỳ dùng dao đâm một nhát vào vùng lưng trái. Cố bỏ chạy được khoảng 38 m thì anh Hiền ngã gục trên vỉa hè. Dù được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng sau đó anh Hiền đã tử vong. Biết tin này, sáng 11-3, Kỳ đã đến Công an TP. Pleiku đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Về hành vi đánh bạc của Tân, Phương, Kỳ và hành vi mang xăng đến quậy phá, đe dọa giết người để đòi nợ của Phương, Trường, Cao, Hội đồng xét xử đề nghị Cơ quan Điều tra tiếp tục xác minh và sẽ xử lý ở một vụ án khác.
Theo Baogialai.com.vn
Cà phê “mất mùa, mất giá”, dân mày mò chế biến sản phẩm từ “A đến Z”
Những năm gần đây, bà con nông dân trồng cà phê đều gánh chịu điệp khúc “mất mùa, mất giá”. Chính vì vậy, một số bà con trên địa bàn đã tự mày mò tạo ra những sản phẩm cà phê hữu cơ từ “A đến Z” do chính tay mình làm ra.
Nông dân “chân đất” trồng cà phê từ “A – Z”
Vụ mùa 2018 – 2019 là vụ cà phê “đắng” đối với bà con trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung bởi năng suất, giá thành giảm mạnh…Từ vùng đất “nhất, nhì” thương hiệu cà phê, giờ đây vùng đất đỏ bazan đã dần nhường chỗ ra cho các cây trồng “cứu cánh” khác. Một trong những nguyên nhân chính đó là bị thương lá ép giá khiến danh hiệu “đại ngàn cà phê” dần đi vào ngõ cụt.

Trước những khó khăn về nông sản làm ra bị ép giá nên nhiều bà con đã nghĩ ra cách chế biến cà phê thành bột nguyên chất do chính họ làm ra. Cũng chính nhờ sự đột phá này đã giúp cho bà con nông dân “chân đất” đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ, sống được với cây cà phê.
Anh Trần Xuân Hường (Thôn Văn Mỹ, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) người nông dân “chân đất” mới chỉ học đến lớp 3 nhưng hơn 1 năm nay đang mày mò, nghiên cứu để tạo ra những gói cà phê “sạch”, hữu cơ do chính tay anh trồng và chế biến thành phẩm.

Anh Hường cho hay: “Vườn mình trồng hơn 2ha, mỗi năm năng suất đạt từ 6 – 8 tấn cà phê nhân. Cà phê của tôi là ổn định nhất so với những hộ trong thôn vậy mà mỗi năm cũng lãi được gần 30 triệu đồng không đủ tái đầu tư. Trước thực tế đó, tôi đã quyết định mày mò chăm sóc cà phê của mình theo hướng hữu cơ để tự rang, xay và đóng gói đưa đi bán đến tay người tiêu dùng mà không phải thông qua thương lái nào”.

“Vụ mùa vừa rồi, cà phê rớt giá nên tôi quyết định giữ lại những hạt cà phê để đem đi chế biến. Học hỏi trên mạng, tôi đã làm một cái nhà kính để phơi cà phê, tránh tiếp xúc với khí bụi. Đặc biệt, nhiệt độ trong nhà kính gấp đôi ngoài nên cà phê được phơi nhanh hơn rất nhiều. Sau khi cà phê khô, tôi tiến hành rang và nghiền thành bột…Sau nhiều quá trình nghiên cứu và thử nghiệm giờ đây tôi đã mang 1.000 gói cà phê ra phục vụ cho thị trường và bán cà phê thành phẩm cho rất nhiều các đại lý trong và ngoài tỉnh…”, anh Hường cho hay.
Tương tự, gia đình anh chị Nguyễn Thị Thảo (Tổ dân phố 7, Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã cũng tự mày mò làm nên những gói cà phê nguyên chất phục vụ cho nhiều tỉnh trên cả nước.
Chị Thảo bộc bạch: “Vì đã gắn bó, mưu sinh từ cây cà phê từ nhỏ nên tôi cũng thấu hiểu được khi bà con làm quần quật cả năm trời mà không bán được cà phê…Cùng với niềm đam mê đã thôi thúc tôi mày mò, đầu tư máy móc giúp rang, xay cà phê thành phẩm. Qua đó, những người nông dân có thể tự làm ly cà phê ngon nhất để nhằm phục vụ đến tận tay người tiêu dùng mà không phải thông qua thương lái, công ty nào cả. Đây cũng là cách “tự mình cứu lấy mình”…”.
Khởi nghiệp gặp khó khi…“mù thông tin”

