Bài viếtNỔI BẬT
Tòa án nhân dân thị xã Ayun Pa, Gia Lai vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trương Thiết (SN 1975, trú tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) 8 năm tù về các tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Ayun Pa: Lãnh án vì tiêu thụ gỗ lậu và sử dụng tài liệu giả
Theo hồ sơ, năm 2009, Thiết và anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1971, trú tại tổ 8, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) góp vốn cùng nhau đứng tên đăng ký thành lập Công ty TNHH Duy Nguyên (địa chỉ số 45 Hàm Nghi, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán gỗ, do Thiết làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty. Đến năm 2012, anh Sơn rút vốn và được Thiết hoàn vốn.
Sau đó, Thiết tiếp tục điều hành Công ty và có thuê một số người làm việc cho mình. Cụ thể, Thiết thuê Lê Viết Thuận (SN 1979, trú tại phường Cheo Reo) làm bảo vệ kho bãi của Công ty tại thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa; thuê Nguyễn Minh Tiến (SN 1992, trú tại phường Cheo Reo), Nguyễn Văn Minh (SN 1994, trú tại phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) và Lê Thanh Dũng (SN 1985, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) để phụ giúp một số việc cho Thiết như lái xe, đo đếm, kiểm tra hàng lâm sản.
Khoảng đầu tháng 3-2018, Thiết có ý định làm nhà ở nên bắt đầu thu mua gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Lúc này, Thiết liên hệ với Tăng Văn Tuấn (SN 1984, trú tại buôn Phu Ma Nher 1, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) để hỏi mua gỗ. Sau đó, Tuấn chở 2 m3 gỗ kháo đến kho bãi và bán cho Thiết. Số gỗ này Tuấn mua của Võ Công Phước (SN 1987, trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa), do Phước khai thác tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 1297, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa.
Sau đó, Thiết tiếp tục mua gỗ khai thác trái phép của những người dân tộc thiểu số không rõ lai lịch. Những người này vận chuyển gỗ nhiều lần bằng xe công nông đến kho bãi của Công ty Duy Nguyên tại thôn Đức Lập để bán cho Thiết. Khi các xe này đến vào ban đêm, Thiết đều nói Thuận mở cửa cho xe vào đổ gỗ còn mình trực tiếp giao dịch và trả tiền cho những người bán gỗ. Sau khi gỗ được đưa vào kho bãi, Tiến và Minh đến đo đếm lại khối lượng để báo cho Thiết. Đến giữa tháng 4-2018, Thiết dừng việc thu mua gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Ngày 25-4-2018, Thiết giao kho bãi cho Thuận trông coi rồi về quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế để giải quyết công việc riêng.
Ngày 3-5-2018, khi Thiết về lại thị xã Ayun Pa thì bị Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an thị xã tiến hành kiểm tra kho bãi của Công ty Duy Nguyên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho bãi có 138 hộp gỗ xẻ gồm các loại: xoan, kháo, dổi với tổng khối lượng hơn 63,5 m3. Tại thời điểm kiểm tra, Thiết không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số gỗ trên nên cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ tang vật để xác minh làm rõ.
Sau khi bị cơ quan chức năng tạm giữ số gỗ không có nguồn gốc hợp pháp trên, Thiết liên hệ với 1 đối tượng tại TP. Hồ Chí Minh mua 1 bộ hồ sơ mua bán lâm sản với giá 50 triệu đồng gồm: 1 hợp đồng kinh tế giữa Công ty cổ phần Xây dựng Mạnh Hùng Cường (địa chỉ số 11A/L3, đường Trung Mỹ Tây, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Duy Nguyên, trong hợp đồng có chữ ký của Giám đốc và con dấu của Công ty Mạnh Hùng Cường thể hiện ở phần bên bán, còn bên mua để trống; 1 hóa đơn giá trị gia tăng ký hiệu HC/15P, số 0000262 ngày 10-4-2018 của Công ty cổ phần Xây dựng Mạnh Hùng Cường và bảng kê lý lịch gỗ kèm theo có xác nhận của Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Thiết ký tên mình và đóng dấu Công ty TNHH Duy Nguyên vào phần bên mua trong hợp đồng kinh tế để hoàn chỉnh hồ sơ. Đến ngày 8-5-2018, Thiết đem bộ hồ sơ này giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa để chứng minh nguồn gốc số gỗ bị các cơ quan chức năng tạm giữ.
Qua điều tra, Công an thị xã Ayun Pa xác định Công ty cổ phần Xây dựng Mạnh Hùng Cường không ký hợp đồng mua bán lâm sản với Công ty TNHH Duy Nguyên; bộ hồ sơ mua bán lâm sản mà Thiết giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa không phải do Công ty cổ phần Xây dựng Mạnh Hùng Cường và Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh phát hành. Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh đã kết luận chữ ký của Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Mạnh Hùng Cường, mẫu dấu của Công ty; chữ ký của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh, mẫu dấu của Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh đăng ký sử dụng thực tế với các chữ ký, mẫu dấu trong hồ sơ do Thiết giao nộp không phù hợp với nhau.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trương Thiết 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và 3 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là 8 năm tù. Đối với các đối tượng Tuấn, Phước, Cơ quan Điều tra sẽ tiến hành xử lý ở một vụ án khác về hành vi khai thác, mua bán lâm sản trái phép.