Những người nông dân “một nắng, hai sương” với cây cà phê nhưng vì giá cả thấp nên thay vì bán tươi thì bà con đã biết rang xay thành phẩm để đưa đến người tiêu dùng những ly cà phê ngon nhất. Tuy nhiên, để tạo thành được một gói cà phê bột thì người nông dân mất rất nhiều công đoạn, máy móc, kĩ thuật rang xay…Đặc biệt, là những quy trình ngặt nghèo về kiểm định an toàn thực phẩm, kiến thức thị trường, đặc biệt là đầu ra. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều bà con đang ấp ủ dự định hoặc đã thất bại vì… “mù thông tin”.
Anh Trần Xuân Hường (Thôn Văn Mỹ, xã Ia Bă) cho biết: “Cà phê giá thấp lại bị thương lái ép giá nên chúng tôi phải tự mình cứu lấy mình. Một người nông dân bước chân vào thị trường cà phê bột thì không cạnh tranh được với những hãng cà phê lớn, đặc biệt là tỉnh Gia Lai nơi có rất nhiều công ty, cửa hàng chế biến. Tôi rất mong muốn chính quyền, phòng nông nghiệp sẽ thông báo rộng rãi đến bà con những phương pháp rang xay cà phê, liên kết đầu ra để những sản phẩm của bà con sẽ trực tiếp đến tận tay khách hàng”.

Hiện nay, đồng hành cùng anh Trần Xuân Hường còn có HTX Sản xuất – Nông nghiệp – Dịch vụ Liên kết (thôn Ngai Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Ông Trần Khắc Hà (Giám đốc) cho biết: “HTX có 135 thành viên với tổng diện tích là hơn 210,7 ha cây cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây cà phê mất mùa nên bà con đã rơi vào cảnh đói nghèo, nhiều hộ đã phá cà phê trồng các loại cây khác. Nhằm duy trình cây cà phê thì HTX đã ra đời nhằm liên kết giữa bà con và doanh nghiệp phục vụ phân bón, giống và tìm kiếm những đầu ra triển vọng…”.
“Đặc biệt, với những mô hình đột phá rang xay như của anh Hường đã bước đầu đem lại những thành công nên chúng tôi đã mở rộng mô hình ra các thành viên khác để trở thành một thương hiệu cà phê của vùng đất bazan, giúp bà con phát triển cây cà phê từ bao đời nay”, ông Hà mong muốn.
Ông Nguyễn Phùng Hưng (Phó phòng NN và PTNT huyện Ia Grai) cho biết: “Những năm qua, cà phê mất mùa, mất giá khiến cho đời sống bà con cùng cực, nghèo đói, nhiều hộ còn bị phá sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều hộ mạnh mẽ đầu tư để tiến hành rang xay thành phẩm cà phê bột trực tiếp đưa ra thị trường. Đây là việc là mà chính quyền rất khuyến khích và tạo mọi điều kiện về kiến thức, quy trình thủ tục và tìm những đầu ra triển vọng đưa đến với bà con…”.
Theo Dantri.com.vn
Gia Lai: Sinh viên tình nguyện vì một môi trường xanh
Trường Cao đẳng nghề Gia Lai đã phối hợp với các đoàn xã trên địa bàn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động về công tác vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Được biết, thời gian qua, Đoàn trường Cao đẳng nghề Gia Lai thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên và người dân khu vực biết về tác hại của rác thải, hạn chế sử dụng các chế phẩm từ nhựa dùng một lần và không thải rác thải nhựa ra môi trường; Tổ chức các hoạt động như bóc, xóa quảng cáo rao vặt không đúng quy định; Tuyên truyền vận động người dân bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mới đây nhất, trường Cao đẳng nghề Gia Lai đã phối hợp với Đoàn Thanh niên phường Yên Đỗ (Tp.Pleiku) tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bạn sinh viên cùng người dân địa phương. Theo đó, Trường và Đoàn Thanh niên phường đã huy động được hơn 50 đoàn viên, thanh niên tham gia tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến đường thuộc tổ dân phố 8, 9, phường Yên Đỗ, Tp.Pleiku, Gia Lai.

Ngoài ra, sinh viên nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực, như: tham gia thu gom rác thải ở Chư Đăng Ya; tổ chức chương trình tình nguyện thu gom rác thải tại đồi thông xã Ia Đêr, huyện Ia Grai; tổ chức dọn vệ sinh môi trường, đào hố xử lý rác thải và hỗ trợ làm sân bóng chuyền tại làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai.

Trao đổi với PV, thầy Hồ Đình Lâm – Giáo viên ngành Công tác xã hội, Khoa Nông nghiệp, trường Cao đẳng nghề Gia Lai cho biết: “Hoạt động làm sạch môi trường của Khoa Nông nghiệp, trường Cao đẳng nghề Gia Lai là hoạt động thường xuyên. Chúng tôi hy vọng thông qua những hoạt động của mình sẽ góp phần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường đối với người dân”.
Sắp tới, Trường sẽ phối hợp với xã đoàn xã Gào tổ chức tuyên truyền bảo vệ môi trường tại cộng đồng, nhằm giúp người dân có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường sống.
Theo Moitruongvadothi.vn
Mùa mía đắng!

Vùng chuyên canh mía hàng ngàn héc ta ở phía đông Gia Lai đang đối mặt với một vụ mía đắng khi nắng hạn kéo dài, kéo theo năng suất giảm trầm trọng.
Đã sắp đến kỳ thu hoạch song hàng ngàn héc ta mía của nông dân vùng phía đông Gia Lai như đang… mới trồng. Nhiều ruộng mía xơ xác, cằn cỗi, chỉ có một đoạn thân, còn lại chỉ có lá và lá. Bình thường như các niên vụ trước, thời điểm này mía đã cao 2,5 – 3 m nhưng hiện nhiều ruộng mía chỉ đạt chiều cao trên dưới 1 m và đường kính thân quá nhỏ, ít đốt.
Đối với những diện tích mía mà chân đất không phù hợp, năng suất thấp hơn khoảng 60 tấn/ha và những diện tích dễ bị tác động bởi khô hạn thì chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng sắn, trồng cây ăn trái và một số cây trồng ngắn ngày khác đem lại thu nhập cao hơn
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai
Cánh đồng mía xác xơ biến thành thức ăn cho gia súc, hoặc bị cày bỏ nhằm trồng các loại cây khác là những gì diễn ra ở H.Kbang. Sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài, hàng ngàn héc ta mía không thể phát triển. Mặc cho việc thúc phân ngay sau khi xuất hiện những cơn mưa muộn, cây mía cũng chẳng cao lên được thêm là bao. Một vụ mía thất bát là nhãn tiền, nông dân thiệt hại nhiều tỉ đồng. Ông Nguyễn Hoài Lộc (ở xã Kông Lơng Khơng) chua chát: “4 ha mía lưu gốc của gia đình tôi do bị nắng hạn kéo dài xem như mất trắng. Tiền công, phân bón đầu tư cả trăm triệu vào đây giờ thành công cốc. Cả gia đình trông vào ruộng mía này, vậy mà bây giờ trắng tay”.
Không chỉ mía lưu gốc, nhiều diện tích mía tơ cũng bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Theo nhiều nông dân, niên vụ mía 2019 – 2020 quả là vụ mía đắng đối với họ. Hạn hán xảy ra gay gắt trong thời điểm mía cần nước nhất để sinh trưởng, phát triển. Do vậy, dù sau thời điểm này có mưa nhưng mía không thể gượng nổi, kéo theo thực trạng mất mùa đồng loạt. Theo thống kê, H.Kbang là địa phương có diện tích mía thiệt hại nặng nhất với hơn 6.000 ha, tập trung ở các xã Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông.
Tại các địa phương khác như TX.An Khê và các huyện Đăk Pơ, Kon Chro, tình hình cũng không khá hơn khi hàng ngàn héc ta mía của nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Những địa phương vùng đông Gia Lai này là vùng chuyên canh mía, nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê với trên dưới 20.000 ha. Song, do hạn nặng nên năng suất ước giảm khoảng 50%. Trong đó, có khoảng 10.000 ha mía bị thiệt hại, bị chết hoặc giảm năng suất trầm trọng do mía không ra đốt.