Theo Baogialai.com.vn
Rừng thông Glar bị “rút ruột”
Thời gian qua, tình trạng xâm hại rừng thông Glar (huyện Đak Đoa, Gia Lai) diễn ra khá phức tạp. Không chỉ ken cây, cạo vỏ, nhiều đối tượng còn bứng gốc, đào trộm cây thông để bán cho những người có nhu cầu làm cây cảnh.
Hàng loạt cây thông bị bứng gốc
Rừng thông Glar có diện tích hơn 500 ha trải rộng trên địa bàn các xã: Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa. Nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm du lịch lý tưởng cho du khách gần xa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rừng thông này bị một số đối tượng “xẻ thịt” bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc đào gốc cây về bán cho những người chơi cây cảnh.
Để tìm hiểu về tình trạng xâm hại rừng thông Glar, mới đây, chúng tôi đã có chuyến thực tế ở khu vực rừng thuộc địa phận xã Glar. Dọc theo những con đường mòn len lỏi sâu vào trong các cánh rừng, chúng tôi phát hiện rất nhiều dấu bánh xe công nông để lại. Chỉ cách đường nhựa liên xã chừng 1 km, nhiều vết tích của việc đào trộm thông bắt đầu hiện ra. Khắp khu vực rộng lớn có hàng chục hố lởm chởm với đường kính khoảng 1,5 m, chiều sâu khoảng 1 m. Tất cả các hố đều còn sót lại những rễ cây thông bị cắt đứt ở nhiều thời điểm khác nhau. Nhiều hố còn bị các đối tượng xóa dấu vết bằng cách chất cành, cây thông vào rồi đốt.
![]() |
Hiện trường nơi một cây thông bị đào trộm |
Ở nhiều hố khác, cành, ngọn thông bị các đối tượng cắt bỏ lại nằm ngổn ngang. Nhiều thân cây thông còn lại tại hiện trường có đường kính 15-20 cm. Tại đây, chúng tôi còn phát hiện một số gốc thông đã bị đào bới, cắt tỉa gọn ghẽ nhưng chưa kịp vận chuyển, có cây đã bị chết khô, gốc rễ trơ trọi giữa cánh rừng. Theo anh T.-người dân làng Dơk Rơng, xã Glar-những cây thông bị bứng đi đều có thế rất đẹp. Khi có khách đặt mua cây thông, các đối tượng tại địa phương sẽ lợi dụng lúc vắng người để đào trộm rồi dùng xe công nông phủ bạt vận chuyển đi. “Tùy theo kích cỡ và khoảng cách mà cây có giá trị khác nhau, trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/cây. Cũng có những cây trị giá đến vài chục triệu đồng”-anh T. cho biết.
Mới phát hiện 1 vụ với 2 đối tượng
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: “Với việc rừng thông bị xâm hại trong thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường thêm kiểm lâm địa bàn, phối hợp với lực lượng tại địa phương để tuần tra, kiểm soát bảo vệ khu rừng thông Glar. Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm phối hợp cùng Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại rừng thông, tiến hành giám định thiệt hại, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố hình sự để răn đe”.
|
Theo Công an huyện Đak Đoa, đơn vị này đang lập hồ sơ để xử lý một nhóm đối tượng có hành vi đào trộm gốc thông ở xã Glar. Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 19-7-2019, tổ công tác của Công an huyện Đak Đoa phối hợp cùng Công an thị trấn Đak Đoa tuần tra kiểm soát trên địa bàn thì phát hiện 2 đối tượng gồm: Sễ (SN 1998) và Rơ Lan Ysi (SN 1992, cùng trú tại làng Bối, xã Glar) đang chở 1 gốc thông còn tươi đường kính khoảng 25 cm, cao 6 m trên xe công nông. Qua kiểm tra, các đối tượng không chứng minh được nguồn gốc cây thông trên. Tổ công tác đã tiến hành đưa tang vật cùng phương tiện và các đối tượng về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận đã đào gốc thông này tại rừng thông thuộc thôn 1 (xã Glar, huyện Đak Đoa) vào khoảng 18 giờ cùng ngày và đang trên đường chở đi bán cho một người tại thị trấn Đak Đoa.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa, đây là vụ đào gốc thông duy nhất mà lực lượng chức năng huyện Đak Đoa phát hiện được đối tượng gây ra để xử lý. Ngoài ra, cũng có một số lần tổ tuần tra phát hiện cây thông bị bứng gốc nhưng các đối tượng chưa kịp vận chuyển đi nên đã tiến hành trồng lại. “Tình trạng này cũng chỉ mới diễn ra thời gian gần đây, Hạt cũng chưa kiểm đếm được là có bao nhiêu gốc thông đã bị đào trộm. Các đối tượng thường lợi dụng khoảng thời gian đêm tối, mưa gió để đào trộm hòng qua mặt lực lượng chức năng”-ông Sơn nói.
Theo Baogialai.com.vn