Như các niên vụ trước, mỗi héc ta mía cho năng suất trung bình từ 70 – 100 tấn. Nhưng hiện hàng ngàn héc ta mía chỉ cho năng suất từ 10 – 30 tấn. Có nơi mất trắng. Nhà máy đường An Khê với công suất 18.000 tấn mía cây/ngày, cần khoảng 2 triệu tấn mía cây cho vụ ép. Nhưng với tình hình như nói trên, dự kiến vùng nguyên liệu phía đông chỉ có trên dưới 800.000 tấn mía cây. Hiện nhà máy phải lùi lại ngày vào vụ ép đến tháng 12 thay vì tháng 11 như những năm trước.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn cho các địa phương rà soát, đánh giá lại diện tích mía trên địa bàn tỉnh. Đối với những diện tích mía mà chân đất không phù hợp, năng suất thấp hơn khoảng 60 tấn/ha và những diện tích dễ bị tác động bởi khô hạn thì chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng sắn, trồng cây ăn trái và một số cây trồng ngắn ngày khác đem lại thu nhập cao hơn”.
Theo Thanhnien.vn
Chuyện thường ngày: “Hứng như hứng hoa”
Sau muồng vàng, hoa dã quỳ đang vào mùa rực rỡ. Hình ảnh cả ngọn đồi, con đường hay một vùng rộng lớn chấp chới ánh vàng của hoa trong nắng khiến những tâm hồn yêu thiên nhiên không khỏi xuyến xao. Hàng ngàn du khách từ khắp nơi kéo về nhìn ngắm, chụp ảnh, lưu giữ những hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, vẫn có một số người thiếu ý thức khi vô tư ngắt hoa, bẻ cành làm “đạo cụ”. Nếu có ai nhìn thấy và nhắc nhở nhẹ nhàng thì đổi lại là nụ cười lấy lệ rồi bỏ đi, nặng nề hơn có thể xảy ra cãi vã bởi người bẻ hoa cho rằng: “Hoa nhiều thế này bẻ vài cành thì có ảnh hưởng gì đâu”.
![]() |
Hình ảnh nam thanh niên hái hoa dã quỳ trên đường phượt gây tranh cãi. |
Năm 2016, vào mùa dã quỳ rực rỡ trên cung đường ở A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), một phượt thủ đã hồn nhiên bẻ hoa chất đầy lên xe và không quên chụp ảnh khoe trên mạng xã hội. Rất nhanh chóng, bức ảnh được lan truyền chóng mặt với những lời chỉ trích thậm tệ. Năm 2017, câu chuyện nữ cán bộ ở Bình Thuận bẻ cành mai anh đào bên đường ở Đà Lạt cũng đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Cuối cùng, người trong cuộc phải lên tiếng xin lỗi và mong được bỏ qua. Hình ảnh cô gái trẻ nọ vô tư ôm bó hoa dã quỳ đứng chụp ảnh cạnh bảng có dòng chữ: “Không ngắt hoa bẻ cành. Nếu vi phạm phạt 125.000 đồng/cành” như thách thức cũng nhận rất nhiều “gạch đá”. Gần đây nhất, mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng trong Lễ hội Hoa muồng vàng vừa tổ chức tại huyện Chư Prông, nhiều du khách vẫn vô tư bẻ cành hoa để chụp ảnh và đăng tràn ngập trên mạng xã hội Facebook. Với suy nghĩ hoa dại ven đường không thuộc sở hữu của ai, nhiều người tự cho mình quyền được “phá hoại” và biện minh rằng vì quá yêu loài hoa ấy. Do vậy, khi hoa chưa kịp đến độ tàn thì đã phải rơi vào cảnh xác xơ, tiêu điều.
Bài học không hái hoa bẻ cành nơi công cộng đã được đưa vào chương trình giáo dục bậc mầm non. Trẻ em được dạy dỗ không hái hoa nơi công cộng mà phải nâng niu, chăm sóc để cây cối xanh tốt, làm đẹp cho đời. Quy định không hái hoa, bẻ cành hay giẫm lên thảm cỏ ở những nơi công cộng như vườn hoa, công viên, quảng trường, vườn thú… đã được nêu rất cụ thể tại Điều 49 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; đốt gốc, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.
Dù vậy, việc xử phạt này vẫn chưa được thực hiện nghiêm, vẫn còn du di, người vi phạm vẫn chỉ bị nhắc nhở nên không có tính răn đe. Dân gian có câu “Nâng như nâng trứng/Hứng như hứng hoa”. Vì vậy, để những mùa lễ hội hoa luôn để lại hình ảnh đẹp, những thảm hoa luôn được nâng niu để tươi tốt, khoe sắc cho mọi người cùng được thưởng thức trọn vẹn thì rất cần nâng cao ý thức của mỗi người yêu hoa.
Theo Baogialai.com.vn
XEM THÊM : Báo mới Gia Lai 10/11/2019. Chặn xe khách chở pháo lậu từ Gia Lai về TP.HCM tiêu thụ